“Shark Thuỷ” – Từ vai trò của một nhà đầu tư quyền lực ở chương trình “Thương vụ bạc tỷ” đến cảnh phải xin khất nợ

Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (SN 1982, quê Hà Nội) hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup; Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings (MCK: IBC); Chủ tịch HĐQT Công ty CP Anh ngữ APAX. Ông Thuỷ được nhiều người biết đến khi đảm nhiệm vai trò một nhà đầu tư ở chương trình “Thương vụ bạc tỷ” (Shark Tank Việt Nam).

Hoạt động kinh doanh sa sút

Thời gian gần đây, hàng loạt các nhà đầu tư liên tục “tố” ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn được gọi là Shark Thủy) không thanh toán cả gốc lẫn lãi cho khoản đầu tư nhiều tỷ đồng của họ vào Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup) và hệ sinh thái của ông này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Shark Thuỷ còn bị nhân viên “tố” nợ lương nhiều tháng. Đồng thời, nhiều phụ huynh cũng đòi lại tiền đã đóng vào trung tâm tiếng Anh của Shark Thuỷ, vì ôm tiền nhưng không thực hiện việc giảng dạy.

z3917537114344-fc5515b9a985644ecd9f2bf0cbd51b8e20221128172350-1670466740.jpeg
Rất nhiều nhà đầu tư đã căng băng rôn đòi tiền Shark Thuỷ.

Qua tìm hiểu, hệ sinh thái trong hoạt động kinh doanh của Shark Thuỷ  được quảng cáo có hàng trăm trung tâm Tiếng Anh Apax English – Apax Leaders, hàng chục trường mầm non STEAMe GARTEN, 11 Viện trị liệu thẩm mỹ Yakson Beauty; 50 cửa hàng Soya Garden trên toàn quốc và 12 trung tâm CMS (chương trình giáo dục sớm cho trẻ thời 4.0) và 1 trung tâm trải nghiệm STEM chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, trong hệ sinh thái của Shark Thuỷ nổi bật nhất phải kể đến Công ty Apax Holdings khi đã lên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khi đang sở hữu chuỗi thương hiệu về dạy tiếng Anh.

Hiện nay, IBC đang có 3 công ty con là Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English), Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarden và Công ty cổ phần Trường liên cấp Firbank Australia, cùng 3 công ty liên kết là Công ty cổ phần Tập đoàn hạ tầng giáo dục, Công ty cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo CMS, Công ty cổ phần Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.

Tuy nhiên, theo báo cáo hợp nhất quý 3/2022, IBC ghi nhận doanh thu thuần gần 374 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế giảm chỉ còn 2,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 776 triệu đồng trong khi quý 3/2021 lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng. Trong quý này, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 6,4 tỷ đồng. Apax Holding có vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỷ đồng nhưng nợ phải trả hơn 3.122 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Apax Holdings đạt gần 1.043 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 12% đạt 38,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 23,7 tỷ đồng. Tới cuối quý III/2022, Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả là 3.190 tỷ đồng.

Thừa nhận khó khăn, xin khất nợ

Vừa qua, IBC đã bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế thuế hơn 5,625 tỷ đồng; trong đó, thuế thu nhập cá nhân là hơn 1,6 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 3,4 tỷ đồng; tiền chậm nộp các loại thuế là gần 559 triệu đồng.

Còn trên thị trường chứng khoán, sau loạt lùm xùm liên quan, cổ phiếu IBC liên tục giảm mạnh. Tính đến phiên 06/12/2022, cổ phiếu IBC của Apax Holdings tiếp tục chuỗi ngày giảm sàn, xuống còn 7.600 VNĐ/cổ phiếu. Từ đầu tháng 11, cổ phiếu IBC đã mất 56% giá trị khi liên tục giảm sàn từ mức giá đóng cửa phiên ngày 1/11 là 18.450 VNĐ/cp.

Trước tình khó khăn bủa vậy hiện tại, ông Thuỷ cho rằng, những lùm xùm về phụ huynh đòi tiền, nhân viên tố nợ lương “làm ảnh hưởng lòng tin của phụ huynh đối với thương hiệu mà tập thể Apax Leaders đã tâm huyết gây dựng suốt 7 năm qua”.

Ông Thuỷ cho biết, đã trực tiếp gặp gỡ phụ huynh, học sinh ở một số trung tâm để các phụ huynh thông cảm, cho thêm thời gian để tái cấu trúc toàn hệ thống. Đồng thời, Chủ tịch Apax Holdings cũng đối thoại với các nhà đầu tư, cổ đông, đối tác để hoãn, giãn thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận để Apax tập trung nguồn lực cho việc tái cấu trúc.

Trước đó, Apax Leaders đã đưa ra thông báo về việc tái cấu trúc các trung tâm đào tạo của mình từ ngày 25/11và dự kiến kết thúc vào hết quý I/2023.

317951650-537585258385323-546374135465899443-n-1670466818.jpeg
Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đã phải lên tiếng xin nhà đầu tư cho thêm thời gian để tái cơ cấu.

Cụ thể, Apax sẽ tiếp tục duy trì hoạt động bình thường tại nhóm các trung tâm đủ điều kiện vận hành, đồng thời tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính, nhân sự để hoàn thiện dần các mặt còn thiếu và yếu như sách, phần mềm, giáo viên và các vấn đề về vận hành khác nhằm đưa chất lượng đào tạo tiến dần với mức tiêu chuẩn đã cam kết sau đợt tái cấu trúc.

Với nhóm các trung tâm chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về vận hành, Apax bắt buộc phải tiến hành tái cấu trúc toàn diện trung tâm nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động trước khi tái khai trương và quay trở lại hoạt động.

Trong thời gian tái cấu trúc, phía Apax Leaders cho biết các trung tâm nhóm này sẽ triển khai kế hoạch hoạt động như sau: Tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp (offline) tại trung tâm cho đến ngày tái khai trương, quay trở lại hoạt động và không muộn hơn ngày 31/3/2023…

Đối với đối tác, nhà cung cấp, các phụ huynh đã cho con nghỉ học và các bên thứ ba khác, phía Apax sẽ lên phương án và thương thảo các lộ trình thực hiện liên quan tới các nghĩa vụ tài chính cũng như chuyển đổi hợp tác giữa các bên sau khi Apax kết thúc quá trình tái cấu trúc hệ thống.

Đối với cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Apax, công ty cho biết sẽ bảo các chế độ đãi ngộ phù hợp. Đối với các cán bộ, nhân viên đã nghỉ việc, Apax sẽ có các kế hoạch xử lý hồ sơ và chế độ sau khi Apax kết thúc quá trình tái cấu trúc hệ thống.

Mai Ngọc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/shark-thuy-tu-vai-tro-cua-mot-nha-dau-tu-quyen-luc-o-chuong-trinh-thuong-vu-bac-ty-den-canh-phai-xin-khat-no-a9449.html