Trong cuộc họp HĐQT ngày 9/12 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải. Việc từ nhiệm của ông Hải kể từ ngày 14/12/2022. Đồng thời, HBC đã thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập và thành viên Ủy ban Kiểm toán, giữ chúc chủ tịch HĐQT thay ông Hải kể từ ngày 14/12/2022.
Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng chấp thuận đề xuất của ông Lê Viết Hải về việc thành lập Hội đồng Sáng lập. HĐQT Hòa Bình sẽ xem xét việc bổ nhiệm lại các chức danh trong Ban điều hành Tập đoàn theo đúng quy định của pháp luật.
Một số nguồn thông tin từ giới thạo tin cho biết, đang có cuộc 'đảo chính' ở thượng tầng Hòa Bình và ông Hải đang chịu sức éo từ một nhóm cổ đông lớn về những chiến lược gần đây của Hòa Bình.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí ông Hải cho biết, ông có kế hoạch từ đầu năm 2023 sẽ thôi làm chủ tịch và thành viên HĐQT vì theo quy định, tổng giám đốc công ty không được có quan hệ trực hệ với thành viên trong HĐQT. Quy định đó khiến cho HBC không có tổng giám đốc.
"Hiện nay, ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải - từng làm tổng giám đốc giai đoạn 2020 - 2022 - PV) thực hiện việc quản lý điều hành với chức danh phó tổng giám đốc thường trực. Như vậy thì có hơi bất tiện trong quản lý điều hành công ty, thành ra tôi phải rút lui tạo điều kiện cho Hiếu làm tổng giám đốc", ông Viết Hải nói.
Ông Lê Viết Hải cho biết thêm, mặc dù từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, song ông vẫn quản lý công ty, với danh nghĩa chủ tịch hội đồng sáng lập.
Tính đến hết ngày 25/8, ông Hải đang nắm giữ gần 44 triệu cổ phiếu HBC, tỷ lệ 16,019% vốn điều lệ tại HBC. Tính theo thị giá, số cổ phần này tương đương 505 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, sau 35 năm phát triển, Hòa Bình đã vươn lên vị trí hàng đầu. Đó là một thành tích thật xuất sắc. Hiện nay, Hòa Bình đã có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc với những giá trị cốt lõi đã được hình thành.
Theo ông Hải, 4 giá trị then chốt đó là ’Tử tế - Tiên phong – Kỷ cương – Kiên cường' được ông trân quý, tiếp tục được gìn giữ và phát huy hơn nữa.
“Thành quả 35 năm rất đáng tự hào kia sẽ là hành trang để Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chuẩn bị kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022 – 2032) với định hướng phát triển ra thị trường nước ngoài, đến năm 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đô la, lợi nhuận gần 1 tỷ đô la và lan tỏa văn hóa yêu chuộng màu xanh hòa bình, màu xanh của sự phát triển bền vững”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho hay.
Chân dung Tân Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Để thay vào ghế trống mà ông Lê Viết Hải vừa rời đi, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập và thành viên Ủy ban Kiểm toán, là chủ tịch HĐQT HBC kể từ ngày 14/12/2022.
Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị nhưng sinh tại Quảng Nam. Sau năm 1954 sinh sống tại Huế, tốt nghiệp kỹ sư tạo tác - thủy lợi, khoá đầu tiên tại Đại học Khoa học - Huế. Năm 1993, ông trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy bằng tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm - Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris và trong suốt quá trình công tác đến năm 2021 đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau hơn 20 năm học tập, làm việc tại Pháp và 50 quốc gia trên thế giới, năm 1995, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã đưa Apave - Pháp, một tập đoàn có 150 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giám định đến Việt Nam. Ông thuyết phục được ban lãnh đạo tập đoàn về chiến lược từ Việt Nam là "căn cứ" để mở rộng phát triển ra các nước châu Á. Năm 1996, Apave Việt Nam & Đông Nam Á ra đời (nay là Apave châu Á - Thái Bình Dương), dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Nguyễn Công Phú, công ty đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực giám định kỹ thuật, đào tạo và tư vấn.
Apave Việt Nam & Đông Nam Á đã tiên phong giới thiệu và thúc đẩy áp dụng các giải pháp quản lý chất lượng, môi trường, thử nghiệm không phá hủy, tư vấn giám định độc lập… tại Việt Nam. Đồng thời tổ chức nhiều buổi trao đổi, chia sẻ ở trong nước, giới thiệu đến hàng loạt doanh nghiệp về ISO 9000, ISO 14000, HACCP, SA 8000 ở hầu hết các lĩnh vực như dầu khí, xây dựng, viễn thông, hàng không, cơ khí, thực phẩm… Hoạt động này góp phần thay đổi tư duy và cách điều hành về quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Nỗ lực đóng góp cho Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã làm việc với Bộ Xây dựng đóng góp công sức trong việc xây dựng văn bản, quy định pháp luật về tư vấn giám sát và quản lý dự án cho công trình dân dụng và công nghiệp. Từ năm 2015, trên tất cả công trường, dự án Apave làm tư vấn đều có yêu cầu chất lượng, an toàn, xanh sạch đặt ở vị trí trung tâm, cùng các bản cam kết và thuyết phục để nhà thầu, chủ đầu tư phải đảm bảo những yêu cầu trên.
