Hệ lụy từ việc trích lập và chi quỹ bình ổn giá xăng dầu tùy tiện

Việc bỏ hay tiếp tục duy trì quỹ bình ổn (QBO) giá xăng dầu đang là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi.

Quan điểm bảo vệ cho rằng QBO chỉ là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính, giúp điều tiết thị trường xăng dầu trong nước vốn vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế của thị trường tự do. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động, với khả năng chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), thì trước mắt vẫn cần duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu cần điều chỉnh, những người ủng hộ việc duy trì quỹ cho rằng nên điều hành quỹ hiệu quả, linh hoạt, trách nhiệm, công khai và minh bạch hơn, với cơ chế giám sát chặt chẽ.

Ngược lại, quan điểm đòi bỏ QBO lập luận: đây chỉ là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được hình thành từ việc trích lập (thu) thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít). Việc lập QBO về bản chất là sự can thiệp của Nhà quản lý vào một loại hàng hóa mang tính nhạy cảm cao trước các biến động thị trường, khiến cho giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất và không phản ánh đúng tính chất thị trường tức phi thị trường. Vì thế mới phát sinh một nghịch lý là tại những thời điểm giá xăng dầu tăng cao, khi quỹ bị âm thì doanh nghiệp vẫn phải chi (xả) từ quỹ, thậm chí vay ngân hàng để bù vào. Còn khi giá thế giới xuống thấp, giá xăng dầu trong nước lại giảm chậm do phải trích lập (thu) quỹ, bù đắp cho phần âm trước đó.

qbo-pld-1667748303.jpg

Trao đổi với báo chí gần đây, PGS.TS Phạm Thế Anh giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) từng phân tích: “Kể từ 1/1/2020 đến 19/9/2022, đã có tổng cộng 72 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Trong đó, số lần được chi so với số lần phải trích lập của từng mặt hàng như sau: E5 RON 92 có 46 lần được chi, 25 lần trích lập và 1 lần không đổi; xăng RON 95 có 36 lần được chi, 31 lần trích lập và 5 lần không đổi; dầu diesel có 27 lần được chi, 44 lần trích lập và 1 lần không đổi; dầu hỏa 25 lần được chi, 41 lần trích lập và 6 lần không đổi; dầu ma-zút có 22 lần được chi, 40 lần trích lập và 10 lần không đổi. Số tiền trung bình được chi của các mặt hàng xăng E5RON92 và RON95 lần lượt là 525.7 đồng/lít và 5 đồng/lít. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và dầu ma-zút phải trích lập trung bình lần lượt là 135 đồng, 138 đồng và 115 đồng /lít. Sau khi sử dụng quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng E5 RON 92 và giá dầu ma-zút tăng lên lần lượt là 219 đồng/lít và 49 đồng/lít so với trường hợp không có quỹ. Như vậy, mục tiêu bình ổn giá với các mặt hàng này là không đạt yêu cầu. Ngược lại, sau khi sử dụng quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng RON 95, diesel và dầu hỏa có giảm đôi chút, lần lượt là 26 đồng, 189 đồng và 86 đồng/lít.”

“Nhìn chung, tác động bình ổn của Quỹ bình ổn khá mờ nhạt”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.

Về mặt nguyên tắc, QBO chỉ phát huy hiệu quả khi có dự báo tốt về giá xăng dầu thế giới – tức phải dự báo được mức giá hiện nay đang cao hay thấp hơn so với mức giá trung bình trong dài hạn. Nếu không việc trích lập và chi QBO sẽ không đem lại tác dụng gì.

Ngoài ra, việc trích lập và chi QBO giá xăng dầu tùy tiện có thể còn đem tới ít nhất 2 hệ lụy nữa.

Thứ nhất là tình trạng khan hiếm hàng bởi việc điều chỉnh mức và thời điểm trích lập hoặc chi QBO xăng dầu chỉ được thông báo khi Liên bộ Công thương – Tài chính công bố giá bán cho kỳ tới. Nếu trích lập (thu) QBO thì giá tăng, và giảm khi chi (xả) quỹ. Theo nguyên tắc thị trường, nhà nhập khẩu cần tính toán dựa trên mức giá và chi phí để quyết định có nhập hàng hay không. Nếu nhập về nhiều mà gặp đúng lúc Liên bộ quyết định xả QBO, giá xăng dầu giảm, nguy cơ thua lỗ, cho nên doanh nghiệp thường có tâm lý dè dặt, chỉ mua hàng trên cơ sở tối thiểu chứ không dám tích trữ nhiều để bán trong dài hạn.

Thứ hai, mặc dù hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, song QBO vẫn còn nguy cơ tạo “kẽ hở” cho tình trạng lợi ích nhóm. Trong chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới (10 ngày), liệu có hay không việc một số đầu mối “sân sau” được rỉ tai trước thông tin. Nếu biết sắp trích lập (thu) QBO, giá lên, các doanh nghiệp này sẽ tăng cường nhập khẩu, găm hàng để tối đa hóa lợi nhuận. Còn trong trường hợp chi (xả) quỹ, giá giảm, những đầu mối này sẽ khẩn trương bán hết hàng tồn, đồng thời hạn chế nhập hàng mới để tránh lỗ. Điều này lại càng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. 

Có lẽ đã đến lúc các Nhà quản lý cần đánh giá lại hiệu quả của QBO giá xăng dầu như phản ánh của các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Như ví von của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách: QBO cũng giống như “khúc ruột thừa hay răng khôn” trên cơ thể vậy”; ban đầu có thể đóng vai trò nhất định song đến một thời điểm nào đó thì nó nên được cắt hoặc nhổ bỏ để tránh gây họa cho sức khỏe. Thay vì duy trì việc trích lập và chi QBO giá xăng dầu, Nhà quản lý có thể sử dụng một số công cụ khác như thuế, phí, hoặc cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng dễ chịu tổn thương từ giá xăng dầu tăng cao,… giống như nhiều nước vẫn đang làm.

Nhóm Phóng viên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/he-luy-tu-viec-trich-lap-va-chi-quy-binh-on-gia-xang-dau-tuy-tien-a9205.html