Uranium là mặt hàng được giao dịch trong các thị trường ngách vốn thường bị các nhà đầu tư quốc tế bỏ qua và nghiên cứu chưa đầy đủ. Điều này đặc biệt đúng khi thị trường này đi xuống trong những năm gần đây, nhưng điều đó dường như đang thay đổi.
Vật liệu phóng xạ sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân là hàng hóa cứng có lời nhất trong năm 2018, năm mà theo dữ liệu của Bloomberg, hơn 95% các loại tài sản đều mang về lợi nhuận âm. Lợi ích mới của các nhà đầu tư vào uranium lóe sáng bởi sự sụt giảm nguồn cung của mặt hàng này tại thời điểm căng thẳng địa chính trị làm gia tăng nhu cầu.
Uranium đạt đỉnh 152 USD/pound vào tháng 6.2007, nhưng giảm 87% trong 10 năm sau đó, xuống mức thấp nhất 19,75 USD/pound vào tháng 5.2017. Hiện tại mặt hàng này đang giao dịch ở mức khoảng 29 USD/pound. Đội ngũ phụ trách hàng hóa của Bank of America đã tăng ước tính giá uranium cô đặc, gọi là “bánh vàng”, cho năm 2019 và 2020 lên lần lượt 22% và 32%.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt giữa Mỹ với Trung Quốc và khả năng xảy ra “Chiến tranh lạnh lần thứ hai” có thể dẫn đến sự hồi sinh trong sản xuất vũ khí hạt nhân và tàu chiến. Cả hai quốc gia hiện đang nhập khẩu hơn 90% lượng uranium mà họ tiêu thụ.
Bộ Thương mại Mỹ vẫn đang điều tra xem liệu nhập khẩu uranium có gây rủi ro cho an ninh quốc gia hay không và dự kiến sẽ đưa ra khuyến nghị vào ngày 14.4.2019. Sau đó, Tổng thống Donald Trump sẽ có 90 ngày để quyết định có áp thuế hay không, dựa trên kết quả điều tra của cơ quan này.
Chính quyền Mỹ cũng đang xem xét hạn ngạch sản xuất trong nước là 25% vì lý do an ninh quốc gia theo Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962, một điều luật thương mại cho phép hàng nhập khẩu chịu thuế nếu chúng bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Đó là điều khoản mà dựa theo đó, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với hai mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu hồi năm ngoái.
Thị trường uranium có một nhóm mỏ tương đối nhỏ sản xuất và sau đó bán cho các nhà cung cấp năng lượng và quốc phòng toàn cầu. Nhưng không giống các mặt hàng khác, nhu cầu đối với uranium không co giãn. Sự bất trắc đang diễn ra đối với hạn ngạch và thuế nhập khẩu của Mỹ đã góp phần gây ra sự thiếu hụt trong phát triển dài hạn trong nguồn cung thị trường.
Các chất xúc tác cơ bản cho sự tăng giá dự kiến của uranium là dựa trên ước tính rằng nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 44% vào năm 2035, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA). Thêm vàio đó các nhà sản xuất lớn nhất thế giới, như Kazatomprom của Kazakhstan và Cameco của Canada, đã cắt giảm mạnh sản lượng vào năm 2018.
Theo nghiên cứu của JP Morgan, Kazatomprom là nhà sản xuất uranium lớn nhất và có chi phí thấp nhất trên toàn cầu. Có trụ sở tại Kazakhstan, công ty này chiếm khoảng 40% sản lượng uranium toàn cầu năm 2017 và dự kiến sẽ sản xuất khoảng 59 triệu đến 60 triệu pound uranium cô đặc vào năm 2019 và 2020. Cổ phiếu của Kazatomprom hiện giao dịch ở mức giá gấp 8,6 lần thu nhập (P/E bằng 8,6) và tỉ lệ cổ tức 8,7% tính theo đồng đô la Mỹ.
Nhu cầu về uranium đã giảm đáng kể trong những năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 4.2011. Cuối cùng, tất cả các cơ sở hạt nhân của Nhật Bản đã ngừng hoạt động và không có đơn vị hạt nhân nào của nước này hoạt động trở lại cho đến năm 2015. Khi giá uranium giảm xuống khoảng 20 USD/pound, một lượng lớn sản xuất toàn cầu trở nên bất khả thi về mặt kinh tế, vì chi phí sản xuất vượt quá giá trong dài hạn. Điều này khiến cho sản lượng uranium toàn cầu sụt giảm đáng kể và dẫn đến tình trạng các mỏ đóng cửa.
