COVID-19 đem lại thách thức chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu. Ở Mỹ và Châu Âu, các nỗ lực phong tỏa nhằm kiểm soát virus có thể dẫn đến suy giảm hoạt động kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái. Trong khi bảo vệ mạng sống con người là ưu tiên tối cao, đời sống sinh hoạt tất nhiên cũng vô cùng quan trọng.
Các quốc gia châu Á, cũng giống như các nước khác, đặc biệt chú trọng vào nhiệm vụ kép này. Trong những giai đoạn đầu của đại dịch, khó lòng định lượng tác động kinh tế. Các giả định của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey chỉ ra rằng trong một số tình huống có thể xảy ra, GDP thực toàn cầu đến Quý II.2020 có thể giảm 4,9% so với Quý IV.2019. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới còn vẽ ra bức tranh ảm đạm hơn: trong kịch bản xấu nhất, các nền kinh tế Đông Á sẽ bị thu hẹp 0,5%, tỉ lệ tăng trưởng dự đoán của Trung Quốc sẽ giảm 0,1%, và 11 triệu người châu Á sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.
Nhưng điều quan trọng là thách thức về vấn đề nhân đạo. Châu Á là ngôi nhà của 60% dân số thế giới. Khoảng 35% người nghèo nhất ở đây, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2019. Các trận đại dịch gây tổn hại nhiều nhất là đến những người dễ tổn thương nhất. Những khu vực kinh tế mới nổi của Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, phải đối mặt với rủi ro chưa từng có.
Tuy nhiên, trước đây Châu Á đã từng trải qua nhiều khủng hoảng và mỗi lần qua khỏi đều vươn lên mạnh mẽ hơn. Có lý do để tin rằng châu lục này có thể làm được điều này lần nữa. Trong một thế giới hậu đại dịch, liệu các quốc gia và doanh nghiệp Châu Á có thể đóng vai trò chính trong định hình tiêu chuẩn bình thường kế tiếp?
Sức chống chịu của Châu Á trước sự gián đoạn hoạt động kinh tế
Năm 2018, nghiên cứu của McKinsey về các nền kinh tế đang phát triển khắp thế giới đã chọn ra 18 quốc gia có sự tiến bộ vượt trội trong hiện tại và tương lai. Châu Á chiếm ưu thế trong danh sách, với tất cả bảy nền kinh tế đạt được hoặc vượt trên 3,5% tăng trưởng GDP trên đầu người thực hàng năm trong suốt 50 năm: Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Thậm chí các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính châu Á 1997 cũng quay về mức tăng trưởng GDP đầu người tích cực chỉ trong một hoặc hai năm. Nhờ tiếp thu bài học, các nước này chuẩn bị thích ứng tốt hơn cho khủng hoảng tài chính thế giới 2008.
Trong thế giới biến động ngày càng lớn, các công ty châu Á đã thể hiện sự năng động, tốc độ và sự nhanh nhạy, tất cả những điều này đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Các công ty châu Á có sức chống chịu tốt nhờ hoạt động trong thị trường biến động cao, phát triển nhanh, trong bối cảnh đột phá kỹ thuật số và yêu cầu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Hiện tại, 43% công ty lớn nhất thế giới (tính theo doanh thu) có trụ sở ở Châu Á. Các tập đoàn khổng lồ đa dạng ngành nghề có thể chuyển hướng nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng.
Châu Á là nơi đầu tiên bùng phát COVID-19, nhưng cũng là nơi sớm có dấu hiệu ngăn chặn được dịch bệnh, áp dụng quy trình làm việc mới, và nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù vẫn còn rủi ro bùng phát lại dịch COVID-19, Trung Quốc có các chỉ báo hoạt động kinh tế khá lạc quan. Tắc nghẽn giao thông và doanh thu bất động sản nhà ở tại các đô thị đạt gần bằng mức trước khi xảy ra đại dịch. Ô nhiễm môi trường quay về mức 74% và tiêu thụ than đá về mức 85% so với ngày 1.1. Nghiên cứu của McKinsey trên 2.500 người tiêu dùng Trung Quốc cho thấy niềm tin của người dân về sự hồi phục của nền kinh tế, dấu hiệu họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Vào lúc này, các phản ứng y tế cộng đồng mạnh mẽ tại Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc có vẻ thành công.
Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn trong tư thế chịu tác động toàn diện, và làn sóng lây nhiễm mới vẫn là nguy cơ thường trực. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nhận định bình thường mới có thể đến từ Châu Á.
Điều gì định hình bình thường kế tiếp?
Cơn sốc do đại dịch sẽ thay đổi hoạt động kinh doanh, xã hội và trật tự kinh tế toàn cầu theo nhiều cách. Thương mại không tiếp xúc, chẳng hạn, có thể trở thành tiêu chuẩn vĩnh viễn cho người tiêu dùng khi thay đổi hành vi bắt buộc trong hoàn cảnh này trở thành thói quen hàng ngày. Các chuỗi cung ứng có thể tái định hình để loại bỏ những mắt xích dễ tổn thương bộc lộ qua đại dịch. Trong tất cả khía cạnh hoạt động kinh doanh, khủng hoảng phơi bày cả điểm yếu và cơ hội để cải thiện.
