Kết thúc năm 2019, có 18 ngân hàng công bố hoàn tất yêu cầu tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của Basel II gồm: Vietcombank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank, Nam A Bank, LienVietPostBank, BIDV, Shinhan Bank, Standard Chartered Việt Nam. Trong các ngân hàng trên, OCB, VIB và Vietcombank là những ngân hàng đạt chuẩn an toàn vốn của Basel II sớm nhất, cụ thể, từ cuối năm 2017 là OCB, từ cuối năm 2018 là VIB, Vietcombank. Các ngân hàng khác như ABBank, Eximbank cũng xác định đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vào đầu Quý I.2020.
Basel II là từ khoá đặc biệt của ngành ngân hàng trong năm 2019, khi ngày 1.1.2020 là thời hạn mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tại Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn 8% - một trong ba trụ cột của hiệp ước Basel phiên bản thứ hai (tên đầy đủ của Basel II). Các quy định được đưa ra trong Thông tư 41 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước.
Tỉ lệ an toàn vốn là một chỉ tiêu của ngân hàng đo lường tỉ lệ giữa vốn tự có của ngân hàng và các nguồn vốn khác có mức độ rủi ro khác nhau. Với Basel II, tiêu chuẩn tính CAR khắt khe hơn Basel I trước đó, bằng cách áp hệ số cao hơn cho các nguồn vốn rủi ro. Để đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn, các ngân hàng thường chọn giải pháp tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận.
Với hình thức một tập hợp các khung, quy định, chuẩn mực, cách tập hợp dữ liệu, công thức tính toán, Basel II có vẻ khô khan. Tuy nhiên, tác động của hiệp ước này lên bức tranh quản trị, kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam thì lại rất phong phú và thú vị.
Basel II góp phần thay đổi nền tảng quản trị ngân hàng, cơ chế kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ. Việc yêu cầu áp dụng Trụ cột 2 theo Thông tư 13/2018 từ ngày 1.1.2019 tạo ra các công cụ rất hiệu quả cho nhà hoạch định thay đổi về chất quản trị ngân hàng, trong đó, tách biệt độc lập vai trò của hội đồng quản trị và ban điều hành.
Khái niệm “Hội đồng quản trị điều hành” đang dần trở nên lỗi thời khi kết hợp đồng thời cả hai chức năng quản trị và điều hành. Các ngân hàng phải đảm bảo cơ chế lành mạnh, giảm xung đột lợi ích và chồng chéo công việc. Basel II bổ sung tầm quan trọng của vị trí Giám đốc Rủi ro (CRO), không chỉ trong công tác quản trị tuân thủ, mà còn đóng vai trò trong việc lập và thực thi kế hoạch kinh doanh, trong phát triển sản phẩm ngân hàng. Bởi vì yếu tố rủi ro đã được định lượng và tham gia vào các khía cạnh của kinh doanh và tài chính.
Áp dụng Basel II cũng sẽ tác động đến chất lượng dữ liệu của các ngân hàng, tới ý thức tập hợp, quản lý, kiểm soát và xử lý dữ liệu. Để tuân thủ tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của Thông tư 41, các ngân hàng được yêu cầu phải có chất lượng dữ liệu và định giá tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng lõi (core banking) phải kiện toàn hơn.
Đồng thời, Thông tư 41 có chế tài áp dụng trọng số rủiro rất cao đối với trường hợp thiếu dữ liệu tỉ lệ đảm bảo (LTV) và tỉ lệ thu nhập (DSC) với khách hàng cá nhân, và thiếu báo cáo tài chính đối với khách hàng doanh nghiệp. Điều đó khiến cho việc thu thập dữ liệu của khách hàng trở thành nhu cầu thiết yếu và thực tế với ngân hàng.
Nguồn dữ liệu đáng tin cậy cũng trở nên có giá trị kinh tế. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13 yêu cầu ngân hàng phải lưu trữ dữ liệu đầy đủ, chi tiết về khách hàng, dòng tiền, kể cả dữ liệu lịch sử. Chất lượng và quy mô dữ liệu không chỉ nằm ở kho dữ liệu hay báo cáo quản trị thông thường, mà phải đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình dự đoán xác suất và tổn thất vỡ nợ.
(Ảnh: Bảo Zoãn)
Basel II tác động đến chất lượng kinh doanh, định hướng phát triển trung và dài hạn của các ngân hàng. Các ngân hàng đều phải tính toán và xây dựng lộ trình tăng vốn pháp định để đáp ứng yêu cầu của Trụ cột 1. Áp dụng Basel II không chỉ trong việc tính toán tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, mà còn ở chất lượng tài sản và bảng cân đối. Trong đó, khái niệm tài sản chịu rủi ro đã được định nghĩa chi tiết trong công thức tính tỉ lệ an toàn vốn, nên việc tăng trưởng tín dụng trở nên khó hơn, phụ thuộc nhiều vào chất lượng khách hàng, chất lượng tài sản và các yếu tố rủi ro khác. Từ đó dẫn tới xu hướng “vỡ hoang” phát triển chiều rộng sẽ dần được thay thế bởi xu hướng “thâm canh”, đảm bảo sự phát triển vững bền của chất lượng bảng cân đối của ngân hàng.
Basel II là phần quan trọng trong những lộ trình xa hơn, trên con đường hướng tới một hình ảnh ngân hàng thương mại hiện đại của thời đại mới. Còn rất nhiều việc phải làm, mà việc áp dụng và triển khai thành công Basel II mới là nền tảng ban đầu. Cơ chế phân tích lợi nhuận đa chiều đòi hỏi các ngân hàng phải triền khai nhiều bước bao gồm tính giá điều chuyển vốn nội bộ (FTP), phân bổ chi phí hoạt động, chi phí vốn chủ sở hữu…
Ngoài ra, áp dụng Basel II là đầu vào quan trọng của mô hình Tổn thất tín dụng dự kiến (ECL) trong lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9. Sau khi triển khai Basel II thành công, Vietcombank đang triển khai sớm cơ chế đảm bảo các quyết định kinh doanh được định lượng đầy đủ về rủi ro.
Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS) được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, thành lập vào cuối năm 1974. Cho tới năm 2019, Ủy ban Basel đã có 45 quốc gia thành viên gia nhập.
Năm 1988, Ủy ban Basel ban hành Hiệp ước Basel phiên bản đầu tiên, được gọi là Basel I, đưa ra một tập hợp các nguyên tắc chung và các quy định ngân hàng. Ở phiên bản đầu, Basel I đề cập đến khung tính toán Tỉ lệ an toàn vốn CAR (Capital Adequacy Ratio), yêu cầu về vốn tối thiểu đối với các ngân hàng, tập trung vào rủi ro tín dụng và có đề cập tới rủi ro thị trường.
Năm 2004, Basel II - phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel - một tập hợp hoàn chỉnh hơn các khung tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính. Basel II xác định một khung đo lường có khả năng “tiến hóa”, phát triển trên ba trụ cột.
Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2018 mới chỉ yêu cầu các ngân hàng tuân thủ trụ cột thứ nhất của Basel II.
Trần Hữu Hoàng - Phan Lê Thành Long
AFA Research & Education