Giám định tâm thần cho bà Nguyễn Phương Hằng: Không phải muốn là được và kết quả có liên quan đến quyền sở hữu tài sản hay không?

Chỉ khi cơ quan tố tụng “có nghi ngờ” thì mới tiến hành giám định chứ không phải theo yêu cầu của bất kỳ ai. Việc “nghi ngờ” này căn cứ trên hồ sơ, tài liệu vụ án như sổ khám bệnh, ứng xử hành vi trước, trong và sau khi phạm tội...

nguyen-phuong-hang-1677116352.jpg
Bà Nguyễn Phương Hằng, cựu CEO Công ty Cổ phần Đại Nam

Mấy ngày nay, dư luận khá chú ý việc ông NQT, con riêng của bà Nguyễn Phương Hằng, cựu CEO của Công ty Cổ phần Đại Nam – vợ ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) làm đơn gửi các cơ quan tố tụng tại TPHCM (Công an và Viện Kiểm sát) đề nghị không giám định tâm thần cho bà Hằng, theo yêu cầu trước đó của ông Huỳnh Uy Dũng.

Lý do được ông T. trình bày trong đơn là lo sợ kết quả giám định tâm thần (nếu xác định có bệnh lý) sẽ được ông Dũng sử dụng vào mục đích “thâu tóm tài sản” (chữ dùng của ông T.) chứ không nhằm phục vụ cho việc tố tụng hình sự.

Nỗi lo của ông T., đồng thừa kế khối tài sản trăm tỷ của bà Hằng, không phải là không có cơ sở.

1. Không phải cứ có yêu cầu là tiến hành giám định

Được biết, ông Huỳnh Uy Dũng đã nhiều lần làm đơn đề nghị giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Các cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra bất kỳ trả lời nào về yêu cầu trên.

Theo quy định tại khoản 1 điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì “việc giám định tâm thần bắt buộc với bị can được thực hiện khi có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự của họ”.

Như vậy đã rõ. Chỉ khi cơ quan tố tụng “có nghi ngờ” thì mới tiến hành giám định chứ không phải theo yêu cầu của bất kỳ ai. Việc “nghi ngờ” này căn cứ trên hồ sơ, tài liệu vụ án như sổ khám bệnh, ứng xử hành vi trước, trong và sau khi phạm tội...

Tóm lại, “nghi ngờ” là từ ngữ khá chung chung và theo cảm tính. Trường hợp ông Dũng quyết làm cho cơ quan tố tụng cảm thấy “có nghi ngờ” thì không phải là không có cách. Có lẽ đây là điểm lo sợ của ông T. khi làm đơn chặn trước.

2. Các hệ quả về hình sự và kinh tế nếu bà Hằng bị kết luận tâm thần

Giả sử bà Hằng được trưng cầu giám định tâm thần với kết quả “có bệnh” thì việc đầu tiên các cơ quan tố tụng sẽ làm là đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án và áp dụng bắt buộc chữa bệnh với bà Hằng. Lúc này xem như bà Hằng thoát tội và xem những ngày tháng tạm giam vừa qua như bài học cho sự cẩn trọng khi phát ngôn của mình.

Được xác định là tâm thần nên bà Hằng đương nhiên bị xem là người mất năng lực hành vi dân sự.

Khoản 1 điều 54 Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ”. Khi đó, người chồng hợp pháp của bà Hằng (ông Huỳnh Uy Dũng) sẽ là người giám hộ tài sản của bà (trong khối tài sản chung vợ chồng trị giá vài trăm tỷ).

Còn chuyện người giám hộ có quyền “thâu tóm tài sản” hay không như ông T. lo lắng thì lại là một chế định pháp luật khác mà người viết xin không đề cập, vì khuôn khổ bài viết có hạn.

Luật sư Nguyễn Hồng Lâm- Trưởng Văn phòng luật sư Đông Du (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh)

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/giam-dinh-tam-than-cho-ba-nguyen-phuong-hang-khong-phai-muon-la-duoc-va-ket-qua-co-lien-quan-den-quyen-so-huu-tai-san-hay-khong-a9899.html