Kra (Kra Isthmus) là một dải đất hẹp chạy dài theo hướng Bắc-Nam, nối bán đảo Malay với lục địa châu Á. Sườn phía Đông của eo đất Kra thuộc Thái Lan và trông ra vịnh Thái Lan, sườn phía Tây thuộc Myanmar (vùng Tanintharyi) và trông ra biển Andaman. Kênh đào Kra, còn gọi là Kênh Thai hay Kênh Kra Isthmus, trên ý tưởng thiết kế cắt qua eo đất hẹp này ở miền Nam Thái Lan, nối Vịnh Thái Lan thuộc Thái Bình Dương với biển Andaman ở Ấn Độ Dương. Kênh đào Kra sẽ cung cấp một lộ trình mới thay thế con đường qua Eo biển Malacca và Singapore rút ngắn khoảng 1.200 km quãng đường vận chuyển qua eo biển này. Tuy nhiên, giá trị chiến lược của dự án này còn vượt ngoài khoảng cách địa lý kia, đó là việc thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ở nhiều quốc gia Đông Nam Á lục địa, vốn từng có các thương cảng sầm uất thời cổ đại trước khi các biến loạn chính trị nội bộ và làn sóng xâm lược của thực dân phương Tây làm cho lu mờ.
Kênh Kra - thăng trầm của một dự án tham vọng
Ngay từ thế kỷ XVII, ý tưởng xây dựng kênh Kra đã được khởi xướng bởi Vua Narai (1633-1688). Vị quân chủ lừng danh của vương triều Ayutthaya thành hình ở miền Trung Thái Lan, tiếp quản một phần không gian Đế quốc Khmer cổ đại, đã yêu cầu kỹ sư người Pháp De Lamar nghiên cứu tính khả thi của dự án này. Vào thời đó, các thương thuyền châu Âu đã chiếm lĩnh mặt biển từ Á sang Âu và tại triều đình Ayutthaya các nhân vật phiêu lưu người châu Âu cũng đã có những hiện diện đáng chú ý trong các hoạt động chính trị, quân sự và thương mại. Ý tưởng này minh chứng cho tâm thế hướng ngoại và trọng thương cũng như tầm vóc của giới cầm quyền tại Đông Nam Á, vốn thừa hưởng văn hóa thương mại biển từ những di dân cổ đại đến từ Ấn Độ và Bán đảo Arập. Ý tưởng này cũng không xuất hiện từ hư không, nó hồi chiếu và tiếp nối tham vọng của các cường quốc biển cổ như Phù Nam, Srivijaya và Malacca, từng khống chế tuyến đường hải thương từ Tây sang Đông trong nhiều thế kỷ.
Hai thế kỷ sau đó, cha đẻ của kênh đào Suez, Ferdinand de Lesseps, một người Pháp đã tới yết kiến nhà vua của Vương triều Rattanakosin đóng ở Bangkok và bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng này. Đây cũng là thời điểm cuộc cạnh tranh của hai công ty thương mại Đông Ấn của Anh và Đông Ấn của Pháp đang diễn ra gay gắt. Người Anh đã không bỏ lỡ cơ hội này, khi mà nước Xiêm La cũng đang thực hiện chiến lược ngoại giao đan cài lợi ích của các cường quốc nhằm bảo vệ chủ quyền trước sự đe dọa của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Người Anh đã nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng tuyến đường sắt hay kênh đào qua Eo Kra để tạo thuận lợi cho thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Các kỹ sư Anh đã tiến hành các cuộc khảo sát vào năm 1843, 1849, 1863 và 1872 và đi đến kết luận rằng, dù việc thi công một tuyến đường sắt hay kênh đào khả thi về mặt kỹ thuật nhưng chi phí sẽ rất lớn. Đến lượt người Pháp nhảy vào. Năm 1883, Công ty Đông Ấn Pháp đã ủng hộ dự án kênh Kra với mục tiêu thúc đẩy lợi ích thương mại của Pháp ở Đông Dương. Công ty này dự tính rằng một khi kênh đào được hoàn thành, Sài Gòn do Pháp kiểm soát sẽ vượt qua Singapore do Anh điều hành để trở thành khu cảng quan trọng nhất Đông Nam Á. Nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của mình trên bán đảo Malay, hai lần vào các năm 1897 và 1946, người Anh đã gây sức ép buộc các vua Xiêm ký các thỏa thuận với điều khoản không cho phép xây dựng một kênh đào liên đại dương.
