Thông báo hồi tháng 10.2019 của cơ quan Cơ sở hạ tầng châu Á (Infrastructure Asia - IA) của chính phủ Singapore cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng nhận vốn vay trên khắp khu vực Đông Nam Á là một bước đi tích cực.
Giờ đây, chúng ta cần đến những nhân tố trong ngành phát triển cơ sở hạ tầng được khai phá để đảm bảo nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng được hiện thực hóa.
Nhu cầu về phát triển bền vững trên khắp khu vực Đông Nam Á là không thể chối cãi, trong bối cảnh khu vực này đang ngày càng phải đối mặt một cách mất cân đối trước biến đổi khí hậu. Ngân hàng Lloyd’s ước tính ngập lụt sẽ gây rủi ro thiệt hại đến 22,5 tỉ USD trên tổng GDP chỉ riêng tại các đô thị Đông Nam Á.
Nếu không được lưu tâm, ADB dự báo rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm GDP khu vực Đông Nam Á tới 11% từ giờ đến hết thế kỷ này.
Trong đó, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro lớn. Việt Nam đã luôn nằm trong nhóm 10 nước bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm qua bởi bão, lụt và lở đất. Và rủi ro này sẽ ngày càng gia tăng. Theo một báo cáo của một ủy ban liên nhà nước, cứ một mét nước biển dâng sẽ tác động đến 10% của GDP và dân số cùng 7,2% diện tích đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó là nhu cầu về cơ sở hạ tầng của khu vực Đông Nam Á. Chúng ta đang nói đến không chỉ cầu đường mà còn là những nhu yếu phẩm cơ bản như điện, nước, hệ thống thoát nước, bệnh viện và trường học. Một lần nữa, ADB đề cập khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hằng năm 210 tỉ USD cho đến năm 2030 nhằm đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Đông Nam Á và những thách thức do biến đổi môi trường mang lại. Theo Ngân hàng Thế giới, con số dành cho Việt Nam là 25 tỉ USD mỗi năm.
Nhằm lấp đầy khoảng trống phát triển này, các nước thành viên ASEAN phải thực hiện những bước đi để tạo điều kiện nhiều hơn cho khối tư nhân tham gia vào công tác cấp vốn cho ngành xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững.
Nhưng đây không phải công việc dễ dàng. Khoảng 75% dòng tiền chảy từ khối tài chính công và 25% từ khối tài chính tư nhân, chủ yếu dưới hình thức cho vay thương mại. Tại Việt Nam, tỉ lệ tham gia của khối tài chính tư nhân còn thấp hơn, với 12% trên tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, theo số liệu từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.
Ngân hàng trung ương Singapore trông đợi tỉ lệ tham gia của khối tài chính tư nhân tăng 60% trên tổng nhu cầu vốn đầu tư. Điều này có nghĩa sự tham gia của khối tư nhân phải tăng lên hơn 10 lần.
Cần nhấn mạnh nhiều nỗ lực tương tự đang được triển khai trên khắp khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, Malaysia đặt mục tiêu tăng tỉ lệ điện làm từ năng lượng tái tạo lên 20% đến năm 2030. Indonesia thông báo sẽ điều chỉnh chính sách tài khóa nhằm tạo điều kiện sản xuất các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Và trong năm nay, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành các dự án nhà máy điện mặt trời lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết rằng các siêu thị, chợ và cửa hàng đặt tại khu vực đô thị sẽ ngưng bán và sử dụng túi nilon vào năm 2021. Đến năm 2025, việc sử dụng loại vật liệu này trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ ngưng hoàn toàn.
Nhưng để đặt được mục tiêu này vẫn còn rất xa. Nói đơn giản, các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và tái tạo thường không được cấp đủ vốn vay. Chẳng hạn, việc chuyển dịch năng lượng trong khối ASEAN sẽ không xảy ra một sớm một chiều. Trên thực tế, Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết than đá sẽ vẫn chiếm đa số trong nguồn năng lượng hỗn hợp vào năm 2040. Thách thức dành cho các dự án năng lượng tái tạo ở các thị trường châu Á như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam nằm ở việc chi phí sản xuất thường vẫn cao hơn giá điện lưới, dẫn đến việc phụ thuộc đáng kể vào các khoản trợ cấp.
Đó là lý do tại sao những thông báo đầu tiên đến từ cơ quan Cơ sở hạ tầng châu Á của Singapore cùng ADB là một bước đi quan trọng khác. Nhưng ngoài ra chúng ta còn có thể làm gì khác để thu hút và giữ lại nguồn vốn đầu tư cần thiết từ khối tư nhân?
Thứ nhất, cần thiết phát hành “Báo cáo thực hiện cơ sở hạ tầng bền vững” thường niên - một bản báo cáo tiêu chuẩn và chuyên biệt để người trong ngành có thể tiếp cận, với nội dung đánh giá tiến độ của các dự án và nhấn mạnh vào những cách thực hiện tốt nhất trong việc cấp vốn cho những dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững trong khu vực Đông Nam Á.
Trong số những thông báo gần đây của mình, Cơ sở hạ tầng châu Á kêu gọi một chương trình “tăng cường năng lực” (capacity-building) dành cho quan chức chính phủ trong khu vực nhằm tham gia vào những dự án cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng được cấp vốn vay. Dưới sự bảo trợ của một mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị, một giải pháp cần thiết khác đó là xây dựng các chương trình đào tạo dành cho quan chức về những chủ đề then chốt trong cơ sở hạ tầng bền vững cũng như những bộ công cụ có sẵn bảng mẫu và mô hình tài chính khi phát triển các dự án cơ sở hạ tầng bền vững.
IA có kế hoạch làm việc cùng ADB nhằm đẩy mạnh những giải pháp tài chính sáng tạo dành cho các dự án cơ sở hạ tầng bền vững trong khu vực Đông Nam Á. Để bắt tay cùng các ngân hàng phát triển và khối tư nhân, cần xây dựng một bộ công cụ tài chính hỗn hợp để chuẩn hóa những phương tiện có khả năng chỉ ra những rủi ro gắn liền với những dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững.
Việc phát triển những dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững bằng việc sử dụng nguồn tài chính từ khối công và tư là cách duy nhất để thị trường các nước Đông Nam Á đối mặt với nguy cơ và cơ hội đang gia tăng do biến đổi môi trường đem lại.
Đó là lý do tại sao liên minh giữa cơ quan IA và ADB là bước đi chiều sâu trong những nỗ lực của khu vực Đông Nam Á nhằm ứng phó với những thách thức về kinh tế và môi trường.
Nhưng mọi chuyện không thể dừng tại đó và không thể chỉ dựa vào hai tổ chức trên. Vì vậy những đề xuất kể trên phù hợp với những bộ khung mà cơ quan IA và ADB đang mong muốn xây dựng. Ngành tài chính cần đẩy mạnh nỗ lực biến những khái niệm này thành hiện thực. Làm như vậy sẽ giúp tạo ra một tương lai kinh tế Đông Nam Á được hỗ trợ bởi phát triển bền vững trong nhiều thập kỷ tới.
Mukhtar Hussain
Giám đốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC