Huyền thoại thời trang Karl Lagerfeld đã qua đời vào ngày 19.2.2019, ở tuổi 85. Sự ra đi của ông để lại một hình tượng không suy suyển trong làng thời trang thế giới. Đằng sau vẻ bề ngoài đầy kiêu hãnh với mái tóc đuôi ngựa trắng, cặp kính đen, vest tối màu, sơ mi trắng cổ cao và găng tay không ngón, là nỗi ám ảnh sâu sắc của Lagerfeld về thực tại.
Sau khi Karl Lagerfeld qua đời, trang Instagram của Choupette, cô mèo cưng và cũng là “nàng thơ im lặng” theo cách ông gọi, đã đăng tải một “story” gồm những lời từ biệt vị chủ nhân hào phóng, người đã để lại cho Choupette hàng triệu USD tiền thừa kế. Ký tên là “fan hâm mộ cuồng nhiệt nhất của bố Lagerfeld”, Choupette gọi ông là một biểu tượng đích thực, có khả năng để lại dấu ấn trong cuộc đời của tất cả những ai ông từng tiếp xúc. Rất có thể, những điều đáng nhớ nhất về Lagerfeld không hoàn toàn gói gọn trong sự nghiệp thiết kế thời trang lừng lẫy, mà ở năng lực trí tuệ ông không ngừng vun đắp trong hơn 80 năm sống trên đời.
Hơn một nửa thế kỷ qua, Lagerfeld đã trở thành một trong những biểu tượng của ngành thời trang thế giới, thiết kế trang phục cho những tên tuổi hàng đầu, làm nhiếp ảnh gia cho những chiến dịch và ấn phẩm thời trang tầm cỡ, viết một cuốn sách về phương pháp ăn kiêng, đạo diễn nhiều phim ngắn thời trang, và làm bạn với mọi giới từ họa sĩ “pop art” Andy Warhol tới công chúa Monaco Caroline.
Dù luôn xuất hiện trong một hình tượng quý tộc giữa giới thời trang nhiều người cho là phù phiếm, Karl Lagerfeld không thiết kế trong tháp ngà. Trí tưởng tượng của ông có thể vượt xa rất nhiều kỳ vọng và đồn đoán, nhưng đôi chân ông luôn vững vàng trên mặt đất. Mỗi năm Lagerfled thiết kế không dưới tám bộ sưu tập cho Chanel, năm cho nhà mốt xa xỉ Fendi của Ý, cùng nhiều sản phẩm khác dưới thương hiệu mang tên ông. Sức lao động và sáng tạo vô biên khiến ông trở thành cái tên độc nhất vô nhị trong làng thời trang thế giới.
Trong một bài phỏng vấn với Vogue năm 2017, để trả lời cho câu hỏi quan niệm của ông về thời trang, Karl Lagerfeld đáp ngắn gọn: thời trang là hiện tại. Cách ông sống và lao động sáng tạo cho thấy đó không chỉ là ý niệm của ông về thời trang, mà về tất cả mọi thứ.
Kể từ khi Lagerfeld tiếp quản Chanel năm 1983, hơn một thập kỷ sau cái chết của người sáng lập Coco Chanel, nó trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ đạt lợi nhuận cao nhất thế giới, với doanh thu ước tính hơn bốn tỉ USD mỗi năm. Mặc dù có tuổi đời gần gấp đôi các nhà thiết kết của các hãng thời trang cạnh tranh, Lagerfeld không ngừng tạo ra các cơn sốt Chanel hết mùa này qua mùa khác. “Thế mạnh lớn của ông ấy là bắt kịp hiện tại và không bao giờ cho người khác cơ hội nghĩ rằng ông đã hết thời”, theo Michael Roberts, Giám đốc Thời trang của Vanity Fair và người bạn thân 30 năm của Lagerfeld.
Lagerfeld không ngần ngại biến tấu những bộ vest truyền thống của Chanel thành áo khoác lửng siêu ngắn, điểm xuyết chúng bằng logo hai chữ C cỡ lớn, kết hợp chúng với giày chạy chần bông, quần bó đính kim sa lấp lánh và những chuỗi vòng cổ bằng xích quá khổ lấy ý tưởng từ các ca sĩ nhạc rap. Bằng những đột phá táo bạo, ông xóa tan ấn tượng về tính kiểu cách trưởng giả trong di sản của Chanel bấy lâu và tạo nên thương hiệu Chanel của thời đại mới gây sốt trong giới trẻ.
