Trong một thế giới mà quyền lực địa chính trị ngày càng gắn liền với tiến bộ công nghệ, nước Mỹ đã vượt qua các đối thủ rất xa. Các công ty Mỹ tạo được một số máy tính nhanh nhất, máy bay chiến đấu thiện chiến nhất và robot được việc nhất thế giới.
Nhưng Trung Quốc với nền kinh tế tăng trưởng thần tốc hiện đã đứng thứ hai thế giới cùng với sự đầu tư khổng lồ của chính phủ vào công nghệ đang ăn mòn dần ưu thế đó của Mỹ nhanh hơn bao giờ hết.
Sự tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc đã khiến Tổng thống Trump thúc đẩy cuộc chiến thương mại và kinh tế với Bắc Kinh, bao gồm tăng thuế, kiểm soát xuất khẩu và đàn áp các nhà khoa học Trung Quốc bị tố cáo ăn trộm bí mật của các doanh nghiệp Mỹ.
Vẫn chưa rõ hậu quả kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ thay đổi cục diện trận chiến như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn: Đại dịch không giúp làm dịu căng thẳng là mấy. Chính quyền của Trump đang cân nhắc các lệnh cấm mới để ngăn cản Trung Quốc trở thành nhà sản xuất công nghệ bán dẫn hàng đầu. Chủ tịch Công ty Công nghệ Huawei của Trung Quốc đã cảnh báo hồi tháng Ba rằng Bắc Kinh cũng sẽ áp đặt các hạn chế tương tự đối với Mỹ nếu Mỹ tiến hành kế hoạch.
Trận chiến công nghệ dễ thấy nhất là đối với 5G, mạng di động siêu nhanh hứa hẹn trở thành nền tảng của các công nghệ trong tương lai. Chính quyền Mỹ đã tiến hành các biện pháp đặc biệt để cố gắng cản trở Huawei, công ty dẫn đầu về công nghệ di động di động mà Washington xem là một mối đe dọa an ninh mạng.
Trận chiến cũng mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ khác mà giống như 5G, không thay đổi cuộc sống ngay hôm nay nhưng có thể chuyển hóa cách chúng ta sống, làm việc và tham chiến trong tương lai không xa. Trí tuệ nhân tạo (AI) thường được gọi tên là mấu chốt của cuộc cách mạng công nghiệp mới, với các ứng dụng như thực tế ảo (AR) và phẫu thuật từ xa. Điện toán lượng tử có thể giúp khám phá các loại thuốc mới và giải được các dữ liệu mã hóa từng được cho là không thể bẻ khóa. Xe tự hành có thể cải tạo hệ thống và hạ tầng giao thông và cả cách chúng ta di chuyển. Các con chip máy tính tiên tiến hoạt động như bộ não điện tử có thể điều khiển tất cả mọi thử.
Dưới đây là cách thức trận chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang định hình một số lĩnh vực quan trọng của đổi mới công nghệ.
CUỘC CHIẾN 5G
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông William Barr thể hiện rõ ràng vị trí của Mỹ trong trận chiến 5G hồi tháng Hai khi đề nghị rằng Washington và các đồng minh nên cân nhắc lợi ích tài chính từ các đối thủ của Huawei là Nokia và Ericsson AB. Cả hai công ty đều có trụ sở ở Châu Âu.
Nhà Trắng sau đó bác bỏ ý tưởng mua lại hai công ty này, nhưng nhận xét của ông Barr vẫn nhấn mạnh rằng hiện không có đối thủ nào của Mỹ có thể sánh bằng Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bao gồm phần cứng vô tuyến (radio hardware) treo trên các cột phát sóng di động.
Sau những thương vụ thất lại, hai nhà vô địch Mỹ một thời là Lucent và Motorola được công ty Phần Lan Nokia và công ty Thụy Điển Ericsson mua lại. Sau đó, đến lượt Nokia và Ericsson phải cắt giảm nhân viên và chịu cảnh không lợi nhuận khi cạnh tranh với Huawei, công ty đạt thị phần tương đương với toàn bộ thị phần của các đối thủ châu Âu nhờ các sản phẩm vượt trội và giá thành thấp.
Mỹ cũng có một vài công ty tham gia vào sân đấu 5G. Ít người biết Cisco System là nhà sản xuất bộ định tuyến và chuyển mạch liên kết với các thiết bị di động. Qualcomm và InterDigital là các công ty sở hữu nhiều sáng chế được thị trường tin dùng đối với các sáng chế công nghệ di động.
Nhưng thị trường cho các sản phẩm trên khá nhỏ, và Huawei cũng chiếm một thị phần. Và hơn 60% chi phí vốn của các nhà mạng không dây 5G có thể dành cho thiết bị di động, chẳng hạn như thiết bị vô tuyến – thị trường mà Huawei đang dẫn đầu. “Tất cả tiền đều nằm trong radio”, theo ông Dimitris Mavrakis, giám đốc nghiên cứu 5G của công ty tư vấn thị trường ABI Research.
