Cơ cấu dân số trẻ cùng tỉ lệ chi tiêu hộ gia đình trong cấu phần GDP luôn duy trì ở mức cao (khoảng 68%) khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Doanh số bán lẻ Việt Nam tiếp tục kéo dài chuỗi tăng trưởng không ngừng ở mức hai chữ số, suốt hai thập kỷ - một thành tích hiếm có ngành kinh tế nào có được. 2019 là một năm đầy ắp các sự kiện quan trọng của ngành bán lẻ, cho thấy xu hướng chuyển dịch đáng chú ý.
1. Các "ông lớn" rời cuộc chơi
Sự kiện đáng chú ý nhất của ngành bán lẻ trong năm 2019 xảy ra vào cuối năm, khi Vingroup tuyên bố nhượng lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ với hơn 2.000 cửa hàng cho Masan, một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, tay chơi lớn trong ngành bán lẻ tiến hành đóng cửa chuỗi siêu thị điện máy VinPro. Theo đó, các cửa hàng Viễn Thông A mà VinPro mua trước đó - dù chưa kịp khoác chiếc áo mới - đã đóng cửa hàng loạt.
Vingroup quyết định rút khỏi mảng bán lẻ trực tiếp và nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “New Retail”. Theo định nghĩa của Vingroup, “New Retail” kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O). Trong lĩnh vực bán lẻ, Vingroup chỉ còn nắm công ty cổ phần VinID và công ty cổ phần VinID Pay. VinID là ứng dụng tổng hợp các dịch vụ, tiện ích trong hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup, bao gồm việc thanh toán điện nước, truyền hình cáp, mua hàng tại hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+...
Ứng dụng ví điện tử VinID Pay được tích hợp tại VinID, kết nối với các ngân hàng để làm nhiệm vụ thanh toán. Adayroi, trang thương mại điện tử của Vingroup cũng dừng hoạt động và được sáp nhập với ứng dụng VinID giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng và tạo ra nền tảng mới cho bán lẻ của tập đoàn này. Sự kết hợp của Adayroi và VinID sẽ xử lý được dữ liệu để dự đoán đúng nhu cầu, đáp ứng chính xác và kịp thời hơn mong muốn của khách hàng theo hướng cá nhân hóa.
Trước đó, Shop&Go, FiviMart, Viễn thông A đã phải rút lui, nhường sân chơi cho chính Vingroup.
“Không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận”, hồi tháng 5.2019, “gã khổng lồ” ngành bán lẻ Pháp Auchan quyết định rút lui khỏi Việt Nam sau bốn năm hoạt động. Saigon Co.op - một doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước đã tiếp quản 15 cửa hàng, 200 nhân viên và 200 nghìn khách hàng thành viên của nhà bán lẻ Pháp tại Việt Nam.
2. Thị trường bán lẻ hấp dẫn các "tay chơi" nước ngoài
Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của các hãng bán lẻ nổi tiếng toàn cầu. Uniqlo nối tiếp Zara, H&M cuối cùng đã có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Gần đây, theo tiết lộ của Savills, hãng bán lẻ đến từ Nhật Bản Muji nổi tiếng với các mặt hàng mỹ phẩm, thiết bị gia dụng… cũng sẽ có mặt tại Việt Nam trong mùa xuân năm 2020.
Sau hơn một tháng khai trương, sức nóng của cửa hàng Uniqlo rộng hơn 3.100 m2 nằm ngay trung tâm Quận 1, TP.HCM vẫn chưa hề hạ nhiệt. Người mua vẫn phải xếp hàng, khoảng 15 phút mới có thể vào trong. Đây là cửa hàng đầu tiên của Uniqlo mở tại Việt Nam, được mở sau một thời gian dài cân nhắc do giá thuê bất động sản tại các khu trung tâm quá đắt đỏ. Tuy nhiên, người Việt, đặc biệt là những cư dân đô thị đã sớm làm quen với nhãn hiệu này từ nhiều năm trước, với những mẫu áo phông, áo giữ nhiệt, áo gió… phổ biến của hãng thời trang đến từ Nhật Bản. Mới đây, hãng thời trang Nhật Bản cũng đã xác nhận việc mở thêm một cửa hàng tại Hà Nội sau khi cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vận hành tương đối thành công.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn lý giải, thời gian qua, Việt Nam thu hút một loạt các hãng thời trang, thương hiệu F&B (dịch vụ ăn uống). Trong đó, ngành F&B đang phát triển mạnh, dẫn đến giá cho thuê mặt bằng bán lẻ Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất khu vực. Hawker Chan (Singapore), Ding Tai Fung (Đài Loan), Greyhound (Thái Lan) và Putien (Trung Quốc)…là các chuỗi F&B đang tìm mặt bằng bán lẻ để mở các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, một báo cáo của Savills tiết lộ. The Coffee Club - chuỗi nhà hàng cà phê đến từ Australia đã mở ba nhà hàng tại trung tâm Quận 1, Quận 2 và Quận 7, TP.HCM. Trải nghiệm mua sắm của người Việt đang dần tương đương với các quốc gia khác trên thế giới, khi các thương hiệu toàn cầu ngày càng trở nên quen thuộc.
