Ngay lúc tình hình biểu tình ở Hồng Kông diễn ra căng thẳng, lại có tin đồn nổ ra xoay quanh việc sắp xảy ra kiểm soát vốn và hết tiền mặt tại các ngân hàng. Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã nhanh chóng đầu tư vào mạng xã hội, chủ động ra tay dập tắt các thông tin thất thiệt. Chủ tịch mới của HKMA, ông Eddie Yue kể lại câu chuyện cho Euromoney.
Các tin đồn trên đã lan truyền được mấy ngày trước khi HKMA ra tay can thiệp.
Hồng Kông hiện vẫn là một cầu nối tài chính quan trọng giữa Trung Quốc và thế giới. Phần lớn thời gian trong năm 2019, thành phố này bị chia cắt bởi một sự bất ổn xã hội chưa từng thấy kể từ những năm 1960. Bất ổn bắt đầu nổ ra vào tháng 3, khi bà Bà Carrie Lam, thị trưởng thành phố, đưa ra đạo luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục.
Nhiều người cho dự luật này là điểm khởi đầu cho những chuyện tồi tệ hơn, vì dự luật này cho phép chính quyền Bắc Kinh dẫn độ bất cứ công dân Hồng Kông nào về đại lục. Dòng người biểu tình đổ xuống đường, về sau đông đến mức chật kín cả đường phố vào tháng 6, thời điểm có hơn một triệu người trong một cuộc biểu tình thống nhất.
Nhưng mãi đến tháng 10, mọi việc mới lên tới đỉnh điểm. Ba ngày sau khi Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vào ngày 4.10, bà Lam kêu gọi thực thi một đạo luật khẩn cấp cấm đeo khẩu trang nơi công cộng.
Điều này như đổ thêm dầu vào lửa. Những người biểu tình gây bạo động trên đường phố, lối đi bị chặn lại, các chi nhánh ngân hàng bị đóng cửa. Ở vùng ngoại ô quận Thuyền Loan (Tsuen Wan), một thanh niên biểu tình 18 tuổi bị bắn trong khi tấn công một sĩ quan cảnh sát.
Và đó là lúc tin đồn vô cùng ác ý bắt đầu, rõ ràng là được tính toán để tấn công Hồng Kông đang trong nguy khốn.
Vừa mới được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc của HKMA, trên thực tế là ngân hàng trung ương của Hồng Kông, ông Eddie Yue đã phải kinh hãi chứng kiến cảnh xã hội Hồng Kông, bị cuốn vào cuồng phong hỗn loạn, ngấu nghiến các tin tức tài chính giả mạo, sau đó chia sẻ lại với bạn bè.
Vào hai ngày cuối tuần, ngày 5 và 6 tháng 10, “có rất nhiều tin đồn” khắp các mạng xã hội, đặc biệt và trên Facebook và WhatsApp “về việc nếu như có kiểm soát vốn, thì liệu ngân hàng trung ương có từ bỏ tỉ giá cố định với đồng đô la Mỹ, và thậm chí về các luật mới “hạn chế người dân rút tiền từ các ngân hàng”, ông Yue kể lại với tạp chí Euromoney tại tầng 55 tòa nhà Trung tâm Tài chính Quốc tế, tọa lạc ngay trung tâm quận tài chính của Hồng Kông.
“Lòng tin của người dân bị lung lay vì những gì đang xảy ra trên đường phố”.
Lúc ấy, ông Yue biết rằng đội ngũ của mình cần phải ra mặt “nhanh chóng và công bằng, với những luận điểm sắc bén, bằng một hệ thống có thể làm tan rã các tin đồn này một cách nhanh nhất”.
Mới chỉ không lâu trước đây, phản ứng của HKMA sẽ là viết ra một thông cáo báo chí, đăng lên trang web chính thức và gửi đến các phóng viên và biên tập viên trong làng báo chính thống.
Nhưng vào năm 2019, quy trình này quá chậm và không thể tiếp cận đúng, đủ, và kịp thời đến người dân đang thiếu thông tin. Thời gian là tiên quyết.
Các tin đồn, lan nhanh như gió, được cho là đủ nguy hiểm để “có thể ảnh hưởng đến lòng tin của người dân về hệ thống tài chính của Hồng Kông”, ông Yue nói.
Mạng xã hội
Do đó, lần đầu tiên trong lịch sử, HKMA chuyển sang sử dụng mạng xã hội để giải quyết vấn đề. Đội truyền thông của cơ quan này đã viết một loạt các tin bài mang tính “thử nghiệm”, gửi đến văn phòng của ông Yue. Ông này sau đó ngồi lại với một nhóm “dùng ứng dụng gửi tin nhắn” được thành lập riêng, bao gồm các nhà quản lý hàng đầu cơ quan tiền tiền tệ, để xác minh xem trong số các tin bài do đội truyền thông viết ra, tin nào là chân thực, chính xác, và quan trọng không kém, là tin nào đủ mạch lạc để đi thẳng vào đầu óc thiếu kiên nhẫn của con người trong thời đại công nghệ.
