Những xe chở dưa hấu xuất khẩu từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên cửa khẩu biên giới Bằng Tường (Trung Quốc) đã phải dừng tại Nghệ An và bán tháo giá rẻ.
Chị Liễu, một tiểu thương ở chợ Vinh (Nghệ An), cho biết sáng 30.1.2020, các chuyến xe chở dưa hấu từ miền Tây Nam Bộ ra đã dừng chân ở đây và rao bán toàn bộ số dưa hấu với mức giá 3.500 đồng/kg – chỉ bằng ¼ so với mức giá thu mua trung bình 12.000-13.000 đồng/kg của các tiểu thương tại chợ Vinh. Các tiểu thương thậm chí còn ép giá dưa hấu xuống 3.000 đồng/kg, trong tình thế cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) bất ngờ tiếp tục dừng thông quan sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Kế hoạch mở cửa thông quan cửa khẩu Bằng Tường kể từ ngày 31.1 đã không được thực hiện như thông báo trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo thông báo mới của Bộ Công Thương Việt Nam ngày 30.1, do lo ngại về dịch cúm Corona, phía Trung Quốc ra thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn thị Bằng Tường từ ngày 31.1 đến hết ngày 8.2.
Cửa khẩu Bằng Tường - thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn - là cửa khẩu xuất nhập khẩu các loại nông sản, chủ yếu là trái cây giữa hai bên.
Hiện tại, cửa khẩu Bằng Tường cũng là nơi xuất khẩu dưa hấu và thanh long, hai loại trái cây chủ lực của miền Tây Nam Bộ.
Trung Quốc có nhu cầu lớn về dưa hấu. Quốc gia 1,4 tỉ dân đứng đầu về sản lượng dưa hấu thu hoạch mỗi năm, chiếm hơn hai phần ba sản lượng dưa hấu toàn cầu, đồng thời cũng thuộc tốp 10 nước nhập khẩu dưa hấu lớn nhất thế giới - theo trang thông tin về nông sản thế giới Tridge.
Nguồn cung nội địa cho thị trường Trung Quốc bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11, khi nền nhiệt cao, khô ráo. Trong thời gian còn lại, Trung Quốc phải nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á có khí hậu nóng như Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia...
“Tình hình sẽ còn cam go hơn nữa, đây mới chỉ là những ngày đầu tiên cửa khẩu Bằng Tường đóng cửa”, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Orivi nhận định. “Điều đáng lo ngại hơn cả là với diễn biến dịch bệnh, việc mở cửa vào ngày 9.2.2020 cũng chưa chắc chắn”, ông Kiên nói thêm.
“Hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông thủy sản, trái cây và thực phẩm tại Trung Quốc đã chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc”, Bộ Công thương cho biết trong một thông cáo. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau củ quả xuất khẩu lớn nhất (chiếm khoảng 70% sản lượng) của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,7 tỉ USD, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Với một số doanh nghiệp và hộ nông dân, giải pháp thường chọn là “neo cây” – một hình thức giãn thời gian thu hoạch trái cây. Tuy nhiên việc neo cây không thể kéo dài mãi. Khi buộc phải thu hoạch, các doanh nghiệp, hộ nông dân thường phải bán rẻ để thu hồi vốn khi thị trường Trung Quốc bị đóng băng.
Tính đến ngày 31.1, dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona đã khiến gần 10 nghìn người nhiễm bệnh, 213 người chết và lan ra 20 quốc gia trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh này.
Bộ Công Thương cho rằng: “Do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn”. Việc vận tải nội bộ của Trung Quốc bị hạn chế, sẽ gây sức ép trở lại với hàng hoá vùng biên, dù có mệnh lệnh đóng cửa hành chính hay không.
Minh Thư
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dich-viem-phoi-vu-han-gian-doan-xuat-khau-nong-san-viet-nam-a963.html