Mãi đến đầu những năm 1970, dự án kênh đào mới được xem xét lại trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Á bắt đầu vươn lên. Đáng kể phải nhắc tới một nghiên cứu khả thi do các doanh nghiệp người Hoa tài trợ 400.000 USD và được thực hiện bởi công ty tư vấn Tippetts-Abbett- McCarthy-Stratton (TAMS) của Mỹ. TAMS đề xuất đào tuyến kênh một chiều dài 102 km từ bờ biển phía tây Satun đến Songkhla ở phía đông. TAMS ước tính sẽ mất 12 năm để xây dựng kênh đào với chi phí 5,6 tỉ USD; hoặc mười năm và 3,5 tỉ USD nếu sử dụng thiết bị nổ hạt nhân loại nhỏ để phá đá.
Trong suốt những năm 1970 và 1980, Nhật Bản thỉnh thoảng lại bày tỏ quan tâm đến việc tài trợ xây dựng kênh đào Kra. Dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản từ Trung Đông phụ thuộc rất nhiều vào Eo biển Malacca, và vào đầu những năm 1970, Tokyo trở nên lo ngại khi Indonesia và Malaysia đề xuất đưa ra các hạn chế đối với quy mô tàu chở dầu đi qua eo biển này. Vào giữa những năm 1980, Viện nghiên cứu Mitsubishi Nhật Bản đã xem xét lại các khuyến nghị của TAMS (bao gồm cả nổ phá đá bằng hạt nhân) nhưng không có tiến triển nào sau đó. Đầu những năm 2000, trong nhiệm kỳ thủ tướng của Thaksin Shinawatra, kênh đào Kra đã xuất hiện trở lại trong chương trình nghị sự quốc gia của Thái Lan với vai trò vận động của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Chavalit Yongchaiyudh, một vị tướng đã nghỉ hưu và đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc được nhắc tới như là một trong các quốc gia Đông Á quan tâm đến việc tài trợ cho kênh đào. Năm 2005, tờ Washington Post của Mỹ tiết lộ một báo cáo nội bộ của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho biết Trung Quốc đang xem xét cấp vốn xây dựng Kênh đào Kra. Kế hoạch của Trung Quốc khi đó dự tính tiêu tốn 20-25 tỉ USD, sử dụng 30.000 nhân công và kéo dài mười năm.
Suốt mười năm biến động chính trị ở Thái Lan (2006-2016), dự án Kra dường như bị lãng quên. Đến năm 2015, xuất hiện các tin tức truyền thông về việc Trung Quốc và Thái Lan đã ký một bản ghi nhớ (MOU) tại Quảng Châu để xây dựng kênh đào Kra trị giá 28 tỉ USD. Theo đề xuất thỏa thuận, kênh đào sẽ có hai chiều, sâu 25m, dài 102 km, rộng 400 m. Việc xây dựng sẽ hoàn tất trong mười năm. Thông tin này sau đó bị cả Trung Quốc và Thái Lan bác bỏ. Và đến đầu năm 2017, đã lại diễn ra những cuộc vận động rầm rộ xem xét lại dự án này trong bối cảnh các tướng lĩnh cầm quyền tại Thái Lan bước đầu củng cố được thế đứng chính trị trong khi cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt. Thấp thoáng trong các cuộc vận động đó, người ta đã nhìn thấy những can dự của Trung Quốc, ẩn chứa những cơ hội và thách thức to lớn cho khu vực.