Sự kiện “thiên nga đen” này đầu tiên sẽ kiểm tra khả năng ứng phó và chống chịu của tất cả doanh nghiệp. Một số sẽ trở nên hiệu quả hơn và đem lại giá trị tốt hơn cho khách hàng. Vì khối doanh nghiệp Châu Á tiếp tục trưởng thành và tiên phong đổi mới kỹ thuật số, chắc chắn họ sẽ tái hình dung tầm nhìn và chuẩn bị cải cách. Khi làm vậy, họ sẽ là các công ty đầu tiên trên thế giới định hình tiêu chuẩn bình thường kế tiếp.
Khế ước xã hội
Trong thời kỳ khủng hoảng, nhà nước đóng vai trò thiết yếu bảo vệ người dân và ưu tiên điều phối nguồn lực quốc gia để ứng phó. Người dân và doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với thay đổi. Sự dịch chuyển quyền lực chuyển hóa kỳ vọng ngầm bấy lâu về vai trò của cá nhân và thể chế trong xã hội. Mức độ lo ngại về rủi ro công nghệ số và quyền riêng tư cá nhân khác nhau giữa các khu vực trên thế giới. Ở Châu Á, nhiều nơi đã đạt được hiệu quả trong giám sát và thu thập dữ liệu sức khỏe để kiểm soát các điểm bùng phát dịch. Ở Hồng Kông, ứng dụng điện thoại theo dõi sự di chuyển được áp dụng để thực thi việc cách ly. Hệ thống y tế quốc gia của Trung Quốc đại lục cấp chứng nhận sức khỏe điện tử cho người dân.
Trong khi đó, sự hợp tác không chỉ gia tăng giữa khối công và tư mà còn xuyên suốt khối tư nhân. Các chính phủ đang thử nghiệm mọi cách để duy trì niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các công ty lãnh trách nhiệm lớn hơn đối với người lao động.
Ở Singapore, ngân hàng tiêu dùng hàng đầu DBS cung cấp bảo hiểm gia tăng và gia hạn trả nợ vay mua nhà cho nhân viên của các ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch cũng như đưa ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gói bảo hiểm miễn phí của ngân hàng chi trả cho tiền nhập viện vì COVID-19 nhận được hơn 52.000 lượt đăng ký mỗi ngày vào lúc cao điểm. Các dịch vụ đặc biệt như tư vấn online với bác sĩ và học online cho trẻ em cũng được người dân ưa chuộng.
Việc làm và tiêu dùng
Khủng hoảng đại dịch tạo ra áp lực gia tăng áp dụng công nghệ mới trên tất cả các phương diện của cuộc sống, từ thương mại điện tử đến làm việc và học tập từ xa. Ở Trung Quốc, việc áp dụng các ứng dụng như DingTalk của Alibaba, WeChat Work và Tencent Meeting để kết nối từ xa giữa đội nhóm và bạn bè gia tăng nhanh chóng. DingTalk phải thêm 20.000 máy chủ đám mây để hỗ trợ lưu lượng. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã triển khai một nền tảng học trực tuyến trên đám mây quốc gia để hỗ trợ học tập từ xa cho 50 triệu sinh viên cùng một lúc. Tiêu thụ số cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại Hàn Quốc, nhà bán lẻ trực tuyến Coupang vận chuyển mức cao kỷ lục 3,3 triệu mặt hàng vào ngày 28.1 và doanh số giao hàng thực phẩm của SSG.com đã tăng 98%. Doanh thu dịch vụ giao hàng của công ty Meituan Trung Quốc cũng tăng 400% trong đợt bùng phát.
Nhiều thương hiệu tăng các chương trình khuyến mãi trực tuyến để nắm bắt nhu cầu. Tại Trung Quốc, Tsingtao tuyển dụng hơn 40.000 nhân viên và người tiêu dùng để thực hiện vai trò “nhà phân phối”, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội Tsingtao. Doanh số của cửa hàng Tsingtao từ WeChat sau đó tăng gấp ba lần. Trong một hội nghị bàn tròn “ảo” gần đây, nhiều giám đốc điều hành các công ty có trụ sở tại Trung Quốc chia sẻ kỳ vọng của họ rằng người tiêu dùng sẽ dịch chuyển, thậm chí nhanh hơn dự kiến, sang thương mại điện tử và kỹ thuật số.
Những cách thức mới này có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn cố định, vĩnh viễn cho bình thường kế tiếp, đặt ra những câu hỏi thú vị cho tổ chức. Làm thế nào để vận hành linh hoạt mà không mất năng suất? Liệu có thể mở rộng thị phần hay đặt dấu ấn với khách hàng cá nhân trong bình thường mới?
