Thị trường hàng hoá chịu ảnh hưởng bởi một số diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2018 bao gồm triển vọng tăng trưởng xấu đi tại các thị trường mới nổi và đang phát triển, đồng đô la Mỹ tăng giá, quá trình tái đàm phán các hiệp định thương mại, gia tăng lệnh trừng phạt và căng thẳng thương mại leo thang. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra nhận định qua báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa toàn cầu năm 2019, dưới đây là lược dịch các phân tích tác động của thuế quan lên thị trường hàng hoá theo World Bank .
Báo cáo của World Bank chỉ
ra cách thuế quan tác động lên thị
trường hàng hóa, dẫn đến chênh lệch
giá cả mặt hàng chịu thuế và làm
chệch hướng thương mại. Nhìn rộng
hơn, tác động chung của thuế quan
gián tiếp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và qua đó ảnh hưởng đến triển vọng về nhu cầu đối với một số mặt hàng.
Tháng 4.2018, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 25% đối với đậu nành nhập khẩu từ Mỹ. Quyết định này đã làm thay đổi đáng kể giá cả và dòng chảy thương mại. Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất trên thế giới và phần lớn đến từ nhập khẩu. Trước đây, đậu nành Trung Quốc được nhập khẩu chủ yếu từ Brazil và Mỹ (mỗi nước cung cấp hơn 40%). Kể từ khi mức thuế trên được ban hành, giá đậu nành của Mỹ đã giảm đáng kể do bên mua Trung Quốc tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Trong khi đó, giá đậu nành ở Brazil tăng lên, phản ánh nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc. Đổi lại, các quốc gia thường mua đậu nành từ Brazil, như Liên minh châu Âu, lại tăng nhập khẩu từ Mỹ, với tỉ lệ tăng hơn 280% trong tháng 7.2018 so với cùng kỳ năm tước đó. Tổng kim ngạch xuất khẩu đậu nành của Mỹ có thể giảm 1/4 trong vòng 3-5 năm tới. Một nửa tổn thất xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc dự kiến sẽ được bù đắp bằng phần tăng xuất khẩu sang các nước khác. Ngược lại, xuất khẩu đậu nành của Brazil dự kiến sẽ tăng 15%, do nhu cầu lớn hơn từ Trung Quốc. Trái ngược với tác động của thuế quan lên một mặt hàng từ một quốc gia, thuế áp dụng đối với một mặt hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia có thể gây tác động lâu dài, trên toàn cầu, với rất ít khả năng làm chệch hướng thương mại. Sau khi Mỹ tuyên bố đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm vào tháng 3.2018, giá của các kim loại này ở Mỹ tăng mạnh so với các nước khác. Giá thép tại Mỹ tăng hơn khoảng 25% so với giá thép tại Anh kể từ đầu năm 2018. Chênh lệch giá của nhôm Mỹ so với tiêu chuẩn của Sàn giao dịch kim loại London tăng 11 điểm phần trăm. Trong khi điều này có thể giúp khuyến khích sản xuất trong nước, những chi phí tăng thêm đối với người tiêu dùng có thể dẫn đến thâm hụt phúc lợi tổng thể của Mỹ.
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn có thể gây lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, thương mại và triển vọng đầu tư, và do đó làm xấu đi triển vọng về cầu đối với một loạt các mặt hàng. Thuế quan có thể làm giảm thương mại song phương, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng nhu cầu thay thế từ các quốc gia khác. Leo thang về thuế có thể dẫn đến sự sụt giảm trong dòng chảy thương mại toàn cầu lên tới 9%, tương tự như nhưng gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tác động của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ nghiêm trọng hơn ở các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển so với các nền kinh tế phát triển. Các ngành được bảo hộ cao như nông nghiệp và chế biến thực phẩm có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại tại các nền kinh tế lớn và sự bất ổn cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho thị trường tài chính và hàng hóa.
Các tác động trên bắt đầu xuất
hiện sau tuyên bố về mức thuế trên
diện rộng đối với 34 tỉ USD hàng xuất
khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vào
tháng 6.2018. Đây đồng thời chính là
thời điểm giá nhiều mặt hàng công
nghiệp bắt đầu sụt giảm. Giá kim
loại giảm 14% kể từ tháng 6.2018 và
giá nông sản giảm 7%. Kim loại công
nghiệp đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi
những lo ngại về căng thẳng thương
mại do đây là nguyên liệu đầu vào
được sử dụng nhiều trong sản xuất
hàng hóa, có thể dùng để giao dịch.
Một số kim loại, chẳng hạn như
niken, đã giảm giá hơn 20%. Căng
thẳng thương mại cũng gây áp lực lên
giá năng lượng, đặc biệt đối với dầu
thô. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những
lo ngại về nguồn cung dầu khí do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran,
gián đoạn sản xuất đang diễn ra ở
Venezuela và nhu cầu cao về than và
khí đốt tự nhiên.
Trong bức tranh thị trường hàng hoá toàn cầu, Trung Quốc là quốc gia có vị thế ngày càng quan trọng. Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đóng góp 80% vào mức tăng tiêu thụ kim loại và 50% vào mức tăng tiêu thụ năng lượng. Quốc gia này hiện chiếm khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu về kim loại và than. Trung Quốc ngày càng quan hệ mật thiết với các quốc gia khác thông qua thương mại, tín nhiệm và tài chính. Một sự đình trệ ngoài dự kiến ở Trung Quốc có thể gây tác động nghiêm trọng lên thị trường hàng hóa. Một điểm phần trăm suy giảm trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể dẫn đến mức sụt giảm giá hàng hóa trung bình khoảng 6 điểm phần trăm sau 2 năm. Tác động này có thể sẽ lớn hơn nhiều đối với các mặt hàng Trung Quốc đặc biệt chiếm ưu thế trong tiêu thụ (như kim loại), so với các thị trường mà quốc gia này chiếm tỉ lệ tiêu thụ toàn cầu nhỏ hơn (như dầu và khí gas tự nhiên).
Các biện pháp hạn chế thương
mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục leo thang, có thể dẫn đến thiệt hại
đáng kể về kinh tế và chuỗi cung ứng.
Sụt giảm nhu cầu từ các nền kinh tế
lớn sẽ mang đến hiệu ứng lan tỏa tiêu
cực cho phần còn lại của thế giới,
thông qua thương mại, tài chính và
thị trường hàng hóa. Các khu vực
giàu tài nguyên, chẳng hạn như Nam
Mỹ và Châu Phi cận Sahara, có thể
đặc biệt chịu ảnh hưởng, do phải phụ
thuộc vào cả các thị trường hàng hóa
lẫn Trung Quốc.
Tạp chí Nhà Quản Lý