Vào năm 2007, Ban Giám đốc Bình Điền xác định chiến lược mở rộng địa bàn phục vụ ra nhiều vùng miền khác trên cả nước. Nền móng ban đầu cho chiến lược này là hình thành nhà máy Bình Điền ở Quảng Trị, nơi được gọi là vùng nắng gió, khí hậu khắc nghiệt nhất, điều kiện sản xuất, hạ tầng hết sức khó khăn. Đó cũng là lúc ông Ngô Văn Đông được ban lãnh đạo Bình Điền mời về và lập tức được đưa ra "tuyến đầu", có thể nói nhiều thách thức nhấtnày. Ông Đông lý giải:"Có lẽ cũng bởi mình có một thời gian phục vụ trong doanh nghiệp quân đội nên đã được lựa chọn".
Dân Việt: Như vậy, có thể nói ông đến với Bình Điền không chỉ là một cách ngẫu nhiên?
Ông Ngô Văn Đông: Thật ra, tôi đã từng học tại Đại học Nông nghiệp, sau đó vào làm việc trong môi trường quân độinênđược giao phụ trách lĩnh vực phân bón của một đơn vị quốc phòng. Đến khoảng năm 2007, nhu cầu của Công ty CP Phân bón Bình Điền thời điểm đó là mở rộng quy mô ra nhiều địa phương trong cả nước, Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong đã mời tôi về để xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK tại Quảng Trị.
Trong suốt quá trình làm việc tại Nhà máy Bình Điền Quảng Trị, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở vật chất thiếu thốn, máy móc phải đặt mua ở phía Nam chuyển ra… Nhưng với quyết tâm của cả đội ngũ và phương châm luôn đồng hành với nhà nông, ban lãnh đạo công ty cũng như toàn thể cán bộ nhân viên đã cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất với từng cây trồng, từng loại đất đai, thổ nhưỡng cho bà con nông dân khắp các vùng miền.
Dân Việt: Ông ấn tượng nhất điều gì ở giai đoạn vạn sự khởi đầu nan này?
Ông Ngô Văn Đông: Phải nói là cơ sở hạ tầng ở Quảng Trị lúc bấy giờ rất khó khăn. Khoảng cách địa lý, đặc biệt là mua bán vật tư, nguyên vật liệu đi đường bộ, xe lửa và tàu biển đều rất nan giải.Đặc biệt là những lúc trời mưa bão hàng hóa cứ lênh đênh trên biển, đến đâu gặp bão thì phải tấp vào bờ để chờ có khi hàng tháng.
Thứ hai là máy móc thiết bị không được lưu thông như bây giờ. Lúc đấy mỗi lần mua một cái thiết bị nào đó thì phải vòng vô Sài Gòn hoặc chạy ra Hà Nội, hoặc những trung tâm lớn thì mới có những thiết bị để sửa chữa máy móc.
Một điểm khó khăn nữa là thời tiết tại Quảng Trị phải nói là hết sức khắc nghiệt. Mùa hè cực kỳ nắng nóng, lúc đấy thiếu điện và rất hạn chế về cơ sở hạ tầng. Trong khi mùa đông ở Quảng Trị thì rất lạnh, trời có khi đổ mưa dầm dề suốt cả tháng… Các yếu tố thời tiết này cũng ảnh hưởng lớn đến vấn đề sản xuất. Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo Công ty Bình Điền và thực sự có được cả sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi đã hoàn thành công việc này một cách tốt đẹp. Và đến giờ phút này, Bình Điền Quảng Trị có một thành quả đáng ghi nhận, trở thành là một trong những đơn vị sản xuất phân bón hàng đầu khu vực miền Trung.
Dân Việt: Tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc từ ông Lê Quốc Phong - một người có nhiều thành tích trong ngành và cả hình ảnh rất tốt đối với xã hội, với cộng đồng… Điều này chắc là áp lực đối với ông?
Ông Ngô Văn Đông: Trước hết tôi phải cảm ơn ông Lê Quốc Phong, người tiền nhiệm của tôi. Trong ngành phân bón này, chúng ta phải khẳng định với nhau rằng ông Lê Quốc Phong là một"tượng đài" trong ngành, với uy tín, trách nhiệm đối với xã hội. Và cái "tượng đài" này để thay thế rất là khó khăn nếu không muốn nói chỉ cần duy trì được như thế là đã rất thành công.
