Để hiểu rõ hơn về hành trình của Doanh nhân Joshua Nathan Goldman với việc nuôi cá vược tại Việt Nam, Tạp chí Nhà Quản lý đã có buổi phỏng vấn nhà sáng lập & CEO Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam.
Vì đâu ông chọn Việt Nam và giống cá chẽm (vược) là điểm đến và sản phẩm đầu tư?
Trước khi thành lập Australis, tôi đã giành 3 năm để thử nghiệm nuôi 30 loài cá khác nhau tại trại nuôi công nghệ cao trong nhà (indoor) ở Boston (Mỹ) với mục tiêu: xác định đúng loài có thể nuôi theo phương thức tự nhiên, có lợi cho sức khỏe người ăn và sở hữu hương vị đặc biệt chinh phục khách hàng ở mọi thị trường. Kết quả: cá chẽm (barramundi) chính là ứng viên phù hợp nhất, đáp ứng đủ mọi tiêu chí
Tuy nhiên, mặc dù khá phổ biến ở Úc, nhưng không phải ai tại Mỹ và những thị trường khác cũng nghe nói đến cá chẽm. Vì vậy, Australis phải đồng thời vượt qua 2 thách thức: làm thế nào để nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế, và xây dựng được thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn – kể cho thế giới câu chuyện về The Better Fish.
Khi nhu cầu thị trường đối với sản phẩm cá chẽm của chúng tôi ngày càng tăng, chúng tôi hiểu rằng mình cần điều chỉnh cách tiếp cận để nhanh chóng mở rộng sản lượng đồng thời giảm thiểu chi phí. Để giải quyết thách thức này, năm 2006, tôi đã tới thăm 6 quốc gia có ngành nuôi cá chẽm, bao gồm Việt Nam. Tôi nhanh chóng nhận ra Việt Nam, với điều kiện độc đáo, là nơi phù hợp nhất. Đặc biệt, người lao động Việt Nam rất thông minh, khéo léo, tập trung, bên cạnh một cộng đồng nghiên cứu khoa học (viện, trường) tận tụy, giỏi chuyên môn và những địa điểm nuôi trồng hết sức lý tưởng trên vịnh Vân Phong khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyết định đầu tư dài hạn của mình.
Ông đã ứng dụng công nghệ gì vào nuôi trồng và sản xuất, hiệu quả của nó như thế nào so với ứng dụng thông thường khác?
Na Uy được xem là nước thành công nhất trong lĩnh vực phát triển các công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến, nhất là cho ngành cá hồi. Trong hơn 30 năm qua, Na Uy đã chuyển đổi mô hình sản xuất, từ nuôi trồng trong các bè gỗ nhỏ (không khác mấy so với thực trạng hôm nay ở Việt Nam) sang canh tác trong các hệ thống lồng làm từ nhựa HDPE đường kính 200 m – có thể cho thu hoạch tới 800 tấn cá. Những hệ nuôi như vậy lại nhận được sự hỗ trợ đắc lực bởi các hệ thống xà lan phun thức ăn (feed barger) tự động, cảm biến, camera, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh sản chọn lọc, vaccines, chẩn đoán tiên tiến,… đảm bảo sự thành công của một ngành công nghiệp NTTS chính xác, giá trị cao, trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp cá hồi hiện đã phát triển tới giai đoạn gần bão hòa khi hầu hết các địa điểm nuôi phù hợp đều đã được khai thác, vì vậy tiềm năng mở rộng trong tương lai về cơ bản là rất giới hạn. Nhưng chúng tôi lại xem đó là cơ hội và đã giành 16 năm qua để phát triển, hiệu chỉnh, đưa những công nghệ đã được chứng minh là thành công với Na Uy và điều kiện (nhiệt độ, nước biển) và loài đặc thù của Việt Nam. Công việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự tận tâm của cả một đội ngũ, cùng cam kết đầu tư lâu dài trên quy mô lớn. May mắn là chúng tôi đã phát triển tới điểm thuận lợi để mở rộng đáng kể hơn nữa mô hình NTTS biển nhiệt đới bền vững này, nhờ vào những sáng kiến marketing và doanh số bán hàng mạnh mẽ.
