Vận chuyển hàng hoá chiếm tới 90% thương mại quốc tế và Trung Quốc cũng là quốc gia có vị thế trên thị trường vận chuyển hàng hoá quốc tế đường biển. Nếu bạn muốn làm ăn với đối tác Trung Quốc, bạn không chỉ tìm hiểu cách thương thảo mà còn phải nắm những nơi hàng hoá sẽ đến và đi. Dưới đây là 10 cảng hàng đầu của Trung Quốc, theo icontainers.com.
1. Thượng Hải
Năm 2017, cảng Thượng Hải xác lập kỷ lục khi đạt công suất xử lý lên tới 40 triệu TEUs hàng hóa (twenty-foot equivalent unit: Đơn vị đo sức chứa tính theo dung tích container 20 feet tiêu chuẩn). Cảng Thượng Hải không chỉ là khu cảng tấp nập nhất Trung Quốc mà còn của thế giới. Cảng xếp vị trí thứ hai nằm tại Singapore cũng chỉ đạt mức 33,7 triệu TEUs hàng hóa.
Là một cửa ngõ cho Đồng bằng sông Trường Giang, sự phát triển của cảng Thượng Hải có nhiều điểm sáng trong những năm gần đây. Cảng này đã vượt mốc 30 triệu TEUs hàng hóa từ năm 2011. Vào những ngày đầu thành lập cách đây 40 năm về trước, cảng chỉ dự tính đạt công suất dưới 8.000 TEUs hàng hóa.
Ngày nay, cảng Thượng Hải là nơi có cảng nước sâu Dương Sơn - điểm bốc dỡ tự động lớn nhất thế giới. Trước đó, nơi này cũng tiến hành vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý tự động và hệ thống quản lý.
"Với việc xử lý lượng lớn hàng hoá lên tới 100.000 TEUs hàng hóa/ngày, khu cảng này có khả năng tiếp nhận lên tới 40,2 triệu TEUs hàng hóa trong năm 2017, và với tốc độ tăng trưởng 8,3%", theo Alphaliner.
Cảng có vị trí gần nhiều nhà máy tại các tỉnh lân cận Chiết Giang và Giang Tô. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, vị trí chiến lược giúp cảng Thượng Hải trở thành một trong những cảng quan trọng nhất của thương mại thế giới.
2. Thâm Quyến
Nằm tại tỉnh Quảng Đông, cảng Thâm Quyến kết nối khu vực nội địa phía Nam Trung Quốc với gần như toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Được biết đến với vai trò cửa ngõ của đồng bằng Châu Giang và Hồng Kông, cảng Thâm Quyến đạt công suất lên tới gần 24 triệu TEUs hàng hóa trong năm 2016.
Cảng chia làm hai khu vực phía đông và phía tây. Về tổng thể, cảng có chiều dài dọc 260km bờ biển của thành phố với khoảng 560 tàu ghé cảng hàng tháng và hơn 130 tuyến giao thương quốc tế.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến từng thu hút các công ty từ nước ngoài trong đó có Walmart đặt làm trụ sở của khu vực châu Á. Nơi này còn được biết tới như một khu vực công nghệ cao với hàng ngàn nhà sản xuất thiết bị điện tử. Ước tính có khoảng hơn 25 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực điện tử tại Thâm Quyến.
3. Ninh Ba - Chu San
Cảng Ninh Ba - Chu San là cảng đầu tiên xử lý tỉ tấn hàng hoá/năm. Lợi thế của cảng đến từ khu vực bến cảng dầu thô với quy mô lớn và địa điểm bốc dỡ quặng. Đây cũng là khu vực chuyên tập kết sản phẩm hoá chất nội địa.
Sau khi sáp nhập hai cảng Ninh Ba và Chu San hồi năm 2006, khu cảng hợp nhất thuộc tỉnh Chiết Giang Trung Quốc. Nơi đây còn có cả một hệ thống đường sắt kết nối khu vực nội địa với 11 dịch vụ xe lửa tới 36 thành phố của Trung Quốc, tới cả các quốc gia xa hơn thuộc Bắc Á và Đông Âu.
