Ngày nay, có rất nhiều chủ đề về chuỗi cung ứng được quan tâm, một trong số đó là logistics. Hiệu quả logistics giúp doanh nghiệp hoạt động vượt ngoài giới hạn địa lý, mở ra triển vọng không giới hạn về lợi nhuận, đồng thời đặt nền móng cho các cơ chế hoạt động mới góp phần nâng cao năng lực, đưa doanh nghiệp tới vị trí dẫn đầu ngành. Với vai trò của logistics trong chuỗi cung ứng, tôi muốn đề cập đến không phải một, mà ba khái niệm logistics vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại, tiềm năng và những điều cản trở việc thực hiện chúng.
LOGISTICS NHÂN ĐẠO
Đây là một thuật ngữ không phổ biến nhưng cực kỳ thú vị. Như thể hiện qua tên gọi, Logistics Nhân đạo là quy trình được sử dụng trong các tình huống phức tạp và khó khăn như ứng phó với thảm họa. Khi thay đổi khí hậu đang trở thành vấn đề quan trọng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, Logistics Nhân đạo trở thành một phần không thể thiếu trong chức năng hoạt động tương lai của logistics.
Với hàng trăm ngàn người tử vong hàng năm trên khắp địa cầu do hậu quả của biến đổi khí hậu, viễn cảnh cho các nền kinh tế và hệ sinh thái khá u tối. Vào thời điểm xảy ra thảm họa, khung thời gian cho phép ứng biến cố định và hạn chế, nên hoạt động logistics cần hết sức khẩn trương. Sự khác biệt chính của Logistics Nhân đạo chính là cung cấp sự giúp đỡ từ con người trong các hoàn cảnh như vậy.
Bài toán cơ bản của logistics là mức độ chuẩn bị và tốc độ ứng phó để huy động các nguồn lực ở mức tối ưu. Về cơ bản, hoạt động Logistics Nhân đạo không có khác biệt, nhưng mức độ chuẩn bị và tốc độ phản ứng phải thực hiện trong những tình huống đặc biệt khó khăn, không lường trước. Đối với bất kỳ nền kinh tế/ doanh nghiệp, phần hoạt động này là tốn kém nhất và vẫn chưa được nhiều người biết đến. Chuẩn bị tốt trước khi khủng hoảng xảy ra quan trọng hơn việc ứng phó sau đó rất nhiều, và việc bắt đầu đối mặt với khủng hoảng là một trong các yếu tố quan trọng nhất trong Logistics Nhân đạo.
Hãy xem xét Logistics Nhân đạo thông qua kế hoạch cứu trợ thảm họa của chính phủ. Quan chức trong một số chính phủ có thể đặt lợi ích cá nhân lên trên mong muốn của người dân toàn quốc, trường hợp thường xảy ra hơn ở các nước đang phát triển. Hành động phá vỡ chuỗi cung ứng của quan chức có thể khiến tất cả những bên liên quan thiếu đi sự phối hợp cần thiết và cả đất nước lâm vào cảnh ứng phó thiếu hiệu quả trước thảm họa.
Lũ lụt ở Kerala miền nam Ấn Độ năm 2018 là ví dụ điển hình nhất cho trường hợp này, khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố không tiếp nhận viện trợ nước ngoài, công tác cứu trợ, ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng đã bị kéo dài. Không phải do thiếu nguồn lực hay hạn chế tài chính khiến quy trình quản lý thảm họa thất bại, mà chính là do sự thiếu phối hợp giữa các bên liên quan.
Toàn bộ quy trình Logistics Nhân đạo được chia thành các giai đoạn: giảm thiểu, ứng phó, chuẩn bị và phục hồi. Tất cả các bước này đều dựa vào sự hỗ trợ hoạt động. Phải nhớ rằng mục tiêu của quy trình không phải giảm chi phí mà là cứu mạng người, điều đáng giá hơn tất cả tài sản hữu hình trên thế giới này. Tốt hơn hết là nên chuẩn bị và ngăn chặn hậu quả hơn là ăn năn và sửa chữa, theo lời Lực lượng Phản ứng Thảm họa Quốc gia Ấn Độ, cơ quan ứng phó thảm họa của Ấn Độ.
Giải pháp tốt nhất để cải thiện Logistics Nhân đạo là để các bên liên quan được phép thuê những đơn vị có năng lực nhất bất kể quốc tịch và cho phép họ sử dụng khả năng sáng tạo để cứu hàng ngàn người ngay tại thời điểm cần kíp thay vì than khóc hậu quả năm này qua năm khác. Các yếu tố khác nhau trong Logistics Nhân đạo có thể bao gồm: lưu kho, quản lý đội xe, sử dụng tài sản, bảo mật và triển khai công nghệ thông tin, quản lý thu mua, v.v.
