Dư địa thị trường cho các khách sạn/cơ sở lưu trú dưới 3 sao vẫn còn rộng mở. Theo số liệu công bố từ Tổng Cục du lịch, số khách sạn/cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên tại Việt Nam năm 2018 chiếm 3% với tổng số phòng chiếm gần một phần tư.
Trong khi các khách sạn được xếp hạng “sao” - thông thường từ ba sao trở lên, tạo cảm giác yên tâm nhất định, thì việc thuê một khách sạn bình dân với chi phí eo hẹp khiến khách lưu trú gặp khá nhiều rủi ro. Không có một tiêu chuẩn cụ thể về diện tích, sự sạch sẽ, các trang thiết bị, đồ dùng… cho một khách sạn bình dân. Những đánh giá của trên các trang web thuê khách sạn cũng dần mất đi sự khách quan do hầu hết thiên về trải nghiệm cá nhân.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để du khách có thể yên tâm với việc thuê một phòng khách sạn với giá chỉ từ 300 nghìn mỗi đêm, tại trung tâm thành phố, lại có thể đảm bảo những yêu cầu tối thiểu?
Chỉ chưa đầy ba tháng gần đây, lần lượt hai startup dịch vụ du lịch hàng đầu châu Á chính thức gõ cửa thị trường Việt Nam. Trên thực tế, đó chỉ là những buổi ra mắt báo chí bởi từ năm 2018, những cái tên như RedDoorz hay OYO đã có mặt trên các hệ thống đặt phòng online và tạo ra những cuộc chiến ngầm tại thị trường Việt Nam.
Thay vì làm một nền tảng để các khách sạn tự giới thiệu, chào bán như Agoda, Booking, Traveloka, Mytour,…, thì Reddoorz hay OYO đưa ra những tiêu chuẩn nhất định cho các khách sạn trong chuỗi của mình và mở rộng chuỗi bằng cách hợp tác, tiêu chuẩn hoá các khách sạn ít tên tuổi. Các khách sạn thuộc hệ thống RedDoorz, OYO cũng được tìm thấy trên của các trang đặt phòng như Agoda, Booking…
Các ứng dụng RedDoorz, OYO đóng vai trò kiểm soát chất lượng dịch vụ của các khách sạn đối tác. Các khách sạn đăng kí nhượng quyền sẽ kinh doanh theo thương hiệu, hình ảnh, cách thức phục vụ theo quy chuẩn của các công ty đề ra chung cho toàn bộ hệ thống, và ứng dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh mà các công ty này xây dựng.
Vào ngày ra mắt tại Việt Nam, "kỳ lân" được định giá 5 tỉ USD đến từ Ấn Độ, OYO tuyên bố mình là dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á. Chia sẻ trong thông cáo báo chí, công ty này cho biết đã có 90 khách sạn đối tác với hơn 1.500 phòng tại sáu thành phố du lịch của Việt Nam bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang. Công ty đặt kế hoạch sẽ tăng thành mười điểm đến năm 2020. Đồng thời, OYO cũng cho biết sẽ rót 50 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Trước khi vào Việt Nam, startup sáu năm tuổi này đã có mặt tại Philippines, Malaysia, và Indonesia, và các nước châu Âu.
Trên website của mình, đối thủ RedDoorz đến từ Indonesia cho biết đã có mặt tại bốn quốc gia với mạng lưới hơn 1.000 khách sạn tại khu vực Đông Nam Á và nhận hàng triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ Jungle Venture, Innoven hay IFC sau ba năm thành lập.
Năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu lượt khách du lịch, đạt mức tăng trưởng 20% so với năm 2017. Nửa đầu năm 2019, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tiếp tục tăng 7,5% so với cùng kỳ 2018, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch. “Tăng trưởng khách du lịch là cơ hội tuyệt vời khiến chúng tôi đưa ra quyết định xây dựng hệ sinh thái dịch vụ du lịch tại Việt Nam”, chia sẻ của ông Anil Goel, Giám đốc Sản phẩm và Công nghệ Toàn cầu của OYO Hotels & Homes trong ngày đến Việt Nam. Ông Anil cho biết thêm, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho OYO bước chân vào cải thiện cục diện dịch vụ cho các khách sạn nhỏ lẻ.
Cũng giống như Agoda, TripAdvisor, các khách sạn là đối tác của OYO hay RedDoorz sẽ có mặt trên các kênh của công ty như website, app điện thoại, với các thông tin cơ bản từ địa chỉ, hình ảnh buồng phòng đến phương thức đặt phòng, giá phòng. Các công ty đồng thời thực hiện chạy marketing, SEO cho khách sạn.
Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất mà RedDoorz và OYO hướng đến là tập trung vào các khách sạn từ ba sao trở xuống. OYO hay RedDoorz chọn cách tiếp cận những khách sạn có giá cả thấp và vừa phải hoặc mua lại các phòng trống với mức giá đã được thỏa thuận với khách sạn.
Để bán phòng cho OYO, khách sạn phải đáp ứng các hướng dẫn tiêu chuẩn hóa của OYO, bao gồm Wi-Fi miễn phí, vải rèm trắng sạch, tivi màn hình phẳng, bao gồm bữa sáng. Khách sạn đạt chuẩn sẽ được gắn nhãn là OYO phía trước tên khách sạn của mình. OYO sau đó đưa những phòng này vào danh sách của OYO trên ứng dụng.
