Tạp chí Nhà quản lý trò chuyện cùng Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, về hành trình phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam, từ góc nhìn lịch sử, hiện tại và tương lai về một khu vực đang trở thành động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Tiến sĩ Lê Duy Bình đồng thời là tác giả của nghiên cứu “Kinh tế tư nhân Việt Nam - Năng suất và Thịnh vượng”, được thực hiện cùng với sự hỗ trợ của Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) năm 2018.
Nhà quản lý: Từ mô hình kế hoạch hoá tập trung, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường với sự tham gia ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Xin ông cho biết, đâu là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển đó?
Lê Duy Bình: Cách đây tròn ba thập niên, Việt Nam đã xây dựng những bộ luật đầu tiên về kinh tế tư nhân: luật về công ty và luật về doanh nghiệp tư nhân. Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân được ban hành, đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng. Trước đó, cột mốc quan trọng hơn nữa là Chính sách Đổi mới năm 1986 đã công nhận nền kinh tế nhiều thành phần.
Sau đó, năm 1999 là thời điểm quan trọng tiếp theo khi Luật Doanh nghiệp được ban hành. Trong suốt gần một thập niên của giai đoạn 1990-1999, với sự công nhận hình thức pháp lý đầu tiên, đã có 14.500 doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Như vậy trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 1.400 doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Thời điểm đó, việc thành lập doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn, chi phí vô cùng lớn, thủ tục khó khăn. Chẳng hạn, để thành lập doanh nghiệp tư nhân, cần có hàng chục con dấu, chi phí khởi sự doanh nghiệp thời đó vô cùng lớn.
Bắt đầu từ năm 1999, chúng ta có Luật Doanh nghiệp. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa cởi trói cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, khẳng định và trao quyền tự do kinh doanh cho người dân. Luật Doanh nghiệp cũng tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đăng ký kinh doanh, tạo ra sự bùng nổ về doanh nghiệp tư nhân. Trong một thời gian rất ngắn, số lượng doanh nghiệp được đăng ký thành lập tăng vọt, có những năm lên đến 20.000, 30.000 rồi 50.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập trong một năm.
Một dấu mốc nữa khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, vào năm 2004 Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư được sửa đổi, tạo một khuôn khổ pháp lý chung cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến năm 2017, chúng ta có một dấu mốc quan trọng nữa, đó là việc ban hành Nghị quyết TW5 Ban Chấp hành Trung ương Khoá 12, xác định kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế, khuyến khích phát triển và hình thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn.
Trên đây là những cột mốc tôi cho là quan trọng nhất đối với kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Ba thập niên vừa qua là khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn lại cả một quá trình phát triển và có được những bài học kinh nghiệm về khu vực này.
Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu phát triển của kinh tế tư nhân trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ năm 2017 khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng khoá XII đã khẳng định tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân như một động lực của nền kinh tế? Đâu là những con số đáng chú ý nhất?
Nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về cấu trúc. Chúng ta không còn phụ thuộc vào một khu vực duy nhất - doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể. Nhưng đến thời điểm hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã vô cùng đa dạng. Đây là điểm mạnh của kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế khác, thậm chí một số nền kinh tế Đông Âu hiện nay vẫn “mắc kẹt” trong sự chuyển đổi này.
Hiện nay, Việt Nam có khu vực kinh tế tư nhân nước ngoài (khối FDI) đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân trong nước (bao gồm doanh nghiệp tư nhân và khu vực kinh tế hộ gia đình). Những thành phần này tạo ra sự đa dạng và gia tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế.
Chúng ta xuất phát điểm ở gần như con số không cách đây ba thập niên, nhưng hiện nay đã có hơn một triệu doanh nghiệp đăng ký và 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động
Chưa kể các doanh nghiệp FDI, khu vực kinh tế tư nhân trong nước hiện nay đóng góp 38-39% vào GDP. Không chỉ đơn thuần nhìn vào con số GDP, sự phát triển của kinh tế tư nhân còn tạo ra sự tiến bộ lớn trong xã hội.
Trước hết, đây là khu vực tạo ra gần 20 triệu việc làm, trong đó kinh tế tư nhân trong nước đóng góp tám triệu việc làm, khối doanh nghiệp FDI cũng đóng góp tám triệu việc làm và hộ gia đình đang sử dụng khoảng ba triệu lao động.
Về mặt an sinh xã hội, hiện nay có khoảng 11-12 triệu người có bảo hiểm xã hội trong khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, khu vực này còn đóng góp lớn cho xuất nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp FDI cho hoạt động xuất khẩu.
Các doanh nghiệp kinh tế tư nhân cũng ngày càng đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Như vậy, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho tiến bộ xã hội là rất lớn bên cạnh con số GDP.
Tỉ lệ lao động nữ trong các doanh nghiệp tư nhân vượt trội hơn hẳn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Phải chăng sự phát triển của khối kinh tế tư nhân cũng đi kèm cùng tiến bộ trong cải thiện bất bình đẳng giới?
