Cuộc cách mạng công nghệ đã quét đi thói quen đọc báo cũ. Đấy là tai ương hay cơ hội cho các tờ báo?
Cho đến những năm 2005-2006, trong các cuộc trao đổi về tương lai của báo in, Tổng biên tập một tờ báo lớn có trụ sở tại TP.HCM vẫn tin tưởng vào vị trí khó lung lay của loại hình này. “Người ta đọc báo sau bữa sáng, bên ly cà phê. Người ta đọc báo cả lúc lên giường, trước khi đi ngủ”, ông nói và bổ sung rằng, báo điện tử sẽ không cho người đọc trải nghiệm tương tự.
Đầu thập niên trước, dù người làm báo in phương Tây bắt đầu thấy rõ hơn viễn cảnh buồn đang tới, tại Việt Nam, không khí vẫn rất vui tươi. Những sự kiện quốc tế như vụ khủng bố 11.9.2001, vụ bắt cóc con tin tại Beslan (Bắc Ossetia) 2004, các tòa soạn báo tăng số lượng in kỷ lục. Tới các kỳ Euro, World Cup, nhiều tờ báo ra tin nhanh. Không khí tại các trụ sở báo vào lúc tờ mờ sáng vô cùng nhộn nhịp với hình ảnh các đại lý tới nhận báo để kịp phân phối lại cho sạp báo ở TP.HCM, Hà Nội và mọi miền đất nước.
Thế nhưng, khi thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba dần khép lại, tình hình trở nên rất khác. Ngày 27.3.2009, tờ báo Mỹ nổi tiếng Christian Science Monitor ra số báo in cuối cùng, một tháng sau khi Rocky Mountain News ngừng phát hành báo giấy. Hơi nóng phả tới Việt Nam. Sau World Cup 2010, hầu như không còn tờ báo in nào phát hành thêm phụ bản tin nhanh thể thao. Cuộc tấn công của báo chí kỹ thuật số mãnh liệt và dồn dập không ngờ. Từ lúc bắt đầu thập niên hiện tại, các tòa soạn báo giấy đối mặt với ít nhất hai bài toán lớn: tái cấu trúc bộ máy như thế nào và doanh thu đến từ đâu?
Cuộc dịch chuyển khó khăn
“Chúng tôi bắt đầu tái cấu trúc lại bộ máy theo hướng ưu tiên số hóa từ thập niên 1990. Quá trình này mất 20 năm. Sự thay đổi là bắt buộc”, ông Bernt Olufsen, Tổng biên tập báo Verdens Gang (VG) tại Na Uy giai đoạn 1994-2011, chia sẻ với Nhà Quản Lý. Từ chỗ toàn bộ nguồn lực dành cho báo in, VG nay chỉ còn năm biên tập viên làm báo in, loại hình được xếp sau cùng trong danh sách ưu tiên của tập đoàn. “Chúng tôi có truyền hình trực tuyến, báo điện tử, các mạng thông tin thời tiết, ẩm thực, thời trang”, ông Olufsen nói và tiết lộ rằng, hoạt động quảng cáo trực tuyến của VG, từ con số 0 vào năm 2006, đến 2018 doanh thu đạt 10 triệu euro.
Mô hình tòa soạn hội tụ tại các quốc gia Bắc Âu được rất nhiều tờ báo Việt Nam tham khảo, trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Giải Phóng… Trong khuôn khổ các khóa huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm, lãnh đạo cấp cao và quản lý cấp trung của nhiều tờ báo Việt Nam đã được tham khảo các mô hình tòa soạn Bắc Âu, chẳng hạn tòa soạn của Aftonbladet (Thụy Điển). “Khi đến tòa soạn VNExpress mới đây, chúng tôi thấy rất quen thuộc. Cách bố trí bàn ghế của họ học hỏi mô hình superdesk”, ông Bernt Olufsen nhận xét.
