Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tạo lòng tin vào một Chính phủ kiến tạo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ về quyết tâm cải cách của Thủ tướng và Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

ộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có mặt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Trà Vinh cùng Thủ tướng những ngày áp Tết (Ảnh: Nhà quản lý)
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có mặt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Trà Vinh cùng Thủ tướng những ngày áp Tết (Ảnh: Nhà quản lý)

Tạp chí Nhà quản lý dẫn lại bài phỏng vấn Bộ trưởng trên báo Zing.vn

Chia sẻ về kết quả của năm 2019, người phát ngôn Chính phủ nhận định ngoài những thành tựu đáng mừng về kinh tế - xã hội, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” cũng đã được cải thiện. “Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt để bộ máy từ trên xuống dưới cùng chuyển động, có trách nhiệm hơn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Nhưng kết quả quan trọng nhất, theo ông Dũng, là đã tạo được niềm tin của xã hội, niềm tin với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngay trong lĩnh vực thể thao, chưa bao giờ chúng ta có những thành tích ấn tượng khi lần đầu hai đội tuyển bóng đá nam và nữ cùng vô địch SEA Games 30. Điều đó cho thấy khát vọng, tinh thần Việt Nam là vô cùng lớn, quyết tâm bứt phá, vươn lên.

Trong Chính phủ nhiệm kỳ này, các thành viên Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có cường độ làm việc rất lớn. Là Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP với vai trò tham mưu cho Thủ tướng, ông thường trao đổi với Thủ tướng bằng những phương thức nào để có thể giải quyết nhanh nhất những vụ việc nóng, bức xúc?

Là người luôn sát cánh và giúp việc trực tiếp cho Thủ tướng kể từ đầu nhiệm kỳ, tôi thấy cường độ làm việc của Thủ tướng rất cao, gần như không bao giờ có thời gian nghỉ. Có ngày làm cả đêm hôm sớm tối, chỉ ngủ mấy tiếng, còn lại thời gian để xử lý công việc, giải quyết hồ sơ.

Thậm chí có những khi 1h sáng Thủ tướng còn điện cho tôi hỏi: “Ông ngủ chưa?”. Tôi nói: “Thủ tướng đã ngủ đâu mà em dám ngủ”.

Khi có nhiều công việc hay những sự kiện nóng, Thủ tướng liên tục hỏi về tiến độ giải quyết và có những chỉ đạo, dù ở trong nước hay đi công tác nước ngoài. Ông cũng thường bất ngờ hỏi: “Việc này đến đâu rồi?”. Nếu như không quan tâm, không chú ý thì không nắm được để trả lời Thủ tướng.

Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng luôn tâm huyết, khát vọng và mong làm được thật nhiều việc. Vì thế, các bộ ngành, địa phương hay bất cứ nơi nào đều mong muốn có sự hiện diện của Thủ tướng để động viên, và quan trọng hơn, để truyền cảm hứng và khát vọng.

Việc trao đổi có thể là trực tiếp hoặc qua thư ký, trợ lý, nhưng mục đích làm sao tất cả các thông tin được phản ánh kịp thời, nhanh nhất, chính xác nhất để Thủ tướng kịp thời nắm bắt, chỉ đạo và điều hành. Trong quá trình làm việc và giúp cho Thủ tướng, chúng tôi có nhiều cách trao đổi rất linh hoạt.

Ví dụ, hàng ngày tôi thường cập nhật và tập hợp những công việc, thông tin liên quan đến các cơ quan rồi báo cáo Thủ tướng, nếu hôm đó có cuộc họp, tôi sẽ tranh thủ báo cáo ngoài giờ hoặc gọi điện thoại. Cũng có khi buổi sáng tôi tranh thủ đến nhà Thủ tướng để báo cáo nhanh những công việc cần thiết, xin ý kiến Thủ tướng trực tiếp.

Với trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng, chắc chắn trong quá trình phục vụ không thể hoàn hảo được nhưng chúng tôi luôn cố gắng để đảm bảo tốt nhất.

“Thủ tướng quyết liệt, các bộ trưởng cũng không thể đứng ngoài cuộc”. Tôi nhớ ông đã nói như vậy trong một lần trả lời phỏng vấn. Vậy sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra động lực cũng như áp lực như thế nào xuống bên dưới?

Khi người đứng đầu Chính phủ có sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và xử lý công việc thì các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các tư lệnh ngành không thể đứng ngoài cuộc được.

Thủ tướng quan tâm đến lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó sẽ khác rất nhiều, bởi ngay từ cách nhìn, hoạch định hay thực thi các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đều gợi mở hướng đi và cách làm, lựa chọn để tạo ra hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng quyết liệt thì các bộ trưởng, thành viên Chính phủ không thể có sự né tránh, chậm trễ hay ỷ lại, thờ ơ, thiếu trách nhiệm được.

