Phim hình sự Vô gian đạo (2002) có một cảnh phim in sâu vào tâm trí của tất cả người hâm mô điện ảnh Hồng Kông. Trong phim, Lưu Đức Hoa và Lương Triều Vỹ là kỳ phùng địch thủ của nhau. Lưu Đức Hoa được một tổ chức tội phạm cài cắm vào lực lượng cảnh sát và trở thành một điều tra viên tên tuổi.
Lương Triều Vỹ lại là một cảnh sát viên thâm nhập sâu vào hàng ngũ của tổ chức tội phạm nói trên. Sau khi hai thế giới cùng nhận ra họ đều đang có nội gián sống trong hàng ngũ của mình, Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa phải săn lùng nhau.
Khi hai người đối mặt trên nóc một toà nhà văn phòng, xung quanh có thể nhìn rõ các toà nhà chọc trời và núi non trùng điệp. Họ nhìn nhau, rút súng, ống kính máy quay lùi ra xa và sà xuống xung quanh, một cặp nhân vật đơn độc nhưng dễ để quan sát. Đây là một khung hình đặc biệt sâu sắc. Trong một thành phố đông đúc như Hồng Kông, tầng thượng đại diện cho một không gian dị thường: một phần đã bị xóa khỏi thành phố. Tầng thượng là nơi cách xa cảnh chen chúc và xô đẩy, một nơi cô độc và yên tĩnh. Nó là một van xả áp có ở mỗi tòa nhà. Hãy bước lên cầu thang, mở cửa thoát hiểm và cảm nhận áp lực của đời sống đô thị bị cuốn đi cùng với tiếng gầm khô khốc của chốn đô thành.
Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là một ảo giác. Không ai thật sự cô đơn trên một nóc nhà, nhất là khi xung quanh luôn có những cặp mắt. Hồng Kông có nhiều nhà chọc trời hơn bất cứ thành phố nào trên trái đất: 7.044 tòa nhà với hơn 12 tầng. Điều này đồng nghĩa nếu bạn đứng trên một tòa nhà, luôn sẽ có ai đó đang nhìn bạn (ngoại trừ một số ít ngoại lệ). Nhưng nóc nhà lại hứa hẹn một tấm áo tàng hình và chúng ta sẵn sàng chấp nhận lời nói dối này. Kết quả là bạn nhìn thấy những điều phi thường nhất trên những nóc nhà của Hồng Kông. Hay chính xác hơn, bạn nhìn thấy những thứ tầm phào và quẩn quanh nhưng lại phi thường theo nghĩa chúng được giải phóng khỏi sự cẩn trọng mà ai nấy đều mang theo ở nơi công cộng. Những nóc nhà chính là cửa sổ nhìn vào đời sống nội tâm của thành phố.
Tôi đang ngồi trên ban-công tầng 34 trong lúc biên bài này để tận hưởng làn gió mát của một sáng mùa xuân đượm nắng. Nhìn xuống dưới, tôi thấy một phụ nữ đang phơi đồ ngoài ban-công căn hộ tầng sáu, cách một tầng với hồ bơi lấp lánh bên dưới. Cách đó chỉ vài mét, những tấm lợp tôn phủ đầy tầng thượng của một khu chung cư thời hậu chiến. Gần đó, một chú chó chạy qua một “rừng” cây trồng trong chậu, bên trên nhìn xuống là một cây đu đủ gầy gò mọc trên tầng 15 của một khối nhà chung cư ảm đạm. Một người đàn ông đang tập thể dục buổi sáng trên một nóc nhà khác gần đó. Sau đó, khi chiều xuống, những tiếng cười và khói than sẽ cất lên khi bằng hữu tụ tập trên một “nhà hàng” thịt nướng bất hợp pháp trên một nóc nhà nào đó.