Nếu như ở doanh nghiệp nhà nước, rất khó có thể tìm thấy ví dụ nào đó về vai trò của phụ nữ. Nhưng rất nhiều chị ngày xưa cũng làm việc trong doanh nghiệp nhà nước như chị Mai Thanh hay chị Mai Kiều Liên, nhưng khi chuyển sang doanh nghiệp tư nhân, họ ngay lập tức đóng vai trò vô cùng lớn trong việc phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra một giới lãnh đạo nữ rất nổi tiếng của Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm rất nhiều gương mặt đảm nhận vị trí CEO, chủ tịch, nổi bật như chị Nguyễn Thị Mai Thanh (REE), Mai Kiều Liên (Vinamilk), Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), Thái Hương (TH), Hà Thu Thanh (Deloitte). Tỉ lệ phụ nữ sở hữu và vận hành công ty ở Việt Nam đạt khoảng 25%, trong khi đó mức trung bình ở các nước Đông Nam Á chỉ khoảng 8%. Như vậy, điều đó thể hiện sự tiến bộ về mặt xã hội, đã coi trọng giá trị và năng lực của người phụ nữ.
Báo cáo “Kinh tế tư nhân: Năng suất và Thịnh vượng” đã chỉ ra một trong những thách thức lớn nhất mà kinh tế tư nhân đang gặp phải là chất lượng tăng trưởng. Ông có thể giải thích thêm về trở lực này của khu vực kinh tế tư nhân, những biểu hiện, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này là gì?
Hiện nay có khoảng hơn một triệu doanh nghiệp đăng ký, nhưng chỉ có 600.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động. Như vậy, có hai vấn đề đặt ra. Một là môi trường kinh doanh quá khó khăn, hoặc hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không tốt. Hai là trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 45% trong tình trạng thua lỗ. Ba là vấn đề năng suất, so với các quốc gia khác thì năng suất tổng thể của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.
Ngoài ra, tính phi chính thức của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam rất cao, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình. Dù chiếm khoảng 30% GDP, nhưng khu vực này có tính chính thức không cao. Vì không chính thức nên kinh tế hộ gia đình khó tiếp cận được những nguồn lực để phát triển, luôn giữ ở quy mô nhỏ lẻ. Tính không chính thức làm hạn chế trình độ quản trị, công nghệ và năng suất. Có khoảng tám triệu lao động làm việc trong khu vực này, nhưng có năng suất thấp, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ trong số đó được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chất lượng bảo đảm an toàn lao động thấp. Cho nên muốn nâng cao năng suất tổng thể nền kinh tế, tôi cho rằng cần phải cải thiện khu vực này.
“Ba nền kinh tế trong một nền kinh tế” là một điểm đáng chú ý đã được chỉ ra trong Báo cáo. Ông có thể giải thích thêm về hiện tượng này?
Kinh tế tư nhân hiện nay gồm có doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp FDI và hộ kinh doanh cá thể, tuy nhiên sự liên kết giữa các khu vực kinh tế này rất thấp. Chẳng hạn, khối doanh nghiệp FDI ít có sự giao thoa với các doanh nghiệp trong nước và vì vậy, Việt Nam chỉ giữ lại rất ít giá trị gia tăng. Từ phía ngược lại, doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng chưa đủ làm nhà cung ứng cho họ, mới chỉ manh nha một số doanh nghiệp số có thể đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng là một vấn đề. Đáng lẽ doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tàu, đóng vai trò chủ đạo, có chính sách hoặc mục tiêu cụ thể, chẳng hạn về tỉ lệ mua hàng hoá, dịch vụ từ doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nhưng đáng tiếc chúng ta chưa có những chính sách như vậy. Hệ quả là chúng ta chưa tạo được một sức mạnh tổng thể của nền kinh tế.
Thực trạng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa (the missing middle) là một phát hiện nổi bật khác từ báo cáo của Economica Việt Nam. Tại sao xuất hiện tình trạng trên ở nền kinh tế Việt Nam?
Việt Nam có rất ít doanh nghiệp lớn, chỉ chiếm khoảng 1,3% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp hoạt động. Đáng chú ý hơn là doanh nghiệp cỡ vừa của Việt Nam cũng chỉ có 1,4%. Toàn bộ các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng vô cùng cần thiết, nhưng doanh nghiệp cỡ vừa quá ít. Bởi vì cần ở quy mô nào đó thì doanh nghiệp mới có thể đầu tư được cho khoa học - công nghệ, khả năng đáp ứng được những đơn hàng lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Phải đạt được quy mô nào đó thì chi phí cận biên mới nhỏ, nên số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quá lớn sẽ không đủ khả năng để đáp ứng cho chuỗi giá trị toàn cầu. Dĩ nhiên, kinh tế tư nhân Việt Nam mới trải qua ba thập niên hình thành và phát triển, nhưng phải có sự thay đổi sau một thập niên nữa.
Đối với các doanh nghiệp lớn hiện nay đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, quy mô vốn hoá trung bình chỉ đạt khoảng 186 triệu USD. Trong khi đó, con số này ở Singapore trên một tỉ USD, ở Philippines là khoảng 1,2 tỉ USD.
