Trong đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,5 tỷ USD với 48 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn; Thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt trên 16.000 tỷ đồng (0,7 tỷ USD) với 08 dự án cấp mới, 05 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Lũy kế đến nay trên địa bàn Khu kinh tế, các Khu công nghiệp có 458 dự án FDI với số vốn trên 23 tỷ USD; 202 dự án DI với tổng số vốn trên 294.721 tỷ đồng (tương đương 12,8 tỷ USD).
Doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp có doanh thu đạt 26,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 22,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,15 tỷ USD, các chỉ số có mức tăng trưởng trung bình 10% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mức kế hoạch giao trên 20%; số nộp ngân sách đạt 16.131 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ, vượt 05% kế hoạch giao năm 2022.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, Ban quản lý đã bám sát sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng Doanh nghiệp, thể hiện trong việc thực thi nhiều giải pháp hiệu quả:
Đẩy mạnh họat động xúc tiến đầu tư
Ban Quản lý đã chủ động tham gia và tổ chức 13 Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp quốc tế; trong đó: tham gia 03 chương trình xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức; phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các Khu công nghiệp Hàn Quốc (KICOX); Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phòng Thương mại & Công nghiệp Pháp; Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len, Phòng Thương mại và Công nghiệp Anh; Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á (Đài Loan);... tổ chức thành công 08 Hội nghị xúc tiến đầu tư tại thành phố; tổ chức 02 đoàn công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp tại Hàn Quốc và Đài Loan.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Ban Quản lý chú trọng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao thân thiện với môi trường, có tiềm lực, đóng góp lớn cho thành phố, có sức lan tỏa, thu hút được các doanh nghiệp trong nước theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định đó là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển logistics, du lịch - thương mại. Đã thu hút 11 dự án Logistic (07 dự án cấp mới, 04 dự án điều chỉnh tăng vốn), 56 dự án công nghệ cao, chế biến, chế tạo (36 dự án cấp mới, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn), chiếm tỷ trọng 81,8% tổng số vốn FDI thu hút; lũy kế đến nay, tỷ lệ các dự án công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, Logistic trong tổng số các dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 69,2%.
Thực hiện nhiều dự án trọng điểm
Trong năm 2022, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh (lũy kế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 02/15 dự án khu công nghiệp theo kế hoạch); báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04/15 khu công nghiệp mới; hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án đảm bảo tiến độ theo yêu cầu: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 3, 4, 5, 6 khu cảng nước sâu Lạch Huyện. Tập trung hướng dẫn chuyển đổi 02 khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp DeepC.
Đã thực hiện phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội; trong đó: Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (5,04 ha) đang triển khai các bước để chuẩn bị xây dựng, Dự án nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát (32ha) đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư; phần diện tích đất còn lại đang thực hiện kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư các dự án.
Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển
Nhằm nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Cải cách hành chính, chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung triển khai, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng, an toàn, minh bạch, Hải Phòng trở thành điểm đến tiềm năng, tin cậy đối với các nhà đầu tư, vị thế, tầm ảnh hưởng của thành phố ngày càng được nâng cao.
Thu hút lao động trong nước và nước ngoài vào các khu kinh tế nhờ đảm bảo quyền lợi người lao động, an sinh xã hội
Tổng số lao động hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp, khu kinh tế là 195.204 người (tăng 06% so với cùng kỳ); trong đó lao động Việt Nam là 190.354 người (bằng tăng 04% so với cùng kỳ), lao động nước ngoài là 4.850 người (tăng 10% so với cùng kỳ), thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng. Quan hệ lao động được giữ vững ổn định, hài hòa.
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở
Hiện nay đã có 98,2% doanh nghiệp tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở. Quyền, lợi ích của người lao động được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước cải thiện.
Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người lao động được thực hiện hiệu quả; tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đã tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch mũi 3 cho trên 150.000 người (đạt tỷ lệ 80%), tiêm mũi 4 cho trên 85.000 người (đạt tỷ lệ 45%).
Tích cực thực hiện nghĩa vụ của mình với xã hội
Năm 2022, Ban Quản lý và các Doanh nghiệp đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 05 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 01 nhà cho học sinh nghèo vượt khó, tặng trên 200 máy tính, 500 xe đạp cho học sinh theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Nâng bước em đến trường”, ủng hộ các quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em,...
Phạm Hường
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hai-phong-dung-thu-4-ca-nuoc-ve-thu-hut-von-fdi-trong-nam-2022-a9586.html