Nâng hạng là câu chuyện được các nhà đầu tư và cả thị trường chứng khoán (TTCK) trông đợi. Vào ngày 27.9 năm ngoái, FTSE Russell đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên “thị trường mới nổi” (emerging market). Bất chấp tin tăng lãi suất của FED trong cùng ngày, VN-Index vẫn tăng gần sáu điểm. Các công ty chứng khoán liên tục đưa ra dự báo tích cực về dòng vốn ngoại sẽ đổ vào TTCK Việt Nam sau khi được nâng hạng. Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự đoán số vốn sẽ chạy vào TTCK Việt Nam đạt trong khoảng 184 đến 555 triệu USD khi FTSE Russell chính thức nâng hạng thị trường. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng, nếu được cả FTSE và Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng hạng thành thị trường mới nổi thì các quỹ đầu tư theo các chỉ số liên quan sẽ mua vào 1,2 tỉ USD.
FTSE tổ chức hai đợt đánh giá xếp hạng các thị trường vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Theo quy định của FTSE, trước khi thay đổi thứ hạng, các nước sẽ được đưa vào danh sách theo dõi ít nhất là một năm nhằm đảm bảo tính ổn định và minh bạch cho các nhà đầu tư. Trong một buổi trò chuyện đầu năm 2019, đại diện từ MBS cho rằng, trong kịch bản khả quan FTSE có thể sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường thứ cấp mới nổi vào tháng 3.2020 và sẽ chính thức lọt vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi của FTSE vào tháng 9.2020.
Cũng như FTSE, trước khi được nâng hạng, MSCI sẽ đưa các thị trường vào danh sách xem xét ít nhất một năm. Tuy nhiên trong đợt đánh giá hằng năm vào tháng 6.2019 của MSCI, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng.
Bảng xếp hạng thị trường có thể hiểu là một bảng các chỉ số định tính và định lượng được thiết lập để đánh giá “mức độ tín nhiệm” của thị trường. Một khi mức độ tín nhiệm được một tổ chức uy tín thứ ba công nhận (như MSCI hoặc FTSE) theo từng cấp độ, các quỹ đầu tư thụ động sẽ phân bổ danh mục đầu tư vào TTCK Việt Nam, bởi các quỹ đầu tư thụ động này thường đầu tư theo chỉ số của các tổ chức xếp hạng lớn. Bên cạnh việc thị trường khởi sắc khi dòng vốn ngoại đổ vào, đánh giá tín nhiệm của thị trường tài chính Việt Nam cũng được nâng cấp, và việc phát hành trái phiếu hay vay nợ của chính phủ (nếu có)… cũng sẽ dễ dàng hơn. Và nỗ lực nâng hạng cũng như đảm bảo thứ hạng cũng sẽ tạo ra áp lực buộc TTCK Việt Nam phải hoàn thiện và phát triển bền vững.
Nâng hạng bởi FTSE và MSCI có gì khác nhau?
Cùng với S&P Global (Standard & Poor’s Global), FTSE và MSCI là bộ ba các tổ chức xếp hạng thị trường lớn nhất trên thế giới. Trong đó MSCI sở hữu bộ chỉ số được các quỹ hoán đổi danh mục - ETF (Exchange-Trade Fund) tham chiếu nhiều nhất. Hiện Việt Nam đều đang được cả FTSE Russell và MSCI xếp vào nhóm “thị trường cận biên” (frontier market). Tuy nhiên, việc được nâng hạng bởi MSCI là khó hơn nhiều so với FTSE.
FTSE Russell chia thị trường thành bốn nhóm: thị trường phát triển, thị trường mới nổi cấp cao, thị trường mới nổi thứ cấp và thị trường cận biên (developed, advanced emerging, secondary emerging, frontier). Bộ tiêu chí của FTSE Russell gồm bốn nhóm chỉ tiêu với 21 tiêu chí nhỏ. Để được đưa vào danh sách theo dõi vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã đạt 9/21 tiêu chí cần thiết của nhóm “thị trường mới nổi thứ cấp”. Khả năng chính thức được nâng hạng trong năm nay là rất cao nếu Việt Nam vẫn giữ vững được các chỉ tiêu đạt yêu cầu.
