Thành viên HĐQT độc lập Xây dựng Hòa Bình (HBC), ông Dương Văn Hùng tiết lộ lý do dẫn đến mâu thuẫn Hội đồng quản trị

Ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) tiết lộ lý do mâu thuẫn với Chủ tịch Lê Viết Hải lên đỉnh điểm như hiện nay.

hoi-dong-quan-tri-hoa-binh-1672913511.png
6 trong số 8 thành viên Hội đồng quản trị tại Tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Ông có thể cho biết lý do vì sao, ông không ủng hộ ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT HBC?

Tôi làm Thành viên HĐQT độc lập và Thành viên Uỷ ban Kiểm toán (UBKT) tại HBC. Trước đây chúng tôi luôn tin tưởng anh Lê Viết Hải và các Nghị quyết HĐQT đều được thông qua. Nhưng gần đây, chúng tôi nhận thấy công ty mẹ bơm tiền cho công ty con quá nhiều. Các khoản vay 565 tỷ, 162 tỷ và hiện nay lên tới 1.000 tỷ đồng mà chưa thấy quay trở về và cũng không có báo cáo đã sử dụng hay giải ngân các khoản tiền đó như thế nào. Điều này, làm cho các thành viên HĐQT độc lập và thành viên UBKT rất lo lắng cho Công ty.

Riêng khoản vay 162 tỷ đồng cho công ty con (do con trai lớn anh Hải điều hành) vào tháng 10/2022, chúng tôi thấy có sự rủi ro rất lớn và không bình thường, nên chúng tôi dừng lại. Gần đây, anh Hải chỉ đạo ứng các khoản tiền cho các cá nhân trong công ty với số tiền rất là lớn. Chúng tôi lại càng vô cùng bất ngờ những việc đó trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang rất khó khăn như thế này. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu HĐQT lập ra Tổ công tác độc lập (ITF) để kiểm tra, kiểm toán lại các hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính công ty mẹ và công ty con, xem điều hành đó là đúng hay sai, lý do gì.

Chúng tôi phát hiện ra những sai phạm về tài chính kế toán trong việc này và làm việc cả với công ty kiểm toán EY. Khi làm việc, các thành viên Tổ công tác xuống dưới công ty con do con trai lớn của anh Hải làm Tổng giám đốc, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác, thậm chí họ còn lấy ra nhiều lý do để phản đối việc Tổ công tác thu thập tài liệu để làm việc.

Trong Tập đoàn Hòa Bình, anh Hải là Chủ tịch, Hiếu (ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải - PV) là Tổng giám đốc, do không phù hợp quy chế quản trị và quy định của pháp luật, sau đó chuyển xuống làm Phó tổng giám đốc. Ngoài ra, Kế toán trưởng, thủ quỹ cũng đều là những người thân quen, người nhà, điều này rất bất lợi cho cổ đông.

Khi chúng tôi làm việc có phát hiện ra những sai phạm như vậy và nhận thấy tình hình nguy cấp, vì dòng tiền cạn đứng. Có thời điểm, vào tháng 10/2022, giám đốc tài chính của Công ty cho biết, tiền trong tài khoản của Công ty chỉ còn 23 tỷ đồng, khiến chúng tôi vô cùng sửng sốt. Mâu thuẫn đạt đỉnh điểm khi trong lúc khó khăn, nhưng Công ty vẫn cho công ty con vay tới 162 tỷ đồng, chỉ với một tờ trình của con gửi lên.

Nhận thấy các vấn đề nghiêm trọng như vậy, chúng tôi dự tính miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Viết Hải, nhưng ông Hải không chịu. Sau mấy cuộc họp, HĐQT thống nhất thành lập ra Hội đồng Sáng lập để vinh danh người sáng lập và tận dụng những kinh nghiệm của ông Hải. Đồng thời, bầu Chủ tịch HĐQT mới để điều hành con tàu Hòa Bình đi qua lúc khó khăn này, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, giữ lại thương hiệu Hòa Bình và giữ công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên.

Hiện nay, tình hình nợ lương đã xảy ra, nhà thầu phụ đến biểu tình ở công ty. Ông Hải cũng nhất trí như vậy, đồng ý rời sang làm Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, còn ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT.

HĐQT đã bỏ phiếu nhất trí với 8 phiếu, trong đó có phiếu của ông Hải và con trai là Lê Viết Hiếu. Theo đó, HĐQT đã ra Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51 và công bố chính thức, hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Tuy nhiên ngày 29/12/2022, ông Hải yêu cầu triệu tập cuộc họp để hoãn thi hành việc đó, nhưng không đủ thành viên, vì ông Phú có tên trong danh sách thi hành Nghị quyết 51 đang ở nước ngoài và 2 thành viên khác cũng đang ở nước ngoài.