Trên các chiều kích chiến lược
Giới quan sát chiến lược, dù bất đồng với nhau về các khía cạnh tính khả thi, chi phí lợi ích và các tác động của dự án kênh Kra, cho tới nay đều thống nhất rằng việc xây dựng một con kênh nhân tạo kết nối Ấn Độ Dương và vùng Viễn Đông sẽ ảnh hưởng đến phối cảnh địa chính trị của khu vực Đông Nam Á nói chung và cả không gian địa chính trị rộng hơn trải rộng qua hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Các hệ quả của dự án này còn được khuếch đại trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung cũng như các tham vọng của giới cầm quyền tại Thái Lan và chiến lược “ăn theo” của các nước có lợi thế địa lý liên quan.
Theo giới học giả phương Tây, xét về không gian địa lý, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được hiểu rộng rãi là một không gian kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Phạm vi của nó chủ yếu được coi là trải dài từ bờ biển phía Đông của châu Phi đến bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Xét về vai trò chức năng, sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau của hai đại dương chính là sản phẩm của những động lực ngày càng mạnh mẽ của tiến trình toàn cầu hóa, thương mại cũng như sự tương quan đầy biến động giữa các tác nhân khác nhau, làm phá vỡ những ranh giới cũ và mở ra những hướng đi mới. Một trong số đó là một lối tiếp cận mang tính hội nhập hơn, được tạo điều kiện bởi sự giao thương qua lại ngày một gia tăng giữa các đại dương. Chính bởi những lẽ đó, vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi có những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, với những quốc gia đông dân nhất có nhu cầu năng lượng cực lớn nằm dọc bờ biển, cung cấp nhiều hàng hóa công toàn cầu giá trị nhất, cũng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm chính trị, kinh tế của thế giới.
Tọa lạc ở trung tâm của vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với tư cách là chủ thể bản địa, trải qua những kinh nghiệm đau thương khi bị cuốn vào vòng xoáy của cạnh tranh cường quốc trong nhiều thế kỷ, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không ngừng vươn lên tìm kiếm vai trò chủ động. Về chính trị, các nước từ hơn một thập niên qua đã hướng đến chiến lược phát huy Vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN Centrality) trong các cấu trúc quyền lực khu vực đang hình thành. Về kinh tế, các nước triển khai chiến lược thực tế hơn dựa trên bốn lĩnh vực: tăng cường kết nối, hợp tác hàng hải, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế nhằm phát huy các tiềm năng vốn có về địa dư, nhân lực và tài nguyên. Trên các nền tảng phân tích đó, dự án kênh Kra được giới quan sát nhìn nhận là có thể sẽ đem đến các tác động rất lớn cho khu vực.
Thứ nhất, dự án nếu thành công sẽ gia tăng sức ảnh hưởng địa chính trị, địa kinh tế của Thái Lan giúp nước này vươn lên chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh giành vai trò lãnh đạo ASEAN, xét theo nghĩa là có tiếng nói quan trọng trong các quyết sách của khu vực hoặc trong vị thế khi thương lượng với các cường quốc bên ngoài. Kênh đào Kra một khi đi vào hoạt động tất nhiên mang lại lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế cho Thái Lan cũng như nâng cao giá trị và tiếng nói của quốc gia Đông Nam Á này khi sở hữu một “yết hầu” vận tải biển trọng yếu bậc nhất thế giới. Kênh Kra sẽ không chỉ biến Thái Lan thành trung tâm hàng hải khu vực có thể đánh bại các trung tâm hải cảng Singapore và Malaysia dọc Eo biển Malacca.
Về mặt phát triển công nghiệp, ở điểm cuối phía Đông của kênh đào, Thái Lan sẽ hoàn thiện Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), một trung tâm đổi mới sáng tạo và vận tải công nghệ cao trị giá 40 tỉ USD trải dài qua ba tỉnh trên bờ Vịnh Thái Lan, dự kiến hoàn thành vào khoảng giữa năm 2021 và 2025. Hành lang kinh tế này được kỳ vọng sẽ đem lại bộ mặt mới cho nền kinh tế Thái Lan trong thế kỷ XXI, giảm bớt sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế truyền thống. “Ăn theo” hành lang kinh tế này sẽ là những dự án vùng kinh tế mở tại các nước quanh Vịnh Thái Lan như Campuchia, Việt Nam.