Có thể nói, thời điểm đó tôi cũng hơi lo lắng. Bởi vì về tâm lý, những người làm việc cùng thì cũng có thể có những sự so sánh và khi đã có những sự so sánh rồi thì sẽ có những cái không tin tưởng, vì mình cũng là người mới, mới tiếp bước công việc nhiều trọng trách… Nói chung, tôi cũng có áp lực, nhưng cũng tự đặt cho mình đây lại là động lực đểcố gắng.
Và đến giờ phút này, một lần nữa tôi phải cám ơn anh Phong đã tin tưởng giao nhiệm vụ. Cùng với sự nỗ lực học hỏi từ người tiền nhiệm cũng như là sự hỗ trợ của Ban giám đốc, cán bộ, nhân viên…, đến nay Bình Điền vẫn đi đúng hướng, kế thừa mục đích ban đầu là phụng sự nền nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Dân Việt: Năm ông tiếp quản Bình Điền cũng là năm ngành phân bón rơi vào thời điểm khó khăn nhất. Lúc đó Bình Điền đã vượt qua bằng cách nào?
Ông Ngô Văn Đông: Đúng là thế.Giai đoạn năm 2017 chuyển sang 2018 là lúc ngành phân bón bị suy thoái.Lợi nhuận của Bình Điền nói riêng và ngành phân bón nói chung bị giảm do nhiều yếu tốthị trường tác động. Lúc bấy giờ, áp lực và thách thức với chúng tôi rất lớn. Tuy nhiên, sự đồng lòng đồng hướng của Ban giám đốc cũng như anh em cán bộ, công nhân viên chính là động lực để chúng tôi chắc tay lèo lái con thuyền Bình Điền vượt qua những lúc khó khăn nhất.
Đặc biệt, dù tình hình có khó khăn nhưng Bình Điền luôn đảm bảo vấn đề thu nhập cho người lao động. Thực tế tại thời điểm đó, thu nhập của công nhân lao động cũng không giảm. Đấy cũng là một nhân tố để cho người lao động yên tâm và tin tưởng đồng hành cùng Ban giám đốc.
Nói chung, chúng ta hãy nghĩ tích cực sẽ tìm được giải pháp tốt và cơ hội sẽ đến!
Dân Việt: Nghe nói ông có sở thích chơi cờ tướng, liệu đây có phải là một môn thể thao chính của Bình Điền ngoài môn bóng chuyền?
Thực ra thì mỗi người đều có đam mê về một môn thể thao nào đó, tôi thì đam mê môn thể thao thiên về trí tuệ một tí, đó là môn cờ tướng. Nói vậy chứ, cờ tướng đã hình thành cả mấy ngàn năm rồi và cũng là cái môn thể thao dễ chơi mà nhiều đối tượng chơi được.
Điều đặc biệt, thông qua cờ tướng, nhất là những nước đi và qua những cách chơi cờ tướng của những người đối diện với mình, tôi có thể hiểu thêm được một phần gì đó nho nhỏ về tính cách của họ.
Chưa kể, chơi cờ tướng thường xuyên cũng tạo cho mình những suy nghĩ, những tính toán để cho đầu óc mình vừa có trí nhớ tốt hơn, được hoạt động nhiều hơn… Theo tôi thì đây cũng là một cái cách vận động về mặt trí tuệ.
Dân Việt: Làm ăn cũng sẽ gặp những lúc khó khăn, chẳng hạn hai năm Covid-19 vừa qua, Bình Điền đã vượt qua như thế nào?
Ông Ngô Văn Đông: Giai đoạn Covid-19 đúng là quãng thời gian rất khó khăn. Chúng tôi phải áp dụng nhiều biện pháp cho công tác phòng chống dịch để đảm bảo duy trì sản xuất và cung ứng phân bón. Đồng thời rà soát lại từng khâu để giảm tối thiểu các chi phí, nhiều hoạt động phải chuyển đổi từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến. Như là trao đổi và làm việc với hệ thống phân phối để chuẩn bị hàng hóa cũng như hỗ trợ cước vận chuyển để đưa hàng hóa về sớm, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ đẩy giá lên cao gây bất lợi cho bà con nông dân.