Các thiết bị di động dựa trên công nghệ tiên tiến của Huawei, và khả năng sản xuất hàng nhanh chóng của hãng này, đã giúp Trung Quốc triển khai nhanh chóng mạng 5G, biến phần lớn đất nước này thành phòng nghiên cứu tiềm năng cho công nghệ phụ thuộc vào 5G, chẳng hạn như xe tự lái. Trong khi đó, các giới hạn về sóng di động của chính phủ Mỹ đã làm chậm đi tiến độ xây dựng mạng lưới 5G.
Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng Trung Quốc là người chiến thắng trong cuộc đua 5G, đặc biệt kể từ khi Washington có các công cụ khác để làm chậm lại sự thống trị của Huawei trong cả lĩnh vực thiết bị di động lẫn điện thoại thông minh.
“Các cơ quan liên bang ở Washington hiện đang tranh cãi liệu có nên và làm thế nào thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Huawei,” theo Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ làm việc tại Bắc Kinh cho công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics. “Nếu họ làm như vậy thì các hoạt động của Huawei sẽ bị gián đoạn rất nhiều, do đó có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị 5G”.
Lợi thế thuộc về: Trung Quốc
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)
Ba năm trước, Bắc Kinh tuyên bố ý định trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, hình dung về ngành AI nội địa trị giá khoảng 150 tỉ USD.
Những gã khổng lồ công nghệ niêm yết trên sàn chứng khoán của Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba và Baidu, đã đầu tư hàng tỉ USD vào nghiên cứu AI và thành lập các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và Thung lũng Silicon, tận dụng lợi thế của việc mở cửa sau này. Điều đó đã khiến họ trở thành những công ty khổng lồ, vượt xa những đối thủ trên thế giới trong các lĩnh vực bao gồm điện toán thương mại điện tử và nhận diện khuôn mặt. Dân số khổng lồ của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng giám sát và thái độ thờ ơ với quyền riêng tư đã tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó sản sinh ra AI thông minh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc có thể đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu AI và đi đầu trong một số phần quan trọng của AI, như nhận diện khuôn mặt, nước này không đi đầu trong toàn lĩnh vực AI. Và khi nói đến nghiên cứu về trí tuệ chung do con người tạo ra, hay AI với khả năng suy nghĩ rộng hơn, như con người, các công ty lớn của Mỹ như Microsoft, Google của Alphabet và các công ty khác nữa, rõ ràng là đang đứng đầu, theo Paul Triolo, một nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group. Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ chi một số tiền lớn chưa từng thấy vào AI, công nghệ họ đang sử dụng trong các công cụ đề xuất, quảng cáo mục tiêu và tự động lọc các hình ảnh hoặc video đồi trụy hoặc bị cấm khác, và nhiều ứng dụng khác. Một số công ty cũng bán các dịch vụ AI, để các công ty, chính phủ và cơ quan cảnh sát khai thác sức mạnh thuật toán của mình.
Nước Mỹ sản sinh một số nghiên cứu và nhân tài AI giỏi nhất thế giới nhờ sự kết hợp giữa các trường đại học hàng đầu, các công ty công nghệ giàu kếch xù và sự cởi mở với ý tưởng và nhân sự khắp toàn cầu. Đây là điều Mỹ đang có lợi thế bền vững, ít nhất là về trung hạn. Để duy trì được lợi thế này, điều quan trọng là Mỹ không ngừng trao đổi học thuật và thương mại với các chuyên gia Canada, Châu Âu, Israel và thậm chí cả Trung Quốc, theo ông Triolo.
“Xét theo vài ý nghĩa, ngành công nghiệp AI vẫn còn trong giai đoạn sơ sinh, và nhiều yếu tố đang đóng góp vào sự phát triển và trưởng thành của nó”, ông nói. “Điều này có thể quan trọng hơn mức độ tài trợ để xác định thành công của các công ty Mỹ trong thúc đẩy AI trong các lĩnh vực mới và quan trọng như xe tự vận hành và chăm sóc chăm sóc sức khỏe”.
Lợi thế thuộc về: Mỹ, nhưng Trung Quốc đang bám sát
ĐIỆN TOÁN LƯỢNG TỬ
Không giống như các máy tính ngày nay, sử dụng hàng loạt chuỗi số nhị phân để mã hóa dữ liệu, máy tính lượng tử sử dụng các hạt quark kích cỡ nguyên tử cho phép các hạt tồn tại ở hơn hai trạng thái. Mức độ gia tăng phức tạp này mang lại cho máy tính lượng tử khả năng xử lý nhiều thông tin với tốc độ nhanh hơn, có thể vượt xa sức mạnh của siêu máy tính.