Với khách sạn là đối tác của RedDoorz, các phòng sẽ được yêu cầu trang trí bằng ga có màu trắng, vỏ gối màu đỏ, một miếng khăn trải nệm vắt ngang cũng màu đỏ. Tất cả đều gắn logo của RedDoorz. Khách sạn vẫn giữ nguyên tên ban đầu trên giấy tờ nhưng về hình thức phải gắn biển hiệu RedDoorz có kích thước lớn vào trước cửa, nổi bật hơn biển tên ban đầu. Nếu tìm bất kì khách sạn RedDoorz, khách hàng sẽ khó biết chính xác tên ban đầu của khách sạn, mà chỉ mô tả theo khu vực, ví dụ như RedDoorz Bến Thành, RedDoorz Phạm Ngũ Lão, RedDoorz Huỳnh Tấn Phát…
Mức giá của các dịch vụ như RedDoorz hay OYO thường rẻ khoảng 25% so với giá của các website đặt phòng khác. Trong chương trình khuyến mãi, mức giá còn có thể rẻ hơn nữa. RedDoorz bắt buộc khách hàng đặt phòng phải thanh toán trước. Công ty này đã hợp tác với hai ví điện tử của Việt Nam ZaloPay và Momo. Với mức giá có phần nhỉnh hơn RedDoorz, OYO lại cho phép khách hàng thanh toán sau tại khách sạn.
Một chủ khách sạn tham gia vào hệ thống nhượng quyền RedDoorz chia sẻ, công ty cam kết doanh thu với khách sạn. Cam kết này thực hiện trong hợp đồng một năm với khách sạn. Khi có khách đặt phòng qua thương hiệu RedDoorz, ứng dụng này sẽ mua phòng của khách sạn nhượng quyền với giá gốc, và bán cho khách hàng với giá khuyến mại.
Sau khi đặt thử một khách sạn gần khu vực Bùi Viện (thành phố Hồ Chí Minh) với giá 250 nghìn đồng/đêm, khách hàng lập tức nhận được email xác nhận đặt phòng kèm với tên, địa chỉ chính xác của khách sạn. Buồng phòng được trang trí theo cách đặc trưng và tối giản sao cho đủ để phục vụ những yêu cầu cơ bản nhất như giường, nhà vệ sinh sạch sẽ. Các vật dụng thiết yếu sẽ gắn logo và màu nhận diện thương hiệu của RedDoorz như một chiếc gối vuông đỏ trên nền ga trắng, và một dải đỏ vắt ngang giường. Logo của RedDoorz cũng được dán trên tường, trên ống đựng sữa tắm, dầu gội, túi bàn chải trong nhà vệ sinh… Trong khi đó nếu tìm đúng tên khách sạn trên một website đặt phòng khác, phòng RedDoorz rộng khoảng 15 mét vuông này có giá bán khoảng 400 nghìn đồng/đêm. Như vậy với mỗi phòng bán ra, RedDoorz chịu lỗ 150 nghìn đồng/đêm.
Chịu lỗ hoạt động nhằm mở rộng thị phần trên một lãnh địa kinh doanh mới đang là cách các startup công nghệ đang vận hành.
“Các dịch vụ như OYO ra đời và nhanh chóng trở nên phổ biến tại hầu hết các thành phố lớn tại Ấn Độ. Đặc biệt tại những nơi mà cơ sở hạ tầng cho du lịch vẫn chưa phổ biến, như Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, Ấn Độ”, Shipra Shekhar, 28 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, từng có kinh nghiệm du lịch một mình qua 15 quốc gia, chia sẻ với Tạp chí Nhà Quản Lý. Tại Ấn Độ, khi những dịch vụ như OYO tạo ra sự chuẩn hóa mới cho thị trường, khách hàng có xu hướng dựa vào đó để đánh giá chất lượng cho các điểm lưu trú, Shipra cho biết thêm.
Harvard Business School đánh giá, các mô hình kinh doanh như OYO hoạt động tốt tại những quốc gia điển hình như Ấn Độ, nơi có lượng lớn khách sạn phát triển ồ ạt và phân mảnh. Đây chính là nơi để các dịch vụ như OYO cất cánh. Ấn Độ có tới hàng triệu phòng khách sạn nhưng lại thiếu thương hiệu có uy tín và phương thức để đánh giá chất lượng và hầu hết không như mong đợi. Bằng các hệ thống các khách sạn không có thương hiệu, dưới chiếc ô của OYO, khách sạn địa phương phần nào xoa dịu nỗi lo của khách hàng khi đến một thành phố hoặc quốc gia mới.
Tốc độ phát triển của các startup RedDoorz hay OYO tấn công vào thị trường ban đầu luôn cần sự hậu thuẫn phía sau từ các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu. Ngoài SoftBank Vision Fund, OYO còn có một danh sách dài các nhà đầu tư khác như Greenoaks Capital và Lightspeed Venture Partners. Gần đây nhất, AirBnB cũng không thể đứng ngoài cuộc và rót 200 triệu USD cho OYO. Với độ phủ rộng rãi của các khách sạn dưới 3 sao cùng với nhu cầu du lịch với mức giá bình dân ngày càng trở nên phổ biến, các ứng dụng như RedDoorz hay OYO sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, như cách các ứng dụng gọi xe đang phát triển rầm rộ hiện nay.
Dâng Phạm