Để thích ứng với hoàn cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, Bình Điền đã tăng cường sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu hiện có, tăng cường tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu; tính toán các phương án hỗ trợ vận chuyển hàng về đại lý sao cho đảm bảo giá bán đến nông dân không đội lên cao.
Dân Việt: Bình Điền đã trở lại hoạt động thế nào sau thời kỳ dịch dã căng thẳng?
Ông Ngô Văn Đông: Cốt lõi vẫn là hướng đến bà con nông dân. Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, Bình Điền cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL triển khai tổng kết và chuyển giao chương trình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" cho nông dân. Đây cũng là một trong những cách giúp bà con sử dụng phân bón tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho mùa vụ mới.
Song song đó, chúng tôi xác định mục tiêu là thúc đẩy các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp canh tác thông minh, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và đẩy mạnh số hóa vào sản xuất nông nghiệp. Bình Điền liên tục tổ chức các chương trình tư vấn (trực tuyến qua kênh Facebook Bình Điền BFC) để truyền tải kinh nghiệm trong các mô hình sản xuất, công nghệ và thực hành trên đồng ruộng…
Thông qua các chương trình này, Bình Điền muốn tạo ra môi trường để người nông dân Việt Nam có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế. Đồng thời mở rộng quy mô ứng dụng nông nghiệp 4.0 và các giải pháp, công nghệ thông minh.
Dân Việt: Làm nghề phân bón tất nhiên gắn bó với nông dân, nhưng bên cạnh đó, Bình Điền có rất nhiều hoạt động xã hội, đóng góp cộng đồng chia sẻ với bà con. Động lực nào đã thúc đẩy công ty làm được điều này?
Ông Ngô Văn Đông: Có gắn bó với người nông dân, cùng trải những cung bậc cảm xúc thăng trầm khi mùa màng bội thu hay khi rủi ro, thất bátthì mới thấy được người nông dân Việt Nam khổ thế nào và cũng kiên cường thế nào. Chúng tôi thấu hiểu được sự khó khăn về điều kiện sinh kế cũng như cơ hội tiếp cận, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật. Do vậy, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, Bình Điền đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con nông dân trong cả cuộc sống và lao động sản xuất.Có thể nói, chúng tôi luôn đặt vị trí mình như người nông dân trên đồng ruộng để làm sao hiểu và cảm thông với những khó khăn của người nông dân, từ đó mang đến cho bà con những sự chăm sóc và sẻ chia một cách chu đáo trong xuyên suốt các hoạt động của mình.
Dân Việt: Trong số đó, ông tâm đắc với những hoạt động nào nhất?
Ông Ngô Văn Đông: Chúng tôi mong muốn mang lại lợi ích thiết thực nhất cho bà con nông dân. Những năm gần đây, có lẽ điển hình nhất là chương trình "Canh tác lúa thông minh" mà Bình Điền đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh ĐBSCL triển triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay.
Nông dân sau khi tham gia mô hình chương trình này sẽ trở thành các "chuyên gia" trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình nhờ biết áp dụng các cách làm hay, các kinh nghiệm quý, các giải pháp canh tác thông minh cùng nhiều kỹ thuật mới trong canh tác lúa. Họ biết cách ứng phó linh hoạt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh, biết áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa. Chương trình cũng cung cấp các giải pháp nhằm đảm bảo sản phẩm nông sản làm ra vừa an toàn, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tất cả điều đó đều nhằm tăng thu nhập cho nhà nông, đồng thời giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường sống của cả cộng đồng.
Sau thành công của chương trình "Canh tác lúa thông minh", mới đây trong khuôn khổ sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 tại Cần Thơ, Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác tiếp tục phát triển chương trình canh tác thông minh trên cây lúa và nhiều loại cây trồng khác giai đoạn 2022 - 2025.
Dân Việt: Chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân ở vùng nông thôn nước tacó phải là bài toán khó?