Để khai thác tiềm năng đó có thể sẽ mất một thập kỷ hoặc hơn. Hiện tại, máy tính lượng tử có số đơn vị qubit tương đối nhỏ để thực hiện các phép tính. Không dễ gì đạt đến độ đủ đơn vị qubit để giải nhanh các bài toán khó.
Vì máy tính lượng tử rốt cuộc sẽ đủ mạnh để đánh bại các phương pháp mã hóa hiện tại và chạy các mô phỏng phức tạp nhằm khám phá các loại thuốc mới, lĩnh vực này đã thu hút được một khoản đầu tư lớn từ các nguồn vốn tư nhân và chính phủ.
Mỹ rõ ràng đang dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng các máy tính lượng tử. Google năm 2019 tuyên bố cỗ máy Sycamore với 54 đơn vị qubit, vượt trội trong việc đo lường xác suất theo số lượng xuất ra ngẫu nhiên, đạt được ưu thế lượng tử, giải được phép tính trước kia không thể giải hoặc ít nhất là không có giá trị thực tiễn, nếu giải trên máy tính cổ điển.
International Business Machines, một công ty Mỹ khác có máy tính lượng tử cạnh tranh với Google, đã tranh luận về kết quả đó, nói rằng việc tính toán thực sự có thể được thực hiện với một siêu máy tính trong một khoảng thời gian hợp lý. Các nhà khoa học Trung Quốc đã chế tạo máy tính lượng tử, nhưng các nhà phân tích cho rằng máy của Trung Quốc tính toán chậm hơn Mỹ nhiều năm.
Tuy nhiên, công nghệ lượng tử vượt ra ngoài máy tính và mở rộng sang áp dụng tính lượng tử để giao tiếp nhanh chóng và an toàn. Đó là lĩnh vực Trung Quốc có thể có lợi thế. Được lãnh đạo bởi Pan Jian-Wei, người được mệnh danh là cha đẻ của lượng tử Trung Quốc, nước này đã đẩy mạnh đầu tư vào truyền thông lượng tử, cảm biến và radar - tất cả các lĩnh vực có thể ứng dụng quân sự. Quốc gia này vào năm 2016 phóng một vệ tinh, được gọi là Micius, sử dụng chùm photon ở trạng thái lượng tử để việc truyền phát không bị ảnh hưởng đến việc đánh chặn. Trung Quốc đang xây dựng một phòng thí nghiệm khoa học khổng lồ về thông tin lượng tử ở phía đông Trung Quốc, một dự án với giá trị 10 tỉ USD.
Vì vậy, điểm số được chia đều: Mỹ dẫn đầu về điện toán lượng tử và Trung Quốc dẫn đầu về truyền thông và mã hóa lượng tử. Tương lai khó dự đoán bởi vì những tiến bộ công nghệ định hình lĩnh vực này có thể mất nhiều thập kỷ nữa mới xảy ra, theo Elsa Kania, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới – một cơ quan cố vấn (think tank) có trụ sở tại Washington, D.C.
"Chúng ta vẫn còn ở giai đoạn mới bắt đầu của cuộc đua mà tôi nghĩ có thể mô tả chính xác là cuộc đua marathon," cô cho biết.
Ưu thế thuộc về: Mỹ trong điện toán lượng tử, Trung Quốc trong truyền thông lượng tử
CHẤT BÁN DẪN
Trung Quốc đã chi hàng chục tỉ USD trong nhiều thập kỷ trong nỗ lực dẫn đầu lĩnh vực sản xuất các chất bán dẫn - thành phần thiết yếu trong cuộc đua biến máy tính và điện thoại thông minh thành công cụ nhanh hơn và vũ khí tinh vi hơn. Thống kê từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), có trụ sở tại Washington, cho thấy số chip bán dẫn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì không đổi trong nhiều năm và các công ty Trung Quốc vẫn chưa chiếm được thị phần khổng lồ trong thị trường này thậm chí cả trong nước. Khoảng 47,5% số lượng con chip được bán tại Trung Quốc là của Mỹ tính đến năm 2018, theo số liệu của SIA.
Các nước láng giềng Trung Quốc đã đạt được vị thế nổi bật trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, với Công ty Samsung của Hàn Quốc trở thành nhà cung cấp chính đối với điện thoại thông minh và chip bán dẫn và TSMC của Đài Loan trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Đó là một mô hình mà Trung Quốc dường như không bao giờ có thể sao chép. Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, không sản xuất được các chip tiên tiến nhất với các bóng bán dẫn nhỏ nhất. Một số ước tính cho thấy Trung Quốc chậm hơn Mỹ và Đài Loan năm đến bảy năm về công nghệ chip bán dẫn, nhưng có thể Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để bắt kịp vì công nghệ bán dẫn liên tục cải tiến. Vào thời điểm Trung Quốc có thể tạo ra những con chip cạnh tranh được với các loại tốt nhất hiện nay, các đối thủ quốc tế có thể đã có một bước tiến khác.
