Tôi trở thành nhà kinh tế học một cách tình cờ, với rất ít đào tạo chính quy và sự khiếm khuyết này khiến tôi nuối tiếc trong nhiều năm (…) Do không được chỉ dạy (trước đó), tôi tự do không chỉ khỏi những gì tôi nên biết, mà còn được tự do khỏi ít nhất một vài định kiến”, Angus Deaton phát biểu tại lễ trao giải Nobel Kinh tế năm 2015 diễn ra vào ngày 10.10.2015 tại Stockholm (Thụy Điển). Chính sự tự do ấy đã khiến nhà kinh tế học người Scotland “bị lôi cuốn từ hết đề tài này đến đề tài khác”.
TIÊU DÙNG, NGHÈO ĐÓI VÀ PHÚC LỢI
Năm 2015, ở tuổi 69, Angus Deaton được trao tặng giải Nobel Kinh tế cho “những phân tích về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi”. Trong đó, những nền tảng khoa học của giải thưởng Nobel Kinh tế trao cho Deaton đến từ ba trụ cột: (1) ước lượng về hệ thống cầu tiêu dùng; (2) tiêu dùng tổng thể và (3) việc sử dụng dữ liệu khảo sát hộ gia đình tại các quốc gia đang phát triển.
Nghiên cứu về tiêu dùng (consumption) là nền tảng của kinh tế học và đồng thời đầu vào quan trọng khi đề cập tới phúc lợi của con người. “Deaton đã đi đầu lĩnh vực này trong suốt sự nghiệp của mình và rất nhiều thứ ông viết ra đã tạo nên sự phát triển và thiết lập ưu tiên trong nghiên cứu”, Timothy Besley, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Trường Kinh tế London (London School of Economics), đánh giá về những đóng góp của Deaton.
Cầu tiêu dùng (consumption demand) luôn là trung tâm trong sự nghiệp của Deaton và cấu thành nền tảng cơ bản trong Luận án Tiến sĩ của ông tại Đại học Cambrige.
Ủy ban Nobel đánh giá nghiên cứu của Deaton “làm sáng tỏ ước lượng về hệ thống cầu” (demand system) – tức nghiên cứu định lượng về lựa chọn tiêu dùng trong rổ nhiều hàng hóa khác nhau để đạt mức độ th mãn nhất định. Hệ thống Cầu Gần như Hoàn hảo (Almost Ideal Demand System) mà Deaton và John Muellbauer xây dựng 35 năm trước vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay trong học thuật lẫn đánh giá chính sách thực tiễn. Dù mới chỉ “gần như hoàn hảo” như tên gọi, nhưng mô hình AIDS “đã cung cấp một bức tranh đầy đủ và gần với hiện thực hơn những nỗ lực trước đó”, Peter Walker từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét.
Bên cạnh đó, nghiên cứu về tiêu dùng tổng thể (aggregate consumption) của Deaton làm nên cách mạng của kinh tế học vi mô trong nghiên cứu tiêu dùng và tiết kiệm.
Ở cột trụ thứ ba, Deaton đi đầu trong việc thiết kế, sử dụng và phân tích dữ liệu khảo sát hộ gia đình ở các nước đang phát triển, đặc biệt về dữ liệu tiêu dùng để đo lường mức sống và nghèo đói. “Analysis of Household Survey” cùng với “Designing Household Survey” (gồm có ba tập) đã trở thành tài liệu kỹ thuật kinh điển trong thiết kế và phân tích dữ liệu về đói nghèo.
Ủy ban Nobel cho rằng: “Deaton đã giúp chuyển đổi Kinh tế Phát triển (Development Economics) - từ một lĩnh vực về mặt lý thuyết chủ yếu dựa vào dữ liệu vĩ mô thô sơ, sang một lĩnh vực bị chi phối bởi nghiên cứu thực nghiệm dựa trên dữ liệu vi mô chất lượng cao. Deaton đã cho thấy giá trị sử dụng dữ liệu tiêu dùng và chi tiêu để phân tích phúc lợi của người nghèo và xác định những thiếu sót khi so sánh mức sống theo thời gian và địa điểm”.
