Nhân dịp Xuân Quý Mão, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xung quanh việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đi sau nhưng phải vượt lên
Đường lối độc lập, tự chủ là chủ trương nhất quán, xuyên suốt lịch sử phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Vậy tại sao trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ lại được đặc biệt nhấn mạnh, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Nói đến lịch sử phát triển kinh tế, đặc biệt là giai đoạn sau khi Việt Nam thống nhất và chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế thì độc lập, tự chủ kinh tế nổi lên với một sắc thái đặc biệt.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đổi mới và phát triển với một động lực mạnh mẽ bậc nhất là mở cửa – hội nhập quốc tế. Với định hướng mở cửa, trong không gian hội nhập và cạnh tranh quốc tế, càng hợp tác, hội nhập tốt thì nền kinh tế càng phát triển. Nghĩa là mở cửa – hội nhập, liên kết và hợp tác không hề đối lập với độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện đại. Thậm chí, chúng còn là tiền đề, quy định lẫn nhau.
Tuy nhiên, cũng trong mối quan hệ đó, định nghĩa rành rọt thế nào là độc lập, tự chủ về kinh tế thật sự không dễ dàng. Ranh giới giữa cái gọi là "tương thuộc", "tùy thuộc" với "lệ thuộc", "phụ thuộc" là rất mong manh, tuy rằng về nguyên tắc, nó là đủ để xác định.
Độc lập, tự chủ chính là trạng thái chúng ta làm chủ được vận mệnh của mình, để sáng tạo và vươn lên. Tức là nền kinh tế phải có thực lực mạnh, từ thực lực tầm nhìn, hoạch định đường lối, chiến lược phát triển cho đến thực lực cạnh tranh. Và thực lực đó phải có nền tảng hay trụ cột là nội lực, là khu vực kinh tế bản địa.
Cần hiểu rằng, nền kinh tế Việt Nam xuất phát muộn, tức là thực lực chưa mạnh, lại đi sau. Muốn độc lập tự chủ thực sự thì phải nỗ lực bứt phá, phải tiến kịp các nước đi trước và "sánh vai cường quốc".
Chúng ta đi sau, để vượt lên và phải "mượn sức" nhân loại. Đảng ta đã đưa ra phương châm hành động là "tiến vượt". "Tiến vượt" thì mới tiến kịp thời đại và tiến cùng thế giới. Đó là cách đặt vấn đề chiến lược tổng quát để vừa giữ được độc lập, tự chủ kinh tế, đồng thời giải quyết hiệu quả vấn đề phát triển. Song không được quên rằng "mượn sức" để lớn lên mà không bị lệ thuộc bên ngoài là thách thức không dễ vượt qua.
Những thông điệp của Thủ tướng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong những chuyến đi công tác nước ngoài, tại các hội nghị, diễn đàn quan trọng gần đây đều có cơ sở thực tiễn như vậy. Chúng bắt nguồn và dựa trên nền tảng lịch sử, truyền thống của dân tộc ta.
Tuy nhiên, khái niệm độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện nay mang sắc thái mới vì nội hàm mục tiêu, điều kiện, các công cụ và giải pháp, cách thức để thực hiện có nhiều điểm mới căn bản, không giống trước kia.
Nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với câu chuyện hài hòa lợi ích
Vậy nền tảng của nền kinh tế độc lập, tự chủ hiện nay là gì, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Chúng ta có xuất phát điểm thấp, thực lực kinh tế chưa mạnh nên không thể nói độc lập, tự chủ kinh tế tự thân một cách đơn giản và dễ dãi.
Muốn mạnh lên, trong thế giới cạnh tranh khốc liệt, nơi mà logic "mạnh được, yếu thua" vẫn ngự trị, trước hết, tự ta phải thoát khỏi chính "cái ta" yếu kém. Tức là phải chủ động cải cách bên trong, tăng cường nội lực. Nhưng phải biết cách "đánh mượn sức", phải tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế bên ngoài. Cải cách, đổi mới bên trong – Mở cửa ra bên ngoài được coi là hai động lực mạnh nhất của nền kinh tế chuyển đổi, là hai cánh bay lên của đất nước chính là như vậy.
Rõ ràng là khu vực FDI đã và đang đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đã tận dụng, thu hút các nhà đầu tư FDI để tăng nội lực cho Việt Nam. Nhưng không được quên điểm mấu chốt là nội lực.