Superdesk là việc tổ chức tòa soạn hội tụ để phục vụ sản xuất nội dung đa nền tảng. Mô hình này được nhiều tòa soạn ở Bắc Âu áp dụng, đặc biệt là các tờ báo giấy dịch chuyển sang báo điện tử trong các thập niên 1990 và 2000. Xuất phát điểm của các tờ báo giấy như VG hay Aftonbladet là có 100% đội ngũ nhân sự làm báo giấy. Một công thức được các tòa soạn lúc đó đặt ra là: 80-20 hoặc 80-10-10, tức là 80% nhân sự (hoặc rộng hơn là nguồn lực) làm báo giấy, 20% làm điện tử (hoặc 10% làm điện tử, 10% làm chung hai kênh). Con số 80-20 này biến thiên rất nhanh, chẳng hạn với VG hiện nay, tỉ lệ có lẽ là 5-95, tức 95% nguồn lực dành cho các nền tảng kỹ thuật số, như website, ứng dụng di động... Và để tổ chức được hoạt động của bộ máy này, bố trí bàn ghế trong tòa soạn trở nên đặc biệt quan trọng, đấy chính là mô hình superdesk hội tụ nhân sự thuộc các nền tảng báo chí khác nhau.
Nhưng thay đổi không chỉ có nghĩa là sự dịch chuyển vật lý của bàn ghế, chỗ ngồi. Công cuộc tái cấu trúc các tòa soạn ở Việt Nam chậm chạp và khó khăn bởi nhiều lẽ. Do cơ chế đặc thù, các tổng biên tập (hay người có quyết định cao nhất ở tòa báo) thường là quan chức hơn là nhà báo (hoặc doanh nhân, chuyên gia công nghệ) nên việc nhận diện được tính cấp bách của thay đổi là cả một quá trình và việc thực hiện thay đổi hiệu quả đôi khi là chuyện ném đá dò đường. Các tòa báo ở Việt Nam thường có quy mô lớn, với bộ máy cồng kềnh để giải quyết những nhiệm vụ ngoài nội dung và ngoài kinh doanh, thế nên việc dịch chuyển khoảng 400-500 con người, ở những cơ quan như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, từ tư duy làm báo giấy (cho ngày hôm sau) tới tư duy làm báo điện tử (cho người xem tức thời) là một hành trình cam go với nhiều đau đớn. Dù thế, sau khoảng 10 năm nỗ lực đổi thay, các tờ báo từng là báo in lớn đã cho thấy nhiều khác biệt rõ nét. Ở các tòa soạn lớn, người ta đã thấy những phòng ban hoàn toàn mới lạ như phòng truyền hình, ban marketing online, tổ phụ trách mạng xã hội… Toàn bộ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, vốn chỉ quen với tư duy báo giấy, đã được đào tạo kỹ năng báo chí đa phương tiện.
Tòa soạn thay đổi, kinh doanh cũng thay đổi theo. Nhận diện nguồn thu chính đến từ đâu giúp các tờ báo có thể xây dựng những mô hình kinh doanh phù hợp, hiệu quả, lành mạnh và bền vững. Vào thời rực rỡ của báo in, nguồn thu chính ở các tờ báo lớn thường là 50-80% quảng cáo, còn lại đến từ phát hành báo. Khi báo điện tử bành trướng, doanh thu báo in (bao gồm cả quảng cáo lẫn phát hành) sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cho tái cấu trúc bộ máy, phát triển công nghệ tăng cao, các tờ báo rơi vào khó khăn.
Nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến không bù đắp được khoản sụt giảm của báo in, bởi lẽ giờ đây cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn quá khứ rất nhiều. Không chỉ các báo cạnh tranh với nhau mà còn phải chạy đua với các công ty quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội và cả các cá nhân, chẳng hạn những facebooker nổi tiếng. Khó khăn nhưng doanh thu mảng quảng cáo trực tuyến đang dần tăng lên và ở một số tờ báo đã vượt qua mảng báo in.