Cảng cũng nằm ngay ngã tư của Sáng kiến Vành đai con đường. Ngoài ra, đây là nơi hội tụ 242 tuyến đường biển và 600 bến cảng trên toàn cầu.
4. Hồng Kông
Từng chiếm vị thế hàng đầu thế giới, ngày nay cảng Hồng Kông đang dần tụt hạng kể từ năm 2004. Kết quả năm 2017 cho thấy, cảng cảng Hồng Kông tiếp tục trượt dốc. Giới phân tích cho rằng, cảng Hồng Kông có thể sẽ ra ngoài vị ví tốp 5 cảng hàng đầu thế giới.
Cảng Hồng Kông từng đóng vai trò như một ống dẫn hàng hóa của Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc tăng tần suất tại cảng trong khu vực đại lục như Thâm Quyến hay Thượng Hải và giảm bớt trung chuyển qua Cảng Hồng Kông.
"Xu hướng tăng hàng hoá dịch vụ trực tiếp đến Trung Quốc khiến giảm nhu cầu trung chuyển tại cảng Hồng Kông" - Victor Uwai, nhà phân tích thuộc công ty Drewry
Mặc dù vậy cảng Hồng Kông vẫn là một trong những khu cảng bận rộn bậc nhất với việc quản lý hơn 20 triệu TEUs hàng hóa trong năm 2016. Đây cũng là nơi có vị trí thuận lợi về cảng nước sâu, tạo điều kiện neo đậu cho các loại tàu khác nhau.
5. Quảng Châu
Cảng Quảng Châu nằm phía Nam Trung Quốc, ngay khu vực cửa sông Quảng Đông, sông Châu Giang, gần Hồng Kông và Macau. Cảng Quảng Châu chủ yếu xử lý các loại hàng hoá chế tạo, công nghiệp và nông sản. Năm 2016, cảng này xử lý 17,59 triệu TEUs hàng hóa.
Với vị trí đắc địa, cảng đón luồng hàng hóa từ các tỉnh lân cận như Vân Nam, Tứ Xuyên, Giang Tây, Quý Châu và Quảng Tây. Cảng Quảng Châu cũng nằm ngay ngã ba của ba con sông Đông Giang, Tây Giang, Bắc Kinh. Do đó, cảng này có chức năng đa dạng từ đường thuỷ, đường sắt, đường cao tốc và hàng không.
Cảng Quảng Châu từng là một trong những cảng sầm uất nhất tại Trung Quốc dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Ngày nay, cảng kết nối với hơn 300 cảng tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
6. Thanh Đảo
Cảng Thanh Đảo là một cảng trung chuyển quốc tế và cảng chuyên dụng. Cảng nằm ở khu vực bên sông Hoàng Hà, thuộc tỉnh Sơn Đông, nằm về phía đông Trung Quốc. Năm 2016, nơi này xử lý hơn 17 triệu TEUs hàng hóa.
Cảng Thanh Đảo được thành lập với mục đích trở thành nơi xử lý quặng sắt lớn nhất thế giới. Cảng này hiện đứng tốp 10 về xử lý quặng kim loại, kết nối tới 700 cảng biển trên thế giới. Năm 2011, Cảng Thanh Đảo hợp tác xây dựng liên minh chiến lược với cảng Sơn Đông và cảng Busan Hàn Quốc để tạo nên trung tâm hậu cần và vận tải cho khu vực Đông Bắc Á.
7. Thiên Tân
Khu cảng lớn nhất khu vực miền Bắc, phục vụ 11 tỉnh phía bắc và Mông Cổ. Trước đây Cảng Thiên Tân được gọi là cảng Thiên Cẩu, là cửa ngõ chính của Bắc Kinh. Với diện tích lên tới 100km2, Cảng Thiên Tân hiện là cảng biển nhân tạo lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong những cảng có mật độ kết nối nhiều nhất, đặc biệt với các khu vực Đông Bắc Á, Trung và Tây Á.