Tốc độ và quy mô của việc huy động nguồn lực
Trong khủng hoảng, các chính phủ đã thực hiện chính sách một cách nhanh chóng. Khả năng điều hướng các nguồn lực đến các hệ thống chăm sóc sức khỏe là tối quan trọng: trong vài tuần, Trung Quốc đã huy động hàng chục nghìn bác sĩ và thêm hàng chục nghìn giường bệnh để giúp Vũ Hán. Chính phủ cũng chi 142 tỉ USD (tương đương 1% GDP) để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng và tái triển khai lao động trong các ngành nhu cầu suy giảm do các biện pháp phong tỏa.
Thay vì tập trung vào phong tỏa, Hàn Quốc đẩy mạnh mô hình xét nghiệm, theo dõi và cách ly: xét nghiệm và giám sát trên diện rộng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Để tận dụng dữ liệu, các chính phủ khác ở châu Á cũng đầu tư vào hệ sinh thái kỹ thuật số, lập bản đồ các điểm nóng bùng phát và kiểm soát lây nhiễm thông qua các ứng dụng như TraceTogether của Singapore, Corona 100m của Hàn Quốc và chatbot MyGov Corona Helpdesk của Ấn Độ. Các chính phủ cũng thực thi nhiều biện pháp tài khóa và tiền tệ đặc biệt khác. Singapore đưa ra hai gói kích thích trị giá 38 tỉ USD, chiếm 11% GDP nước này.
Châu Á rõ ràng có khả năng huy động các nguồn lực từ dưới lên, cũng như từ trên xuống. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ý thức đoàn kết dân tộc của Hàn Quốc đã thúc đẩy công dân nước này quyên tặng vàng trong nhà, như đồ trang sức và huy chương, lên đến 2,2 tỉ USD chỉ trong vòng hai tháng, để trả nợ nước ngoài.
Suy thoái toàn cầu hóa
Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ ra rủi ro của sự phụ thuộc của thế giới vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là hàng hóa tập trung vào các mắt xích yếu. Chẳng hạn, Trung Quốc chiếm khoảng 50 đến 70% nhu cầu thế giới về đồng, quặng sắt, than luyện kim và niken.
Chúng ta có thể thấy một sự tái cấu trúc lớn của chuỗi cung ứng: sản xuất và tìm nguồn cung ứng có thể dịch chuyển gần hơn đến người dùng cuối và các công ty có thể nội địa hóa hoặc khu vực hóa chuỗi cung ứng của mình. Sự chuyển dịch này có thể đặc biệt nổi bật ở châu Á, nơi tầng lớp trung lưu đang gia tăng tạo ra nhu cầu riêng cho sản xuất và tỉ lệ thương mại nội khối cao.
Trong tương lai, các công ty có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các khu vực khác của Châu Á. Theo khảo sát năm 2019 của AmCham, khoảng 17% các công ty cân nhắc hoặc chủ động chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như hàng dệt may, điều này đã xảy ra và tác động từ phía cung của đại dịch có thể đẩy nhanh sự chuyển dịch này. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà sản xuất thiết bị điện tử của Hàn Quốc đã chứng minh họ có thể đẩy nhanh việc đa dạng hóa nơi sản xuất ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, sự hợp tác trong khu vực được tiến hành để ứng phó với sự lây lan của virus Corona; ví dụ, các nền kinh tế ở Nam Á, đang chia sẻ phương thức và quy trình ứng phó tốt nhất. Trước đây, cách ứng phó của châu Á đối với các cuộc khủng hoảng đều có kiểu phối hợp tương tự nhau, chẳng hạn, Trung Quốc từng bước trở thành một nhà viện trợ khu vực sau thảm họa sóng thần Aceh năm 2004 ở Indonesia.
Sự hợp tác khu vực giữa các quốc gia Đông Nam Á (khối ASEAN) cũng thể hiện rõ trong nỗ lực đối phó với áp lực ngày càng tăng từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của khu vực này, dẫn đến việc ra mắt Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN) vào năm 2018. Mục đích của ASCN là tạo điều kiện hợp tác phát triển của các thành phố thông minh, thúc đẩy các dự án giữa khu vực công và tư nhân, và đảm bảo tài trợ và hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài của ASEAN.
Câu chuyện tương lai toàn cầu bắt đầu từ Châu Á
Năm 2019, McKinsey đã khẳng định tiềm năng của Châu Á, và hiện vẫn dự đoán đường tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ của khu vực này. Đến năm 2040, Châu Á dự kiến chiếm 40% tiêu dùng và 52% GDP toàn cầu. Khi đó nhìn lại, đại dịch COVID-19 có thể là điểm bắt đầu thực sự của Thế kỷ Châu Á.
2020 dĩ nhiên sẽ là năm thử thách mọi dự đoán từ bấy lâu. Thay đổi cấu trúc tất yếu sẽ dẫn đến một cú sốc toàn cầu lớn như thế này. Những quyết định các nhà lãnh đạo thực hiện hôm nay sẽ không chỉ giúp các quốc gia và tổ chức ra khỏi khủng hoảng hiện tại nhanh chóng đến đâu, mà còn định nghĩa cách thức họ thích ứng với bình thường kế tiếp.
Hoa Linh Lan