Trong số các mô hình kinh doanh cơ bản của báo chí truyền thống, thu tiền người đọc (phát hành báo giấy, thu tiền người đọc trực tuyến) là mô hình cơ bản. Tuy nhiên, nếu như mô hình này vận hành hiệu quả trong kỷ nguyên báo giấy, nó đã không có đủ điều kiện để triển khai và hầu như bị bỏ quên tại Việt Nam. Việt Nam Plus là tờ báo đầu tiên thực hiện hình thức lập cổng thu tiền người đọc (paywall) đối với các bài báo độc quyền. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo báo này tiết lộ với Nhà Quản Lý, đến nay nguồn thu vẫn “chưa ăn thua”. Hỏi các lãnh đạo cấp cao một số tờ báo như Lao Động, Người Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ về khả năng thu tiền người đọc trực tuyến, câu trả lời dễ gặp là: không khả thi. Có thể liệt kê một số nguyên nhân được viện dẫn: nạn ăn cắp bản quyền không được kiểm soát, cơ chế đặc thù của Việt Nam khiến báo chí ít độc lập trong nội dung, dân Việt quen đọc báo miễn phí…
“Tôi hoàn toàn chia sẻ những nghi ngại đó. Tôi cũng không phải là chuyên gia về báo chí Việt Nam, nhưng các tòa soạn cần nghiêm túc trả lời câu hỏi, liệu người đọc có chịu mua bài báo của họ hay không và tại sao? Chúng tôi từng trải qua nghi ngại, nhưng câu trả lời cuối cùng đến nay vẫn là: hãy sản xuất những nội dung báo chí tốt nhất, người đọc sẽ trả tiền”, ông Rolf Dyrnes Svendsen - Giám đốc Nxt Media Lab AS (Na Uy), Ủy viên hội đồng của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA) - nói với Tạp chí Nhà Quản Lý.
Lời của ông Svendsen được chứng minh bởi rất nhiều tờ báo tại Na Uy, Thụy Điển và đặc biệt là tại Anh, Mỹ. Chúng ta hãy xét một số ví dụ thành công trong việc triển khai mô hình kinh doanh bạn đọc trả tiền trên nền tảng điện tử, theo tài liệu “Innovation in News Media World Report 2018” (Báo cáo về Đổi mới trong báo chí) do WAN-IFRA phát hành.
Báo Financial Times (FT) triển khai hình thức bạn đọc trả tiền (lập paywall trực tuyến) vào năm 2002. “Người đọc có thể xem miễn phí vài bài báo”, James Mann, Giám đốc kinh doanh toàn cầu mảng doanh nghiệp (B2B) của FT, chia sẻ tại Hội Xuất bản Anh diễn ra ở London vào năm 2017. “Ban đầu họ có thể đọc ba bài miễn phí, sau đó 20 bài, rồi 10, hiện thì người đọc có thể đọc chín bài miễn phí trong thời gian 30 ngày”. Đến đầu năm 2018, số người đăng ký trả tiền trên cả nền tảng trực tuyến và báo in của FT vượt qua 900.000. CEO John Ridding chia sẻ với Tạp chí Fast Company rằng quảng cáo báo in chỉ chiếm 17% doanh thu của FT.
Nguồn thu từ người đăng ký là nguồn ổn định và lành mạnh của New York Times kể từ khi tờ báo này lập paywall trực tuyến vào năm 2011. Tới năm 2017, New York Times có 3,5 triệu người đăng ký, trong đó 2,5 triệu là người đọc online. “Lượng đăng ký tăng đều đặn trong những năm qua. Ban đầu là mức tăng thường niên 10-15%, đến năm 2015 tăng tới 30%. Năm 2016, năm bầu cử, tăng trưởng còn ngoạn mục hơn nữa và điều đó tiếp diễn trong năm 2017”, Clay Fisher, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị và kinh doanh của New York Times, cho biết. Doanh thu từ bán báo và người đọc trực tuyến đạt 740 triệu USD trong chín tháng đầu năm 2017, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. “Chúng tôi tuyên bố chúng tôi là doanh nghiệp bán báo (subscription business)”, ông Fisher nói. “Công việc của chúng tôi là tạo dựng thói quen. Chúng tôi đang cạnh tranh để người đọc dành nhiều thời gian và tâm trí cho chúng tôi. Người đọc càng dành nhiều thời gian trên các nền tảng của chúng tôi, chúng tôi càng thắt chặt quan hệ với họ và qua đó có thể giới thiệu với họ nội dung báo chí chất lượng cao, độc đáo”.