Vốn hóa thị trường của hơn 450 công ty trong ngành uranium từng đạt khoảng 130 tỉ USD trước thảm họa Fukushima. Đến nay, chỉ còn lại khoảng 40 công ty trong ngành vốn hóa thị trường dưới 10 tỉ USD. Riêng Kazatomprom đã chiếm ba tỉ USD trong tổng số đó, sau khi công ty này niêm yết kép tại London và Astana.
Một yếu tố khác góp phần vào triển vọng tăng giá là việc đáo hạn của các hợp đồng mua uranium dài hạn. Nhiều công ty năng lượng trên thế giới có xu hướng dự phòng nhu cầu uranium của họ nhiều năm trước đó, để đảm bảo giá cả trong tương lai và nguồn cung ổn định từ các nhà sản xuất đáng tin cậy. Trong hai năm tới 2020-2021, nhiều hợp đồng cung cấp này dự kiến sẽ đáo hạn và do đó, có thể dẫn đến thâm hụt nguồn cung lớn hơn.
Tình hình địa chính trị năm 2019 cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong triển vọng về giá uranium. Năng lượng hạt nhân của Mỹ đang gặp nguy cơ do nhiều nhà sản xuất uranium địa phương đã ngừng hoạt động và nước này phải nhập khẩu 95% uranium, một nửa trong số đó đến từ Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, bao gồm nhà sản xuất Kazatomprom lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiến hành một cuộc điều tra theo Mục 232, có thể buộc các cơ sở của Mỹ mua 25% uranium của họ từ các nhà sản xuất trong nước.
Chính vì thế, lần đầu tiên trong một thập kỷ, thị trường đang rơi vào tình trạng thâm hụt, với nhu cầu 180 triệu pound vượt quá nguồn cung 140 triệu pound, theo báo cáo “Chuỗi cung ứng hạt nhân thế giới: Triển vọng đến năm 2035” của WNA. Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực hạt nhân để giảm lượng khí thải carbon. Trung Quốc được cho là có 19 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và 41 lò đang nằm trên dự thảo.
Trung Quốc cũng có khả năng tái cam kết sử dụng năng lượng hạt nhân vì quốc gia này đang cân nhắc tác động vĩ mô của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với các nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Nhu cầu uranium sẽ tăng do các nhà máy điện hạt nhân mới ở Trung Quốc đã xuất hiện trong kế hoạch của chính phủ. Nếu đạt được mục tiêu năm 2020, Trung Quốc sẽ nhảy từ vị trí thứ tư lên đứng thứ hai thế giới về công suất nhà máy điện hạt nhân.
Tập đoàn Uranium Quốc gia Trung Quốc (CNUC) vào cuối năm ngoái đã mua cổ phần kiểm soát tại Uranium Rössing ở Namibia. Rössing là mỏ khai thác uranium mở hoạt động lâu nhất thế giới và sản xuất khoảng 3% nguồn cung uranium toàn cầu.
Tháng 1.2019, Ấn Độ và Uzbekistan đã ký một thỏa thuận cung cấp uranium dài hạn từ quốc gia Trung Á giàu tài nguyên này để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng nguyên tử trong nước của Ấn Độ. Sau Kazakhstan, Uzbekistan sẽ trở thành quốc gia thứ hai cung cấp uranium cho Ấn Độ. Nước này gần đây đã đưa tàu ngầm hạt nhân đầu tiên vào hoạt động, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia có chủ quyền đầu tiên chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà không phải là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Thông thường, trên các thị trường tài chính, chúng ta cần đi theo xu hướng và đầu tư vào uranium có thể tiếp tục mang lại mức lợi nhuận bất đối xứng nhất so với tất cả các hàng hóa khác. Trong năm 2019, ước tính mức giá giao ngay của mặt hàng này sẽ nằm trong khoảng từ 45-75 USD và ngành công nghiệp uranium sẽ mang lại lợi nhuận từ 3-5 lần nếu giữ được khoảng giá trên trong vòng hai năm tới.
Khi các động lực cung và cầu trong năm 2019 quay về hướng có lợi cho các nhà cung cấp, do chi phí kinh tế (cận biên) có thể cao hơn gần 100% so với mức giá giao ngay hiện tại, các nhà sản xuất uranium cũng có thể sở hữu “chiếc bánh vàng” và xơi gọn nó.
RAINER MICHAEL PREISS - Chiến lược gia Quỹ Taurus Family Office (Singapore)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải lời chào mua bán bất kỳ sản phẩm hàng hóa, tài chính nào và không phải sản phẩm tư vấn đầu tư hay ý kiến tư vấn đầu tư.