Sự kiện thu hút hơn 300 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành về chuyển đổi số du lịch đến từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ, lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh, cán bộ quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch cấp huyện, các doanh nghiệp du lịch tại địa phương.
Đặc biệt Á hậu 2 Hoa hậu du lịch 2022 – Trần Nguyễn Phương Thanh và Hoa hậu Châu Á 2018 – Kim Nguyên cũng đã có mặt tham dự sự kiện để góp phần quảng bá cho du lịch Long An. Chương trình đồng thời còn được trực tuyến Livestream trên Youtube và Fanpage do VNPT tỉnh Long An thực hiện.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Long An cho biết: Long An xác định năm 2022 là “Năm hành động, tạo bước ngoặt chiến lược về chuyển đổi số”, nên quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhằm đưa du lịch Long An trở thành ngành kinh tế quan trọng có đóng góp tích cực vào GDP của tỉnh nói riêng và của khu vực nói chung.
Sở VHTT&DL đã xây dựng bản đồ số tuyến điểm và cơ sở phục vụ du lịch tỉnh Long An, nhằm thiết lập hệ tọa độ chỉ dẫn tuyến điểm du lịch trên toàn địa bàn tỉnh, đồng thời cắm mốc định vị, thuyết minh điểm đến, điểm dừng, cơ sở phục vụ du lịch trên nền tảng số, tạo kênh thông tin, tìm kiếm sinh động, hiệu quả, khách du lịch có thể truy cập bản đồ số này để tra cứu mức độ an toàn của điểm đến, từ đó xây dựng hành trình du lịch an toàn, thuận tiện trên địa bàn tỉnh Long An. Ngoài ra, Sở còn phối hợp VNPT Long An triển khai thí điểm “Cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh”.
Tại Diễn đàn các chuyên gia đã thông tin những thời cơ mà các doanh nghiệp du lịch cũng như quản lý nhà nước các cấp có được khi tiến trình Chuyển đổi số du lịch Long An diễn ra sâu rộng. Đồng thời cũng đưa ra các khuyến nghị để các doanh nghiệp du lịch Long An và các cơ quan quản lý ngành du lịch địa phương thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch DTS Group chia sẻ: Chuyển đổi số du lịch tại Long An trước hết sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Long An định vị hình ảnh của mình trên môi trường số, quảng bá hoạt động của doanh nghiệp mình, từ đó sẽ nâng cao được hiệu quả kinh tế. Việc tiếp cận được thông tin từ môi trường số và áp dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đáng kể.
Ông Trương Gia Bảo cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Long An cần xác định mức độ và phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp mình để có những giải pháp chuyển đổi số phù hợp, sát thực tế, không tốn nhiều thời gian và chi phí.
TS Trương Minh Thành – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh yếu tố đào tạo “con người số” với năng lực số bao gồm cả kỹ năng số và văn hoá ứng xử, thái độ, hành vi trên môi trường số. Ông Thành cho rằng đây là một quá trình lâu dài và cần quan tâm đối với nguồn nhân lực ngay từ khi còn học ở bậc phổ thông để có những nội dung đào tạo, cung cấp kiến thức số phù hợp.
TS. Nguyễn Thúy Lan Chi – Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật công nghệ Văn Lang cho rằng, nguồn nhân lực số tại các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch cũng rất cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Du lịch là một ngành khá đặc thù nên đối với cán bộ quản lý Du lịch cần phải có bộ khung chương trình nâng cao năng lực số riêng, đặc thù chứ không gộp chung như các ngành khác.
Bà Lan Chi viện dẫn khái niệm “net – citizen” mà chuyên gia Trương Gia Bảo đề cập, nếu cán bộ quản lý du lịch không kịp thời cập nhật các xu hướng số trong quảng bá du lịch thì sẽ khó tham mưu để hoạch định được chính sách cho phát triển du lịch số ngay tại địa phương hoặc lĩnh vực mình phụ trách.
Đến từ Đại học Bách Khoa, TS. Lê Trọng Nhân là một chuyên gia thực chiến nhiều năm liền đồng hành trong các dự án nghiên cứu và chế tạo, phát minh ra các sản phẩm, dụng cụ thông minh phục vụ trong chuyển đổi số du lịch tại các địa phương chia sẻ: Các ứng dụng về thực tế ảo, blockchain hay trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể mở ra cơ hội rộng mở để Long An phát triển mạnh mẽ du lịch đặc thù gắn với nông thôn mới, ví dụ như: hành trình du khảo văn hoá miệt vườn Long An, du lịch nông thôn mới gắn với quảng bá sản vật đặc hữu, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP và nông sản địa phương, du lịch tâm linh, tín ngưỡng, văn hoá,… ngay cả số hoá cả các thực đơn, món ăn tiêu biểu của tỉnh.
Tiếp lời TS. Lê Trọng Nhân, ông Trương Gia Bảo đã chia sẻ clip Metaverse về Bánh mì Việt Nam để chia sẻ về Dự án bảo tồn văn hoá ẩm thực địa phương, nâng tầm thành thương hiệu quốc gia, thương hiệu quốc tế bằng công nghệ Metaverse, NFT, thực tế ảo. Diễn đàn cũng đã lần đầu tiên giới thiệu du lịch Long An bằng E-Magazines, loại hình báo điện tử mang tính xu hướng mới hiện nay.
Sau diễn đàn, tất cả đại biểu đã được tập huấn những nội dung trọng tâm, cụ thể cho việc nâng cao kỹ năng quảng bá sáng tạo du lịch Long An trên môi trường số do Cty CP Công nghệ Haravan triển khai.
Được biết, sau diễn đàn Chuyển đổi số du lịch Long An và Tập huấn quảng bá du lịch Long An sáng tạo với kỹ năng số lần này, Sở VHTT&DL tỉnh Long An sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị, chuyên gia để triển khai hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch trong năm 2023 để không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch Long An đạt được mục tiêu đề ra.
Thục Ny