Thứ hai, đầu tư vào dự án sẽ đẩy mạnh sự can dự của Trung Quốc vào khu vực với tư cách một cường quốc có lợi ích truyền thống và sát sườn. Kênh đào Kra giúp nước này rút ngắn hành trình của những con tàu chở dầu từ khu vực Trung Đông về Trung Quốc. Hiện có tới 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Trung Đông và phải đi qua Eo biển Malacca. Đầu tư xây dựng Kra, Trung Quốc còn giảm thiểu nguy cơ tuyến vận tải biển huyết mạch đi qua Eo biển Malacca bị phong tỏa khi có xung đột ở Biển Đông. Sự can dự của Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất hiện thông qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh chủ trì thành lập để cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng quy mô lớn trong khu vực, gây ảnh hưởng tới dự án đặc biệt này. Đó là về khía cạnh đầu tư, về chính trị, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ được củng cố rõ nét bằng một dự án đầu tư quy mô thế kỷ, hàm chứa các giá trị chiến lược về nhiều khía cạnh vượt xa các lợi ích kinh tế thông thường. Ảnh hưởng của Trung Quốc đến quyết sách của các quốc gia trong khu vực sẽ được xác lập vững chắc hơn nữa.
Thứ ba, dự án kênh Kra kết nối hai đại dương nếu được triển khai trên thực tế sẽ làm gay gắt hơn cuộc cạnh tranh giành giật ảnh hưởng tại khu vực của hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc. Không gian “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do”, ra đời dưới thời chính quyền Donald Trump, hiện là một khái niệm thời thượng, xuất hiện liên tục trên các diễn ngôn về địa chính trị. Thực chất đây không phải là khái niệm mới hoàn toàn mà là sự kế thừa và phát triển của chiến lược kép Xoay trục về Thái Bình Dương – Can dự lợi ích ở Trung Đông thời chính quyền Barack Obama vốn xem là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Không gian chiến lược trong khái niệm mới được mở rộng cụ thể hơn với việc tích hợp khu vực quanh Ấn Độ Dương, nơi các lợi ích thương mại, chính trị và quân sự của Mỹ và Phương Tây cần được bảo đảm. Ở phía bên kia đối nghịch, Bắc Kinh từ lâu đã thúc đẩy ý tưởng xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển trong tổng thể chiến lược “Vành đai, Con đường” để hiện thực hóa giấc mơ “Phục hưng Trung Hoa” mà ban lãnh đạo ở Trung Nam Hải dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã mạnh dạn khẳng định. Hai khái niệm chiến lược này đều lấy khu vực nối liền hai đại dương trên làm không gian áp dụng chính và điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới các cọ xát tại nhiều điểm nóng trong khu vực.
Một dự án tham vọng với các tác động địa chính trị, địa kinh tế to lớn như dư án kênh Kra, chắc chắn không thể một sớm một chiều thành hiện thực mà phải đi qua các cân nhắc nhiều tầng nấc lợi ích. Tuy nhiên, rõ ràng là cuộc vận động cho dự án này đã được triển khai hết sức tích cực trong thời gian qua với vai trò quan trọng của các tướng lĩnh quân đội Thái Lan cũng như cộng đồng doanh nghiệp gốc Hoa ở nước này, đồng thời dự án cũng đã nhận được sự quan tâm của giới lãnh đạo hữu quan. Vào tháng 12.2017, đề xuất kênh đào Kra đã được Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Kênh đào Thái Lan (TCASD) đệ trình lên Văn phòng Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDB). Đây là cơ quan soạn Chiến lược Quốc gia, tầm nhìn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thái Lan từ năm 2018 đến năm 2037. Chiến lược Quốc gia đề xuất Thái Lan phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để kết nối đất nước với phần còn lại của thế giới. Mặc dù trong đó không đề cập cụ thể đến tuyến đường thủy qua Eo đất Kra song kênh đào này được xếp vào diện một dự án kết nối hạ tầng chất lượng cao. Có thể xem đây là một bước tiến mới của dự án đã bị nâng lên đặt xuống suốt hơn 300 năm qua. Và chắc chắn nếu được triển khai thành công dự án này sẽ làm thay đổi sâu sắc phối cảnh địa chính trị khu vực.
Nam Sơn