Trong những năm 1980 và 1990, Deaton tiếp tục khám phá trong nghiên cứu về tiêu dùng. Ông phân tích tiêu dùng đã thay đổi như thế nào theo thời gian và xây dựng lý thuyết có tên gọi “Deaton Paradox” (Nghịch lý Deaton). Ông rút ra kết luận: Giả thuyết Thu nhập Đều (Permanent Income Hypothesis) mâu thuẫn với kết quả kiểm chứng bằng số liệu từ hành vi tiêu dùng theo chuỗi thời gian.
Những năm 1950 chứng kiến sự phát triển của hai lý thuyết nổi tiếng (Giả thuyết Thu nhập Đều của Milton Friedman và Mô hình Vòng đời của Franco Modigliani) cho thấy tiêu dùng và tiết kiệm phụ thuộc vào sự thay đổi của thu nhập như thế nào. Ý nghĩa cốt lõi của hai lý thuyết này là các cá nhân muốn giảm mức tiêu dùng của họ theo thời gian. Họ tiết kiệm khi thu nhập kỳ vọng trong tương lai giảm xuống và vay mượn trong trường hợp ngược lại. Cả hai lý thuyết này đã đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Tới thập niên 1990, Deaton đã kiểm tra một số kết luận quan trọng được rút ra từ Giả thuyết Thu nhập Đều nói trên. Điều này đã thay đổi góc nhìn cơ bản về sự liên kết giữa lý thuyết và dữ liệu.
Vào thời điểm đó, gần như tất cả các nghiên cứu kinh tế vĩ mô đều dựa trên khái niệm “người tiêu dùng đại diện” (representative consumer), có mức tiêu thụ biến đổi theo mức thu nhập trung bình của xã hội. Với giả định đơn giản hóa này, Deaton đã chứng minh rằng Giả thuyết Thu nhập Đều dự báo rằng tiêu dùng sẽ thay đổi nhiều hơn thu nhập. Một người tiêu dùng đại diện duy lý nên tiêu dùng nhiều hơn ngay cả khi việc gia tăng thu nhập dự kiến trong tương lai còn chưa xảy ra. Điều đó có nghĩa mức tiêu thụ hiện tại sẽ tăng hơn thu nhập hiện tại. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với kết quả dữ liệu tổng hợp của Deaton, trong đó mức tiêu dùng thay đổi ít hơn thu nhập. “Phát hiện của Deaton đặt toàn bộ lý thuyết vào sự nghi ngờ”, Ủy ban Nobel bình luận. Mâu thuẫn rõ ràng này giữa lý thuyết và dữ liệu được gọi là Nghịch lý Deaton.
Ông đồng thời cũng chỉ ra chìa khóa để giải quyết nghịch lý này, đó là nghiên cứu thu nhập và tiêu dùng của các cá nhân – những người có thu nhập biến đổi hoàn toàn khác với thu nhập trung bình. Bằng cách xác định mức tiêu dùng của cá nhân thay đổi theo thu nhập của họ trước khi mức tiêu dùng chung được tổng hợp, các dự báo của lý thuyết gần đúng với kết quả mà chúng ta quan sát từ dữ liệu tổng thể, đặc biệt nếu tính đến các ràng buộc về tài chính của cá nhân khi phải chi trả cho tiêu dùng mong muốn thông qua vay mượn.
Những hiểu biết từ thành quả lao động của Deaton về tiêu dùng và thu nhập ảnh hưởng lâu dài đến việc nghiên cứu kinh tế vĩ mô hiện đại. Các nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô trước đây (từ Keynes trở đi), chỉ dựa vào dữ liệu tổng thể. Ngay cả khi mục đích của họ là tìm hiểu các mối quan hệ ở cấp độ vĩ mô, các nhà nghiên cứu ngày nay thường bắt đầu ở cấp độ cá nhân và hết sức thận trọng sau đó, mới thêm vào các hành vi cá nhân để tính toán ra các con số cho tổng thể nền kinh tế. Cũng trong giai đoạn này, Deaton hướng nhiều hơn về lĩnh vực Kinh tế Phát triển – nghèo đói, bất bình đẳng và phúc lợi xã hội.
