Trịnh Văn Quyết
Bước vào quý 1/2022, tưởng chừng thị trường chứng khoán sẽ vẫn êm đềm cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngày 29/3, thông tin khởi tố, bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (MCK: FLC) đã khiến cho thị trường hứng chịu một cơn địa chấn.
Theo đó, ông Quyết bị khởi tố, bắt giữ vì đã có hành vi “thao túng thị trường”, “che giấu thông tin hoạt động chứng khoán”, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư. Ông Quyết bị xác định đã thao túng giá chứng khoán và bán chui 74.8 triệu cổ phiếu FLC.
Chỉ 1 ngày sau khi ông Quyết bị bắt, các mã cổ phiếu thuộc “nhà FLC” lập tức giảm sàn. Phiên ngày 30/03, giá cổ phiếu FLC còn 11,800 đồng/cp, ROS còn 7,590 đồng/cp, HAI còn 5,470 đồng/cp, KLF còn 5,400 đồng/cp, ART còn 8,800 đồng/cp, AMD còn 5,760 đồng/cp. Lượng dư bán sàn tới hơn 220 triệu cổ phiếu, chỉ khớp lệnh được mỗi mã vài triệu đơn vị.
Đến ngày 27/8, cơ quan chức năng đã khởi tố bổ sung đối với ông Quyết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, ông Quyết có hành vi tăng vốn khống tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros (MCK: ROS) từ 1.5 tỷ đồng lên tới 4.3 ngàn tỷ đồng.
Cắt chức ông Lê Hải Trà
Ngày 20/5, Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-HĐTV về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Lê Hải Trà Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Cùng ngày, quyền Chủ tịch HOSE Nguyễn Thị Việt Hà đã ký văn bản thông báo bổ nhiệm bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE phụ trách Ban điều hành của HOSE kể từ ngày 20/5.
Trước đó, Bộ Tài chính có quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với ông Trần Văn Dũng, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Đồng thời giao Thứ trưởng tài chính Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể từ ngày 19/5.
Ngày 18/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Cơ quan này cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HOSE; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Còn các ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; ông Nguyễn Sơn, Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Tân Hoàng Minh
Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khởi tố, bắt tạm giam với ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 bị can (trong đó có con trai ông Dũng) là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cơ quan chức năng, trong thời gian từ tháng 7/2021 - 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật. Tổng trị giá 9 lô trái phiếu là 10,300 tỷ đồng, huy động tiền của nhà đầu tư nhưng lại không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Do các sai phạm, Tân Hoàng Minh bị buộc phải trả lại tiền trái phiếu cho nhà đầu tư. Đến ngày 1/7, trước áp lực phải trả lại tiền cho nhà đầu tư, Tân Hoàng Minh buộc phải ngưng kinh doanh của toàn bộ các chi nhánh trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay việc trả lại tiền cho nhà đầu tư trái phiếu của tập đoàn này vẫn chưa đi đến hồi kết.
Tân Hoàng Minh được biết đến là một ông lớn kinh doanh bất động sản ở khu vực phía Bắc. Phân khúc của doanh nghiệp này hướng đến là các dự án nhà ở cao cấp, có mức giá rất cao. Sự việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh phần nào gây ra ảnh hưởng, tác động mạnh đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu ở thời điểm đó.
Bắt giữ hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp
Ngày 20/4, thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận hung tin, khi cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings, thành viên HĐQT Công ty CP Louis Capital (MCK: TGG) về tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người khác gồm: Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt (MCK: TVB); Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc hành chính Công ty CP Louis Holdings và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Công ty CP chứng khoán Trí Việt.
Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Đỗ Thành Nhân đã thông đồng với Đỗ Đức Nam và một số người khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land (MCK: BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Đến ngày 12/12, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT TVB với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Ngày 16/12, liên quan đến vụ án của ông Đỗ Thành Nhân, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố thêm ông Vũ Ngọc Long, thành viên HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; MCK: AGM) và ông Ngô Thục Vũ, thành viên HĐQT của Louis Capital về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Cổ phiếu Tân Tạo bị bán tháo
Vào giữa tháng 6/2022, thông tin Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (MCK: ITA) đã bị TAND TP.HCM ra Quyết định mở thủ tục phá sản từ năm 2018 khiến cho thị trường chao đảo.
Theo đó, vào năm 2018, Công ty TNHH TM-DV-XD Quốc Linh (Công ty Quốc Linh) có Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty Tân Tạo. Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản năm 2014, theo đó “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Đến ngày 25/1/2018, TAND TP.HCM đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 đối với Công ty Tân Tạo.
Dù đã có quyết định mở thủ tục phá sản, nhưng 4 năm qua, Công ty Tân Tạo đã không công khai quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP.HCM cho các chủ nợ, người mắc nợ, đối tác…
Bên cạnh đó, Công ty Tân Tạo cũng không hợp tác với Toà án, Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phía Toà án chỉ định. Từ đó, dẫn đến việc giải quyết phá sản đối với Công ty Tân Tạo gặp nhiều khó khăn và kéo dài.
Trước những thông tin đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch ITA đã có đơn cầu cưu gửi đến các cơ quan chức năng. Bà Yến cho rằng, việc buộc phá sản ITA lộ rõ sự “vô lý đến kinh ngạc”, khi ITA có tổng giá trị tài sản hơn 13 ngàn tỷ đồng mà chỉ vì khoản lùm xùm chiếm chưa tới 0.2% đã bị buộc phải công bố phá sản.