Những hạn chế chính của Logistics Nhân đạo bên cạnh vấn đề phối hợp giữa các bên liên quan, kể cả đối với tình huống doanh nghiệp, có thể là vấn đề nhân sự vì điều kiện làm việc khắc nghiệt, và làm thể nào sử dụng đúng kiến thức quản lý.
LOGISTICS THU HỒI
Gần đây, khái niệm 3R (Reduce – Giảm sử dụng, Reuse – Tái sử dụng và Recycle – Tái chế) ngày càng được nhiều người quan tâm. Việc tái sử dụng đã sản sinh ra khái niệm Logistics Thu hồi. Nhận diện đâu là giá trị có thể tái sử dụng là điều quan trọng nhất, và tập trung tận dụng hiệu quả các giá trị có hạn này. Do đó, Logistics Thu hồi có thể được định nghĩa là lục xới nguyên liệu thô, khiến các hàng hóa đang trong quá trình sản xuất hoặc đã hoàn thiện trở lại điểm tiêu thụ đầu tiên để thu được giá trị.
Ví dụ tốt nhất về Logistics Thu hồi có ngay trong các hoạt động hàng ngày, đó là khi khách hàng trả lại một sản phẩm do lỗi hoặc vì lý do khác. Hiện nay, trong trường hợp hàng lỗi, chuỗi cung ứng đưa hàng về nhà sản xuất để kiểm tra và sửa chữa. Sau khi được sửa chữa, sản phẩm được giao lại cho chính khách hàng đó hoặc được bán cho khách hàng khác. Mặc dù khái niệm 3R đã xuất hiện từ rất lâu, Logistics Thu hồi vẫn còn khá mới mẻ, chỉ mới một thập kỷ, và các doanh nghiệp cũng cần hiểu tiềm năng thực của Logistics Thu hồi thay vì chỉ coi là biện pháp tiết kiệm chi phí.
Nhưng hiện nay, đặc biệt ở Ấn Độ, khi xét đến Logistics Thu hồi, người ta nghĩ ngay đến thương mại điện tử và thậm chí có vài công ty khởi nghiệp không bán trực tuyến cũng đang làm rất tốt.
Để khách hàng có thể đặt và trả hàng dễ dàng thông qua các công ty thương mại điện tử lớn, Logistics Thu hồi sắp đóng vai trò quan trọng. Các công ty xem đây là điểm lợi nhuận vì Logistics Thu hồi trực tiếp đem lại sự trung thành của khách hàng và giảm chi phí.
Theo ước tính của một doanh nghiệp, chi phí trả lại chiếm khoảng 7% tổng chi phí hoạt động. Theo họ, con số này quá lớn và không có lợi ích trực tiếp nào cho số chi phí bỏ ra đó. Đây chỉ là mức trung bình của ngành thương mại điện tử, và có mức chi phí xử lý trả hàng có sự khác biệt lớn trong các ngành nghề khác nhau. Một chu trình Logistics Thu hồi thông thường bao gồm một bộ phận chuyên thu thập các sản phẩm bị trả lại, giao cho nhà sản xuất gốc/nhà phân phối và cuối cùng, giao lại cho nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng cuối cùng hoặc tái chế/ hủy bỏ sản phẩm.
Logistics Thu hồi có ưu điểm và cả nhược điểm. Nếu một công ty có quy trình Logistics Thu hồi tốt thì công ty đó có xu hướng dễ dãi chính sách trả hàng, từ đó dẫn đến lượng hàng trả lại lớn, đôi khi có thể gây tốn kém. Trong khi đó, sử dụng dịch vụ logistics bên thứ ba có thể giảm đáng kể áp lực xử lý phần hoạt động này và do đó, công ty có thể tập trung tốt hơn vào các giá trị cốt lõi. Một cách thức hữu hiệu khác để thi hành Logistics Thu hồi là có quy trình quản lý lưu kho hiện đại và hợp lý để không phải chịu chi phí ngoài dự đoán. Đồng thời, xây dựng kênh tiếp nhận phản hồi khách hàng hiệu quả có thể giảm đáng kể chi phí liên quan đến Logistics Thu hồi. Phản hồi từ khách hàng sẽ giúp công ty biết rõ hơn tại sao sản phẩm bị trả lại liên tục và do đó có thể giúp quản lý sản xuất hiệu quả.