Cảng Thiên Tân từng là cảng thương mại quốc tế lâu đời nhất của Trung Quốc. Ngày nay, Cảng Thiên Tân kết nối với 300 cảng và 160 khu vực trên thế giới. Tháng 8.2015, một vụ nổ tại cảng Thiên Tân đã khiến 170 người thiệt mạng, nguyên nhân đến từ hoá chất trái phép.
8. Đại Liên
Nằm ngay cửa vịnh Bột Hải, cảng Đại Liên là một trong những cảng nước sâu của Trung Quốc, nằm theo hướng Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh. Đây là khu cảng lớn nhất khu vực đông bắc Trung Quốc. Cảng Đại Liên đóng vai trò như một cảng trung chuyển hàng container lớn thứ hai của Trung Quốc, nơi thúc đẩy luồng hàng hóa đến từ khu vực Thái Bình Dương.
Bên cạnh việc kết nối với hơn 160 quốc gia, cảng Đại liên cũng phục vụ các khu vực cảng biển phía bắc, phía đông châu Á và Vành đai Thái Bình Dương. Đại Liên cũng là cảng không đóng băng lớn nhất khu vực phía bắc Trung Quốc và là một trong năm cảng lớn nhất nước này.
Hiện cảng Đại Liên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các ngành công nghiệp nặng truyền thống như than đá và chưa có nhiều hoạt động thương mại quốc tế như cảng Thiên Tân. Tuy nhiên các nhà hoạch định đã gắn cảng Đại Liên với sự tăng trưởng của Khu vực thương mại tự do ở Liêu Ninh.
9. Hạ Môn
Cảng Hạ Môn nằm ngay tại cửa sông Cửu Long thuộc tỉnh Phúc Kiến. Nằm trong khu vực đại lục có vị trí gần nhất với Đài Loan, cảng Hạ Môn là nơi đầu tiên vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến Cảng Đài Loan. Đến nay, cảng vẫn xử lý lượng lớn giao dịch xuyên eo biển.
Với vị trí nằm trải dài khoảng 30km dọc theo bờ biển, cảng trải rộng trên 12 khu vực khác nhau bao gồm cả sông và nước sâu. Cảng phục vụ hơn 65 tuyến vận chuyển và kết nối với hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Trung bình, cảng Hạ Môn xử lý khoảng 469 cuốc tàu mỗi tháng.
10. Dinh Khẩu
Nằm phía đông bắc Trung Quốc, cảng Dinh Khẩu đã xử lý 5,92 triệu TEUs hàng hóa trong năm 2016 và tiếp tục tăng trưởng. Là cảng lớn thứ hai ở khu vực phía đông bắc sau Đại Liên, cảng Dinh Khẩu là nơi chuyên cung cấp hàng nhập khẩu chính cho một số khu vực của Mông Cổ. Các loại hàng hóa chính tại đây bao gồm ngũ cốc, đường, khoáng sản, than, thép, và xe nhập khẩu.
Cảng Dinh Khẩu đã có lịch sử gần một thiên niên kỷ, với các giao dịch chủ yếu tại khu vực sông và ven biển. Các hoạt động hàng hải quốc tế chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1858. Trong hai thập kỷ qua, nhiều khoản đầu tư đã được thực hiện để phát triển cảng, bao gồm cả việc xây dựng một nhà ga container tại cảng Bá Ngư Khuyên. Năm 2015, cảng Dinh Khẩu lọt vào danh sách 50 cảng container hàng đầu thế giới.
Năm 2016, cảng đã ký kết hợp tác chiến lược với công ty Đường sắt Nga để xây dựng một nhà ga và trung tâm hậu cần quốc tế tại Nga.
Theo icontainers.com
dang.pham
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/10-thuong-cang-lon-nhat-trung-quoc-a958.html