Doanh nghiệp “vùng vẫy” đi tìm lối thoát cho mình

Nguồn vốn, chính là bài toán hiện nay của tất cả các doanh nghiệp, nếu như không muốn “chết” trên đống tài sản. Đặc biệt phải kể đến là doanh nghiệp bất động sản. Trước sự khó khăn của thị trường, nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp đã phải “đau đớn” cắt giảm một lượng nhân sự lớn, chấp nhận giảm giá bán sản phẩm…với hi vọng có tiền để tiếp tục được “hơi thở”.

Đói vốn

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại trước đã”.

Theo đó, có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như: dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO... Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

123343598-691325438161146-311368966826405373-n-1668034867.jpg
Nhiều doanh nghiệp đang loay hoay đi tìm vốn cho đơn vị của mình.

Bên cạnh đó, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu và tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu. Đơn cử như có doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính” có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định...

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group cho biết, việc kiểm soát tín dụng cũng như siết chặt các quy định tiếp cận vốn bằng kênh trái phiếu khiến thị trường địa ốc hiện nay rơi vào cơn khát vốn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang cạn vốn. “Hiện các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước”, ông Thắng chia sẻ.

Kênh trái phiếu

Số liệu của FiinPro cho thấy, tính đến 31/10/2022, chỉ có duy nhất một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường trong nước. Cụ thể, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phát hành khối lượng trái phiếu đạt 210 tỷ đồng, với kỳ hạn 5 năm.

Xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm trong nhiều tháng trở lại đây. Trước đó, trong tháng 9, phát hành trong tháng đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ.

Hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng 22 đợt phát hành, đạt quy mô là 10,2 nghìn tỷ đồng, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% thị trường. Đứng thứ hai về giá trị phát hành là ngành Bất động sản chiếm 18% tỉ trọng phát hành, tương đương tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt 2,8 nghìn tỷ đồng và tăng 55,6% so với tháng trước.

Theo đánh giá của FiinRatings, thị trường sơ cấp phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ tăng mạnh trở lại vào năm sau, do thị trường cần thời gian để làm quen với các chính sách mới của Nghị định 65 vừa ban hành và tâm lý nhà đầu tư trái phiếu được cải thiện. Rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến với hệ thống tín dụng hiện nay là ở mức rất thấp.

Trong khi đó, theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

900 ngàn tỷ đang mắc kẹt

Vừa qua, thông tin Bộ Tài Chính công bố đang có khoảng 900.000 tỷ đồng vốn ngân sách do chậm giải ngân đang “nằm bất động” ở 4 nhà “bank” thương mại. Trong đó, có 600.000 tỷ đồng vốn gửi không kỳ hạn, khiến cho dư luận vô cùng bất ngờ. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nếu 900.000 tỷ đồng được giải ngân sẽ tạo động lực và thúc đẩy nền kinh tế như thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với báo chí, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có những đặc tính khác biệt so với năm trước đó. Từ tháng 2/2022, dịch Covid -19 bùng phát căng thẳng, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao. Hàng loạt mặt hàng khác liên tục tăng giá như: sắt thép, vật liệu xây dựng, giá lương thực, thực phẩm đến thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…

Từ đầu năm tới cuối tháng 6/2022, giá nguyên vật liệu tăng tới hơn 40% trong khi đó tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt với mặt bằng giá trước đó. Giá tăng quá cao khiến các nhà thầu "đứng hình" bởi càng thi công càng thua lỗ do giá nguyên vật liệu tăng quá cao, tăng liên tục khiến các bộ, ngành không điều chỉnh chính sách kịp.

Chính diễn biến "thần tốc" về giá này đã khiến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt hơn 10%, đến tháng 8 đạt khoảng 29,7% và đạt khoảng 36,8% vào tháng 9/2022. Sau đó, Thủ tướng phải liên tục họp "ốp" các địa phương giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Lúc đó, chính các địa phương mới ban hành dự toán giá nguyên vật liệu để các dự án đầu tư công tiếp tục thi công trở lại.

Hiện tại, tình hình đang thay đổi và chuyển biến rất tích cực. Bắt đầu từ tháng 9/2022 đến nay, tốc độ giải ngân đầu tư công đang tăng mạnh trở lại. Nếu duy trì tốc độ tăng giải ngân như hiện nay và không xảy ra vấn đề đột xuất, theo tính toán của chúng tôi, năm 2022 giải ngân vốn đầu tư công có thể đạt 95-98% kế hoạch.

53470240-406595866569503-8180603214891057152-n-1668034900.jpeg
Nguồn vốn đầu tư công cũng đang được giải ngân chậm.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Đầu tiên là trong việc phân bổ vốn. Vốn phân bổ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ từ cuối năm 2021 nhưng gói 100.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội bị phân bổ chậm, tới tháng 8/2022 mới hoàn thành phân bổ.

Mặc dù vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2022 được phân bổ từ cuối năm 2021 nhưng địa phương không phân bổ cho chủ đầu tư, dự án và xảy ra tình trạng bộ ngành trả lại vốn đầu tư công vào tháng 7/2021. Việc trả lại vốn đầu tư công của bộ, ngành, địa phương khiến chậm giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, thực tế có mặt tích cực là bộ ngành, địa phương cảm thấy giải ngân không hiệu quả, thực hiện sẽ gây ra tác dụng phụ.

Với câu hỏi, đánh giá thế nào khi vốn ngân sách chưa tiêu hết nhưng Bộ Tài chính vẫn huy động qua các kênh như trái phiếu Chính phủ, ông Thịnh cho hay, quy định ngân sách chưa giải ngân phải được gửi ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đảm bảo an toàn. Các ngân hàng nhận được nguồn vốn này đương nhiên là được hưởng lợi nhưng không được lợi nhiều do họ cũng phải luôn để số dư trên hệ thống, sẵn sàng chi ra bất cứ khi nào có yêu cầu. Tôi đánh giá quy định gửi ngân sách chưa được giải ngân trong ngân hàng là rất tốt, nhằm công khai minh bạch tránh lợi ích nhóm như chúng ta thường e ngại.

Ngân sách chưa tiêu hết, gửi tại ngân hàng nhưng Bộ Tài chính là cơ quan “tay hòm chìa khóa” nên buộc phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn theo đúng kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước.

Chúng ta đang phải huy động từ trái phiếu Chính phủ để đáp ứng yêu cầu nguồn chi. Huy động đó là theo kế hoạch và để tiền cho đầu tư công luôn sẵn sàng. Nếu không huy động sẵn, khi doanh nghiệp hoàn thành khối lượng công việc, Nhà nước không giải ngân kịp thời sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Đó là điều không thể chấp nhận trong làm chính sách tài khoá.

Mai Ngọc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doanh-nghiep-vung-vay-di-tim-loi-thoat-cho-minh-a9231.html