Đến ngày 31/12/2022, ông Hải vẫn triệu tập nhưng chỉ có 4 người, ông Phú thông báo không họp, tôi và ông Lê Quốc Duy không họp và 1 thành viên ủy quyền cho ông Phú không họp. Tuy nhiên, ông Hải nhắn tin cho ông Phú, để ông Phú bình luận là không tham gia họp vì cuộc họp này không hợp pháp, nhưng ông Hải vẫn tuyên bố là ông Phú tham dự họp online. Việc này cơ quan pháp luật sẽ vào điều tra. Ông Hải đang biến việc này thành một vụ tranh chấp, mặc dù ở đây không có tranh chấp gì cả, vì HĐQT đã ra Nghị quyết với 8 thành viên biểu quyết.

Cuộc họp HĐQT ông Hải triệu tập chỉ có 4 thành viên tham dự là 2 bố con ông Hải, 1 thành viên HĐQT điều hành (hiện đang làm Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài của Công ty) nhưng cũng là người của ông Hải và 1 thành viên là Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán đang ở Canada. Kết quả 3 thành viên liên quan tới ông Hải bỏ phiếu thông qua, còn thành viên đang ở Canada bỏ phiếu trắng.

Các tin nhắn, tài liệu qua viber chúng tôi đã lập vi bằng để bảo vệ danh dự của mình, bảo vệ cổ đông.

huong-van-hung-hbc-1672913820.jpg
Ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Có nhóm cổ đông nào đứng sau ông và các thành viên HĐQT muốn miễn nhiệm ông Hải?

Chúng tôi khẳng định, không có thế lực nào đứng ra thâu tóm cả, chỉ có thế lực chính nghĩa để bảo vệ một thương hiệu xây dựng quốc gia, bảo vệ cho đời sống cán bộ nhân viên. Không có nhóm cổ đông nào đứng sau. Chắc chắn sai phạm trong công ty này, cổ đông sẽ nắm được, vì tất cả có sổ sách giấy tờ.

Nhóm của ông phát hiện ra tiền công ty mẹ chuyển sang công ty con từ lúc nào?

Chúng tôi phát hiện ra từ tháng 10/2022, lúc đó đã chuyển 565 tỷ đồng, và chúng tôi đã cho dừng ngay việc chuyển tiền này.

Liệu các khoản tiền đó có liên quan đến các khoản đầu tư ra nước ngoài mà ông Hải triển khai trước mở đường cho Hòa Bình hay không?

Cá nhân tôi và các thành viên khác cũng muốn ủng hộ việc Hòa Bình nhận chuyển nhượng vốn góp ở các dự án đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề là giấy tờ pháp lý phải đầy đủ, nếu không, cá nhân tôi và các thành viên khác cũng phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, chưa có đủ giấy tờ pháp lý để làm việc đó.

Có phải ông Hải với tư cách cổ đông lớn đã giới thiệu ông vào thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 không?

Đúng vậy. Ông Hải giới thiệu tôi, ông Phú và ông Nguyễn Tường Bảo, sau đó Đại hội đồng cổ đông đã bỏ phiếu bầu chúng tôi vào HĐQT HBC.

Đến giờ xảy ra việc đối đầu giữa hai bên trước dư luận như thế này, ông có thấy e ngại điều gì?

Tôi không thấy vấn đề gì. Vì 3 thành viên HĐQT độc lập có trách nhiệm bảo vệ các cổ đông nhỏ, bảo vệ chính nghĩa. Bảo vệ cho thành quả của gia đình ông Hải đang sở hữu 18 - 20%, hơn nữa là bảo về quyền lợi cho 80% cổ đông còn lại đã góp vốn cho HBC trong các năm qua. Bên cạnh đó, là đời sống của 5.000 công nhân trên công trường và gia đình họ nữa.

Nếu một con thuyền đang đi sai, mình không nói ra, chỉ ra cái sai, hành động ngăn chặn thì sẽ rơi vào trạng thái đắm thuyền, sẽ mất một thương hiệu.

Có lập luận cho rằng khi một người dẫn dắt công ty thành công như thế nếu họ sai có thể sửa sai. Nếu ông Hải có sai thì cũng không nên vì thế mà loại bỏ ra khỏi công ty?

Ở đây không ai loại ai cả, bởi chính ông Hải và con trai cũng bỏ phiếu thông qua Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Hải. Với các khoản tài chính rút ra, nếu có thiệt hại phải đền bù. Mọi người đồng cảm và chia sẻ điều đó, để cơ hội sửa sai khắc phục, chứ không bịt hết đường của ông Hải.

Trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều tập đoàn, công ty xuất phát từ công ty gia đình mà những người sáng lập khi không còn phù hợp nữa, họ lùi lại hậu trường để cho người khác đủ trình độ đảm nhiệm. Họ không ôm hết vị trí lãnh đạo suốt lịch sử phát triển của tập đoàn. Tôi đã nói với ông Hải rất nhiều lần việc này. Khi một con người không đủ tài năng, không phù hợp nữa thì không nên ép người ta làm, không chỉ khổ người đó, mà còn có thể khiến con thuyền bị đắm. Mà con thuyền HBC này đang vào trạng thái đó.

