Đóng góp 40% GDP trong khoảng 10 năm gần đây, kinh tế tư nhân trong nước đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và khẳng định vị thế là một trong ba trụ cột của một nền kinh tế bao gồm: khu vực tư nhân, khu vực nhà nước và xã hội dân sự.
Mùa giải Ngoại hạng Anh năm nay bắt đầu với nhiều điểm mới lạ. Logo hình con rồng của thương hiệu Bia Sài Gòn bất ngờ xuất hiện trên tay áo đấu của câu lạc bộ Leicester City trong một nỗ lực đưa thương hiệu bia số một Việt Nam ra toàn cầu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
“Không ai bỏ ra năm tỉ USD mua một thương hiệu rồi phá hủy nó”, ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco lên tiếng khẳng định trước những tiếng hoài nghi của nhiều người về việc người Thái sẽ bỏ thương hiệu Bia Sài Gòn. Cuối năm 2017, ông Charoen Sirihadhanabakdi - tỉ phú giàu thứ hai Thái Lan, thông qua các công ty Thai Beverage và Viet Beverage, đã mua 53,6% sở hữu vốn tại Sabeco từ Bộ Công thương, qua đó thâu tóm doanh nghiệp chiếm lĩnh 40% thị phần bia tại Việt Nam.
Sabeco sau đó trở thành một doanh nghiệp tư nhân và số lượng doanh nghiệp lọt vào nhóm phân loại này ngày càng lớn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, 40% GDP được đóng góp bởi kinh tế tư nhân – một khu vực đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, theo báo cáo Phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0 của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Ngoài các lĩnh vực nền tảng vốn vẫn đang được ưu tiên cho khu vực kinh tế nhà nước, liên quan đến điện, đường, trường, trạm, doanh nghiệp tư nhân đang dẫn đầu các hầu hết ngành nghề kinh doanh, từ nông nghiệp, đến công nghiệp và dịch vụ, tài chính.
Chính sách cổ phần hoá tiến tới việc rút lui hoàn toàn của nhà nước khỏi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bắt đầu chứng tỏ được sự đúng đắn. Ngoài Sabeco, Việt Nam có Vinamilk, Dược Hậu Giang,… là các doanh nghiệp đứng đầu với doanh thu hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD mỗi năm và được khu vực, thế giới biết đến.
Trong một cuộc trò chuyện của Tạp chí Nhà Quản Lý với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam, ông nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là một trong ba trụ cột của một nền kinh tế: khu vực tư nhân - khu vực nhà nước - xã hội dân sự. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân được cho là có vai trò dẫn dắt, cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Kể từ khi bắt đầu đổi mới và mở cửa từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư, nguồn lực tự nhiên như rừng vàng biển bạc và nhân công giá rẻ. Cho đến hiện tại, việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đã phát huy hiệu quả. Năm 2018, xuất khẩu Việt Nam đạt kỷ lục 243 tỉ USD, trong đó khoảng một phần tư đến từ Samsung - doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua các nhà máy sản xuất và lắp ráp, vốn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của một trong những doanh nghiệp điện tử đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, lao động Việt Nam không còn rẻ. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, so với mức giá lao động dệt may, Việt Nam đã vượt Ấn Độ và Bangladesh - các quốc gia xuất khẩu dệt may đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Trung Quốc đã trải qua mô hình thu hút vốn đầu tư tương tự Việt Nam và đi trước Việt Nam khoảng một thập kỷ, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định. Các doanh nghiệp đa quốc gia có chính sách Trung Quốc+1, tức là họ chuẩn bị sẵn một phương án bỏ Trung Quốc để di dời nhà máy sang nước khác khi những lợi thế từ quốc gia đông dân nhất thế giới không còn. Có cơ sở để tin rằng trong khoảng 10 năm nữa, sẽ tới lúc họ có chính sách Việt Nam+1. Điều này chứng tỏ dư địa tăng trưởng theo mô hình cũ của Việt Nam không còn nữa, đã đến lúc phải chuyển đổi mô hình, hay nói cách khác là bước sang giai đoạn thứ hai của mô hình tăng trưởng - tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. 30 năm là thời gian Việt Nam bắt đầu làm quen với thuật ngữ kinh tế thị trường. Nền tảng của kinh tế thị trường, cạnh tranh, phân bổ nguồn lực,... đã được thế giới đặt ra từ hai thế kỷ trước, kể từ khi Adam Smith bắt đầu viết “Của cải của các quốc gia” (The Wealth of the Nations) năm 1776. 30 năm cũng là tuổi đời của các doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Họ không có được sự bình đẳng, một sân chơi đúng nghĩa ngay từ đầu. Tạo lập một sân chơi, đề ra luật chơi chính là cải cách thể chế. Một luật chơi công bằng là luật chơi mọi người chơi đều bình đẳng. Ví dụ, một doanh nghiệp thua lỗ không thể cứ liên tục được nhà nước bơm tiền, mà phải để phá sản. Hay các doanh nghiệp cần bình đẳng trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng. Luật chơi công bằng không chỉ tạo sân chơi công bằng, mà tạo nên những hành vi, cách ứng xử đúng đắn cho người chơi.