Có thể nói rằng, Trung Quốc làm các quan chức Mỹ ngạc nhiên khi thay thế các chip bán dẫn Mỹ trong các thiết bị điện tử của nhiều công ty Trung Quốc bằng nguồn cung nội địa và các nước khác ngoài Mỹ. Thiết bị di động kích thước lớn (phablet) mới nhất của Huawei, ra mắt vào năm 2019, không chứa bất kỳ con chip nào của Mỹ, theo một báo cáo khi mổ xẻ thiết bị này do ngân hàng đầu tư UBS thực hiện.
Trong ngắn hạn, chiến lược lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc là tập trung vào việc giảm phụ thuộc Mỹ, điều này thường có nghĩa là tìm kiếm các nguồn thay thế từ các nước khác. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều nhà quan sát trong lĩnh vực này cho rằng vấn đề là khi nào sự đầu tư rất lớn của Trung Quốc vào sản xuất chip bán dẫn sẽ được đền đáp.
"Nếu bạn sẵn sàng chi hàng tỉ USD trong hàng chục năm, thì cuối cùng bạn sẽ đạt được mong đợi", theo Jim Lewis, phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan cố vấn trụ sở tại Washington.
Ưu thế thuộc về: Mỹ
XE TỰ VẬN HÀNH
Các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon như Google, Way Waymo và Cruise của General Motors đi đầu trong việc thử nghiệm công nghệ xe không người lái, giúp các công ty Mỹ dẫn trước về phần cứng cảm biến, chẳng hạn như máy ảnh và radar cần thiết để phát hiện chướng ngại vật trên đường. Và sự thống trị của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn mang lại cho các công ty Mỹ lợi thế tạo ra những con chip mà về cơ bản là bộ não của những phương tiện tự hành.
Các công ty Trung Quốc đã chậm từ hai đến ba năm so với các đối thủ quốc tế về chuẩn bị thành phần quan trọng cần thiết cho xe tự lái, theo McKinsey & Co. trong một báo cáo năm 2019, Nhưng về lâu dài, Trung Quốc ở vị trí sẵn sàng dẫn đầu. Đây vốn là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và môi trường pháp lý của Trung Quốc như hạn chế truy cập bản đồ trên cơ sở an ninh quốc gia, cũng như yêu cầu các công ty nước ngoài hợp tác với công ty địa phương, sẽ giúp các công ty lớn Trung Quốc như Baidu, Didi Chuxing và Pony giành được thị phần ở thị trường nội địa. "Sẽ rất khó để các công ty Mỹ có thể cạnh tranh", theo ông Nikolaj Herskind - công ty tư vấn Qvartz có trụ sở tại các nước Bắc Âu.
Dân số khổng lồ của Trung Quốc cung cấp cho các công ty trong nước nhiều dữ liệu hơn mà họ có thể sử dụng để cải tiến công nghệ xe tự vận hành, đồng thời cũng giúp người Trung Quốc sẵn sàng thử xe tự lái hơn. Trong một cuộc khảo sát năm 2020 của Deloitte, 48% người Mỹ cho biết rằng họ nghĩ các xe tự lái là không an toàn, trong khi con số chỉ có 35% ở người Trung Quốc. Trung Quốc dẫn đầu về cơ sở hạ tầng 5G có nghĩa là các công ty ô tô của họ có thể thử nghiệm, trong điều kiện thực tế, làm thế nào công nghệ không dây có thể được sử dụng để tải bản đồ và dữ liệu giao thông vào ô tô, hoặc thậm chí điều khiển phương tiện từ xa trong một số tình huống.
Tuy nhiên, theo ông Andrey Berdichevskiy, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Di chuyển Tương lai của Deloitte thì dựa vào mức độ mạnh mẽ của các quy định chính phủ về kiểm nghiệm và công nghệ xe tự lái, kết quả cuộc đua công nghệ xe tự hành rất có thể là là một thế giới phân đôi - tương tự như cách thức Mỹ và Trung Quốc song song phát triển hệ sinh thái của riêng họ trong các lĩnh vực phần cứng và phần mềm khác.
"Tôi cho rằng người chơi Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này đầu tiên sẽ thành công ở thị trường sân nhà, nhưng các quy định và nhận thức của người tiêu dùng khiến cho cả hai bên đều khó phát triển hơn ở các thị trường khác nếu không có đối tác địa phương”, ông Berdichevskiy nói.
Ưu thế lúc này tạm thời thuộc về Mỹ.
Tạp chí Nhà Quản Lý (theo Wall Street Journal)