Các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp hiện nay

Con người luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự thành bại của mọi tổ chức, vì vậy mà công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Hãy cùng tìm hiểu những hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp hiện nay và thử xem hình thức nào sẽ phù hợp với công ty của bạn lúc này.

I. Phân loại hình thức nội dung đào tạo

1. Đào tạo theo định hướng công việc

Đây là hình thức đào tạo chú trọng vào việc nâng cao các kỹ năng và kinh nghiệm cho các nhân sự tại từng vị trí nhất định với một công việc cụ thể nào đó. Thông qua phương thức đào tạo này, nhân viên có thể áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã học ngay vào công việc hàng ngày của mình một cách dễ dàng nhất.

2. Đào tạo theo định hướng doanh nghiệp

Đối với hình thức này, việc đào tạo sẽ nghiêng về mặt kỹ năng mềm nhiều hơn. Đào tạo theo định hướng doanh nghiệp sẽ rèn luyện văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên và cách thức làm việc điển hình trong doanh nghiẹp. Tuy nhiên vì mỗi doanh nghiệp sẽ có một đặc điểm văn hóa và cách thức hoạt động khác nhau nên nếu nhân viên chuyển sang những doanh nghiệp khác thì rất khó để áp dụng những kiến thức đã học.

II. Phân loại hình thức đào tạo theo mục tiêu

1. Đào tạo và định hướng công việc

Đây là hình thức đào tạo sẽ cung cấp cho nhân viên các thông tin, kiến thức mới về công việc mà họ đang làm, đưa ra những chỉ dẫn để nhân viên có thể thực hiện các nhiệm vụ một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Hình thức đào tạo này thường áp dụng khi tuyển dụng nhân viên mới. Nhằm giúp họ có thể nhanh chóng thích nghi với văn hóa, môi trường, các quy định, cách thức làm việc của công ty.

2. Đào tạo và huấn luyện kỹ năng

Việc đào tạo và huấn luyện kỹ năng sẽ giúp nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc của họ. Hình thức đào tạo này thường nhằm mục đích giúp nhân sự trở nên thành thạo và lành nghề hơn, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

3. Đào tạo kỹ năng và an toàn lao động

An toàn lao động luôn là vấn đề được cá nhân, doanh nghiệp và cả xã hội coi trọng. Đào tạo kỹ năng an toàn lao động có nhiệm vụ hướng dẫn nhân viên làm việc một cách an toàn, thông qua đó phòng tránh các tai nạn lao động có thể xảy ra. Đây là hình thức đào tạo không thể thiếu trong các lĩnh vực đặc thù như thợ xây, thợ hàn, thợ điện, thợ mỏ,... Hay các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nguy hiểm như khai thác khoáng sản, luyện kim, xây dựng,...

4. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật

Hình thức này được đưa ra nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật của nhân viên, giúp cho đội ngũ cán bộ công nhân viên kỹ thuật cập nhật thêm nhiều ý kiến thức mới lạ, làm quen với nhiều phương thức làm việc mới, nâng cao kinh nghiệm. Các doanh nghiệp thường sẽ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho nhân viên của họ thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

1994993184-1670971353.jpeg
Ảnh minh hoạ.

III. Phân loại hình thức đào tạo theo cách thức tổ chức

1. Đào tạo chính quy

Hình thức này thường yêu cầu nhân viên phải tạm dừng công việc hiện tại một thời gian và tham gia vào các khóa học đào tạo được tổ chức chính quy. Đây là phương thức đào tạo được đánh giá là hiệu quả và sẽ cho ra nguồn nhân lực có chất lượng. Tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ hạn chế số lượng tham gia các khóa học chính quy vì nếu đưa đi học quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của mình.

2. Đào tạo tại chức

Khác với hình thức chính quy, đào tạo tại chức cho phép các nhân viên vừa đi học mà vừa có thể đi làm. Các cán bộ nhân viên có thể tham gia các khóa đào tạo ngoài giờ làm việc, hoặc có thể thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn của giờ làm việc. Tùy vào tình hình và quy mô, công ty sẽ cân nhắc số lượng nhân viên tham gia các khóa học này.

IV. Phân loại hình thức đào tạo theo địa điểm

1. Đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc

Đây là hình thức mà nhân viên có thể được đào tạo ngay tại chính công ty mà mình đang làm việc. Nhân viên sẽ được hướng dẫn, chỉ bảo ngay tại doanh nghiệp bởi những đồng nghiệp đã có kinh nghiệm trước đó hoặc bởi các lãnh đạo và quản lý cấp cao trong công ty. Hình thức này giúp người lao động có thể vừa học vừa thực hành ngay trong công việc hàng ngày để rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn của mình.

2. Đào tạo thông qua hội thảo

Hội thảo chính là những buổi họp, những buổi thuyết trình hay chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm nhằm đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ cho nhân viên. Đây cũng là một hình thức đào tạo rất phổ biến, giúp nhân viên được trò chuyện cởi mở và chia sẻ những thắc mắc của mình để cùng tìm ra câu trả lời.

3. Đào tạo thông qua lớp học

Đào tạo thông qua lớp học là một hình thức đào tạo quen thuộc và được phổ biến trong nhiều công ty. Doanh nghiệp sẽ gửi nhân viên của mình tham gia các lớp học bên ngoài hoặc mời các chuyên gia về công ty để đào tạo cho nhân viên. Những kiến thức đưa ra dựa trên kinh nghiệm thực tế của giảng viên nên học viên dễ dàng tiếp thu và vận dụng hiệu quả. Hình thức đào tạo này rất phổ biến tuy nhiên nó cũng có điểm yếu là tiêu tốn khá nhiều chi phí và thời gian, vậy nên cũng cần cân nhắc khi lựa chọn.