TÍCH HỢP GIS TRONG QUẢN LÝ VẬN TẢI
GIS hay hệ thống thông tin địa lý (Geographical Information System) là hệ thống quản lý và phân tích tất cả các loại thông tin địa lý và thường thể hiện thông tin về không gian. Tích hợp GIS là vô cùng quan trọng ở các quốc gia như Ấn Độ nơi có hình thức giao thông chính là đường bộ với khoảng hơn 300 nghìn con đường. Là một quốc gia linh hoạt, mỗi tiểu bang có luật lệ riêng và do đó, việc quản lý hệ thống vận tải ở cả cấp tiểu bang và cấp quốc gia là điều rất quan trọng.
Trên thế giới còn khá nhiều con đường chưa được đưa vào hệ thống, do đó, dữ liệu là thiếu sót lớn trong hệ thống quản lý vận tải hiện nay. Thiếu sự phối hợp giữa chính quyền tiểu bang và trung ương khiến thông tin rất khó tiếp cận và do đó cản trở việc thực thi hiệu quả việc tích hợp GIS. Thêm vào đó, việc chính quyền ở các quốc gia đang phát triển không thể giữ chân hoặc thuê được nhân tài, chứng tỏ việc tích hợp GIS vẫn chưa được coi trọng.
Mặc dù ở Ấn Độ đã có hy vọng về sự triển khai GIS khi các thành phố lớn sử dụng GIS để xác định hành vi của khách du lịch, từ đó ứng dụng GIS vào quản lý đường bộ trở thành thử nghiệm tiếp theo, đem lại triển vọng tích hợp GIS ở phạm vi lớn hơn. So với các phương thức quản lý truyền thống, GIS có thể ít tốn kém chi phí hơn nhiều, nhưng yêu cầu duy nhất và có vẻ là bất lợi của một số quốc gia là cần hệ thống đường bộ có cấu trúc rõ ràng mới có thể thực hiện hiệu quả.
Duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến tai nạn đường bộ, lượng phương tiện lưu thông, tuyến đường, tuổi đường cao tốc, v.v là cốt lõi quan trọng. Nhiều dữ liệu hơn sẽ giúp chứng minh được nhiều giả thuyết bằng số liệu, dẫn đến thử nghiệm thành công, từ đó tạo ra hệ thống hiệu quả hơn cho quy hoạch cao tốc và hệ thống không gian tốt hơn. Điều tuyệt vời nhất mà GIS với dữ liệu chuẩn có thể mang lại là tạo ra các tình huống giả lập và mô phỏng tình huống thực tế để quản lý đường cao tốc tốt hơn nhiều. Chi phí đầu tư đi kèm với triển khai GIS là vấn đề lớn, nhưng chính quyền cần hiểu rằng đầu tư một lần có thể đem lại lợi ích dài hạn.
GIS cũng có thể dự đoán chính xác các thảm họa như lở tuyết ở Mỹ. Ở Ấn Độ, triển khai GIS có thể là kịch bản thay đổi cục diện, đặc biệt với quân đội, những người dành phần lớn cuộc sống trong các hoàn cảnh khắc nghiệt và dễ rơi vào thảm họa như vậy. GIS là cách tiếp cận nặng về số liệu và do đó, việc xây dựng mô hình thống kê có tầm quan trọng rất lớn, và đặc biệt, độ chính xác của mô hình chỉ có thể tăng lên khi có thêm dữ liệu. Toàn bộ căn bản của GIS là tích hợp các dữ liệu khác nhau.
Để kết luận về GIS, hãy tưởng tượng rằng GIS đang được triển khai ở Ấn Độ và đặc biệt, trong quân đội. Việc sử dụng hiệu quả GIS có thể cứu được nhiều sinh mạng. Theo một nghiên cứu, có một thực tế rất đáng buồn là nhiều quân lính tử nạn do sạt lở đất/ băng tuyết hơn là hy sinh trên chiến trường. GIS thực sự có thể thay đổi điều này và cứu được nhiều mạng sống cho quân lính và dân thường.
Câu ngạn ngữ “Việc hôm nay chớ để ngày mai” rất đúng đối với Logistics Nhân đạo, Logistics Thu hồi và Triển khai GIS. Chỉ khi các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân nhận ra khả năng thành công thay vì chỉ thấy chúng tốn chi phí và bất khả thi, thì thế giới mới có thể trở thành nơi sinh tồn tốt hơn cho nhân loại.
Chinmay Bindal
Viện Quản lý và Nghiên cứu Tài chính,
Đại học KREA, Ấn Độ