Người đứng đầu Chính phủ có sự quan sát và tổng hợp, đánh giá rất rõ ràng, nếu như ở đâu đó, bộ ngành nào có khiếm khuyết là Thủ tướng cũng nhắc, ngay cả gặp riêng, gọi điện thoại, trao đổi bằng văn bản hay công khai trong phiên họp Chính phủ. Như vậy thì không thể có bộ trưởng nào chần chừ, đứng ngoài cuộc.

Thông điệp và chủ trương xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ này chính là cải cách thủ tục hành chính cũng như cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhưng với “cả rừng thủ tục” đã tồn tại từ bao năm nay, khi bắt đầu công việc này, ông thấy khó khăn thế nào?

Từ tháng 7/2017, khi tiếp cận với các hiệp hội, ngành hàng thì chúng tôi thấy rừng thủ tục đã bó rễ, được tích lũy nhiều năm rồi nên phải xem xét, tháo gỡ. Nếu cải cách tốt sẽ tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Đây cũng chính là dư địa tăng trưởng rất lớn.

Vì thế, Tổ công tác Thủ tướng được giao đi sâu vào kiểm tra, đôn đốc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ có cả rừng thủ tục đã tích lũy qua nhiều năm mà chính phủ cần xem xét, tháo gỡ từng bước cho doanh nghiệp.

Đến nay đã cắt bỏ 3.645/6.196 điều kiện kinh doanh; cắt 6.776/9.926 thủ tục chuyên ngành và bỏ 30/120 bộ thủ tục hành chính.

Trong cải cách, kiểm tra chuyên ngành, Ngân hàng Thế giới tính toán chúng ta có 5,8 triệu bộ hồ sơ xuất khẩu, nếu giảm từ 58 xuống 55 giờ sẽ tiết kiệm được 17.000 giờ. Bên cạnh đó, ta có 6,2 triệu bộ hồ sơ nhập khẩu, khi giảm từ 62 xuống 56 giờ giúp tiết kiệm được 37.000 giờ. Việc giảm thời gian thông quan giúp tiết kiệm được 19 USD cho mỗi lô hàng. Như vậy, với 5,8 triệu bộ hồ sơ xuất khẩu và 6,2 triệu bộ hồ sơ nhập khẩu tính ra tiền đã tiết kiệm được 6.300 tỷ.

Đây là kết quả rất tốt. Nhờ đó mà chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh tăng và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao cải cách của Việt Nam.

Nhưng có được thành tích này, chúng ta cũng phải đấu tranh rất quyết liệt. Ban đầu, một số cơ quan Nhà nước được kiểm tra cho rằng việc cắt giảm thủ tục sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề. Nhưng thực tế chứng minh không có sự ảnh hưởng, và không thể lấy lý do vì sức khỏe, vì môi trường mà bao biện cho rằng việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành tạo ra rào cản.

Từng trực tiếp đi kiểm tra nhiều cơ quan đơn vị và địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, có câu chuyện nào về cải cách khiến ông nhớ nhất và coi đó là động lực để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này?

Khi đi công tác cơ sở và địa phương tôi rất thấm, vì tôi đã trải nghiệm từ cơ sở và doanh nghiệp rồi.

Tết năm ngoái, vào dịp ông Công ông Táo, tôi đang cùng Thủ tướng đi công tác ở nước ngoài thì liên tục nhận được tin nhắn từ doanh nghiệp phản ánh “tình hình căng lắm”, phế liệu nhập về cảng không thông quan, trong khi đó các nhà máy lại thiếu nguyên liệu.

Hôm sau về nước, chúng tôi quyết định xuống ngay cảng Hải Phòng kiểm tra. Lúc đó hơn 24.000 container đang nằm ùn ứ tại cảng Hải Phòng, còn các ngành hàng dệt, nhựa, giấy… thiếu nguyên liệu sản xuất.

Khi đó, chúng tôi báo cáo với Thủ tướng hủy bỏ Thông tư 01 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy trình kiểm tra phế thải nhập cảng. Các doanh nghiệp lúc ấy nói rằng: “Thủ tướng làm được việc này là Thủ tướng đã cho doanh nghiệp một món quà ăn Tết rất lớn, đó là động lực quan trọng để chuẩn bị sau Tết doanh nghiệp làm việc”. Tôi nhớ mãi cuộc kiểm tra ấy.

Hay như câu chuyện khi chúng tôi đi xuống Bình Phước, cả đoàn công tác xuống xem dự án Minh Hưng - Đồng Lương mà 11 năm cũng không tháo gỡ được. Tôi về báo cáo Thủ tướng thì ông quyết định luôn cách tháo gỡ, cởi trói cho doanh nghiệp và giờ họ phát triển rất tốt.

