Từ bỏ quyền lực
Mới đây, Ant Group (một doanh nghiệp do Jack Ma sáng lập) tuyên bố Jack Ma sẽ không còn giữ quyền kiểm soát tại đế chế tài chính sau khi chuyển giao phần lớn quyền biểu quyết và cổ phiếu cho các lãnh đạo khác. Đây được cho là một phần trong nỗ lực của gã khổng lồ fintech giảm bớt áp lực từ phía chính phủ Trung Quốc sau khi phải trải qua một đợt siết chặt quản lý kéo dài.
Theo Bloomberg, Tập đoàn Ant Group đã tái cơ cấu quyền biểu quyết tại tập đoàn. Cụ thể, mỗi thay đổi tại Ant Group đều phải thông qua 10 cá nhân, bao gồm nhà sáng lập, quản lý và các nhân viên. Họ phải biểu quyết độc lập để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước đó, mặc dù chỉ sở hữu 10% cổ phần và cũng không giữ chức danh lãnh đạo hay ngồi trong hội đồng quản trị, Jack Ma vẫn nắm hơn một nửa quyền kiểm soát tập đoàn thông qua các công ty liên quan.
Cụ thể, vị tỷ phú kiểm soát Ant Group thông qua Hangzhou Yunbo Investment Consultancy, công ty đang kiểm soát 2 thực thể nắm giữ 50,52% cổ phần Ant Group. Nhưng thay đổi lớn trong cơ cấu biểu quyết lần này đã khiến tỷ lệ biểu quyết của tỷ phú giảm xuống chỉ còn 6,2%, Reuters cho biết.
Theo nhiều nguồn tin, Jack Ma đã có ý định nhường quyền kiểm soát Ant Group từ nhiều năm nay. Vị tỷ phú lo ngại vấn đề quản trị sẽ nảy sinh nếu công ty quá phụ thuộc vào một nhân vật đứng đầu.
Tuy nhiên, có không ít chuyên gia cho rằng, việc Jack Ma từ bỏ quyền lực ở Ant Group là cách dọn đường để công ty này tái khởi động IPO. Theo bản cáo bạch IPO, Ant sở hữu hơn 50% thị phần trong tổng khối lượng giao dịch thanh toán di động của Trung Quốc.
Tính đến tháng 6/2020, Ant có 1.700 tỷ nhân dân tệ cho vay tiêu dùng trên bảng cân đối kế toán, nhiều hơn dư nợ thẻ tín dụng của bất cứ ngân hàng nào tại Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, nếu cơ quan quản lý Bắc Kinh không vào cuộc, mô hình kinh doanh OTD của Ant không chỉ dụ dỗ người tiêu dùng Trung Quốc gánh khoản nợ khó chi trả, mà còn đè bẹp những ngân hàng thương mại vừa và nhỏ tại đất nước tỷ dân. Điều đó sẽ có tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc và lan rộng ra phần còn lại của thế giới.
Hơn nữa, dựa trên bản cáo bạch của Ant, chưa đến 10% doanh thu của công ty thực sự đến từ đổi mới công nghệ. Trong khi đó, hơn 90% số tiền Ant kiếm được nhờ vào các dịch vụ tài chính như thanh toán, phát hành khoản vay và dịch vụ quản lý tài sản.
Vào năm 2019, Jack Ma cũng đã từ chức chủ tịch điều hành Alibaba. Vị tỷ phú gần như biến mất trước công chúng sau buổi nói chuyện tại diễn đàn tài chính ở Thượng Hải cuối tháng 10/2020.
Vạ miệng và ở ẩn
Tại Diễn đàn Tài chính ở Thượng Hải vào tháng 10/2020, Jack Ma đã công khai chỉ trích bất cập trong hệ thống quản lý tài chính Trung Quốc, kêu gọi cải tổ bộ máy mà theo ông là “bóp nghẹt đổi mới, sáng tạo”.
Ngay sau bài phát biểu Jack Ma, các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu Bắc Kinh triệu tập vị doanh nhân này. Nhưng cú sốc lớn đến vào ngày 3/11, khi Sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ đợt IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định".
Thông báo được đưa ra chỉ vỏn vẹn 2 ngày trước hôm dự kiến diễn ra IPO. Cùng với cổ phiếu Alibaba, tài sản của Jack Ma bốc hơi nhanh chóng.
Đến tháng 1/2021, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục công bố một loạt quy định, buộc Ant Group phải tái tổ chức thành một công ty holding. Các dịch vụ ngân hàng Internet, bảo hiểm, quản lý tài sản và trung gian tài chính khác sẽ bị phân tách rõ ràng.
Theo kế hoạch, Ant cũng phải chuyển dữ liệu người dùng cho một liên doanh chấm điểm tín dụng do nhà nước góp vốn. Những dữ liệu người dùng này vốn được Ant sử dụng để làm cơ sở cho các quyết định cho vay.
Tháng 4/2022, Reuters đưa tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đang đóng vai trò chính trong cuộc điều tra về mối liên hệ giữa Ant Group và các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.
Kể từ bài phát biểu ở Thượng Hải, Jack Ma cũng ở ẩn và ít xuất hiện trước công chúng. Lần gần nhất Jack Ma xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2022, sau đó sống ẩn dật tại Tokyo khoảng 6 tháng, theo Financial Times.
Ông dành 3 tháng gần nhất tại Nhật Bản để khảo sát hoạt động nuôi trồng thủy sản. Vào tháng 9, ông đã đến chi nhánh Oshima của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản thuộc Đại học Kindai. Nhiều nguồn tin cho biết đồng sáng lập Alibaba muốn mang về Trung Quốc những công nghệ nông nghiệp tiên tiến của nước ngoài.
Quang Thuận
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/jack-ma-tu-vi-doanh-nhan-co-tam-anh-huong-nay-phai-tu-bo-quyen-luc-va-o-an-a9683.html