Đối với nhiều người, Lagerfeld đại diện cho thời trang. Ông là hiện thân của những bí ẩn thoáng qua, sự sáng tạo và những mâu thuẫn bên trong thời trang. Ông yêu thích vẽ, nhưng không giữ lại bất kỳ bản phác thảo nào, mặc dù ông sở hữu hàng ngàn cuốn sách phác thảo của những nhà thiết kế khác. Ông trang hoàng cho những ngôi nhà và khách sạn lộng lẫy, nhưng vẫn sống và làm việc trong một căn “studio” ở Paris. Ông từng có mối quan hệ gắn bó trong 18 năm với chàng quý tộc người Pháp Jacques de Bascher nhưng lại khẳng định với tờ Interview vào năm 1975 rằng ông chưa từng yêu một ai…
Lagerfeld sinh ra...
trong gia đình của những trí thức, cha ông làm giàu nhờ kinh doanh sữa đặc, mẹ ông chơi violin. Trong những năm Hitler trỗi dậy, cha ông đưa cả nhà đến một vùng quê biệt lập ở phía nam nước Đức, nơi Lagerfeld trải qua phần lớn tuổi thơ. Ông là một học sinh giỏi nhưng không có bạn bè, bởi ông không thích những bạn bè cùng lứa. Ông làm bạn với những cuốn sách và muốn làm một người trưởng thành và được tôn trọng. Mẹ ông là một người hà khắc, nhưng ông cho rằng điều đó là cần thiết với một đứa trẻ như ông.
Từ nhỏ, Lagerfled thích cắt rời và sưu tầm những tấm hình từ các cuốn tạp chí thời trang, và đặc biệt để ý cách các bạn học ăn vận. Tình yêu của ông với thời trang mang rất nhiều tư duy lý trí. Ông tin rằng trong khi những thứ như kiến trúc hay xe cộ không thay đổi nhiều qua thời gian, thái độ của con người cùng cách họ đi đứng, ăn vận nằm ở chiều ngược lại. Đó là thứ khiến thời trang quan trọng – nó luôn phản ánh thực tại.
Tuy nhiên, cuộc sống ở vùng nông thôn mang lại cho Lagerfeld rất ít cơ hội tiếp xúc với thời trang cao cấp. Chỉ đầu những năm niên thiếu, ông mới được tham dự một buổi trình diễn thời trang sau khi gia đình chuyển về Hamburg. Nhưng Hamburg thê lương sau chiến tranh không thể nào chắp cánh cho ước mơ được tỏa sáng trong một thời đại huy hoàng, Lagerfeld chuyển đến Paris khi vẫn còn là một thiếu niên với sự ủng hộ từ mẹ.
Sau hai năm tại kinh đô thời trang, ông bắt gặp mẩu quảng cáo về cuộc thi thiết kế quốc tế được tài trợ bởi International Wool Secretariat; ông dự thi và chiến thắng trong hạng mục áo khoác với một thiết kế màu vàng có đường viền cổ cắt sâu hình chữ V ở phần lưng (Yves Saint Laurent giành giải ở hạng mục váy dự tiệc trong cùng cuộc thi đó và hai người trở thành bạn). Ngay sau đó Lagerfeld được tuyển làm trợ lý cho nhà mốt Balmain. Công việc rất vất vả vào thời máy photocopy chưa tồn tại: trong ba tuần sau mỗi bộ sưu tập, Lagerfeld và các trợ lý khác mất nhiều ngày để phác thảo các đường thêu, họa tiết hoa, đường may cho thợ tạo mô hình.