Mọi thứ phải thật chính xác. Nhóm mới thành lập này cho phép ông Yue và các đồng nghiệp xác minh sự thật nhanh chóng và đầy đủ. Bằng cách tổ chức các cuộc họp nhỏ có tham dự của những người không nắm quyền quyết định từ đội truyền thông, nhóm mới này chủ động và tinh giản hơn, và ít phân thứ bậc, với những người tham dự được khuyến khích nói lên ý kiến của mình. Ông Yue cho biết.
Mục đích của họ là đưa ra các phản hồi mạnh mẽ “nhanh và sắc bén”, nhiều từ ngữ và hình ảnh cô đọng, nhưng loại trừ thuật ngữ và biệt ngữ.
Bài đầu tiên được đăng trên Facebook và LinkedIn bằng Tiếng Quảng Đông vào thứ Bảy ngày 5.10. Bài này được dịch sang Tiếng Anh, đọc có vẻ rất giống một thông cáo báo chí kiểu truyền thống, nhưng được cố tình rút tỉa vô cùng ngắn gọn.
Mỗi tin đồn được nêu ra một cách cẩn thận và cô đọng, rồi bác bỏ ngay sau đó. Bài đăng bắt đầu với khối ngân hàng: Ngân hàng trung ương nói rằng mình đủ sức thanh khoản, lượng tiền “dồi dào và ổn định”, đủ sức đối phó với biến động thị trường.
Một bác bỏ khác: HKMA không có “ý định” can thiệp vào Hệ thống Tỉ giá Liên kết, hệ thống đã giữ đồng HKD ở mức tương đối cố định so với đồng USD, khoảng 1 HKD đổi được khoảng 7,8 USD từ năm 1983.
Thêm nữa, cơ quan tiền tệ khẳng định không có kế hoạch thực hiện kiểm soát vốn, cũng không giới hạn số lượng tiền được rút từ máy ATM trong 24 giờ.
Bài đăng được kết thúc bởi một cảnh báo dành cho bất cứ ai có xu hướng “gây ra hoảng loạn xã hội” bằng cách tạo ra hoặc chia sẻ tin đồn “ác ý”, và để không khí nhẹ nhàng hơn, HKMA có vẻ như đã chọn vội một câu cách ngôn trong cuốn sách dày cộp về thành ngữ Trung Hoa, để tóm lại tình hình.
Bài đăng dừng lại ở một câu phù hợp nhất tình huống lúc này: “Người khôn ngoan không nghe lời ong tiếng ve”.
Thêm nhiều bài khác được đăng lên sau đó. Ngày 6.10, HKMA một lần nữa lại lên tiếng rõ ràng rằng họ không có kế hoạch hạn chế rút tiền. Ba ngày sau đó, cơ quan này ra một bác bỏ khác, đề cập đến các mối lo tương tự, nhưng đưa thêm vào đó một chút bông đùa.
“Bạn có muốn sống trong tin đồn lần nữa ngay không?”, HKMA hỏi xem có ai thích gợi lại tin đồn của cuối tuần trước, trước khi liệt kê một loạt các thông báo mà cơ quan này đã cẩn thận đưa ra để bác bỏ từng mẩu tin thất thiệt.
Ánh sáng dường như vẫn là cách tốt nhất để đẩy lùi bóng tối.
Trật tự thế giới mới
Khả năng tư duy vượt giới hạn của HKMA, trong khi ngầm mong muốn làm chủ nỗi sợ và tin đồn, là điều cần thiết và là một dấu hiệu chứng tỏ, thậm chí ngân hàng trung ương bảo thủ là vậy, cũng phải chấp nhận coi đổi mới là yêu cầu để thích ứng với một thế giới không ngừng biến đổi.
Bây giờ, khi HKMA phát hiện ra một tin đồn trên đà hình thành, quyết định đầu tiên mà ông Yue đưa ra là làm thế nào để trả lời.
Ông phải quyết định - và là người chịu hoàn toàn trách nhiệm – xem là tin đồn này chẳng qua chỉ là chuyện bịa nhảm nhí hay là một dấu hiệu của sự bất ổn ẩn sâu hơn có thể biến thành một cuộc khủng hoảng thực sự.
Nếu tin đồn đó lan rộng ra, ông phải quyết định xem “nó có thể ảnh hưởng đến lòng tin và tín nhiệm của quần chúng vào hệ thống tài chính Hồng Kông và HKMA hay không”.
Nếu đội ngũ ra quyết định của ông Yue cho rằng phải trả lời công khai, thì nhóm này có tiêu chuẩn nội bộ là ba giờ để phản ứng.
Mạng xã hội là chìa khóa cho quá trình phản ứng này, cơ quan tiền tệ vẫn duy trì sự “hiện diện liên tục” trên Facebook, LinkedIn, Twitter, WhatsApp và YouTube, để HKMA có thể “ngay lập tức và trực tiếp chuyển thông điệp không qua chỉnh sửa đến lượng lớn độc giả”, ông Yue nói.