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú từng chia sẻ: "Người Việt Nam không thua kém bất kỳ ai. Tôi tin mình có thể tạo ra đội ngũ kỹ sư mang tầm quốc tế". Vì vậy, từ ngày thành lập với 30 nhân viên, đến nay, công ty do ông làm Tổng giám đốc đã đào tạo và quy tụ được đội ngũ 1.000 kiến trúc sư, kỹ sư, giám định viên… Văn phòng công ty mở xuyên Việt và liên tục mở công ty thành viên ở Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Ấn Độ… Với chiến lược phát huy trí tuệ Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đưa gần 70 kỹ sư sang Tripoli giữ vai trò tư vấn giám sát tại nhà ga sân bay quốc tế Tripoli của Libia trong 2 năm. Hàng trăm kỹ sư của Apave đang hoạt động trên khắp các nước.
Ngày 20/7/2021, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú trở thành thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa BÌnh.
Chân dung người sắp trở lại làm CEO của Hòa Bình
Ngày 9/8/2022, sau gần một tháng thôi chức tổng giám đốc, doanh nhân 9X Lê Viết Hiếu - con trai ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - đã được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Ngoài chức vụ này, ông Lê Viết Hiếu còn được giao làm trưởng tiểu ban Phát triển thị trường nước ngoài trực thuộc HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Tiểu ban này vừa được thành lập trong bối cảnh Chủ tịch Hòa Bình tham vọng bành trướng hoạt động khỏi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển 10 năm tới.
Trước đó như Nhaquanly.vn đã thông tin, ngày 18/7, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có quyết nghị thông qua việc ông Lê Viết Hiếu thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc HBC kể từ ngày 23.7.2022. Thay vào đó, ông Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực HBC cũng kể từ thời điểm này.
Ngoài chức danh trong ban giám đốc, ông Hiếu hiện cũng là thành viên HĐQT của Hoà Bình. Ông đang sở hữu hơn 1,1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 0,46% vốn. Động thái chuyển ông Lê Viết Hiếu từ CEO sang Phó TGĐ thường trực gây bất ngờ cho nhiều người.
Tuy nhiên, được biết, việc thay đổi này nhằm đáp ứng quy định tại Khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đại chúng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;
c) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.
Do ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT và Lê Viết Hiếu - CEO là cha con, là quan hệ gia đình nên ông Hiếu không thể tiếp tục giữ vị trí CEO của Tập đoàn xây dựng này.
Trước đó, tháng 7.2020, HĐQT của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình sẽ thôi kiêm nhiệm vị trí CEO từ ngày 23.7. Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình là ông Lê Viết Hiếu, con trai Chủ tịch Lê Viết Hải. Trước đó, ông Hiếu là Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của doanh nghiệp xây dựng này. Nhiệm kỳ CEO của ông Hiếu là 2 năm.
Ông Hiếu lên nắm vị trí TGĐ của Hòa Bình trong bối cảnh các doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn trăm bề bởi đại dịch Covid. Chính sách giãn cách xã hội khiến các công trình bị gián đoạn thi công, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã làm tăng chi phí xây dựng cho các nhà thầu.
Trong 2 năm qua, Hòa Bình cho biết đã tái cấu trúc toàn diện từ mô hình kinh doanh đến hệ thống quản lý và tài chính, trong đó bao gồm việc chuyển giao quyền quản lý. Đến tháng 11/2021, Hòa Bình vượt đối thủ cạnh tranh để vươn lên trở thành doanh nghiệp xây dựng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên được tổ chức vào tháng 4/2022, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt tổng doanh thu là 17.500 đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng; tăng lần lượt 54,1% và 261% so với kết quả năm 2021.
Ngoài ra, HBC cũng đưa ra kế hoạch với chỉ tiêu trúng thầu là 20.000 tỷ đồng, trong đó chỉ tiêu trúng thầu dân dụng là 15.000 tỷ đồng và chỉ tiêu trúng thầu công nghiệp 5.000 tỷ đồng.
Minh Quân
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bat-ngo-tu-chuc-chu-tich-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-ong-le-viet-hai-noi-gi-a9488.html