Vào thời điểm dịch Covid-19 tấn công vào tất cả thị trường kinh doanh, thách thức lớn nhất của CGV lúc đó là dòng tiền. Hệ thống này đã phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian đó bởi doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0.
Đến hiện tại, sau một năm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và thị trường có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, GV đã thu về 405 tỷ won, xấp xỉ 300 triệu USD, trong quý vừa qua. Bên cạnh doanh thu có được từ Việt Nam, còn có Hàn Quốc và Indonesia. Con số này tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và 25% so với quý liền trước.
Lợi nhuận gộp của CGV đạt 153 tỷ won, tương đương 113 triệu USD, tăng tới 405% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ thời điểm xuất hiện Covid-19, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này kéo lợi nhuận hoạt động lên giá trị dương (7,7 tỷ won) nhờ hiệu suất kinh doanh tích cực từ các thị trường, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hoạt động 77,5 tỷ USD, tương đương 57,2 triệu USD.
Dẫu vậy, sau khi khấu trừ các loại chi phí bao gồm nghĩa vụ thuế doanh nghiệp, CGV vẫn lỗ 38,3 tỷ won, tương đương 28,2 triệu USD. Cùng kỳ năm ngoái, rạp phim lỗ sau thuế hơn 90 triệu USD.
Bộ phim bom tấn “Avatar II” đang được CGV kỳ vọng sẽ giúp doanh thu quý IV tiếp tục tăng cao. Hai thị trường khác của CGV là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được dự báo cải thiện lợi nhuận hoạt động.
Hiện tại, chuỗi rạp phim CGV đã có mặt tại hàng loạt thị trường lớn, đông dân như Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam. Trong đó, doanh thu của CGV đang đạt con số khủng nhất tại Hàn Quốc và Trung Quốc, và Việt Nam là quốc gia có doanh thu xếp thứ 3. Theo đó, số lượng rạp và phòng chiếu CGV ở thị trường Việt Nam áp đảo hơn hẳn so với Indonesia, Mỹ và Myanmar. Cụ thể, Việt Nam có 81 rạp CGV trên toàn quốc với số lượng phòng chiếu lên tới 475.
Năm 2011, CGV chính thức bước vào thị trường Việt Nam sau thương vụ chi 70 triệu USD thâu tóm Công ty Envoy Media Partners (chủ sở hữu cụm rạp MegaStar). Đến năm 2013, tập đoàn CJ CGV Hàn Quốc chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV. Đến nay, CJ CGV Hàn Quốc nắm giữ 51% thị phần toàn quốc.
Quý III, doanh thu của CGV Việt Nam tăng hơn 50 lần so với năm ngoái, tức đạt 45,5 tỷ won, tương đương 834 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu 900 triệu won ở cùng kỳ năm ngoái là một con số hoàn toàn chấp nhận được bởi thị trường khi đó đều bị ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh, toàn bộ cụm rạp phim tại Việt Nam phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh.
Nhờ mức doanh thu đột phá của Quý III này, lợi nhuận hoạt động của CGV Việt Nam đã đạt 3,4 tỷ won, tương đương 62 tỷ đồng. Lãi hệ số EBITDA (sau lãi vay, thuế và khấu hao) đạt 13 tỷ won, tương đương 238 tỷ đồng.
Doanh thu của CGV Việt Nam những năm đầu ghi nhận mức tăng trưởng tương đối ổn định. Cụ thể, vào năm 2016, doanh thu thuần của chuỗi CGV tại Việt Nam đạt 2.140 tỷ đồng, lãi gộp 369 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 17%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 93 tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu thuần của công ty đạt 2.623 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 466 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh thu thuần của CGV Việt Nam đạt 2.880 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 351 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng báo lãi 106 tỷ đồng trong năm 2017 nhưng đến năm 2018, ghi nhận mức lỗ 38 tỷ đồng.
Trong năm 2019, doanh thu của CGV đạt 3.708 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 29%. Cũng trong năm 2019, doanh nghiệp này báo lãi mức cao nhất từ khi thành lập là 122 tỷ đồng.
Xuân Thương