Như vậy để thấy nếu chỉ chậm trễ việc gì đó thì rất nguy hiểm, đặc biệt khi thấy những thủ tục hành chính, giấy phép xây dựng hay giấy tờ liên quan đến đất đai ở dưới cơ sở có sự khác nhau, nếu không lăn lộn và tìm hiểu, không tháo gỡ mà cứ ỷ lại, đổ lỗi cho doanh nghiệp, bắt doanh nghiệp đi gặp các cơ quan thì không thể giải quyết được.

Còn rất nhiều câu chuyện đáng nhớ, và sau những việc làm được cho doanh nghiệp, người dân, được họ đánh giá là “cởi trói”, đó là niềm vui và động lực rất lớn của Tổ công tác.

Ông luôn nhấn mạnh cải cách phải sẵn sàng từ bỏ lợi ích, đương đầu với nhiều thách thức, và phải cho ra khỏi bộ máy những cán bộ không chịu thay đổi. Những công việc này đã có kết quả cụ thể thế nào?

Tinh thần này luôn được tôi quán triệt nghiêm túc trong Văn phòng Chính phủ. Theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, bây giờ tôi cũng không để cho doanh nghiệp lên văn phòng gặp trực tiếp vì tất cả hồ sơ đều giải quyết trên điện tử.

Cùng với cải cách, chúng tôi tập trung chấn chỉnh lề lối, siết chặt kỷ cương và văn hóa công sở. Có những đồng chí đang giữ chức vụ phó vụ trưởng nhưng khi doanh nghiệp phản ánh đến, chúng tôi kiểm tra phát hiện sai phạm, hoặc những cán bộ “mặc cả” với doanh nghiệp để có phần trăm… chúng tôi đều xử lý rất nghiêm. Nhiều cán bộ đã bị điều chuyển.

Ví dụ nếu anh là cán bộ của Văn phòng Chính phủ mà anh có mặc cả, tiếp cận doanh nghiệp, say sưa với các dự án hay tiền thì chúng tôi không cho làm việc đó nữa mà chúng tôi chuyển vị trí khác luôn.

Chúng tôi làm rất nhiều và làm công tâm. Muốn thế thì phải thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra công vụ để có bằng chứng, mắt thấy tai nghe mới xử lý được.

Quan điểm của tôi là một vị trí rất nhiều người làm được chứ không riêng một người. Nếu để người với thái độ như vậy làm việc mà ta không có ứng xử rõ ràng thì không thể điều hành được. Bản thân cán bộ cũng muốn có sự công bằng và rõ ràng, làm tốt thì có đánh giá khen ngợi, làm không tốt thì phải có ứng xử cho đúng, cho nghiêm.

Nỗ lực là thế, nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị khi được hỏi vẫn tỏ rõ chưa hài lòng với việc cải cách. Họ đánh giá việc này vẫn rất hình thức. Ông có buồn hay chạnh lòng về những đánh giá trái chiều như vậy?

Họ nói đúng chứ không sai đâu. Vì cải cách cả một quá trình, nhiều thứ đã ăn sâu, mọc rễ rồi tạo ra những bó buộc từ xây dựng thể chế, chính sách bị luồn lách vào các văn bản.

Ví dụ, bãi bỏ điều kiện kinh doanh nhưng có khi lại tạo ra những quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn lẩn tránh ở các văn bản khác.

Chúng ta đã cải cách rất nhiều nhưng để khẳng định đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân doanh nghiệp hay chưa, thì thực sự là chưa. Thực tế, có bộ tuyên bố cắt giảm điều kiện nhưng lại đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Thấy người ta nói đúng thì mình tiếp nhận, đi sâu vào xử lý, chịu khó tiếp xúc với các doanh nghiệp, hiệp hội thì thấy được việc đó, đề xuất với Thủ tướng giải pháp mang tính xử lý. Rồi khi cắt giảm điều kiện ở nghị định lại luồn cúi đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn nằm trong các thông tư, làm cho doanh nghiệp thấy chưa được cởi trói.

Thực sự đúng là như thế. Đây là việc chúng ta phải làm thường xuyên nên chúng tôi không thể vì thế mà nản lòng.

Chúng ta không tham vọng làm một lúc đồng bộ mà hy vọng làm cái này sẽ có tác động đến cái khác, tạo ra sự lan toả.

Chúng tôi không buồn hay nản lòng khi nghe doanh nghiệp phản ánh thực tế, mà từ cái đó chúng tôi càng thấy phải làm tốt hơn để thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng, tạo ra lòng tin vào một Chính phủ kiến tạo và hành động luôn vì người dân, doanh nghiệp.

Theo Zing.vn

truongtrivinh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bo-truong-mai-tien-dung-tao-long-tin-vao-mot-chinh-phu-kien-tao-a962.html