Ngày 3/10, Chủ tịch Công ty là bà Đặng Thị Hoàng Yến đã khởi kiện Công ty Quốc Linh ra Tòa án Liên bang Mỹ. Vụ việc đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết, tuy nhiên, nhiều thông tin bất lợi đã khiến cổ phiếu của ITA liên tục giảm sàn, bị bán tháo ở thời điểm đó.
Vạn Thịnh Phát
Tháng 9/2022, thị trường chứng khoán thêm một phen rúng động khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố, bắt tạm giam. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khởi tố, bắt tạm giam đối với Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan), Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát; bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý; ông Hồ Bửu Phương, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Vạn Thịnh Phát.
Bà Lan cùng các bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, liên quan đến hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu sai quy định để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2019.
Một số ngân hàng và công ty chứng khoán được xác định có liên quan mật thiết đến vụ việc, trong đó cá biệt là TVSI và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bán giải chấp cổ phiếu
Trong hai tháng cuối năm 2022, thị trường lại tiếp tục biến động trước chuỗi bán giải chấp hàng loạt cổ phiếu, tập trung nhiều nhất vào các cổ phiếu bất động sản.
Thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh do hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin bắt bớ một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
Điều này, sau đó, đã gây ra tình trạng tài khoản lãnh đạo doanh nghiệp như: PDR, NVL, HPX, IBC… bị các công ty chứng khoán bán giải chấp để thu hồi vốn vay, qua đó gây ra hiện tượng giảm sàn diện rộng và kéo VN-Index về mức thấp nhất là 873 điểm.
Như HPX, Chủ tịch Đỗ Quý Hải từ cuối tháng 11 đến hết phiên 23/12 đã bị bán giải chấp gần 58 triệu cổ phiếu, tương đương 19% tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành. Tương tự là DIG khi cha con Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cùng lãnh đạo công ty liên tục bị bán giải chấp từ ngày 27/10, với số lượng khoảng hơn 53 triệu cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu IBC của “Shark Thuỷ” từ ngày 16/12 đến 29/12 đã bị 2 công ty chứng khoán là Mirae Asset và BVSC bán giải chấp tổng cộng hơn 10,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, 9,3 triệu đơn vị được bán ra trong ngày 29/12. Sau các giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Egroup đã xuống còn 47,36% vốn điều lệ và không còn là công ty mẹ của Apax Holdings.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) cũng đã bị BVSC bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 16/12 đến 29/12 trong đó hơn 490 nghìn cổ phiếu được bán ra trong ngày 29/12 vừa qua. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm xuống còn 6,17% vốn điều lệ.
VN-Index 'bốc hơi' 100 tỷ USD trong năm 2022
Chứng khoán Việt Nam là một trong các thị trường giảm mạnh trong năm 2022, đẩy tổng giá trị vốn hóa trên các sàn bốc hơi khoảng 100 tỷ USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng trong sắc đỏ bất ngờ cuối phiên, sự bất ngờ cũng chính là điểm nhấn lớn nhất trong một năm giao dịch vừa qua của nhà đầu tư.
VN-Index chốt năm tại mức 1.007,09 điểm, giảm tổng cộng gần 32,8% kể từ đầu năm. Chỉ số này ghi nhận 9 tháng giảm điểm và có 3 tháng hồi phục nhẹ sau mỗi giai đoạn giảm sâu.
Kết quả này đưa VN-Index vào nhóm chỉ số chứng khoán lớn diễn biến xấu nhất trong năm 2022. Chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đứng thứ 4 về hiệu suất tệ nhất, chỉ xếp sau chứng khoán Nga (-39,2%), Philadelphia Semiconductor Index (-35,8%) và Nasdaq tại Mỹ (-33,1%).
Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm gần nhất và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008. Nói thêm rằng thị trường chứng khoán giai đoạn 2008 còn khá sơ khai và biến động lớn nên khủng hoảng diễn ra mạnh hơn.
Chứng khoán Việt Nam bên cạnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính quốc tế còn đối mặt với các thách thức nội tại. Các vụ việc thanh lọc thị trường chứng khoán, xử lý trái phiếu, thắt chặt thanh khoản... càng khiến cho chỉ số chứng khoán trong nước lao dốc.
Mức độ biến động của thị trường trong năm cũng trở nên khốc liệt hơn. VN-Index đã có 39 lần tăng/giảm mạnh từ 2% trở lên, nhiều nhất kể từ năm 2009. Thậm chí một số phiên giao dịch còn ghi nhận mức độ biến động hơn 5%, với hàng loạt cổ phiếu tăng trần/giảm sàn, càng khiến tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ hoang mang hơn.
Với mức giảm gần 33%, giá trị vốn hóa của sàn HoSE theo đó bị “thổi bay” 1,82 triệu tỷ đồng (~77 tỷ USD) sau một năm, xuống còn khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng. Quy mô sàn HoSE trong lúc đỉnh điểm từng vượt qua mốc 6 triệu tỷ đồng vào đầu tháng 4/2022.
Trong khi giá trị vốn hóa sàn HNX cũng bốc hơi gần 258.000 tỷ đồng và UPCoM mất hơn 461.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị vốn hóa trên các sàn đã bốc hơi hơn 2,5 triệu tỷ đồng (tức hơn 100 tỷ USD).
Mai Ngọc
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thi-truong-chung-khoan-nam-2022-da-co-nhung-bien-dong-nhu-the-nao-a9627.html