Nguy cơ “vỡ trận” của thị trường ô tô lắp ráp nội địa trước thay đổi trong Nghị định 17 mới

Dường như thị trường ô tô lắp ráp nội địa tại Việt Nam lại đứng trước nguy cơ "vỡ trận" trước những thay đổi trong Nghị định 17 mới sắp có hiệu lực vào ngày 22/3/2020 tới chăng?

Điểm nổi bật nhất trong Nghị định 17 được ban hành ngày 5/2/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/3/2020 là Nghị định 17/2020/NĐ-CP chính thức loại bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) theo Khoản 4 Điều 2. Đây đã từng vướng mắc quan trọng nhất trong thủ tục giấy tờ thông quan của các lô xe nhập về Việt Nam trong suốt năm 2018 và 2019.

Có thể hiểu, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là kết quả kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu vào Việt Nam được quy định trong Nghị định 116/2017 đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 trước đó.

Nghị định 17 mới

Bên cạnh việc xin giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, Nghị định 116 còn quy định hàng loạt các giấy tờ khác để có thể thông quan xe nhập vào Việt Nam. Như vậy, để những mẫu xe nhập khẩu về nước và hưởng thuế nhập khẩu 0% là điều không hề dễ dàng. Điều này phần nào chính là sự bảo hộ của Chính phủ đối với nền công nghiệp ô tô nội địa.

Còn nhớ cuối năm 2017, giá xe ô tô trên thị trường như ‘ma trận’ trước ngưỡng cửa năm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN theo lộ trình hiệp ước kinh tế về 0%. Hầu hết các mẫu xe đều tung khuyến mại khủng hoặc tặng quà hấp dẫn nhằm đẩy hết hàng tồn kho, đón lô xe mới với thuế 0% về nước. Thị trường ô tô lắp ráp đứng trước “con sóng” xe nhập chưa từng có.

Tuy nhiên, ngay sau đó Nghị định 116 ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã khiến viễn cảnh đó không thành hiện thực. Những quy định khắt khe trong Nghị định 116 về việc nhập khẩu ô tô đã khiến phần lớn các mẫu xe nhập gặp khó về nguồn cung. Thời gian sau đó, các nước trong khi vực như Indonesia hay Thái Lan đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước khi cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho các dòng xe nhập khẩu tới Việt Nam.

Sau một khoảng thời gian thị trường ô tô nhập tại Việt Nam cũng dần sôi động trở lại với những lô xe mới. Tuy nhiên, giá xe không hề giảm như những gì người tiêu dùng kỳ vọng trước đó. Dòng xe lắp ráp trong nước vẫn được hưởng nhiều ưu đãi như các chính sách về nhập khẩu linh kiện.

Thị trường ô tô lắp ráp nội địa của Việt Nam đang dần lớn mạnh.

Tuy nhiên, sau 2 năm, cánh cửa nhập khẩu một lần nữa lại rộng mở khi Nghị định 17 ra đời và chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 22/3 tới đây. Các mẫu xe nhập sẽ lại một lần nữa lấy lại ưu thế và dòng xe lắp ráp lại đứng trước nguy cơ “cỡ trận”.

Nhưng hãy cùng nhìn lại, với việc “hoãn binh” hơn 2 năm, thị trường ô tô nội địa Việt đã đạt được gì? Thương hiệu nội địa VinFast ra mắt, TC Motor chuyển sang lắp ráp tất cả các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ… Đây là những dấu hiệu tích cực nhất của việc nền công nghiệp ô tô trong nước đang phát triển.

Sự bảo hộ của Chính phủ chỉ có tác dụng phần nào, quan trọng là tự lực nền công nghiệp ô tô nước nhà phải phát triển, tăng sức cạnh tranh. Nghị định 17 có lẽ sẽ là một bước đệm để nền công nghiệp ô tô Việt tự mình bước đi. Chúng ta hãy cùng kỳ vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt trong tương lai.

Giấc mơ về một chiếc xe mang thương hiệu Việt chúng ta đã làm được rồi. Vậy thì không có lý gì chúng ta không thể tin tưởng vào việc nền công nghiệp ô tô Việt sẽ có bước tiến để cạnh tranh với các thị trường ô tô quốc tế khác.

Ảnh: Thiết kế An Nhiên

 An Nhiên

vutuan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nguy-co-vo-tran-cua-thi-truong-o-to-lap-rap-noi-dia-truoc-thay-doi-trong-nghi-dinh-17-moi-a1147.html