Nếu lực lượng kinh tế bản địa chỉ "ăn theo", nền kinh tế trông cậy ngày càng nhiều vào FDI để có thành tích tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và thu nhập lao động thì đó không phải mục tiêu của chúng ta. Những cái đó không bảo đảm cho nền kinh tế độc lập tự chủ. Ngược lại, nó chứa đựng nguy cơ nền kinh tế lệ thuộc, quốc gia có nguy cơ đánh mất chủ quyền.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được thành tích tăng trưởng thần kỳ là 8,02% trong bối cảnh thế giới khó khăn. Nhưng chính trong sự thần kỳ đó lại thấy rõ hơn một điều, muốn có một nền kinh tế mạnh, một nền kinh tế tốt thì lực lượng doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, sức cạnh tranh khá yếu. Do đó, Nhà nước phải ưu tiên giúp lực lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh quốc tế và dẫn dắt công cuộc phát triển của chính Việt Nam.
Tôi nhớ, trong nhiều cuộc hội nghị, gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến việc "chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích", khi đề cập đến mối quan hệ của các doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam, với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một khía cạnh, sắc thái rất mới của cách tiếp cận độc lập, tự chủ kinh tế.
Chúng ta chào đón, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng nếu có rủi ro thì khu vực FDI cũng phải chia sẻ. Như vậy, nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với câu chuyện hài hòa lợi ích. Tình thế tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất thường thì cần cùng nhau chia sẻ, hợp sức với nhau để vượt qua.
Vậy nhiệm vụ đặt ra là gì? Chúng ta phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho khu vực nội địa lớn lên, vươn lên mới đuổi kịp khu vực FDI. Đuổi kịp thì mới hợp tác với FDI tốt được. Nếu cán cân tăng trưởng, đầu tư bị lệch về khu vực FDI thì khó giữ được cân bằng kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng chung năm 2022 là tốt, khu vực có vốn ngoại đóng góp tích cực, chúng ta hỗ trợ cho khu vực ngoại xuất nhập khẩu, vận hành tốt nhưng ngược lại khu vực nội sau 2 năm chống chịu với COVID-19, gặp nhiều khó khăn thì lại chưa có những giải pháp hỗ trợ thực sự kịp thời, mạnh mẽ để cho doanh nghiệp Việt vươn lên.
Thủ tướng đã nhấn mạnh rất nhiều lần, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt phục hồi và trỗi dậy. Chúng ta có đường lối tốt, định hướng, chính sách rõ nhưng khâu thực thi nhiều mặt còn yếu.
Cùng với hội nhập, thậm chí trước hội nhập là cạnh tranh. Đừng đặt bài ca hội nhập đơn điệu, không được phép ảo tưởng chỉ có hội nhập. Cạnh tranh chính là cốt lõi xuyên suốt của hội nhập, thông qua cạnh tranh để hội nhập, dựa trên cạnh tranh để hội nhập tốt. Điểm này là điểm phải chú ý.
Như vậy, gắn với mở cửa, hội nhập là Việt Nam đã thu hút FDI xuất sắc những năm gần đây. Vậy chúng ta phải lưu ý điều gì đối với khu vực FDI, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Thành công trong thu hút FDI là điều không thể phủ nhận. Nhưng cần nhớ là chúng ta thu hút FDI, thu hút đầu tư nước ngoài không phải chỉ để tăng GDP, đóng góp ngân sách, xuất nhập khẩu, tạo việc làm. Một điều mấu chốt của FDI chúng ta làm chưa thực sự tốt, đó là sự kết nối và lan tỏa phát triển với khu vực nội địa.
Chúng ta phải nối được khu vực FDI với khu vực nội địa để nâng tầm khu vực nội địa, kéo các doanh nghiệp Việt Nam lên, cạnh tranh quốc tế, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không thì phần bản địa của nền kinh tế Việt Nam sẽ chậm lớn và mất cơ hội.
Trong giai đoạn tới, đây là một trong những nội dung quan trọng nhất, bài toán khó giải bậc nhất. Thu hút FDI nhưng phải nối mạch được với khu vực nội địa để chia sẻ lợi ích, cạnh tranh sòng phẳng để nâng đẳng cấp doanh nghiệp Việt Nam lên.
Gắn với điều này có một định hướng rất quan trọng của Đảng, Nhà nước là thay đổi chất lượng FDI. Lâu nay chúng ta thường hướng về gia công, lắp ráp, để tận dụng lợi thế của lao động rẻ. Nhưng hiện nay, điều đó đã không còn là lợi thế, thậm chí, nó đã trở thành bất lợi thế.