Trong môi trường Việt Nam, cá nhân sáng lập đóng vai trò quan trọng với một công ty. Một chủ tịch công ty xây dựng đã từng nói thẳng “người ta giao việc cho tôi”, “tôi là người lấy công việc về”. Liệu Hòa Bình không có ông Hải có vận hành được hay không?

Tài năng của anh Hải trong lĩnh vực xây dựng không ai phủ nhận, nhưng thời của các anh đã đi qua. Ngày xưa giao dự án dựa vào các mối quan hệ, còn bây giờ tất cả chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đều đấu thầu chọn nhà thầu. Việc giao dự án dựa trên quan hệ, yêu quý cá nhân hiện còn rất ít, mà tất cả dựa trên sự đánh giá năng lực, trình độ xây dựng, quản lý giám sát, năng lực tài chính của công ty.

Vậy theo ông, sự chuẩn bị của Hòa Bình để ông Hải rời vị trí đã ổn chưa. Ông Phú ngồi vị trí Chủ tịch HĐQT có phù hợp không, các đối tác, ngân hàng có e dè, đánh giá lại Hòa Bình với sự thay đổi này?

Theo tôi, thương hiệu Hòa Bình khá vững chắc và những công trình xây dựng của Hòa Bình đã đi vào lịch sử xây dựng Việt Nam. Các kỹ sư ở bên dưới rất yêu nghề, yêu công ty. Chỉ có điều, nếu tình hình tài chính kéo dài như hiện nay, không nhận thêm được công trình nữa, sẽ không đủ trả lương cho họ, họ sẽ phải chuyển sang công ty khác làm việc. Chúng tôi đã nhận định tình hình này. Nếu anh Phú ngồi vị trí Chủ tịch HĐQT ổn định lại tình hình và anh Hải ngồi vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập để cùng tham vấn, tham mưu và kết hợp với chúng tôi nữa, thì chúng tôi sẽ chèo lái được con thuyền này đi qua khủng hoảng.

Đặc biệt, với định hướng đi ra thị trường nước ngoài, thì cần phải kiện toàn lại hệ thống quản trị chuẩn mực mới, không phải theo phong cách lãnh đạo kiểu gia đình. Còn nếu đắm đuối quản lý một công ty đại chúng niêm yết theo kiểu công ty gia đình như hiện nay thì rất khó.

Như các thông tin đã công bố, thì điều kiện để ông Hải chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT là con trai sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng sáng lập có tầm quyết định quan trọng? Có phải ông Hải “quay xe” do 2 điều kiện kèm theo không được đáp ứng như thỏa thuận ban đầu?

Đọc rất kỹ Nghị quyết 50 của HĐQT thì hiểu là ông Lê Viết Hiếu là người được đề cử khi ông Hải rút khỏi HĐQT. Còn được chấp thuận bổ nhiệm hay không phụ thuộc vào năng lực của Hiếu. Chúng tôi rất ủng hộ nếu Hiếu có năng lực thật sự.

Chúng tôi đồng ý 2 Hội đồng sẽ trao đổi với nhau về các quyết định lớn của Tập đoàn và các cuộc họp của HĐQT vẫn mời Chủ tịch Hội đồng Sáng lập dự họp. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không cho phép Chủ tịch sáng lập được phê duyệt hạn mức ngân hàng, hay áp đặt, phủ quyết các quyết định của HĐQT, chỉ có HĐQT trân trọng ý kiến Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Còn ông Hải muốn lấy Hội đồng sáng lập đè HĐQT thì không đúng tinh thần pháp luật và tinh thần cải tổ tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Những vấn đề này phải được trao đổi thống nhất với nhau trước đó?

Chúng tôi đã trao đổi hết mọi việc, vấn đề là ông Hải "quay xe". Đã có những phiên họp HĐQT rất gay cấn về chức năng nhiệm vụ của Hội đồng sáng lập. Đến bây giờ, không biết nói thế nào, nếu ông Hải muốn đưa ra tòa thì chúng tôi vẫn chấp nhận, vì có biên bản giấy tờ cả, nhưng nếu điều đó xảy ra thì không hay ho gì.

Ngày 5/1/2023 này, nhóm của ông sẽ tổ chức cuộc gặp báo chí để thông tin về sự việc?

Chúng tôi sẽ tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin cho rõ sự việc.

Theo Thu Hương/Đầu tư Chứng khoán

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thanh-vien-hdqt-doc-lap-xay-dung-hoa-binh-hbc-ong-duong-van-hung-tiet-lo-ly-do-dan-den-mau-thuan-hoi-dong-quan-tri-a9657.html