4. Đào tạo trực tuyến (online)

Hình thức đào tạo trực tuyến hay còn gọi là E-Learning là một mô hình đào tạo còn khá mới mẻ nhưng đã được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Không cần phòng học hay những thiết bị quá cầu kỳ, mỗi người chỉ cần có một máy tính kết nối được với Internet cùng với một tài khoản để truy nhập vào trang của nhà cung cấp khóa học là đã có thể thực hiện việc học tập dễ dàng. Phương thức này có một nhược điểm là nó hạn chế sự tương tác giữa học viên và giảng viên, tuy nhiên lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.

5. Đào tạo kết hợp (Blended Training)

Đây là một phương pháp đào tạo nhân lực được đánh giá cao nhờ vào hiệu quả mang lại. Với hình thức này, người học vừa tự học trên máy tính, vừa được tham gia vào các buổi học tập trung để được thực hành những kiến thức đã học. Đồng thời nhận được sự trợ giúp và giải đáp các thắc mắc từ các giảng viên. Đào tạo kết hợp vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo thời gian làm việc không bị gián đoạn, tiết kiệm được chi phí mà chất lượng học tập của nhân viên cũng không bị ảnh hưởng.

quy-trinh-dao-tao-nhan-vien-moi-hieu-qua-can-thuc-hien-nhu-the-nao-1670971396.jpeg
Ảnh minh hoạ.

V. Phân loại theo đối tượng học viên

1. Đào tạo nhân viên mới

Phương pháp đào tạo này dành cho những lao động chưa có trình độ và kinh nghiệm làm việc. Những nhân viên này có thể người mới lần đầu đi làm hoặc đã làm việc nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm hay kỹ năng làm việc. Họ sẽ được đào tạo lại từ đầu, từ những kiến thức cơ bản nhất để hiểu nhiệm vụ và áp dụng vào công việc hiệu quả.

2. Đào tạo nhân viên đã có kỹ năng

Khác với phương thức đào tạo ở trên, hình thức đào tạo này dành cho những nhân viên đã có trình độ, kỹ năng nhưng cần thay đổi vị trí làm việc hoặc do yêu cầu của công việc cao hơn. Họ sẽ được đào tạo để phù hợp với nhiệm vụ mới và có thể thực hiện công việc đó một cách tốt nhất.

VI. Một số phân loại hình thức đào tạo khác

1. Kèm cặp nhân viên trực tiếp

Đây là một hình thức đào tạo nội bộ, các cấp quản lý sẽ trực tiếp kèm cặp nhân viên trong môi trường làm việc. Tuy là một phương pháp truyền thống quen thuộc nhưng hình thức này cho hiệu quả rất nhanh chóng, khi gặp khó khăn, nhân viên có thể trực tiếp hỏi và nhận được hỗ trợ từ quản lý. Các quản lý cũng có thể thường xuyên theo sát, theo dõi quá trình làm việc của nhân viên, kịp thời giúp đỡ để họ hoàn thành tốt công việc và tiến bộ nhanh hơn.

2. Đào tạo tổng thể nhân viên theo định kỳ

Doanh nghiệp cũng có thể đào tạo toàn bộ nhân viên thông qua các buổi đào tạo được tổ chức định kỳ. Công ty có thể mời những chuyên gia từ bên ngoài, các đối tác của công ty hay chính các quản lý có kinh nghiệm để đối thoại trực tiếp với nhân viên. 

3. Xây dựng văn hóa đọc tại nơi làm việc

Sách là nguồn tri thức bất tận cho con người, vì vậy, việc xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp cũng là một cách đào tạo rất hiệu quả. Có thể tổ chức các buổi đọc sách cho nhân viên, ở đây nhân viên có thể cùng nhau chia sẻ những kiến thức bổ ích từ sách, cùng nhau đọc, tìm hiểu nội dung và thuyết trình với mọi người. Đây là phương pháp đào tạo vừa giúp nhân viên nâng cao kiến thức, vừa giúp xây dựng một nét đẹp văn hóa ở nơi làm việc.

4. Sử dụng những người đã được đào tạo để đi đào tạo nhân viên mới

Đây là một phương thức đào tạo giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí và tối ưu thời gian làm việc cho các nhân sự. Công ty có thể chọn ra những nhân viên có tiềm năng, có khả năng tiếp thu tốt và biết cách truyền đạt để cử đi tham gia các khóa học. Sau đó có thể tổ chức các buổi học để những nhân viên này truyền đạt lại kiến thức cho những người khác trong công ty.

5. Thăng tiến chức vụ cho nhân viên

Thăng chức cho nhân viên cũng là một cách đào tạo hiệu quả. Hình thức này là cách để công ty động viên những nhân sự giỏi, luôn nỗ lực đóng góp nhiều cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách công ty khuyến khích các nhân viên tiếp tục phát huy năng lực, không ngừng học hỏi để phát triển bản thân và vươn lên những vị trí cao hơn nữa.

6. Luân chuyển vị trí làm việc của nhân viên

Việc luân chuyển vị trí làm việc sẽ giúp nhân viên được trải nghiệm nhiều công việc ở nhiều vị trí khác nhau, để họ được tiếp xúc và rèn luyện với nhiệm vụ mới, từ đó có thể tích lũy thêm nhiều kỹ năng cứng và tìm ra được vị trí mà mình giỏi nhất. Đồng thời, nhân viên cũng có thể khai phá những năng lực mới của bản thân, trau dồi kinh nghiệm và có nhiều cơ hội để thử thách bản thân hơn.

 

Theo Việc Làm

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-hinh-thuc-dao-tao-nguon-nhan-luc-trong-doanh-nghiep-hien-nay-a9490.html