Do đó, chúng ta phải chuyển sang thu hút FDI là thu hút FDI công nghệ cao, thu hút những "đại bàng" để tạo ra chuỗi, tạo ra mạch, đưa và kéo doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất một cách hiệu quả. Tức là phải phối hợp từ hai phía.
Tóm lại, chúng ta phải có chiến lược, chuẩn bị những điều kiện, môi trường đầu tư tốt, cơ sở hạ tầng thông suốt, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút doanh nghiệp FDI tốt. Nếu nguồn nhân lực chỉ ở đẳng cấp lắp ráp, gia công, thích làm những việc dễ thì không thể nào thu hút doanh nghiệp FDI tốt được.
Cần khẳng định được "vai" của Việt Nam trong thế giới hiện đại
Nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng chúng ta cũng phải đi đúng với xu thế thời đại, chứ không phải "một mình một ngựa", tách biệt khỏi thế giới. Ý kiến của ông như thế nào?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Đúng như vậy. Xu thế thời đại hiện nay là kinh tế số, công nghệ cao. Việt Nam có quyết tâm cao, khát vọng lớn nhưng khâu triển khai như thế nào?
Có phát huy được trí tuệ, sức mạnh của con người Việt Nam, có nguồn nhân lực tốt thì chúng ta mới bắt nhịp được xu thế thời đại, bỏ qua nhiều khâu để tiến vượt. Tiến vượt thì mới đuổi kịp và tiến cùng thế giới, thời đại được. Muốn độc lập tự chủ phải đi cùng với thế giới, phải hành động phù hợp với xu thế thời đại.
Logic tư duy đó giúp chúng ta chuyển hướng sang thu hút đầu tư công nghệ cao, mời các tập đoàn lớn vào. Những dấu hiệu đầu năm đã cho thấy điều này khá rõ.
Tự chúng ta sẽ phải thay đổi. Chúng ta vẫn chưa có nền kinh tế thị trường thực sự đúng nghĩa. Do đó, cần phải đẩy mạnh cải cách cấu trúc thị trường hơn nữa. Thị trường đất đai, nhân lực phải làm sao để là thị trường mang tính cạnh tranh cao.
Một điều quan trọng là Việt Nam cần phải khẳng định vị thế của mình, xác lập một tư thế rất mới, rất khác trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Trong các bảng xếp hạng thế giới, Việt Nam thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xuất nhập khẩu…. khá tốt. Nhưng hãy tự hỏi: Phần "made by Việt Nam" trong kim ngạch xuất khẩu là bao nhiêu? Nền tảng và thực lực đổi mới – sáng tạo của Việt Nam thực sự là gì? Chúng ta phải ý thức rất rõ những điều căn cốt đó để đánh giá đúng thực lực của bản thân.
Thế giới đang trong trong cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Nhưng khủng hoảng cũng mở ra thời đại công nghệ năng lượng mới. Người ta hay nhắc đến thời đại năng lượng hydrogien. Nhưng hiện nay chi phí để sản xuất hydro rất cao, trong khi Việt Nam lại có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất hydro nhờ nguồn năng lượng gió ngoài khơi phong phú, dồi dào, thuộc loại tốt nhất thế giới.
Thế giới đánh giá rất cao tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành cường quốc về năng lượng tái tạo, với lợi thế đặc biệt về điện gió và điện mặt trời. Việt Nam cần tận dụng lợi thế này để sản xuất hydro, để "bứt lên" trên bản đồ năng lượng toàn cầu hiện đại.
Không nên vì những trục trặc hiện nay mà không nhìn thấy một tương lai khác thường đang mở ra. Nếu chúng ta xử lý tốt việc này thì vị thế của nền kinh tế sẽ khác, tư thế độc lập, tự chủ quốc gia sẽ rất khác.
Đó là cách tiếp cận hiện đại cho Việt Nam. Chúng ta đang phấn đấu trở thành mạnh, từng bước nâng cao vị thế trong khu vực, trong hệ thống kinh tế thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải chọn những "tọa độ" để khẳng định "vai" của mình trong thế giới hiện đại.
Đặc biệt, đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, phải hỗ trợ người nông dân vươn lên, không chỉ giúp họ ngẩng mặt, bước qua khỏi lũy tre làng mà còn phải để họ ngẩng cao đầu vươn ra với thế giới, tự hào về sản phẩm của mình.
