Quản lý hiệu quả, nhiều doanh nghiệp bất động sản có lãi trong quý 4/2022

Quý 4/2022 được xem là khá khó khăn của nhiều doanh nghiệp khi lợi nhuận suy giảm, thua lỗ, âm vốn. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp ghi nhận có lãi trong quý 4 dù đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ của 2021.

Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã: KDH) là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn có tỷ lệ nợ thấp nhất. Tính đến cuối năm 2022, KDH có tổng tài sản hơn 21.600 tỷ đồng và nợ phải trả/Tổng tài sản chỉ 45%.

Tính đến cuối năm, phần lớn tài sản của Khang Điền đang nằm ở các dự án bất động sản xây dựng dở dang mà lớn nhất là Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo (5.316 tỷ đồng) và dự án Đoàn Nguyên – Khu nhà ở Đoàn Nguyên (3.258 tỷ đồng).

Thương vụ mua lại khu nhà ở Đoàn Nguyên từ CapitaLand được hoàn tất vào tháng 3/2022 là một trong những hoạt động gây chú ý nhất của Khang Điền trong năm nay. Thương vụ này giúp cho Khang Điền ghi nhận gần 270 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ.

Do đó mặc dù quý 4/2022 ghi nhân sự sụt giảm tới 66% lợi nhuận trước thuế, chỉ còn 180 tỷ đồng. Kết quả cả năm chỉ giảm 9%, đạt 1.408 tỷ đồng.

dji-0335-1-1024x575-1674950081.jpg
Dù lợi nhuận suy giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn có lãi trong quý 4 và cả năm 2022.

Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) là doanh nghiệp ít giảm lãi nhất trong quý 4, so với các doanh nghiệp BĐS đã công bố kết quả kinh doanh. Công ty này ghi nhận 590 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 4, giảm 23%. Nam Long báo lãi cả năm chỉ 866 tỷ đồng, giảm 41%.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tài sản của Nam Long tập trung tại BĐS dở dang của các dự án Izumi (8.299 tỷ đồng), Southgate (3.516 tỷ đồng) và Vàm Cỏ Đông (Waterpoint, 1.454 tỷ đồng).

Tổng Công ty Viglacera – Công ty CP (mã: VGC) ghi nhận sự sụt giảm 45% lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2022 so với cùng kỳ, chỉ còn 272 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế cả năm vẫn tăng 51% và đạt 2.321 tỷ đồng.

Theo giải trình, sự đi xuống của lợi nhuận quý 4 đến từ việc nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng suy giảm khiến cho cả giá bán lẫn sản lượng tiêu thụ đều sụt giảm. Đây vốn là lĩnh vực đem lại doanh thu chính cho Viglacera từ trước đến nay. Doanh thu bất động sản năm 2022 của Viglacera đã vươn lên mức doanh thu 1.065 tỷ đồng, tăng 22%.

Lĩnh vực BĐS của Viglacera không chỉ bao gồm BĐS nhà ở mà trong 3 năm qua có sự mở rộng mạnh mẽ của mảng BĐS khu công nghiệp.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Viglacera gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, 5.750 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang của Viglacera bao gồm DA KCN Yên Mỹ (1.153 tỷ), KCN Yên Phong II C (902 tỷ), KCN Thuận Thành giai đoạn I (736 tỷ), KCN Phú Hà giai đoạn I (608 tỷ)… BĐS đầu tư trị giá gần 9.300 tỷ đồng đã được khấu hao gần hết, chỉ còn 1.952 tỷ đồng.

Hiện tại, Công ty CP hạ tầng GELEX là cổ đông lớn nhất nắm 50,21% vốn cổ phần của Viglacera. Bộ Xây dựng nắm 38,58%.

Công ty CP Văn Phú Invest (mã: VPI) đang là công ty báo cáo lãi giảm ít nhất. Lợi nhuận trước thuế của VPI trong quý 4 giảm 24% còn 203 tỷ đồng và cả năm vẫn tăng trưởng 69% lên 661 tỷ đồng.

Doanh thu của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc bán và bàn giao các sản phẩm thuộc dự án Vlasta Sầm Sơn – Thanh Hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh dịch vụ từ Khu căn hộ dịch vụ Oakwood Residence Hà Nội với doanh thu xấp xỉ 43 tỷ đồng, tiếp tục ghi nhận phần còn lại của dự án the Terra – An Hưng và The Terra – Hào Nam.

Dự án Vlasta Sầm Sơn chính thức mở bán từ tháng 6/2022 đã mang lại doanh thu 1.200 tỷ đồng trong năm 2022, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của Văn Phú Invest. Giá trị hàng tồn kho ở mức 3.666,8 tỷ đồng, tăng 6,5% và chiếm gần 30% trong cơ cấu tổng tài sản của đơn vị, chủ yếu tập trung ở các dự án gồm Vlasta – Sầm Sơn, The Terra – Bắc Giang và các dựa án khác. Đây là các dự án mang lại doanh thu trong năm 2023 và 2024 cho doanh nghiệp, trong đó dự án The Terra - Bắc Giang đã bắt đầu mở bán từ tháng 11/2022.

 

Quang Khải

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-co-lai-trong-quy-42022-a9778.html