Các cơ sở kinh doanh trừ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên cả nước tạm dừng hoạt động đến ngày 15.4, theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Và dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nhưng không phải chờ tới khi các ca bệnh vượt qua con số 150 hay phát hiện một loạt các ổ dịch mới, TP.HCM và Hà Nội đã lẻ tẻ quy định dừng một số hoạt động vui chơi giải tri từ trước đó. Các rạp chiếu phim, quán karaoke, vũ trường tại Quận 1 (TP.HCM) bắt đầu đóng cửa từ 15.3. Mười ngày sau, tới lượt các nhà hàng, quán bia, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên), tiệm làm đẹp và phòng tập gym đóng băng.
Các cửa hàng mùa khó
Những
cửa hàng ăn uống, vui chơi giải tri với mô hinh kinh doanh dựa vào việc
duy trì lượng khách hàng lớn đến địa điểm bàn là những đơn vị chịu tổn
thương đầu tiên do doanh thu tụt giảm tức thì. Nhưng ngay cả các siêu
thị thực phẩm dù không chịu cảnh lượng khách hàng hạn chế cũng bị ảnh
hưởng bởi nguồn cung hàng giảm sút. Dịch bệnh khiến đường đi của các sản
phẩm gặp khó hơn.
Các doanh nghiệp bán lẻ thời trang dường như đóng cửa nhiều hơn so với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thời điểm ấy, khi so số lượng cửa hàng ăn uống dừng hoạt động trên đường Phan Xich Long - con phố của các cửa hàng ăn uống. Theo logics, ngành thời trang chịu ảnh hưởng chậm hơn từ sự tụt giảm lượng khách so với ngành ăn uống, do thời gian khách lưu lại thường ngắn hơn, chưa kể cửa hàng đã quen với những trải nghiệm online.
Yếu ớt và dễ tổn thương
Có thể nhìn thấy hiện tượng đóng cửa của các cửa hàng thời trang đã diễn ra trước đó, và bệnh dịch chỉ góp thêm chút tâm lý tiêu cực. Giờ đây rất khó tìm được một cửa hiệu tồn tại qua mười năm trên một vị trí mặt bằng.
Ngay cả khi chưa có dịch bệnh, ngành bán lẻ Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, bất chấp những lạc quan về tăng trưởng. Parkson - một trong những hệ thống trung tâm thương mại biểu tượng của thời trang và sành điệu tại Hà Nội và TP.HCM phải đóng cửa sau khoảng mười năm hoạt động ở Việt Nam. “Không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận”, hồi tháng 5.2019, Auchan - “gã khổng lồ” ngành bán lẻ Pháp quyết định rút lui khỏi Việt Nam sau bốn năm hoạt động. Shop&Go, FiviMart, Viễn thông A đã rút lui, nhường sân chơi cho Vingroup trong quá trình M&A đầy khắc nghiệt. Nhưng sau đó, Vingroup cũng tuyên bố rút hẳn khỏi thị trường bán lẻ trực tiếp bằng việc nhượng lại chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi tới hơn 2.000 điểm bán.
Bệnh dịch, giống như mọi cuộc khủng hoảng, khi bùng nổ, sẽ làm sụp đổ trước tiên là những doanh nghiệp trong nhóm ốm yếu nhất và thiếu sức đề kháng. Bởi vậy thực tại đang diễn ra phản ảnh một thực tế rằng ngành bán lẻ của Việt Nam nhìn chung vốn đã rất dễ tổn thương và thiếu sức đề kháng với các biến cố, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm phần đông trong ngành công nghiệp này, bất chấp những con số tích cực như tăng trưởng hai con số trong hơn mười năm qua. Với những ngành như thời trang và dịch vụ ăn uống, thị hiếu người dùng thay đổi qua nhanh do tác động của internet và nhất là các mạng xa hội vốn dĩ đã đòi hỏi doanh nghiệp sức cạnh tranh cao và nguồn lực để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng.
Ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng làm giảm sức chống cự của các nhà bán lẻ bao gồm khả năng vận hành yếu, vốn mỏng do khả năng tiếp cận vốn thấp và giá mặt bằng bị đẩy lên ngày càng cao. Trong ba yếu tố trên, yếu tố đầu tiên về vận hành đang được cải thiện nhanh chóng nhờ sự nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, cùng với sự ủng hộ từ xu thế phát triển của cac dịch vụ đám mây.
Nhưng hai yếu tố sau của nền kinh tế là khả năng tiếp cận vốn và giá mặt bằng tăng cao vẫn đang chưa cách gì khắc phục được. Vốn dự trữ mỏng cộng với chi phí mặt bằng cao bào mỏng lợi nhuận của doanh nghiệp khiến khả năng duy trì trong một khoảng thời gian dài trước các biến cố như đại dịch gần như là không có với nhóm doanh nghiệp nhỏ. Thêm vào đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế làm những doanh nghiệp bán lẻ trở nên dễ tổn thương khi thị trường có biến cố.
Thích nghi và chuyển đổi
Doanh thu bán lẻ của tháng hai hàng năm thường có xu hướng giảm so với tháng một. Năm 2020, xu hướng này còn giảm mạnh hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Cho đến giờ, các cửa hàng nhỏ dù bị tổn thương đầu tiên nhưng cũng là những đơn vị thích nghi nhanh chóng hơn khi đã kịp thời đẩy mạnh bán online va giao hàng tận nơi. Quy mô nhỏ giúp các doanh nghiệp này có khả năng sinh tồn linh hoạt hơn. Nhưng những hệ thống lớn sẽ khó xoay sở hơn nhiều trong việc điều chỉnh cơ cấu doanh thu và chi phí. Trong khi điều tệ nhất có thể vẫn chưa tới, kể cả khi bệnh dịch đã thoát. Bệnh dịch kéo dài gần như chắc chắn sẽ hứa hẹn một cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo. Khi người tiêu dùng siết chặt hầu bao lại, những mặt hàng không thiết yếu như thời trang sẽ được đặt vị trí ưu tiên trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu của họ. Khả năng khôi phục và phục hồi của các hệ thống sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Tuy vậy, không phải tất cả đều là tin xấu, vẫn có một vài ánh sáng cho con đường phía trước.
Thứ nhất là các gói cứu trợ dưới các hình thức khác nhau vẫn chưa chính thức được tung ra, nhưng Ngân hàng Nhà nước, cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đã đưa ra những tuyên bố và hứa hẹn về những gói giải cứu thị trường dưới nhiều hình thức. Đây có thể là một cơ hội để giải quyết vấn đề về khả năng tiếp cận nguồn vốn, vẫn luôn là bài toán khó từ trước tới giờ.
Thứ hai là việc đóng cửa đồng loạt do dịch bệnh có thể là cơ hội để giá cho thuê mặt bằng cần phải điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn, hoặc it nhất đây là thời gian tốt cho các thỏa thuận lại về giá thuê mặt bằng.
Thứ ba là quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán lẻ có thể được thúc đẩy mạnh hơn dưới thời khủng hoảng, trên một nền tảng đã sẵn sàng của các dịch vụ sẵn có với điện toán đám mây, công nghệ xử lý dữ liệu, các nền tảng thanh toán,v.v. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc chuyển đổi số không đơn thuần và tuyệt nhiên không chỉ là chuyển việc bán hàng của công ty lên internet. Cần suy nghĩ và sáng tạo ra các sản phẩm, dạng dịch vụ, quy trình vận hành và quy trình phục vụ mới thích nghi với các nền tảng tương lai mới là cốt lõi của quá trình này. Một vài doanh nghiệp thời trang hiện tại đã thử nghiệm những ứng dụng thúc đẩy dịch vụ may đo khi cho phép người dùng chọn phong cách thời trang cho riêng mình cho cả năm. Từ đó doanh nghiệp có thể ra quyết định sản xuất, có thể là một ví dụ cho sự vận động này.
Dâng Phạm