Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh: Gìn giữ nét văn hóa của vùng đất linh thiêng

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh vừa diễn ra trang trọng tại di tích đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội). Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thần đứng đầu Tứ bất tử trong thần điện Việt.

Ba Vì vốn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phong cảnh “sơn thủy hữu tình” với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là "lá phổi xanh" của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Với bề dày văn hóa, Ba Vì là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị với 394 di tích trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Đình Tây Đằng, 46 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 54 di tích xếp hạng cấp thành phố. Cùng với đó, nhiều di tích có giá trị lớn về kiến trúc văn hóa.

Ở Ba Vì có rất nhiều lễ hội gắn với truyền thuyết, huyền thoại về Đức Thánh Tản Viên như Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức khai hội vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với người dân Ba Vì.

z4083202049394-02be44d6d9982563f4634766de1aa0c7-1675658718.jpg
Ông Dương Cao Thanh, Bí thư Huyện uỷ Ba Vì đánh trống Khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Quý Mão 2023

Sáng ngày 04/02/2023 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), Huyện ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ huyện Ba Vì đã long trọng tổ chức “Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh xuân Quý Mão năm 2023” tại khu di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Hạ, xã Minh Quang.
Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Ba Vì không chỉ nổi tiếng về cảnh quan tươi đẹp, "sơn thủy hữu tình", mà còn là vùng đất cổ, với không gian văn hóa đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh, vị anh hùng thời kỳ dựng nước. Tục thờ cúng Tản Viên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần lâu đời của nhiều thế hệ người dân Ba Vì.
 

quug-1675658804.jpg
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu khai mạc Lễ hội

"Sau 14 năm nỗ lực khôi phục, tôn vinh và quảng bá, những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đã được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ.
Tại lễ khai hội năm nay, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách đã tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc.
 

img-4301-8977-1675658718.jpg
Các đại biểu lễ Thánh trong Lễ hội.

Trước khi Khai hội Tản Viên Sơn Thánh, địa phương tổ chức trang trọng nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng lễ bái tế Đức mẫu Thánh Tản tại đền Mẫu Lăng Sương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thần đứng đầu Tứ bất tử trong thần điện Việt. 
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thường tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng – ngày Đức Thánh sinh, nhưng tùy theo tình hình từng năm mà huyện Ba Vì có thể tổ chức lễ hội sớm hơn ít ngày. 

thanh-tan-vien-1675658991.jpg
Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.

Những năm trở lại đây, lễ hội từng bước phục dựng các nghi thức truyền thống để nâng tầm lễ hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách thập phương. Trong đó, nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng Thánh mẫu cùng Phụ thân của Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương, tỉnh Phú Thọ); rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ  được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. Ngoài ra, Ban tổ chức còn chú trọng thực hiện lễ rước nước  từ Sông Đà tại bến sông xóm Cốc Đồng Tâm, xã Minh Quang (trước cửa đền Hạ) về làm lễ mộc dục.
Lễ rước nước diễn ra đúng 0 giờ đêm 14 tháng Giêng. Thực hiện nghi lễ là một cặp thiện nam – thiện nữ có đủ tài sắc, nhân thân tốt đã qua tuyển chọn từ trước. Đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và đông đảo Nhân dân. Đoàn người được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối để lấy nước. Tục truyền, người nam múc 7 gầu nước, người nữ múc 9 gầu theo quan niệm “nam 7 vía, nữ 9 vía”. Nước được đem từ giữa dòng sông dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ. 
Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ, 5 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng, lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành. Cùng với kiệu rước nước thiêng còn có kiệu lễ chay và kiệu lễ mặn gồm các lễ vật dâng cúng thần gồm lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản, quả. Lễ rước hoành tráng, cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội, cầu mong Đức Thánh Tản Viên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, Nhân dân có cuộc sống ấm no.
Bên cạnh những nghi thức cổ truyền được phục dựng, duy trì, Lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, như: Kéo co, bắn nỏ, ném còn, cà kheo, đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá,… góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống, giúp việc du xuân, trẩy hội của Nhân dân và du khách dịp đầu năm thêm phần vui tươi, ý nghĩa.
Ngày 30/1/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 266/QĐ-BVTT công nhận “Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, huyện Ba Vì là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.
 

Thùy Linh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/le-khai-hoi-tan-vien-son-thanh-gin-giu-net-van-hoa-cua-vung-dat-linh-thieng-a9818.html