Sau sáu tháng, ông được lên làm thợ học việc cho Pierre Balmain. Nhưng ông bỏ việc chỉ ba năm sau đó vì cho rằng mình không sinh ra để làm trợ lý. Trong ba năm, ông làm giám đốc nghệ thuật tại House of Patou, nơi ông thiết kế các bộ sưu tập thời trang theo phong cách của chủ thương hiệu Jean Patou. Nhưng cho đến năm 1961, Lagerfeld hết kiên nhẫn với việc thiết kế và may đo trang phục trang trọng cho phụ nữ giàu có. Couture (may đo cao cấp), theo ông, đã trở nên quá lỗi thời và trưởng giả. Ông tin rằng những ý tưởng thời trang đột phá nhất nằm ở những sản phẩm may sẵn vốn bị các nhà thiết kế coi thường. Ông rời bỏ Patou và trở thành nhà thiết kế thời trang may sẵn độc lập, sáng tạo cho nhiều nhà mốt trong đó có Tiziano và Chloé trước khi lèo lái Chanel.
Lagerfeld không chỉ điều chỉnh cây bút mà cả tính cách của mình. Đối nghịch với chất thơ, mong manh và nữ tính của Chanel, những thiết kế ông dành cho Fendi đầy sự hướng ngoại và góc cạnh. Trong khi đó, các thiết kế cho dòng sản phẩm mang tên ông phản chiếu những ngày mây xám và ảm đạm ở vùng quê nước Đức nơi ông lớn lên.
Lagerfeld diễn giải quá trình sáng tạo của ông giống như việc hít thở. Nó diễn ra tự nhiên và nhanh chóng, như một ánh chớp vụt qua vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ông luôn nắm bắt trực giác của bản thân và không tin vào những ý tưởng đến sau. Nhưng tất nhiên, ông cũng không tin rằng người làm sáng tạo chỉ việc ngồi chờ cảm hứng đến, họ cần lao động. Ông dẫn ra một câu nói của người Pháp: “cảm giác ngon miệng đến khi bạn ăn” và ý tưởng đến khi bạn làm việc.
Chụp hình cũng là một cách để Lagerfeld chớp lấy hiện tại và giữ lại những khoảnh khắc không thể tái hiện. Ông thêm vai trò “nhiếp ảnh gia” vào bản CV của mình vào những năm 1980, khi ông lần đầu tiên đứng sau ống kính để tự tay chụp các chiến dịch thời trang do mình thiết kế, sau khi ê-kíp thực hiện sai ý ông đến lần thứ ba. Kể từ đó, ông tiếp tục chụp hình các chiến dịch của bản thân cho đến tận sau này, bên cạnh vô số chuyên mục ảnh cho các tạp chí thời trang. Nhiều chiến dịch do ông bấm máy đã được in thành sách nghệ thuật do Steidl xuất bản. Ngoài chụp hình thời trang, ông còn lấn sân sang nhiếp ảnh mỹ thuật một cách tự nhiên và dễ dàng, thường xuyên có tác phẩm trưng bày tại các phòng gallery nổi tiếng.
“Tôi không có ý niệm gì về tương lai, chưa từng”, ông nói trong một bài phỏng vấn khác với Vogue năm 2004. “Đó là điều tôi thích về thời trang. Nó là thiên đường của hiện tại”. Đối với Lagerfeld, khi một nhà thiết kế không còn tìm thấy cảm hứng từ những gì đang diễn ra và bắt đầu nghĩ về quá khứ, tốt nhất họ nên nghỉ hưu. Một nhà thiết kế cần hứng khởi với hiện tại, với những điều sắp đến.
Thành công của Lagerfeld trong việc vực dậy Chanel đã tạo cảm hứng cho nhiều cuộc cách mạng ở các thương hiệu thời trang khác, bao gồm Gucci (cùng với Tom Ford), Dior (John Galliano), Louis Vuitton (Marc Jacobs), Lanvin (Alber Elbaz), Balenciaga (Nicolas Ghesquière) và Burberry (Christopher Bailey).
Nỗ lực dành nhiều nhất sự hiên hữu của mình cho hiện tại và bắt kịp với xu hướng của Lagerfeld không chỉ giới hạn trong thời trang mà cả nghệ thuật, chính trị, phim ảnh và âm nhạc (ông sở hữu hơn 300 chiếc iPod). Được bạn bè nể phục vì khả năng tiếp nhận thông tin, Lagerfeld còn nổi tiếng với khả năng đưa những gì ông tiếp thu được vào trong thời trang. “Karl đọc tất cả mọi thứ, xem xét mọi thứ”, stylist người Pháp Camille Bidault-Waddington kể lại.