MSCI cũng chia thị trường thành bốn nhóm: thị trường phát triển, thị trường mới nổi, thị trường cận biên và thị trường nằm ngoài (developed, emerging, frontier, standalone). Theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chuẩn “thị trường mới nổi” của MSCI khó tương đương với tiêu chuẩn “thị trường mới nổi cấp cao” của FTSE. Vậy nên, việc đạt được mức “thị trường mới nổi thứ cấp” của FTSE là một mục tiêu mà TTCK Việt Nam dễ đạt được hơn trong ngắn hạn.
Gập ghềnh MSCI
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ đợi thời khắc quyết định vào tháng 9.2020. Tuy nhiên, còn một mục tiêu dài hơi hơn là chinh phục “ngọn núi” MSCI nhằm thu hút dòng vốn lớn nước ngoài. Theo tính toán của BVSC, nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng thì sẽ có khoảng 375 triệu USD vốn nước ngoài rót vào thị trường; còn nếu được MSCI nâng hạng thì con số này là gần 858 triệu USD.
Điểm lại khung tiêu chuẩn, MSCI chấm điểm các thị trường dựa vào ba nhóm chỉ tiêu: trình độ phát triển kinh tế, quy mô và thanh khoản của thị trường và khả năng tiếp cận thị trường. Để được xếp hạng vào “thị trường mới nổi” của MSCI, khó khăn nhất của TTCK Việt Nam nằm ở nhóm chỉ tiêu về khả năng tiếp cận thị trường. Phần lớn các tiêu chí định tính trong nhóm chỉ tiêu này, TTCK Việt Nam đều chưa đáp ứng được. Trong đó, hai tiêu chí đầu tiên bao gồm mức độ mở đối với sở hữu nước ngoài và mức độ dễ dàng luân chuyển dòng vốn vào/ra thị trường có thể đánh giá là rất khó giải quyết trong ngắn hạn.
Mặc dù TTCK Việt Nam đã có cải thiện trong thời gian qua về độ mở đối với sở hữu nước ngoài nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa mặn mà. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ Dragon Capital, trong một phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 2 cũng cho rằng, TTCK Việt Nam chưa được nâng hạng có nhiều nguyên nhân như chưa có hoạt động bán khống và nhiều nguyên nhân khác. Song vấn đề mấu chốt nằm ở khả năng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Ông cũng đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề này là NVDR (Non-Voting Depository Receipt) - chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, như vậy Việt Nam không phải lo về việc mất quyền kiểm soát những công ty trong những ngành chiến lược, quan trọng như ngân hàng, viễn thông, bất động sản,…
Khó khăn nhiều hơn so với việc nới room ngoại là vấn đề về luân chuyển vốn ngoại. Vì bên cạnh những lợi ích, điều này còn có thể mang tới những rủi ro to lớn như áp lực làm tăng giá đồng nội tệ dẫn đến giảm sút cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, rủi ro tạo ra bong bóng trên thị trường chứng khoán, hay khả năng tạo ra khủng hoảng tài chính khi dòng vốn ngoại rút ra ồ ạt. Vì thế, các nhà làm chính sách còn cần cân nhắc nhiều trước khi cho phép tự do luân chuyển hoàn toàn vốn ngoại.
Kỳ vọng nâng hạng bởi FTSE được giới chuyên gia đánh giá không quá khó để đạt được, nhưng đối với các tiêu chuẩn của MSCI thì thị trường Việt Nam còn một chặng đường dài phía trước.
Cuối tháng 2.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề án dành riêng một nhóm giải pháp hướng tới việc nâng hạng TTCK, liên quan đến thủ tục hành chính, sửa đổi các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện thực hoá mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam, một trong tám nhiệm vụ được Thủ tướng nhấn mạnh tại lễ đánh cồng đầu xuân Kỷ Hợi 2019.
Bài viết: Tố Nga
Tạp chí Nhà Quản Lý số 2 - Sinh ra để thay đổi - tháng 4.2019