Các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống có ít giá trị hơn khi HKMA muốn đưa tin nhanh, xa và rộng, nhưng vẫn là “một phương thức hiệu quả để đưa thông điệp ra công chúng”, ông Yue khẳng định.
Truyền hình, truyền thanh và báo in tất cả đều có một “tiếng nói quyền lực” quan trọng trong xác minh thông tin ở giây phút khủng hoảng tiềm ẩn hoặc kéo dài.
HKMA không phải đơn thuần là người đưa tin, mà là lực lượng phản ứng khi có sự việc xảy ra. Cơ quan này dành nhiều thời gian để làm việc với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) và tạo ảnh hưởng (influencers): nhà đầu tư, phóng viên, nhà phân tích, những tên tuổi được công chúng biết đến và tin tưởng. Họ được mời để tham dự các buổi họp ngắn và hội thảo trong những giai đoạn bình ổn, khi không có gì xảy ra.
Và, khi một trận khủng hoảng xảy đến, ngân hàng trung ương sẽ chia sẻ các bài đăng trong vòng bạn bè và đồng minh của mình, những người này, đến lượt mình, lại lan truyền các thông điệp đó, giải thích cho một lượng độc giả lớn hơn, gồm công chúng và các nhà đầu tư quốc tế trên toàn cầu, tại sao ngân hàng trung ương lại có quyết định hay hành động như vậy.
Theo ông Yue, bằng cách này, những khía cạnh mang tính phá hoại và tiêu cực của mạng xã hội có thể bị ngăn chặn và thậm chí là đảo ngược, tạo ra một dòng tin tức tích cực, dễ chia sẻ, dựa trên sự thật chứ không phải đồn thổi.
Hiệu ứng tốt
Ông Yue tin rằng hành động của đội mình trong tháng 10, đã có tác dụng tốt. Ông nói rằng sau những bài đăng đầu tiên của ngân hàng được lan truyền rộng rãi, các tin đồn về sự kiểm soát vốn chặt hơn và những cây ATM rỗng tiền “đã ngừng lan truyền trên mạng xã hội và các ứng dụng gửi tin nhắn”.
Không có các hiệu ứng lan tỏa khiến dư luận xôn xao nào, không có đe dọa thực sự nào đến sự ổn định ngành tài chính và ngân hàng.
Điều đáng ngưỡng mộ là, chường mặt ra chịu tấn công trên mạng xã hội không phải dễ dàng gì. Người đàn ông 54 tuổi này thực sự là một tay chèo lão luyện, gia nhập HKMA năm 1993, vươn lên từng cấp bậc và đạt được vị trí phó giám đốc điều hành năm 2007.
Là người ra sáng kiến và thực thi Quỹ Ngoại hối trị giá 4,2 nghìn tỉ HKD (540 tỉ USD), vũ khí giúp duy trì tỉ giá cố định với đồng USD, việc ông Yue thăng tiến lên vị trí cao nhất không có gì đáng ngạc nhiên.
Hợp đồng năm năm đảm bảo cho ông mức lương hàng năm là 7 triệu HKD, cộng với tiền thưởng lên tới 2,3 triệu HKD. Đó là một gói phúc lợi tuyệt vời cho một nhân viên ngân hàng trung ương hiện nay, mặc dù người tiền nhiệm của ông Yue là ông Norman Chan chỉ nhận được ít hơn 10 triệu HKD mỗi năm.
Dù vậy, mặc dù được xướng tên vào vị trí giám đốc từ tháng 7, ông Yue chỉ chuyển đến văn phòng giám đốc điều hành vào ngày 2.10. Ba ngày sau, ông được giao nhiệm vụ quyết định liệu những tin đồn trên mạng xã hội có thể bỏ qua nhưng theo dõi cẩn thận, hay phải được giải quyết tích cực và ngay lập tức.
Sự hỗn loạn khuấy đảo thành phố gần cả năm trời, cộng thêm với mối nguy hại khi để người dân tin rằng ngân hàng sắp cạn tiền, hoặc chuẩn bị kiểm soát vốn, giúp ông Yue quyết định dễ dàng.
Xử lý tin đồn không hẳn khó như khoa học tên lửa. Đăng một vài bài giải thích trên Twitter không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất mà một ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt, nhưng quyết định trở nên tích cực, chủ động của ông Yue có tính xây dựng cao, không chỉ vì những gì HMKA đã làm được trong tháng 10.2019, mà còn vì những bài học cơ quan này tích lũy được trong quá trình đó.
Một ngày nào đó không xa, có lẽ ngay trong năm nay, thế giới sẽ một lần nữa nhìn lại quyết định khác biệt này, khi có cơn khủng hoảng tài chính khác xảy đến, đe dọa xóa bỏ hết tất cả thành quả dày công xây đắp trong thập kỷ cuối. Khi đó, các sự kiện tháng 10.2019 có thể được coi là cuộc chạy tập dượt cho HKMA.
Lần tới khi khủng hoảng xảy ra, HKMA muốn ở tư thế sẵn sàng.
Theo EuroMoney