Sở hữu một thư viện với hơn 300.000 cuốn sách và có thể đọc bằng bốn thứ tiếng – Anh, Pháp, Đức và Ý – Lagerfeld còn tự tay xuất bản sách. Ông sở hữu một công ty xuất bản mang tên Édition 7L, chi nhánh của NXB Đức Steidl và một hiệu sách cùng tên là 7L nằm liền kề với studio chụp hình của ông trên đường Rue Lille. Édition 7L đã xuất bản 41 đầu sách về các chủ đề ưa thích của ông (ngoài thời trang và nhiếp ảnh), bao gồm văn học, hài hước, quảng cáo, âm nhạc, báo chí, thần thoại, minh họa và kiến trúc. Một số trong những cuốn sách này không được thiết thực cho lắm: chẳng hạn tuyển tập gồm 10 năm đầu của tạp chí Interview nặng 43 kg và được đóng gói trong chiếc xe đẩy bằng gỗ do Lagerfeld thiết kế.
Quyết tâm sống cho thực tại của Lagerfeld không tránh khỏi việc mang trong đó sự tàn nhẫn và thờ ơ. Ông vẫn thường vứt bỏ những tác phẩm nghệ thuật, đồ vật, và nơi chốn từng mang lại cho ông rất nhiều cảm hứng và niềm vui. Con người cũng không phải ngoại lệ. Một trong những người bạn của Lagerfeld cho biết, ông ấy vứt bỏ vì ông ấy không thích quá khứ. “Một khi quyết định bạn thuộc về quá khứ, ông ấy sẽ cho bạn vào thùng rác”. Còn theo lời đối tác xuất bản của ông, Gerhard Steidl, khi Lagerfeld đọc một cuốn sách dày, đọc đến đâu ông xé bỏ bớt đến đó.
Nhưng mọi sự, dù kiên định nhất, đều ẩn chứa mâu thuẫn. Nghịch lý thay, Lagerfeld là một tín đồ của thế kỷ thứ 17, 18 và 19, và ông là nhà sưu tầm Art Deco nghiêm túc. Đam mê lịch sử thể hiện trong cách ông ăn vận tỉ mỉ, một sự pha trộn giữa đương đại (áo khoác Dior kết hợp với quần jean bó sát của Diesel) cùng phong cách retro, bao gồm trang sức cổ do Suzanne Belperron thiết kế và áo sơ mi đặt may của Hilditch & Key với cổ cao và cứng (ông có khoảng 1.000 chiếc như vậy), gợi nhớ đến các quý ông của thế kỷ 19. Với phong thái kiêu hãnh cùng mái tóc đuôi ngựa trắng, cặp kính đen, vest tối màu, sơ mi trắng cổ cao, găng tay không ngón và thắt lưng đính đá, Lagerfeld không thể bị nhầm lẫn trong bất kỳ sự kiện nào.
Những hình ảnh hậu trường và đời thường hiếm hoi của Lagerfeld được đạo diễn Rodolphe Marconi ghi lại trong bộ phim tài liệu “Lagerfeld Confidential” thực hiện trong ba năm. Công chúng có dịp được tiến lại gần hơn với tượng đài thời trang Lagerfeld dù ông vẫn luôn giấu mình sau cặp kính đen bất cứ khi nào xuất hiện trước ống kính. Trong những thước phim cuối, Lagerfeld nói rằng ông không muốn tồn tại một cách chân thật trong cuộc sống của những người khác. Ông muốn là thứ gì đó thoắt ẩn thoắt hiện. Không gốc rễ và không gì trói buộc. Thế nhưng với những thành tựu ông tạo ra cho bản thân và ngành thời trang thế giới, dù rất có thể trái với mong muốn khước từ quá khứ của ông, Lagerfeld đã để lại một dấu ấn không thể suy chuyển trong lòng công chúng yêu thời trang.
Đông Phan
Tạp chí Nhà Quản Lý - Sinh ra để thay đổi - Tháng 3.2019