Ông Ngô Văn Đông: Quả thật vậy, nên từ lâu chúng tôi đã có nhiều hoạt động làm sao đưa được kiến thức đó đến gần với bà con nhất.Bước sang năm 2022, Bình Điền tiếp tục đưa vào sử dụng App Canh tác thông minh và triển khai hướng dẫn bà con cài đặt app để Bình Điền có thể chăm sóc bà con và các đại lý bạn hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn. Chương trình này cũng tập trung đưa ra giải pháp phân tích mẫu đất ở tất cả các mô hình trong từng vụ và phân tích mẫu cây trồng để đánh giá dư lượng thuốc BVTV nhằm hỗ trợ kiểm soát chỉ tiêu an toàn cho sản phẩm đầu ra.
Song song với việc thực hiện các mô hình trình diễn, Bình Điền còn hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PTTH Đắk Lắk, Đài PTTH Đắk Nông, Đài PTTH Vĩnh Long… xây dựng các chương trình như Canh tác thông minh ở từng địa phương, Đồng hành và Chia sẻ, Cùng Đầu Trâu làm giàu, Nông nghiệp bền vững, Cây lành trái ngọt, Người nông dân hiện đại…, để kịp thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân, giới thiệu các mô hình hay, các cách làm thông minh để bà con có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và cùng áp dụng.
Các chương trình này mang lại những giải pháp giúp gia tăng hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng.Đồng thời mang đến cho bà con những sự hỗ trợ về mặt vật chất để kịp thời động viên bà con vượt qua nghịch cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Dân Việt: Chúng tôi được biết Bình Điền còn có nhiều chương trình đóng góp giúp cho việc cải thiện đời sống văn hóa - xã hội nông thôn?
Ông Ngô Văn Đông: Bình Điền có những chương trình đường dài từ rất nhiều năm, như phối hợp với Báo Tuổi Trẻ để trao học bổng Tiếp sức đến trường, Báo Khăn Quàng đỏ để trao học bổng Vì tương lai Việt Nam, trao giải thưởng Lê Quý Đôn; đồng hành cùng Hội Nông dân TP.HCM trao học bổng Lương Định Của… cho các em học sinh, sinh viên là con em nông dân nghèo hiếu học có thêm điều kiện cắp sách đến trường, có thêm điều kiện bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
Hay chương trình Bình Điền kết nghĩa với 2 làng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Buôn Ea Na (Đắk Lắk), Bon R'long Phe (Đắk Nông) từ hàng chục năm nay. Ở các xã này, không chỉ hỗ trợ cho bà con phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, Bình Điền còn đầu tư xây dựng hạ tầng điện nước, trường học, trạm y tế. Con em các gia đình ở đây được Bình Điền hỗ trợ học hành đến hết phổ thông…
Đặc biệt, trong năm 2021, đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh gây ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tài trợ và phối hợp với Tổ công tác 970 Bộ NNPTNT tổ chức chương trình Nông sản gửi trao, cùng nhau vượt khó, trao tặng 6.000 combo nông sản, trị giá 1,5 tỷ đồng, đến các hộ gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Long An và TP.HCM với mục tiêu giúp nông dân giảm bớt gánh nặng đầu ra cho nông sản. Bên cạnh đó là các hoạt động giúp công nhân lao động nghèo mất việc làm có thêm chút lương thực, thực phẩm, góp thêm nguồn động viên giúp họ ổn định cuộc sống, chuẩn bị bước vào tham gia tái sản xuất trong điều kiện bình thường mới…
Dân Việt: Canh tác thông minh sẽ là thách thức với nhà sản xuất vật tư nông nghiệp như Bình Điền, nghĩa là bà con sẽ giảm lượng sử dụng phân bón, dẫn đến giảm sản lượng, doanh thu của Bình Điền?
Ông Ngô Văn Đông: Vấn đề là tập quán người nông dân vốn quen thuộc với lối canh tác cũ, rất khó thay đổi để qua cách làm mới dù hiệu quả vượt trội hơn hẳn.Chẳng hạn, với chương trình "Canh tác lúa thông minh", việc hướng dẫn bà con nông dân giảm lượng giống sạ, giảm sử dụng phân bón và thuốc BVTV… Rất khó để thuyết phục bà con, mà mình phải làm trình diễn trước.Qua nhiều vụ rồi tổng kết, đánh giá, đối chiếu kết quả… thì mới thuyết phục được bà con.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, khi đưa ra chương trình giảm lượng sử dụng phân bón tất nhiên giảm doanh số, doanh thu.Nhưng vì trách nhiệm đồng hành với nhà nông, chúng tôi cho rằng, vấn đề hiệu quả cho bà con nông dân, chất lượng và giá trị hàng hóa của nông sản là hết sức quan trọng. Làm được điều đó cũng chính là nâng cao đời sống nông dân, gắn liềnphát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Dân Việt: Như vậy Bình Điền và bản thân ông có gặp áp lực?