Đối với Washington Post (WaPo), báo chí chất lượng cao đã giúp lượng người đăng ký tăng trưởng ngoạn mục. WaPo lập paywall vào năm 2013. Cơ chế được thiết lập là, sau khi đọc ba bài miễn phí, người đọc sẽ được đề nghị đăng ký trả tiền để đọc thường xuyên, Miki King, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị của WaPo, giải thích. Vào giữa năm 2017, WaPo công bố lượng người đăng ký đọc báo trực tuyến vượt mốc một triệu.
Người đăng ký tăng là kết quả của việc cung cấp nội dung chất lượng cao từ một thương hiệu mạnh. “Đầu tiên và trên hết vẫn là nội dung”, bà King nhấn mạnh. “Nếu chúng ta không có những bài báo khiến người đọc phải thốt lên ‘đây là thứ mà tôi muốn trả tiền để đọc’, vậy thì không triển khai hình thức thu tiền người đăng ký làm gì”. Biểu đồ dưới đây cho thấy tỉ lệ người đọc miễn phí vẫn áp đảo tại hầu hết quốc gia, điều đó có nghĩa là dư địa cho tăng trưởng vẫn rất lớn.
Báo The Guardian triển khai một mô hình khác, đó là kêu gọi sự ủng hộ. Nền tảng online của tờ báo Anh này hoàn toàn miễn phí, nhưng mỗi lần vào website, người đọc đều nhận được thông điệp kêu gọi góp tiền “vì nền báo chí chất lượng cao và không thiên vị”. Kết quả là trong năm 2017, có tới 800.000 người tặng tiền cho The Guardian. “Người đọc đóng góp cho chúng tôi lớn hơn so với quảng cáo”, CEO David Pemsel của The Guardian nói với Tạp chí The Drum. Pemsel tự tin rằng tờ báo gần 200 tuổi của ông sẽ chấm dứt thời kỳ thua lỗ vào tháng 4.2019 (lỗ thường niên năm 2017 là 45 triệu bảng).
“Nguồn thu từ người đọc trả tiền trên website chúng tôi tăng trưởng tốt dù chưa vượt doanh thu quảng cáo. Quan trọng nhất là phải cung cấp nội dung chất lượng cao cho họ”, ông Bernt Olufsen nói và cho biết số người đăng ký đọc trực tuyến VG hiện đạt 162.000 (tỉ lệ khá cao so với dân số 5,3 triệu của Na Uy). “Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn 2019-2020”. Dẫn 12 mô hình kinh doanh báo chí từ nghiên cứu của Juan Senor, diễn giả hàng đầu châu Âu tại các diễn đàn báo chí và là Chủ tịch Innovation Media Consulting Group (Anh), bao gồm (thu tiền người đọc, kêu gọi đóng góp, thu tiền quảng cáo, tổ chức sự kiện, thu thập và bán dữ liệu người dùng…), ông Rolf Dyrnes Svendsen cho rằng “thu tiền người đọc” vẫn là một trong những mô hình bền vững nhất.
Khó có thể nói rằng một mô hình đã thành công ở châu Âu và Mỹ thì sẽ thành công ở Việt Nam nhưng phương cách mà các tòa soạn báo ở phương Tây đã thực hiện rất đáng để tham khảo. Cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt tạo ra cơ hội và thách thức mới. Trong số các thách thức (cũng là cơ hội) chủ yếu, có sự thay đổi hoàn toàn về cách thức người đọc tiếp nhận thông tin. Đổi mới mô hình kinh doanh của các tòa soạn chính là để thích nghi với những thay đổi ấy.