Một thành tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của chúng tôi chính là kinh nghiệm hơn 30 năm đầu tư vào công nghệ NTTS trên đất liền (trong điều kiện môi trường được kiểm soát) để sản xuất và ương cá giống trước khi thả ra lồng nuôi ngoài biển.
Nó mang lại hiệu quả gì đối với công ăn việc làm của người dân, môi trường và thị trường?
Để tạo nên một công ty tuyệt vời với các sản phẩm tuyệt vời, chúng ta rất cần những con người tài năng và tận tâm. Để hấp dẫn và giữ chân được các nhân tố tuyệt vời như vậy, chúng tôi thấu hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng một thứ văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời tìm cách đóng góp ngược lại cho cộng đồng để đảm bảo tất cả đều được hưởng lợi.
Như một sự tưởng thưởng cho những nỗ lực của chúng tôi, năm 2021, Australis đã trở thành nhà sản xuất NTTS đầu tiên tại Đông Nam Á nhận được chứng nhận Fair Trade (thương mại công bằng). Theo đó, chúng tôi cam kết giành một tỷ lệ nhất định doanh thu và lợi nhuận để tài trợ cho các sáng kiến xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cộng đồng.
Để xuất đi nước ngoài, sản phẩm cá chẽm của ông đáp ứng những nhu cầu gì của thị trường nước ngoài? Thị trường nước ngoài, đối tác đánh giá như thế nào về sản phẩm của ông?
Thương hiệu cá chẽm “The Better Fish” của Australis được xây dựng dựa trên ý tưởng về một “sản phẩm cá chất lượng cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Trên thực tế, cá của chúng tôi luôn được đảm bảo sự tươi ngon, thuần khiết về hương vị, cực kỳ giàu dinh dưỡng (nhất là Omega-3, protein, …) cùng khả năng truy xuất nguồn gốc đầy đủ (trong quy trình nuôi và chế biến) tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều chứng nhận quốc tế, và là nhà sản xuất NTTS đầu tiên có vinh dự đó, nhờ vào các cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực đổi mới, tính minh bạch và bền vững.
Trong quá trình đầu tư, ông gặp khó khăn gì nhất? Ông đã tháo gỡ như thế nào? Định hướng tiếp theo của ông là gì?
Thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải cho đến giờ là: mặc dù giấy phép đầu tư và phần đất thuê của công ty sẽ có thời hạn cho đến năm 2043, nhưng một số khu vực mặt nước trên vịnh Vân Phong lại hết hạn sớm hơn (7/2023). Điều này gây khó khăn cho cam kết đầu tư lâu dài cùng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh của chúng tôi. Trong khi NTTS là một ngành thâm dụng vốn, đòi hỏi hoạt động sản xuất phải được duy trì liên tục, dài hạn.
Điều may mắn là theo quy định mới trong luật Việt Nam, những doanh nghiệp như chúng tôi có thể thuê mặt biển với thời hạn lên đến 50 năm. Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài, giúp Việt Nam đưa ngành phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong hiện tại, đang điều chỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt, lại không tính đến chuyện tích hợp không gian biển để thúc đẩy phát triển NTTS, mặc dù đây thực sự là cái nôi của ngành NTTS Việt Nam với năng suất cao nhất (gấp 3 lần năng suất trung bình của ngành thủy sản Việt Nam) cùng tiềm năng đổi mới vô cùng tốt.
Diện tích mặt nước của Vân Phong rộng hơn 42.000, nhưng chỉ chưa tới 2% hội tụ đầy đủ những tiêu chí cần thiết giúp phát triển NTTS hiện đại và hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia của Việt Nam về ngành. Đó là những khu vực nằm tương đối xa, sở hữu mực nước sâu, nước sạch, nhiệt độ và chất lượng nước ồn định, … Chỉ cần có những quy hoạch hợp lý, điều chỉnh theo luật biển và luật đất đai, Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn đầu thế giới trong tương lai với nền kinh tế biển xanh.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./
Hải Đăng
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hanh-trinh-cua-doanh-nhan-my-tren-dat-viet-a9225.html