Ông Ngô Văn Đông: Chúng tôi thường mua các sản phẩm công nghệ tốt nhất từ nước ngoài để tích hợp vào trong sản phẩm phân bón Bình Điền. Đúng là có cả những chuyên gia hỏi chúng tôi làm như thế này thì sẽ làm giảm lượng tiêu thụ phân bón, sẽ bất lợi cho doanh nghiệp sao chúng tôi vẫn làm.
Thực ra, các bạn thử nghĩ xem.Chẳng hạn, với chương trình canh tác thông minh mà chúng tôi đã thực hiện, dù giúp nông dân giảm lượng phân bón trên đơn vị diện tích, nhưngsẽ có nhiều người, nhiều diện tích sử dụng sản phẩm của chúng tôi hơn. Chương trình mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau đó rất nhiều nông dân sẽ tham gia để sử dụng phân bón của chúng tôi theo đúng quy trình đưa ra thì khi đó sản lượng chúng tôi lại tăng lên.
Vừa rồi, có một số giáo sư đã tổng kết trong chương trình "Canh tác lúa thông minh" của Bình Điền, giữa mô hình của chúng tôi với mô hình đối chứng bên ngoài thì năng suất và giá trị cao hơn nhiều. Nhưng chỉ sau mấy vụ thì nó không còn cách biệt nữa, bởi vì người bên cạnh đã học được cách canh tác như mô hình nên không còn khác biệt nhiều. Cho nên, ý nghĩa của chương trình còn là sự lan tỏa, cũng là một minh chứng quan điểm của Bình Điền đưa ra là đúng.
Dân Việt: Theo ông, điều gìlà sức mạnh cốt lõitạo nên Bình Điền như hôm nay?
Ông Ngô Văn Đông: Chúng tôi vẫn khẳng định triết lý kinh doanh là "làm bạn với nhà nông", "đồng hành và chia sẻ". Bình Điền xem đó là kim chỉ nam cho mọi chiến lược sản xuất, kinh doanh. Bản than tôi luôn tâm niệm một điều rằng, Bình Điền tồn tại vì lý do gì, nếu không phải là để nâng cao đời sống của người nông dân trên cả nước? Đây cũng chính là động lực, là cội nguồn làm nên sức mạnh để đội ngũ Bình Điền vượt qua mọi khó khăn. Có thể nói, sự lớn mạnh của Bình Điền hôm nay với thương hiệu Đầu Trâu đã minh chứng cho triết lý mà chúng tôi kiên định theo đuổi là đúng.
Với triết lýđó, Bình Điền luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để nông dân biết và ứng dụng kịp thời những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Dân Việt: Bình Điền có nhiều sáng kiến tạo ra sân chơi giúp bà con tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật?
Ông Ngô Văn Đông: Từ những năm 90 thế kỷ trước, Bình Điền đã là đơn vị khởi đầu tổ chức Hội thi Khuyến nông với hình thức hỏi đáp và sân khấu hóa những kiến thức khoa học - kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân 12 tỉnh ĐBSCL. Năm 1999, Bình Điền quyết định tổ chức hội thi với tên gọi "Nhà nông đua tài" cho nông dân 30 tỉnh thành phía Nam. Năm 2002, Bình Điền chuyển giao ý tưởng và công tác tổ chức hội thi cho Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức hội thi toàn quốc lần thứ 1. Từ đó, Bình Điền là nhà tài trợ chính và là thành viên Ban tổ chức hội thi.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam với mục đích tôn vinh, tri ân nhà nông cũng là sáng kiến của Bình Điền cùng lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Chúng tôi cũng đồng thời là nhà tổ chức và là nhà tài trợ chính chương trình này suốt 10 năm qua.
