Nói về năm 2022, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá: "Tôi thấy có hai giai đoạn, đầu năm "hưng phấn", giữa và cuối năm trầm lắng. Nguồn cung và cầu đều giảm mạnh. Việc cấp phép, xin các dự án mới đều giảm...".
Số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách tín dụng cùng việc kiểm soát thị trường bất động sản đã khiến nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng. Nếu năm 2018, tổng nguồn cung căn hộ mới đưa ra thị trường đạt gần 180.000 sản phẩm thì sang năm 2019 giảm còn gần 110.000 sản phẩm, năm 2020 là 90.000 sản phẩm và năm 2021 là hơn 50.000 sản phẩm. Nguồn cung bất động sản từ đầu năm 2022 đến nay cũng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III-2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS (HoREA) cho hay, thị trường đang có sự lệch pha cung - cầu, thiếu an toàn, thiếu ổn định do sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật… Nhiều dự án vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng... nên nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.
Dự báo về thị trường BĐS năm 2023, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường vẫn tiếp tục xấu, nhưng có hi vọng vào quý 2 và 3/2023. Thị trường sẽ phục hồi và phát triển ổn định lại vào 2025.
“Theo tôi việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đánh giá, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho thị trường là hành động kịp thời, đúng lúc. Vì hiện nay bất động sản nói chung không có lối thoát về mặt giao dịch, room tín dụng, nguồn vốn rất khó khăn. Cần có sự hỗ trợ của tất cả các ngành chứ không riêng lĩnh vực nào đó, không riêng Bộ Xây dựng tháo gỡ về mặt pháp lý, hay không riêng ngân hàng hỗ trợ về mặt tài chính, mà rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành hỗ trợ cho thị trường bất động sản đi lên một cách lành mạnh, minh bạch hơn…”, ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn tiền, về vốn. Theo đó, thứ nhất phải giải quyết được câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đối với doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hoặc một số doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có thể chúng ta vào hỗ trợ xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người mua trái phiếu, đồng thời ổn định thị trường.
Thứ hai về mặt ngân hàng, hiện mở room tín dụng cũng khó, nếu có mở thì cũng khó rót tiền tới doanh nghiệp bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản không thuộc đối tượng ưu tiên. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất khác hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn..
Thứ ba về mặt lãi suất cho vay. Tôi nghĩ lãi suất là chính sách chung của Chính phủ, làm sao kéo lãi suất cho vay về khoảng 12% là hợp lý, hiện nay lãi suất ở một số ngân hàng lên tới 16% thì khó làm được gì.
Về mặt pháp lý, nên đưa ra những chính sách giải quyết liên quan tới đất công. Cụ thể cần đơn giản hoá thủ tục về cấp phép xây dựng đối với các dự án.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.
Để phục hồi kinh tế và phát triển thị trường bất động sản năm 2023, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam chia sẻ, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, gồm giải ngân vốn đầu tư công, "bơm" tiền vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, kích cầu… cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản trong việc kết nối vùng, đô thị vệ tinh. Để phát triển các đại đô thị rất cần các dự án hạ tầng kết nối kinh tế vùng”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai các dự án bất động sản.
Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tuy nhiên, để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện.
Mai Ngọc
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-chuyen-gia-nhan-dinh-nhu-the-nao-ve-thi-truong-bds-nam-2023-a9405.html