VỀ CUỘC ĐÀO THOÁT VĨ ĐẠI
Nhiều người biết đến Angus Deaton, trước khi ông đoạt giải Nobel Kinh tế, thông qua tác phẩm The Great Escape: Health, Wealth, and the Origins of Inequality (tựa tiếng Việt: Cuộc đào thoát vĩ đại: Sức khỏe, Của cải và Nguồn gốc của Bất bình đẳng).
Từ tiêu đề cho đến nội dung xuyên suốt tác phẩm kinh điển này, Deaton đã vận dụng hình ảnh cuộc đào thoát vĩ đại từ bộ phim cùng tên, được dựng từ câu chuyện có thật về những người đàn ông bỏ trốn khỏi một trại tù binh chiến tranh trong Thế chiến II, dựa trên chiến công của Roger Bushell, một người Nam Phi trong Không lực Hoàng gia.
Tương tự câu chuyện lịch sử có thật “hướng tới khát vọng tự do (khỏi ngục tù) ngay cả trong điều kiện ngặt nghèo nhất”, cuốn sách xuất bản năm 2013 của Deaton bàn về “Cuộc đào thoát vĩ đại” của con người khỏi nghèo đói, bệnh tật và khốn khổ.
Đối với Deaton, đó là cuộc đào thoát để hướng đến phúc lợi (well being) – “tất cả những gì tốt đẹp cho một cá nhân”. Và trong cuốn sách trên, ông tập trung chủ yếu vào hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên phúc lợi của một cá nhân: của cải và sức khỏe.
Cùng với những người đào thoát thành công, Deaton dành nhiều không gian cho “những người đã bị cuộc đào thoát vĩ đại bỏ lại phía sau” và sự bất bình đẳng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành viết trong lời giới thiệu phiên bản tiếng Việt của cuốn sách trên (do Vũ Hoàng Linh và Sơn Phạm dịch): “Ý tưởng chính trong tác phẩm này, như Deaton chỉ ra, là nếp suy nghĩ rằng có thu nhập cao hơn sẽ mang tới sức khỏe tốt hơn, rằng xã hội thịnh vượng, giàu có hơn sẽ tự động mang lại tiến bộ nhân văn tốt hơn, chẳng hạn như một xã hội bình đẳng hơn, biết chia sẻ hơn, là một nếp suy nghĩ còn quá thô sơ. Lối suy nghĩ này đã đưa tới một loạt chính sách phát triển gây lãng phí, và nhiều khi làm tổn thương con người và xã hội. Theo tác giả, chính tình trạng sức khỏe là yếu tố đầu tiên tạo ra sự khác biệt giữa các cá nhân về tuổi thọ, trí tuệ và khả năng làm việc, và dẫn tới sự thành công khác nhau ở mỗi cá nhân. Có rất nhiều nguyên nhân chi phối sức khỏe cá nhân, như nguồn gốc gia đình, thu nhập, tri thức, yếu tố bẩm sinh, và môi trường xã hội (yếu tố thể chế). Điều này dẫn tới sự khác nhau (bất bình đẳng) ngày càng xa giữa con người”.