Về mặt chính sách, Chính phủ và các cơ quan bộ, ban, ngành phải chú ý hơn nữa về chất lượng tăng trưởng, có nghĩa không chỉ quy mô mà còn cần chú trọng chất lượng công nghệ, trình độ lao động và quản lý. Số lượng các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn phải cao hơn. Hiện nay, phần lớn chỉ tiêu đặt ra đều về số lượng doanh nghiệp. Mục tiêu như vậy sẽ làm cho một số cơ quan quản lý phân tâm, tập trung nguồn lực vào việc đạt được số lượng. Tất nhiên phải có đủ số lượng mới có thể chuyển hoá về chất, nhưng quá tập trung vào số lượng có thể khiến các cơ quan quản lý quên đi một nhiệm vụ quan trọng đó là phải phát triển doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa và cỡ lớn. Đó là hướng mà chúng ta nên đặt lại cho sự phát triển của doanh nghiệp trong những thập niên tới. Về mặt chính sách, Chính phủ và các cơ quan bộ, ban, ngành phải chú ý hơn nữa về chất lượng tăng trưởng, có nghĩa không chỉ quy mô mà còn cần chú trọng chất lượng công nghệ, trình độ lao động và quản lý. Số lượng các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn phải cao hơn. Hiện nay, phần lớn chỉ tiêu đặt ra đều về số lượng doanh nghiệp. Mục tiêu như vậy sẽ làm cho một số cơ quan quản lý phân tâm, tập trung nguồn lực vào việc đạt được số lượng. Tất nhiên phải có đủ số lượng mới có thể chuyển hoá về chất, nhưng quá tập trung vào số lượng có thể khiến các cơ quan quản lý quên đi một nhiệm vụ quan trọng đó là phải phát triển doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa và cỡ lớn. Đó là hướng mà chúng ta nên đặt lại cho sự phát triển của doanh nghiệp trong những thập niên tới.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, Việt Nam đã có sáu “tỉ phú đô la” chính thức được quốc tế công nhận (ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương, ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh). Cùng với sự ghi nhận về tổng tài sản cá nhân này, rõ ràng các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam đã phát triển vô cùng ấn tượng trong những năm qua. Ông đánh giá sao về những “cánh chim đầu đàn” như vậy?
Chúng ta sẽ cần có những tỉ phú, cần có những cánh chim đầu đàn để lôi kéo sự phát triển của khu vực. Trong những ví dụ vừa đề cập, có những doanh nghiệp tư nhân đã kéo theo sự phát triển của cả một vùng, một khu vực địa lý. Cũng có những doanh nghiệp ở trong đó đã kéo theo sự phát triển của cả một chuỗi giá trị. Quay lại cách ứng xử của các doanh nghiệp lớn, chúng ta có những tỉ phú và đồng thời cũng phải nghĩ về sự phồn vinh chung của xã hội, sự phát triển bền vững và đồng thời tìm cách để những người ở dưới đáy của kim tự tháp có thể tham gia cùng, làm giảm khoảng cách trong xã hội. Chúng ta cũng cần có những doanh nghiệp khác nữa, để cùng tạo ra một hệ sinh thái bao gồm những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trung bình, doanh nghiệp nhỏ.
Cơ hội của khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân trong nước, khối FDI và kinh doanh hộ gia đình) trong những năm tới sẽ như thế nào và cần làm gì để nắm bắt cơ hội đó, thưa ông?
Tôi cho rằng kinh tế tư nhân có triển vọng sáng sủa. Tất nhiên viễn cảnh này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của Chính phủ. Chúng ta đã nhìn thấy một số điểm vô cùng tích cực, đó là sự cam kết của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Quyết tâm của Chính phủ ngày càng rõ ràng và chắc chắn hơn. Qua những thay đổi về cải cách về môi trường kinh doanh, về chính sách, về thể chế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần tiếp tục sửa đổi, tháo gỡ nhiều chính sách để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.
Về mặt thị trường quốc tế, có nhiều thuận lợi cho sự phát triển của khu vực này. Những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký và chuẩn bị ký, sẽ tạo ra thị trường rất lớn cho kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển, đặc biệt trong những khuôn khổ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Ở trong nước, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã có 20-30 năm để nhìn nhận lại đầy đủ hơn về khả năng, năng lực của mình, sự hỗ trợ tích cực của các ngân hàng và tổ chức tài chính, niềm tin kinh doanh của người dân cũng tăng dần. Lực lượng lao động trẻ, trình độ giáo dục khá tốt. Sự ổn định của sức khoẻ tài chính quốc gia và tín nhiệm nguồn vốn nước ngoài. Nếu khai thác được thị trường 95 triệu dân, duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, một tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ hình thành một cách mạnh mẽ. Như vậy, cơ hội cho kinh tế tư nhân rất lớn. Tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều chữ nếu khác, từ phía Chính phủ và từ phía chính các doanh nghiệp tư nhân.
Bài viết: Tâm Vũ
Nhà Quản Lý số 03 - Doanh nghiệp tư nhân: Những trụ cột mới của nền kinh tế