Một lần nọ, vào một ngày toả nắng tương tự, tôi chụp ảnh một người đàn ông đang chơi đàn ghi-ta mà chỉ mặc độc chiếc quần boxer đỏ (một loại quần lót) trên một nóc nhà sơn xanh da trời. Vài tuần sau tôi tình cờ gặp lại ông, và hoá ra ông từng học chung trường với một người bạn của tôi. Mặt ông tỏ vẻ thích thú lẫn ngượng ngùng khi tôi cho ông xem tấm ảnh.
Những nóc nhà chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử Hồng Kông. Khi thành phố ngày càng chật chội và đông đúc từ sau Thế chiến II, chúng trở thành lối thoát tự nhiên cho những thứ không thể chứa trong những toà bị quá tải. Trường học không đủ không gian, nên người ta dạy học trên nóc nhà. Các gia đình xây những căn nhà tạm bợ trên nóc các toà nhà, cho lũ trẻ và đàn gà không gian để chạy nhảy, biến đống bê-tông cằn cỗi thành những bản sao của những làng quê họ bỏ lại sau lưng. Khi giới xây dựng bắt đầu xây những tổ hợp căn hộ khổng lồ chiếm toàn bộ nhiều dãy phố, tầng lớp dân “nhảy dù” bèn chiếm đóng hàng trăm mét vuông diện tích trên những nóc nhà, biến những nơi này thành những ngôi làng “nổi” trên đầu thành phố.
Nhưng những nóc nhà vẫn thiết yếu hơn bao giờ hết. Có quán bar trên nóc nhà, trang trại trên sân thượng, nhà thờ trên sân thượng, những bữa tiệc và buổi chiếu phim trên sân thượng. Từ ban-công căn hộ của mình, tôi có thể nhìn thấy Skypark, toà nhà căn hộ mới xây có nóc là một clubhouse (nhà cộng đồng) chiếm hai tầng trên cùng, đóng vai trò là nơi sinh hoạt chung cho người dân sinh sống trong những căn hộ tí hon của toà nhà đó. Cây cối và bụi rậm chĩa ra từ một khu vườn trên nóc nhà, dẫn xuống clubhouse để tạo ra một dạng quảng trường hình bậc thang. Người dân ngồi ngoài trời trên những ghế nệm, mắt hướng ra thành phố, tận hưởng một khoảnh khắc riêng tư ngay trong tầm mắt.
Romain Jacquet-Lagrèze sinh tại Paris năm 1987. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông sáng tạo tại Đại học Đông Paris. Anh chuyển đến Hồng Kông năm 2009 và từ năm 2010 bắt đầu chụp ảnh Hồng Kông để ghi lại những góc cạnh khác nhau của thành phố quê nhà mới của anh. Choáng ngợp trước cuộc chạy đua kiến trúc lên bầu trời cùng đặc tính ba chiều của Hồng Kông, anh xuất bản cuốn sách đầu tiên cùng Asia One: “Vertical Horizon” (2012). Tác phẩm nhanh chóng trở thành cơn sốt trên các trang mạng xã hội và nhận được sự chú ý từ những tờ báo lớn của địa phương lẫn quốc tế.Được cộng đồng quốc tế khích lệ, anh tiếp tục thực hiện nhiều dự án mới để khám phá cảnh quan độc đáo của Hồng Kông. “Wild Concrete” (2014) thể hiện sự quật cường của tự nhiên giữa một môi trường đô thị. “The Blue Moment” (2016) khám phá tính hai mặt của thiên nhiên và đô thị Hồng Kông vào thời khắc hoàng hôn. “Concrete Stories” (2018) tập hợp những hoạt động đa dạng của con người trên những nóc nhà của Hồng Kông. Romain hiện vẫn tập trung phát huy sự nghiệp nhiếp ảnh tại Hồng Kông, nơi anh đang sinh sống và săn tìm cảm hứng.
Ảnh: Romain Jacquet-Lagrèze
Tạp chí Nhà Quản Lý