Tròn 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán vào tháng 10.2010, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Hiệp định thương mại tự do có thể sẽ có hiệu lực ngay từ 1.7.2020, theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau bước thông qua ở Quốc hội Việt Nam và Hội đồng châu Âu - bước mang tính thủ tục nhiều hơn.
Kỳ vọng xóa bỏ 99% các dòng thuế và rào cản thương mại của doanh nghiệp hai bên phải chờ hơn năm năm, kể từ khi có kết quả hoàn thành đàm phán lần đầu tiên. Nhiều hàng rào phi thuế quan trong ngành công nghiệp ô tô, điện tử, dược phẩm… được chờ đợi tháo gỡ. Các công ty châu Âu có cơ hội tham gia vào thị trường tài chính và công nghệ thông tin khu vực và ngược lại, các công ty của Việt Nam được tham gia sâu vào thị trường châu Âu. Hiện nay, các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) là thiết bị viễn thông, quần áo và thực phẩm. Trong khi EU chủ yếu xuất khẩu các loại hàng hóa như máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất.
Các nhà phân tích tin rằng EU có lý do để thúc đẩy FTA, bởi vì những thỏa thuận này đã chứng minh được hiệu quả trong việc thúc đẩy thương mại, như có thể thấy từ thỏa thuận thương mại châu Âu với Hàn Quốc. Theo số liệu do Ủy ban châu Âu công bố, xuất khẩu EU sang Hàn Quốc đã tăng 55% trong năm năm kể từ khi FTA EU-Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2011. Thị trường ASEAN tiềm năng ngay cả khi chưa có hiệp định thương mại. Năm 2018, thương mại hàng hóa từ EU xuất sang ASEAN gấp đôi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp những hứa hẹn, con đường hướng tới các thỏa thuận thương mại tự do EU với các nước ASEAN luôn là một con đường gập ghềnh. Các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại giữa các khối đã bắt đầu từ năm 2007, nhưng cũng nhanh chóng gác qua một bên do một số thành viên Liên minh châu Âu có ý kiến về Myanmar. Những trở ngại này đã thúc đẩy Brussels tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các quốc gia thành viên của ASEAN.
Là đối tác thương mại lớn thứ ba ngoài châu Âu, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, ASEAN là thị trường quan trọng với EU. Và EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, chiếm khoảng 14% tổng thương mại toàn khối. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với tư cách là một nhóm các nhà đầu tư lớn nhất ở các nước ASEAN, chiếm gần một phần ba tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực - các công ty EU đầu tư 337 tỉ Euro năm 2017.
EU đã tiến hành các cuộc đàm phán thương mại tự do với sáu nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam bắt đầu từ năm 2010, nhưng đến nay, chỉ có hai trong số đó có kết quả. Dù vậy, hai thỏa thuận thương mại FTA EU-Singapore (hoàn thành năm 2014) và FTA EU-Việt Nam (hoàn thành năm 2015) mất nửa thập kỷ để tới bước phê chuẩn do các cuộc tranh luận xung quanh bảo vệ đầu tư, làm nổi bật cho những thách thức lâu dài của hài hòa hóa quy định tại EU.
Bất đồng về những rào cản kỹ thuật được cho là công cụ của bảo hộ là nút thắt phổ biến trong các thất bại của FTA. Cuộc đàm phán với Malaysia rơi vào ngõ cụt bởi cuộc tranh chấp giữa nhà sản xuất dầu cọ EU và nước này. Sản phẩm thế mạnh của Malaysia bị khách hàng lớn thứ hai thế giới cấm sử dụng làm nhiên liệu sinh học. Trong khi Malaysia cho rằng đậu tương, hướng dương được sản xuất ở EU đang thải carbon và ảnh hưởng tới môi trường không khác gì dầu cọ. Indonesia cũng trong tình trạng tương tự. Nước này từng đệ đơn khiếu nại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng chung lo ngại như các bên trong giai đoạn chủ nghĩa bảo hộ lên cao, EU nghĩ tới việc nối lại thương mại tự do đa phương. “EU hy vọng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển, sẽ có một thỏa thuận khối, nhưng trọng tâm vẫn là các thỏa thuận thương mại song phương”, ông Fraser Cameron, Giám đốc Trung tâm EU-Châu Á nói với tờ The Diplomat cuối năm 2016, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.
Năm 2017, vòng đàm phán thương mại tự do EU với toàn khối ASEAN được nối lại sau 10 năm bỏ ngỏ, ngay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTP). Dù vậy, lần thứ hai tham vọng này sụp đổ.
Khả năng tiếp cận theo hướng xây dựng hiệp định thương mại chung cho toàn khối gặp hạn chế. Tiếng nói về thương mại khó đồng thanh hơn khi Campuchia và Myanmar hiện đang được hưởng giao dịch miễn thuế với EU theo thỏa thuận “Mọi thứ trừ vũ khí (EBA)”, dù đang bị châu Âu xem xét rút một số ưu đãi do vi phạm nguyên tắc được ghi trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Tiếp tục với phương án thương mại song phương, quốc gia tiếp theo EU mong muốn ngồi vào bàn đàm phán sẽ là Thái Lan - nơi thỏa thuận thương mại bị đình trệ khi quân đội nắm quyền sau một cuộc đảo chính. Trong một tuyên bố sau cuộc bầu cử ở Thái Lan hồi tháng 3.2019, Hội đồng châu Âu khẳng định mở rộng cam kết với Bangkok trong đó có việc nối lại đàm phán thương mại tự do. EU công nhận kết quả cuộc bầu cử và cam kết của chính quyền về những vấn đề đã làm gián đoạn tiến trình giữa hai bên.
Minh Tâm