Thiệt hại kinh tế do tác động của đại dịch virus corona là điều khó tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh của mình?
Câu trả lời nằm ngay ở một trong những khuyến cáo mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra: “ngừng lan truyền tin đồn và thông tin sai lệch”.
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó đúng đắn trong tình hình dịch bệnh, không hoảng loạn nhưng cũng không thờ ơ, thực hiện đúng quy trình duy trì công việc, thực hiện đầy đủ giải pháp phòng chống lây nhiễm trong doanh nghiệp để tránh gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm một số công tác dưới đây:
· Phân phát cho nhân viên các vật dụng vệ sinh (nước rửa tay, khẩu trang,…)
· Làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng nơi làm việc
· Thực hiện linh hoạt về nơi làm việc, địa điểm làm việc (tránh những cuộc họp không cần thiết hoặc không cấp bách, thực hiện hình thức họp trực tuyến linh hoạt thay cho họp trực tiếp truyền thống,…)
· Phổ biến quy tắc vệ sinh, quy tắc ứng xử khi ho và nâng cao sức đề kháng của cơ thể
· Xử lý và cách ly người nghi nhiễm bệnh.
. Nhắc nhở nhân viên chú ý duy trì khoảng cách ít nhất một mét với người khác, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, hắt hơi và sốt.
Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, có thể chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, đa dạng thị trường, nhờ doanh nghiệp logistics hỗ trợ kho lạnh trữ hàng.
Nỗi lo toàn cầu
Ngày 30.1 theo giờ Geneva (Thụy Sĩ), WHO đã chính thức ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona gây ra.
Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, (Public Health Emergency of International Concern) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn cấp của WHO ban hành khi xảy ra khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu.
Trước đó, WHO đã năm lần ra cảnh báo khẩn cấp y tế toàn cầu để đối phó với các lần xảy ra đại dịch: H1N1/SARS (năm 2009); sự trở lại không ngờ của bệnh bại liệt (năm 2014), bùng nổ dịch Ebola ở Tây Phi (từ năm 2014 đến năm 2016), virus Zika ở châu Mỹ (năm 2016).
Mới tuần trước, WHO vẫn chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, cho rằng còn “quá sớm”, khiến nhiều chuyên gia lo ngại virus Corona có thể vượt tầm kiểm soát nếu không sớm hành động.
WHO có xu hướng thận trọng khi tuyên bố các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, vì phải cân nhắc các thiệt hại kinh tế. Các quy định đặc biệt về tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đòi hỏi phải "tránh gây trở ngại không cần thiết cho giao thông và thương mại quốc tế". Do đó, chỉ khi nào dịch bệnh đủ các yếu tố “nghiêm trọng, đột ngột, bất thường”, “gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác” và “lập tức cần phải có phối hợp quốc tế ", một tuyên bố khẩn cấp mới được WHO đưa ra.
Với tuyên bố lần này, các quốc gia nhận được thông điệp của WHO rất rõ ràng: dịch virus corona là rất nghiêm trọng, phạm vi toàn cầu.
Ngay sau khi WHO quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về sự bùng phát của chủng mới virus corona, Trung Quốc đã khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với WHO và các nước bảo vệ an ninh y tế công cộng toàn cầu và khu vực.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngay lập tức ký lệnh đóng cửa biên giới giữa vùng Viễn Đông Nga với Trung Quốc. Trước đó, nhiều quốc gia cũng đã quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc để tránh nguy cơ lây lan như: Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Triều Tiên. Hồng Kông cũng tạm thời đóng cửa khẩu với đại lục trong nỗ lực ngăn chặn virus corona từ nửa đêm 29.1. Lào cũng vừa mới đóng cửa vùng biên giới giữa Lào, Myanmar và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, trong cuộc họp Chính phủ chiều ngày 30.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc và không khuyến khích giao thương qua cửa khẩu với Trung Quốc. Về vấn đề đóng cửa biên giới với Trung Quốc như các quốc gia nói trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định biên giới, chỉ đóng cửa khi xuất hiện vấn đề an ninh và dịch bệnh, nhưng phải có thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước và báo trước năm ngày nên một bên không thể đơn phương áp dụng.
Theo Shang-Jin Wei, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và Trường Quốc tế và Công Vụ thuộc Đại học Columbia: “Dự đoán cơ bản của tôi là dịch coronavirus sẽ bùng phát mạnh hơn trước khi tình hình khả quan trở lại, với số ca nhiễm và tử vong có thể lên đến đỉnh điểm vào tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 2. Nhưng tôi tin rằng cả chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới có thể tuyên bố dịch bệnh được kiểm soát vào đầu tháng 4”.
Cao Dung
caodung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/de-doanh-nghiep-van-hoat-dong-thoi-dich-benh-a964.html