Báo cáo cuối tháng 5 vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tác động của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên chính hai siêu cường kinh tế này (“The Impact of US-China Trade Tensions”) cho rằng, hàng rào thuế quan đã làm giảm trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng thâm hụt thương mại song phương vẫn chưa có gì thay đổi.
Tuy tác động của đợt căng thẳng thương mại giữa hai nước hiện vẫn còn khiêm tốn đối với sự tăng trưởng chung của thế giới, nhưng đợt leo thang mới nhất có thể gây suy yếu thị trường tài chính và kinh doanh, gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phá hỏng sự hồi phục được dự báo trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019.
Diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc
Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ tuyên bố đồng loạt tăng thuế lên cả hai danh sách 250 tỉ USD và 300 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay sau quyết định đánh thuế lên 75 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc. Đây là đợt leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Tác động từ những lần tăng thuế trước bởi phía Mỹ lẫn sự trả đũa từ phía Trung Quốc có thể nhìn thấy rõ trong số liệu thương mại. Cả hai nước trực tiếp tham gia lẫn những đối tác thương mại của họ đều đã bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan.
Năm 2018, Mỹ ban hành nhiều đợt tăng thuế liên tiếp lên ba “danh sách” hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Đợt tăng thuế đầu tiên nhằm vào 34 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi thêm 16 tỉ USD trong danh sách thứ hai và cuối cùng là thêm 200 tỉ USD vào danh sách tăng thuế lần thứ ba. Kết quả là hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc giảm đáng kể trong cả ba nhóm hàng hoá bị đánh thuế bổ sung.
Đối với những trường hợp được hoãn, nhờ vào khoảng thời gian trống giữa thông báo áp thuế và thật sự thi hành việc áp thuế, như đối với trường hợp của hai đợt hàng hoá trị giá 16 và 200 tỉ USD, hoặc nhờ vào việc triển khai có lộ trình việc tăng thuế, như đối với đợt hàng hoá trị giá 200 tỉ USD, IMF quan sát thấy hiện tượng tăng nhập khẩu hàng hoá trước khi các quyết định có hiệu lực. Việc này cho thấy giới nhập khẩu đã tranh thủ dự trữ hàng hoá trước kỳ tăng thuế, vốn dẫn đến sự giảm nhập sau đó.
Khi Trung Quốc ban hành chính sách thuế trả đũa, thì hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc cũng giảm. Tuy không có dấu hiệu rõ rệt bằng, song tăng trưởng xuất khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc nhìn chung đã yếu đi kể từ khi xuất hiện căng thẳng thương mại giữa hai nước
Tác động lên người tiêu dùng
Người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc rõ ràng chịu thiệt từ căng thẳng thương mại giữa hai nước. Các nhà nghiên cứu Cavallo, Gopinath, Neiman và Tang (từ đại học Havard, đại học Chicago và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston) đã dùng dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ và rút ra kết luận rằng, nguồn thu từ thuế mới tăng thêm gần như được hoàn toàn chi trả bởi các nhà nhập khẩu Mỹ. Hầu như không có thay đổi nào trong giá hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc (sau khi áp thuế) và giá nhập khẩu tăng vọt trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực - tương đồng với độ lớn của mức thuế mới.
Một vài trong số những mức thuế này đã được chuyển sang cho người tiêu dùng Mỹ, chẳng hạn như thuế đánh vào mặt hàng máy giặt. Một vài mức thuế khác thì được các hãng nhập khẩu chịu đựng bằng cách chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn. Nếu thuế tiếp tục tăng, người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng sẽ lại chịu hệ quả tương tự. Dù ảnh hưởng trực tiếp lên lạm phát có thể chưa lớn, hàng rào thuế quan mới có thể đem đến những hệ quả lớn đối với người tiêu dùng thông qua việc tăng giá giữa những đối thủ cạnh tranh trong nước.
Tác động lên nhà sản xuất
Tác động lên giới sản xuất thì đa dạng hơn, khi có cả kẻ thắng lẫn người thua. “Kẻ thắng” sẽ là những nhà sản xuất hàng hoá Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong thị trường nội địa Mỹ, vốn có hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ bị tác động bởi hàng rào thuế quan. Bên cạnh đó, cơ hội cũng mở ra dành cho những nhà xuất khẩu đến từ nước thứ ba ngoài Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, các hãng sản xuất hàng hoá chịu tác động bởi hàng rào thuế quan của Mỹ và Trung Quốc, lẫn những nhà sản xuất sử dụng những hàng hoá nói trên làm hàng hoá trung gian, lại là những “người thua” tiềm tàng.
Chệch hướng thương mại (trade diversion) là một kênh truyền dẫn tác động của cuộc chiến thương mại đến các nhà sản xuất hàng hoá. Dữ liệu tổng hợp song phương của Mỹ cho thấy, chệch hướng thương mại đã xảy ra, khi sự giảm sút trong hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc dường như đã được bù trừ nhờ sự gia tăng hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ những quốc gia khác.
