Theo ông Trương Sỹ Bá, Tân Long Group đang gặp khó khăn trước những biến cố khôn lường của thị trường quốc tế và trong nước như: Khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19…, đưa thế giới vào suy thoái, lạm phát. Chưa kể, mặt bằng lãi suất tăng mạnh gây thêm khó khăn khủng khiếp cho doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, Tập đoàn Tân Long đã chưa có những quyết định kịp thời và chuẩn xác để ứng phó với những diễn biến khôn lường đã xảy ra. Để tồn tại, năm 2023 Tân Long bắt buộc phải tái cấu trúc (tổ chức lại lao động, sàng lọc, tinh giản bộ máy nhân sự, điều chỉnh thu nhập…) đối với toàn bộ hệ thống. Ông Bá nhấn mạnh, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới.
“Tôi, với vai trò người đứng đầu Tập đoàn thật sự xin lỗi các bạn vì đã thực sự chưa làm tốt vai trò của mình. Do vậy, chúng tôi buộc phải đưa ra các quyết định đau lòng ngoài ý muốn. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến những cán bộ công nhân viên nằm trong danh sách phải thôi việc trong đợt này do tái cấu trúc, cũng như những cán bộ công nhân viên còn ở lại phải bị giảm mức thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn, giúp Tân Long hoàn thành cuộc tái cấu trúc này”, ông Bá chia sẻ.
Được biết, Tập đoàn Tân Long là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, khoáng sản, thức năng chăn nuôi. Trong đó, Tân Long Group là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn bậc nhất Việt Nam, đồng thời cũng là "tay chơi" xuất khẩu lớn trên thị trường nông sản như gạo, điều thô.
Theo tìm hiểu, trong năm 2018, Tân Long Group đã thực hiện 2 đợt tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vào tháng 5/2018, tập đoàn này tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Khi ấy, ông Trương Sỹ Bá vẫn nắm giữ tới 88% cổ phần, tương ứng phần vốn có giá trị theo mệnh giá lên tới 1.056 tỷ đồng. Ít tháng sau đó, Tân Long Group tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ lên 2.200 tỷ đồng.
Trúng loạt gói thầu xuất khẩu lớn, giai đoạn 2018 - 2019, Tân Long Group lần lượt đem về 38.180 tỷ đồng và 38.137 tỷ đồng doanh thu. Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2017, Tân Long Group đều đặn ghi nhận doanh thu trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dẫu vậy, hiệu quả kinh doanh của Tân Long Group lại không ổn định. Các năm 2017 và 2019 tập đoàn này lần lượt báo lỗ 277 tỷ đồng và 493 tỷ đồng. Trong khi đó, các năm 2016 và 2018, tập đoàn của ông Trương Sỹ Bá chỉ báo lãi khiêm tốn, lần lượt đạt 39,4 và 29,5 tỷ đồng. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2019, Tân Long Group lỗ tới 701,1 tỷ đồng.
Không loại trừ khả năng Tân Long Group đã lỗ nặng từ nhiều năm trước đó, bởi tới cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tân Long co về còn 904 tỷ đồng, "hụt" 1.300 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu 2.200 tỷ đồng.
Năm 2022 cũng là năm Tân Long tuyên bố những tham vọng lớn với mảng heo. Trong lĩnh vực này, nổi bật phải kể đến Công ty CP Nông nghiệp BaF (MCK: BAF, thành viên của Tân Long Group, do ông Bá làm chủ tịch). Mới đây, BaF vừa ra mắt thương hiệu Heo ăn chay, sẽ được bán tại các cửa hàng riêng tự phát triển là SibaFood và MeatShop.
Báo cáo tài chính quý III/2022 của công ty cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm, BAF có doanh thu thuần đạt 4.889 tỷ đồng, giảm 46% và 286 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ mảng chăn nuôi tăng 95% so với cùng kỳ, đạt 955 tỷ đồng. Cùng với đó, giá heo hơi trung bình quý III tăng 21% so với năm trước, là nguyên nhân giúp lợi nhuận của BAF tăng.
Năm 2022, BAF đặt kế hoạch 5.950 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 402 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp hoàn thành 82% mục tiêu doanh thu, 71% mục tiêu lợi nhuận.
Mai Ngọc
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doanh-nghiep-cua-ong-truong-sy-ba-lam-an-ra-sao-truoc-khi-gui-tam-thu-xin-loi-nhan-vien-a9532.html