Bình Điền cũng là doanh nghiệp có Hội đồng cố vấn khoa học từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, gồm những nhà khoa học hàng đầu về đất, phân bón, môi trường… do GS.TS Mai Văn Quyền, nguyên viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam làm chủ tịch. Hội đồng đã kết hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học và bà con nông dân sản xuất giỏi ở các địa phương, tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm… Từ đó,công ty kịp thời đưa ra quyết định sản xuất những dòng sản phẩm tối ưu, chuyên biệt, đi trước một bước về tính năng, chất lượng so với các sản phẩm đang có trên thị trường.
Dân Việt: Nếu có thể tóm gọn trong ba "gạch đầu dòng", theo ông thì những yếu tố nào làm nên vị thế của một Bình Điền trên thị trường, trong ngành phân bón?
Ông Ngô Văn Đông: Thứ nhất, ưu thế của Bình Điền là bề dày thương hiệu trong suốt mấy chục năm hình thành, phát triển đã luôn đi theo hướng gắn kết với bà con nông dân và nền nông nghiệp.
Thứ hai, là trong quá trình hàng chục năm đó, Bình Điền luôn mang đến sự tin cậy và hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Cuối cùng, Bình Điền đã, đang và sẽ luôn cố gắng để tìm kiếm những giải pháp mới và luôn làm mới để đáp ứng được với sự thay đổi của sản xuất nông nghiệp và đáp ứng được yêu cầu của nhà nông.
Dân Việt: Việc chuẩn bị đội ngũ kế thừa luôn là điều khó khăn với nhiều doanh nghiệp, từ kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ về công tác này tại Bình Điền?
Ông Ngô Văn Đông: Đúng, doanh nghiệp nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho đội ngũ kế thừa. Chúng tôi cũng thế. Đây cũng là yêu cầu và quy định từ phía Đảng ủy công ty, phải sẵn sàng cho quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực, nguồn nhân lực cho những năm kế tiếp là giai đoạn đến năm 2030.
Với yêu cầu đó, ban lãnh đạo Bình Điền cũng luôn tâm sự với những nhân lực được sẵn sàng cho quy hoạch, phải hướng anh em chuẩn bị về mặt tâm thế, phải tổng hòa nhiều yếu tố cả ở trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh, không những hiểu về thị trường, hiểu về đối tác mà đặc biệt phải quan tâm hơn đối với những người lao động… Nếu như mình không dung hòa, không hài hòa, không nắm được thì lãnh đạo rất là khó. Đấy là cái kinh nghiệm thứ nhất.
Thứ hai, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, những gì mang tính xu thế thì đội ngũ phải chuẩn bị để đầu tư học tập. Nếu như anh em không bắt đầu từ bây giờ thì đến lúc tiếp nhận vai trò lãnh đạo thì sẽ bị lỗi thời. Rất may, ban lãnh đạo cũng rất ủng hộ anh em học tập và trên thực tế anh em nào có những tư duy sáng tạo đề nghị, chúng tôi đều đồng ý để triển khai ngay. Tất nhiên, trong quá trình này thì chúng tôi cũng theo dõi, tổng hợp thêm nhiều yếu tố để giúp anh em trẻ thêm hoàn thiện, đủ sức, đủ phẩm chất, đủ điều kiện để tiếp nhận khi bước vào giai đoạn chuyển giao.
Dân Việt: Nếu cũng là ba cái "gạch đầu dòng" thôi, thông điệp của ông đối với người trẻ để đáp ứng điều kiện "cần và đủ" khi tiếp nhận những vị trí quan trọng, chủ chốt tại Bình Điền trong tương lai?
Ông Ngô Văn Đông:Thứ nhất là phải có trình độ. Thứ hai là thái độ làm việc và cái thứ ba là kỹ năng làm việc tốt. Qua ba cái điều kiện này thì mới tạo nên được cái năng lực và chỉ có như thế thì mới đủ sức tiếp nhận vai trò lãnh đạo và hoàn thành được những việc lớn, nhất là sứ mệnh luôn gắn kết, đồng hành với nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà Bình Điền theo đuổi hàng chục năm nay!
Xin cảm ơn ông và chúc ông cùng Bình Điền tiếp tục gặt hái thành công trên chặng đường đồng hành cùng nông dân!
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tong-giam-doc-binh-dien-ngo-van-dong-dat-cho-minh-su-menh-dong-hanh-va-chia-se-voi-nong-dan-a9163.html