3. Công nghệ tham gia vào vận hành bán lẻ
Việc mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ mang đến cho các doanh nghiệp bán lẻ cơ hội chưa từng có, với lượng khách hàng đông đảo và đa dạng, có lợi thế đàm phán với các nhà cung ứng, nhận được tỉ lệ chiết khấu cao… Tuy nhiên, sự đa dạng trong nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, cùng với sự phức tạp trong điều phối chuỗi cung ứng với các điểm bán lẻ ngày càng mở rộng, khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt với bài toán tối đa hoá trải nghiệm khách hàng, đồng thời tối ưu hoá quá trình vận hành của chuỗi, giảm thiểu sai sót, lãng phí, kém hiệu quả. Cạnh tranh giữa các chuỗi bán lẻ không thể luôn được nuôi dưỡng nhờ việc giảm giá, bào mòn biên lợi nhuận.
Các ứng dụng công nghệ đang tham gia ngày càng sâu vào quá trình vận hành bán lẻ nói chung, khi dữ liệu về khách hàng, về hàng hoá, nhà cung ứng,... ngày càng trở nên phức tạp.
Những chiếc camera trong cửa hàng Couple TX tại Quận 7 tiếp tục hoạt động như đã từng suốt thời gian qua. Khách hàng và ngay cả nhân viên bán hàng đều không nhận ra điều đặc biệt bên trong những chiếc camera đó trong vài tuần trở lại đây.
Palexy - công ty chuyên cung cấp những giải pháp đo lường, phân tích dữ liệu khách hàng, đã chính thức hợp tác với Couple TX vào cuối tháng 11 vừa qua. Bằng việc phân tích hình ảnh khách hàng đến cửa hàng qua những chiếc camera được lắp đặt sẵn, Palexy sẽ cho biết những thông tin cơ bản như: độ tuổi, giới tính, thời gian dừng chân tại mỗi kệ sản phẩm, mức độ tương tác của khách hàng và nhân viên bán hàng, tính toán tỉ lệ chuyển đổi - là số lượng người mua hàng trên tổng số lượng khách vào cửa hàng…
Từ những thông tin dường như hỗn độn này, Palexy đưa ra những khuyến nghị về cách sắp đặt sản phẩm trong cửa hàng, nhận ra mặt hàng nào đang hút khách, đồng thời đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing, thể hiện ở việc thu hút thêm khách hàng đến với cửa hàng.
Công nghệ này đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu nhưng lâu nay chưa được các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam thực sự quan tâm. “Tương lai của ngành bán lẻ là tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng, bất kể trên môi trường online hay offline”, ông Thông Đỗ, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Palexy nhận định.
Locus - doanh nghiệp đa quốc gia vừa vào Việt Nam cung cấp các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực bán lẻ và logistics cho biết đã tiếp cận được một loạt khách hàng lớn như Vua Nệm, Giao Hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm... Đại diện Locus lý giải, công nghệ của đơn vị này sẽ ghi nhận thói quen mua hàng, lịch sử vận chuyển phân tích dữ liệu và đưa ra các khuyến cáo trong tương lai về kế hoạch hành trình bán hàng, tồn kho. Locus hỗ trợ tối ưu hóa chuỗi cung ứng tự quản, qua đó giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người.
“Có rất nhiều công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giản dị như chúng tôi, nhưng không có nhiều đối thủ trực tiếp cạnh tranh vì mỗi đơn vị sẽ giải quyết một bài toán khác nhau về vận hành - dù nhỏ”, đại diện Locus cho biết.