Một khi các tòa soạn báo không thể thu tiền từ người đọc bằng cách bán báo giấy, việc tìm ra các mô hình kinh doanh khác, trong đó bao gồm việc tạo dựng thói quen đọc báo trả tiền cho người đọc trực tuyến cũng là một trong những mô hình cần xem xét, nghiên cứu thật nghiêm túc. Trong một cuộc nói chuyện hồi năm 2018, chuyên gia Juan Senor nói rằng: “Vào năm 2018, nếu tòa soạn bạn chưa thu tiền hoặc thu thập dữ liệu người dùng, vậy là tiêu rồi (It’s game over)”. Lặp lại ý đó trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta thử đặt câu hỏi: Bây giờ là năm 2019, tòa soạn của bạn đã thu tiền hoặc thu thập dữ liệu người dùng chưa?
VÀO NĂM 2018, NẾU TÒA SOẠN BẠN CHƯA THU TIỀN HOẶCTHU THẬP DỮ LIỆU NGƯỜI DÙNG, VẬY LÀ TIÊU RỒI.Juan Senor, Chủ tịch Innovation Media Consulting Group
Sự ra đi lặng lẽ của những kép chính thầm lặng
Nhưng sự khó khăn có thật sự đến từ việc tin tức được đọc miễn phí? Đúng và sai. Sự ra đời của internet quả thực đã tác động đến hành vi mua báo. Nhưng miễn phí có thể là sự khởi đầu mà không phải là tất cả. Cú hạ đo ván (knock-out) thực sự không nhằm trực tiếp vào doanh số bán báo mà vào các sạp báo. Chỉ đến khi các sạp báo dần biến mất, người ta mới hoảng hốt nhận ra mình đã mất đi một hệ thống phân phối khổng lồ và hiệu quả đến mức nào.
Giờ đây, nhìn sự thưa thớt và lùi bước ngày càng nhanh của các sạp báo còn sót lại, ngoài sự hoài niệm, chúng ta còn nhìn thấy điều gì cho tương lai? Đã đến lúc các lãnh đạo báo chí phải tư duy như lãnh đạo doanh nghiệp, chấp nhận tờ báo của mình có vai trò đúng nghĩa của một công ty trong một ngành công nghiệp tin tức hay không. Nếu nội dung của báo chí là hàng hóa với độc giả, thì kênh phân phối hiệu quả là điều không thể thiếu. Các sạp báo, vốn là các kênh phân phối các tờ báo cực kỳ hiệu quả cả trăm năm nay giờ đã biến mất. Chỉ đến lúc đó, một vài người trong chúng ta mới nhận ra đây mới thực sự là những kép chính thầm lặng trong sân khấu lớn của ngành công nghiệp báo chí. Hệ thống đó hiệu quả đến nỗi, từ lâu các nhà báo, các tổng biên tập không phải quan tâm đến việc phân phối ra sao mà chỉ cần tập trung làm nội dung cho hay. Còn việc đến tay độc giả đã có hệ thống sạp báo lo liệu.
Các tờ báo mất đi lợi thế tiếp cận độc giả, còn phải đối mặt với báo điện tử, với điện thoại thông minh (smartphone), với ứng dụng (app), facebook, twitter,.. Trước đây, chi phí in ấn quá cao đã gần như loại bỏ những nội dung ngắn dưới 100 chữ, thì đối với các mạng xã hội facebook và twitter ngày nay, chỉ cần một câu ngắn cũng đủ làm dậy sóng dư luận.
Người đọc đã thay đổi, nên mọi thứ cần phải thay đổi theo. Nhưng chính xác thì sự thay đổi đó không đơn thuần là có thêm một ấn bản online, mà là sự thay đổi về nội dung và hình thức thể hiện, ngay trong chính các ấn bản in đang tồn tại.
Đó là công cuộc thay đổi toàn diện, đòi hỏi sự sẵn sàng và lòng can đảm.
Bài viết: Nam Anh
Ảnh: Bảo Zoãn