Đối với thực lực kinh tế đất nước, không thể chỉ nói đến tổng số doanh nghiệp, tổng số HTX, tổng số hộ gia đình kinh doanh mà phải đề cập đến "lực lượng kinh tế Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam" với tư cách là một sức mạnh liên kết, cộng hưởng. Trong lực lượng doanh nghiệp, có lực lượng nền tảng, có một số trụ cột, dẫn dắt, theo đó, nền kinh tế được tổ chức thành chuỗi, thành mạng liên kết với nhau. Chỉ có như vậy, nền kinh tế quốc gia mới thực sự là một tổ hợp sức mạnh thống nhất, có sức cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh.
Điểm cuối cùng, bàn về nền kinh tế mà chỉ nói đến mặt "tích cực" thôi thì không đủ. Nền kinh tế hiện đại rất nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro kinh tế số và rủi ro mạng. Hiện nay, tài nguyên quốc gia ngày càng là tài nguyên số. Trong điều kiện đó, muốn bảo đảm được độc lập, tự chủ kinh tế điểm mấu chốt là phải độc lập, tự chủ về nguồn tài nguyên số, phải giữ được an ninh, an toàn mạng.
Như thế, kinh tế độc lập, tự chủ không còn chỉ là "tạo ra sản phẩm". Chúng ta còn phải biết bảo vệ, tạo những nền tảng bảo vệ hệ thống điều hành. Đó là một phần then chốt của khái niệm độc lập, tự chủ kinh tế hiện đại. An ninh đang hòa vào kinh tế, vào công nghệ, vào đời sống xã hội. Chúng ta buộc phải có những thay đổi tương ứng phù hợp về tư duy, tầm nhìn, định hướng chiến lược.
Bơm những nguồn máu tươi mới cho nền kinh tế
Như ông đã nói, một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là bảo đảm cho khu vực doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, bình đẳng với khu vực FDI, đóng vai trò dẫn dắt phát triển và cạnh tranh quốc tế. Vậy làm sao để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Muốn độc lập, tự chủ kinh tế thì nhất định lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và các chủ thể nền kinh tế Việt Nam phải mạnh. Nhưng mạnh như thế nào?
Hiện nay, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh, thậm chí còn yếu, rất yếu. Có tới 96-97% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, trong đó có đến 80-85% là siêu nhỏ, nhỏ về quy mô và không dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại… Chúng ta phải nhận diện đúng thực trạng này thay vì chỉ "vỗ ngực" về số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cần có tư duy lấy doanh nghiệp tư nhân, khu vực tư nhân làm nền tảng, phải hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam lớn lên. Không gian hoạt động cho doanh nghiệp Việt Nam phải rộng và thoáng, phải được tạo điều kiện hoạt động giống như và bình đẳng với doanh nghiệp FDI . Những động thái vừa qua của Chính phủ, Bộ Tài chính, của NHNN cho thấy Nhà nước đang có cách tiếp cận tích cực hơn đến khu vực doanh nghiệp Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp tư nhân.
Trong khu vực tư nhân, đương nhiên cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng lâu nay, khối doanh nghiệp này rời rạc, "mạnh ai nấy làm", yếu vẫn hoàn yếu. Chúng ta cần có doanh nghiệp lớn có năng lực và sẵn sàng thiết lập các chuỗi sản xuất, các mạng liên kết. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ "bám" vào vào đó để liên kết hoạt động, xoay quanh trục phát triển do doanh nghiệp lớn đóng vai. Khi đó, khối doanh nghiệp Việt mới mạnh lên vững chắc được. Điều này là đặc biệt quan trọng.
Trong giai đoạn hiện đại, cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao. Bởi nếu ví nền kinh tế như một cơ thể sống thì doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao chính là lượng máu mới chất lượng cao được bơm vào cho nền kinh tế đang rất cần tiếp máu và thay máu. Nếu thay được lượng máu mới và "kích hoạt" nó đúng cách, nền kinh tế sẽ có sức sống mới, sẽ trở rất linh hoạt và năng động. Chúng ta phải bơm những nguồn máu tươi mới đó cho nền kinh tế.
Chúng ta đang đi những bước tích cực, các bộ ngành phải dốc sức, các tập đoàn lớn cùng với Chính phủ cần tính toán, chứ không thể trông thể chỉ trông chờ vào thể chế. Như thế sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp sẽ được tăng cường và chúng ta sẽ có một nền kinh tế mạnh, sáng tạo, độc lập, tự chủ đúng nghĩa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo baochinhphu.vn
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doc-lap-tu-chu-kinh-te-doanh-nghiep-viet-nam-phai-manh-lam-nen-tang-va-dan-dat-nen-kinh-te-a9771.html