4. Hạ tầng bán lẻ phát triển mạnh mẽ
Hệ sinh thái bán lẻ không thể vận hành hiệu quả và phát triển nhanh chóng như ngày nay nếu thiếu sự hỗ trợ của hệ thống các dịch vụ hạ tầng của ngành, bao gồm thanh toán không tiền mặt và hệ thống logistics.
Saigon Co.op - nhà bán lẻ hàng tiêu dùng với 800 siêu thị trên khắp cả nước vừa ký hợp tác để ví điện tử MoMo trở thành kênh thanh toán chính thức của hệ thống siêu thị này. Những ngày đầu đặt vấn đề hợp tác với Saigon Co.op, ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc Ví MoMo thừa nhận vẫn chưa tìm ra câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi thách thức: “Vì sao người tiêu dùng Việt Nam lại cần phải thanh toán di động trong khi thanh toán bằng tiền mặt vẫn tiện lợi?”.
Các ví điện tử ban đầu cũng tiếp cận tương tự cách Visa, MasterCard khoảng 10 năm trước âm thầm thâm nhập thị trường bằng việc đặt biển hiệu ở ngay quầy thanh toán, từng bước tiếp cận thị người tiêu dùng. Ngày nay, Visa và MasterCard thống trị các mạng thanh toán cho các dịch vụ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, thu phí cấp phép từ các nhà bán lẻ và ngân hàng, trong một số trường hợp là người tiêu dùng.
Các hình thức thanh toán không tiền mặt như thẻ ATM, Visa, MasterCard, ví điện tử, tiền di động đang khiến việc thanh toán trong các hình thức bán lẻ trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Cũng chưa bao giờ, thị trường giao nhận hàng hoá phát triển mạnh mẽ như năm vừa qua. Giao Hàng Nhanh, startup chuyên giao hàng với hàng nghìn điểm ký gửi trên khắp cả nước đã chứng tỏ mô hình đúng đắn của mình khi neo vào hệ sinh thái bán lẻ đang ngày càng phát triển. Công ty này vừa nhận 100 triệu USD đầu tư từ Temasek, quỹ đầu tư đến từ Singapore. Các ứng dụng giao hàng quãng ngắn, nội thành cũng phát triển mạnh mẽ như AhaMove, GrabExpress, beExpress, Giao hàng tiết kiệm…
Trải nghiệm mua sắm của người Việt đang dần tương đương với các quốc gia khác trên thế giới, khi các thương hiệu toàn cầu ngày càng trở nên quen thuộc.
5. Hàng xa xỉ không còn là động lực chính của các trung tâm thương mại
Cách đây 10 năm, Vincom Plaza trên phố Bà Triệu (Hà Nội) là biểu tượng của sự sang chảnh với một loạt các nhãn hiệu hàng xa xỉ Hermes, Christian Dior, Hugo Boss, Chopard, Versace, Ralph Lauren, Zegna, Omega, IWC, Montblanc... Ngày nay, khách hàng có thể tới trung tâm thương mại này để ăn lẩu băng chuyền và mua hàng của Bò Sữa - một nhãn hiệu thời trang đường phố cho giới trẻ Việt Nam.
Thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ đang dần giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành thời trang và mỹ phẩm, từng là động lực tăng trưởng chính của các trung tâm thương mại hàng đầu. Bên cạnh ngành giải trí, chăm sóc sức khoẻ,… thì F&B đang hiện diện ngày càng dày đặc tại các mặt bằng bán lẻ đắc địa tại các thành phố.
Mô hình các trung tâm thương mại chỉ để bán các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm đã dần trở nên lỗi thời và không hiệu quả, do không thu hút được khách hàng. Các trung tâm thương mại hiện tại thường tích hợp các điểm vui chơi, giải trí, thời trang và ăn uống, để thu hút khách hàng tại mọi nhu cầu.
“Thị trường bán lẻ TP.HCM đang dịch chuyển dần từ những trung tâm thương mại quy mô nhỏ đến những trung tâm thương mại điểm đến (destination mall) quy mô lớn, tập trung vào đối tượng khách mua trẻ tuổi và mua sắm trải nghiệm”, CBRE nhận định trong báo cáo thị trường Quý IV.2019.
Bài viết: Linh Anh
Ảnh: Bảo Zoãn
Bài viết được đăng tải trong Tạp chí Nhà Quản Lý (phiên bản in) – Diện mạo mới của ngành bán lẻ – Tháng 1.2020