Kinh tế tư nhân là một trong ba trụ cột của một nền kinh tế:
khu vực tư nhân - khu vực nhà nước - xã hội dân sự.
Ông Vũ Thành Tự Anh đánh giá, các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua đã không hoàn thành vai trò trụ cột của nền kinh tế như kỳ vọng, thậm chí có tập đoàn trở thành gánh nặng. Không phủ nhận sự thành công của các tập đoàn viễn thông, cơ sở hạ tầng, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định cái giá để duy trì khu vực kinh tế nhà nước là quá lớn. “Những thuận lợi của khu vực này đâu phải của trời cho, mà nó tạo ra những méo mó trong chính sách, lấn át cơ hội của các khu vực khác”.
Đặt kinh tế tư nhân vào vai trò dẫn dắt mô hình phát triển không có nghĩa phủ nhận toàn bộ vai trò của khu vực nhà nước. Việc nhà nước cần tập trung là các chức năng làm chính sách, tạo luật pháp, cưỡng chế thực thi, bảo hiểm cho những người yếu thế và rơi vào tình huống rủi ro, chứ không phải tham gia kinh doanh, cạnh tranh nguồn lực với khu vực tư nhân.
Trong trường hợp y tế, giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh không ủng hộ quan điểm nhà nước rút lui và tư nhân hóa hoàn toàn, bởi đó là phúc lợi của những người dân. Những điều kiện tối thiểu về y tế và giáo dục cần được nhà nước đảm bảo, đặc biệt cho những người có thu nhập và vị thế xã hội thấp,... Việc kinh doanh trong những lĩnh vực này cần phải tách rời, hoàn toàn không được hỗ trợ. Tầng lớp trung lưu trở lên đủ điều kiện để tự chăm sóc gia đình mình về y tế và giáo dục mà không cần sự hỗ trợ của nhà nước. Mô hình dịch vụ cao cấp tại các bệnh viện công, yêu cầu người nhà bệnh nhân đóng thêm tiền, theo ông Vũ Thành Tự Anh, là một hình thức trợ cấp ngược, khi tiền ngân sách đang được sử dụng để hỗ trợ cho những người giàu.
Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân làm chủ đạo không có nghĩa là ưu tiên, mà phải tạo một cơ chế hiệu quả cho khu vực này hoạt động. Nhà nước thậm chí không nên chọn một ngành nghề, càng không nên chọn một doanh nghiệp, để tập trung ưu đãi. Trước luật chơi công bằng, bình đẳng, ngành nghề và doanh nghiệp nổi trội sẽ được hỗ trợ, nâng tầm. “Điều đó giống như mình thả một đàn ngựa trên thảo nguyên, tự do, và quan sát. Con đầu đàn là con mình phải hỗ trợ chứ không phải con lẽo đẽo theo sau”, ông Vũ Thành Tự Anh bày tỏ.
Bài viết: Minh Thư
Ảnh: Bảo Zoãn
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Kinh tế tư nhân dẫn dắt chuyển đổi mô hình tăng trưởng