Trong tác phẩm này, Deaton dành nhiều lập luận để phản bác luận điểm phổ biến cho rằng: nghèo đói toàn cầu có thể được loại bỏ bằng cách những người giàu hoặc nước giàu góp tiền nhiều hơn cho người nghèo hoặc nước nghèo. Theo ông, đây là một “ảo tưởng viện trợ”, bởi nó gây trở ngại cho việc cải thiện đời sống người nghèo. Theo quan điểm của Deaton, viện trợ nước ngoài có thể “gây hại” bởi nó khiến cho chính phủ đất nước nhận viện trợ trông chờ nhiều hơn vào các khoản tiền cho từ nước ngoài, hơn là chính người dân trong nước của họ. Hệ quả dẫn đến khế ước xã hội giữa chính phủ và người dân bị xói mòn, làm giảm động lực tăng cường thể chế và loại bỏ các trọng tâm cải cách cho đến phát triển bền vững. Quay lại hình ảnh quan trọng mà Deaton sử dụng trong suốt cuốn sách về sự đào thoát khỏi ngục tù: trong số 250 người đào thoát, chỉ có ba người trốn thoát thành công, tất cả tù nhân còn lại đều bị bắt giữ trở lại và xử tử. Kết quả không mấy thành công này cũng đồng thời truyền tải ngụ ý của tác giả: để những cuộc đào thoát (khỏi đói nghèo, bất bình đẳng) thành công thì những người đã tự do không được chặn lối thoát và những người ở lại cũng phải tự tìm cách thoát ra, học theo cách của những người thành công trước đó và đừng quá trông đợi vào những hỗ trợ vật chất nhất thời.
Nói cách khác, “những người đã thoát khỏi nhà ngục, luôn muốn quay lại cứu những người còn đang bị giam cầm. Nhưng cuộc Đào thoát chỉ có thể thực hiện được khi chính kẻ bị giam cầm mong muốn được thoát ra. Người đã tự do có thể tuồn cho tù nhân một miếng bánh, nhưng là để ăn mà lấy sức trèo tường ra, chứ không phải là ngồi ăn cho qua cơn đói mỗi ngày và thỏa mãn với miếng bánh miễn phí từ người bạn tốt bụng”.
Trước khi viết về cuộc đào thoát vĩ đại cho các đất nước thoát khỏi nghèo đói, bất bình đẳng và hướng đến phúc lợi, Deaton bộc bạch về cuộc đào thoát của ông và gia đình trong phần đầu của cuốn sách.
“Với tôi, việc chuyển từ Edinburgh - nơi có thời tiết ảm đạm, âm u và sầu thảm - tới một làng quê - với rừng, đồi núi, những con suối có cá hồi và bầu trời đầy nắng ấm, trong mùa hè năm 1955 - cũng là một cuộc đào thoát vĩ đại”, Deaton viết.
Những đóng góp lớn lao của Deaton, cho kinh tế học lẫn thực tiễn, khiến ông được mệnh danh là một Nghệ sĩ Đào thoát (Escape Artist). Xuất phát từ một cuộc đào thoát của cá nhân khỏi một nơi có “ánh sáng ban ngày ít ỏi, lạnh lẽo và thường xuyên ẩm ướt”, Deaton giúp làm nên những cuộc đào thoát khác cho những người dân khỏi đói nghèo, bất bình đẳng và hướng đến “tất cả những điều tốt đẹp”.
Tác giả: Vũ Ngọc Tâm
Vũ Ngọc Tâm tốt nghiệp cử nhân loại giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) và chuyên ngành Kinh tế - Quản Lý, Đại học Nice Sophia Antipolis - UNS (Pháp), theo chương trình song bằng FTU - Nice.
Anh nhận bằng Thạc sĩ Tài chính loại giỏi tại trường đại học Paris XI - Paris Saclay (Pháp) và sau đó trở thành kiểm soát viên và kiểm toán viên nội bộ của tập đoàn bất động sản Foncia Group (Pháp) cho đến cuối năm 2017. Ngoài lĩnh vực kinh tế - tài chính, anh còn tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm phụ trách biên tập tại một số chuyên trang tài chính và tạp chí kinh doanh tại Việt Nam.
Anh hiện đang phụ trách vai trò Tổng thư ký toà soạn Tạp chí Nhà Quản Lý (The Manager Magazine) và Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu và Phân tích The Manager Intelligence Unit (MIU).
Tạp chí Nhà Quản Lý