Ví dụ, hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico đã tăng đáng kể trong danh mục những loại hàng hoá Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bổ sung. Sau khi danh sách hàng hoá bị Mỹ đánh thuế bổ sung thêm 16 tỉ USD (lần thứ hai), gần 850 triệu USD suy giảm trong kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc. Trong khi đó, sự giảm sút này gần như đã được cân bằng nhờ khoảng 850 triệu USD hàng hoá được nhập khẩu từ Mexico. Sự chuyển hướng thương mại này khiến bức tranh về giá trị nhập khẩu của Mỹ nhìn chung vẫn không có gì thay đổi.
Đối với những đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada, có thể quan sát thấy sự gia tăng nhẹ đối với giá trị hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ tương ứng với mức cùng kỳ từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2017. Tất nhiên, dữ liệu tổng hợp có thể che giấu những yếu tố khác đang thúc đẩy xu hướng thương mại song phương.
Một kênh truyền dẫn khác khiến các nhà sản xuất bị ảnh hưởng là thông qua phân khúc thị trường (market segmentation) dựa trên giá bán của hàng hoá. Điều này được quan sát rõ ràng nhất đối với đậu tương - mặt hàng chịu sụt giảm trầm trọng về nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc trong năm 2018 sau khi Trung Quốc ban hành biện pháp thuế trả đũa. Mỹ cùng với Brazil vốn là hai nguồn cung đậu tương chính của Trung Quốc trong năm 2017. Với hàng rào thuế quan mới, giá đậu tương Mỹ giảm trong khi giá đậu tương Brazil tăng, do lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ giảm xuống gần mức 0 trong khi đậu tương nhập khẩu vào Trung Quốc từ Brazil tăng vọt. Từ đó, tuy giá và lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc đã hồi phục đến một mức độ nhất định, giới trồng đậu tương Mỹ đã hứng chịu thiệt hại, còn nông dân Brazil lại hưởng lợi nhờ chệch hướng thương mại và phân khúc thị trường.
Tác động lên những nhà sản xuất Mỹ vốn tiếp xúc nhiều với thị trường Trung Quốc cũng được nhìn thấy trong các số liệu định giá trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, diễn biến giá cổ phiếu của những công ty Mỹ có doanh số cao ở Trung Quốc lại kém khả quan hơn so với những doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại những thị trường quốc tế khác sau khi Trung Quốc trả đũa bằng cách ban hành thuế quan đối với danh sách hàng hoá trị giá 34 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ.
Khoảng cách này được thu hẹp vào đầu năm 2019 khi hai nước tạm ngừng thương chiến. Song chênh lệch này lại lại bị nới rộng sau khi Mỹ thông báo sẽ tăng thuế thêm 25% đối với lượng hàng hoá trị giá 200 tỉ USD từ Trung Quốc.
Những nhà sản xuất sử dụng những hàng hoá nói trên làm hàng hoá trung gian, lại là những “người thua” tiềm tàng.
Tác động lên kinh tế vĩ mô
Cuộc leo thang thuế quan song phương giữa Mỹ và Trung Quốc ít tạo ra ảnh hưởng giới hạn lên cán cân thương mại giữa hai nước. Trên thực tế, trong năm 2018, thâm hụt thương mại ở phía Mỹ đã gia tăng tương ứng với đợt tăng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 3.2019, thâm hụt phía Mỹ đã giảm nhẹ, song hàng hoá Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm.
Điều chắc chắn là các yếu tố kinh tế vĩ mô đang đóng một vai trò lớn hơn nhiều câu chuyện thuế quan trọng việc quyết định cán cân thương mại song phương Mỹ-Trung.
Trên phương diện quốc tế, tác động của đợt áp thuế mới được thông báo gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc (được dự báo sẽ lan rộng tới toàn bộ thương mại giữa hai nước) sẽ làm giảm khoảng 0,3% GDP toàn cầu trong ngắn hạn, mà một nửa trong đó đến từ tác động của cuộc chiến thương mại đối với lòng tin của thị trường và doanh nghiệp.
Hơn nữa, thất bại trong việc giải quyết chênh lệch thương mại và ngăn chặn những đợt leo thang trong tương lai trong những lĩnh vực khác như ngành xe hơi (vốn liên quan đến nhiều quốc gia khác) có thể gia tăng thiệt hại cho khối doanh nghiệp, thị trường tài chính và tác động tiêu cực tới trái phiếu và tiền tệ ở các thị trường mới nổi, cũng như làm chậm lại dòng chảy của đầu tư và thương mại.
Ngoài ra, các rào cản thương mại tăng cao sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chậm độ phủ của công nghệ mới, cuối cùng sẽ làm giảm năng suất và phúc lợi toàn cầu. Việc có thêm nhiều hạn chế về nhập khẩu cũng sẽ khiến các mặt hàng tiêu dùng khó mua hơn, làm hại đến những hộ gia đình thu nhập thấp một cách không tương xứng. Viễn cảnh này là một trong nhiều lý do khiến IMF xem 2019 là một năm mong manh đối với kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhà Quản Lý biên dịch