Mạng xã hội Twitter hiện tại chỉ có giá tương đương 33% con số Elon Musk chi ra để mua

Về tay tỷ phú Elon Musk được xem là một trong những bước ngoặt lớn đối với Twitter kể từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên ngày 29/5 báo cáo của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Fidelity (Mỹ) ước tính Twitter hiện tại chỉ có giá tương đương 33% con số Elon Musk chi ra để mua mạng xã hội này.

Theo Bloomberg, Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Fidelity (Mỹ) lần đầu hạ giá số cổ phần của họ trong Twitter vào tháng 11/2022, xuống còn 44% giá mua. Sau đó, họ tiếp tục điều chỉnh giảm trong tháng 12 và tháng 1/2023. Hiện chưa rõ Fidelity tính toán giá trị mới của Twitter bằng cách nào, hoặc họ có nhận được thông tin không công khai nào về tình hình Twitter hay không.

Dựa trên động thái của Fidelity, Bloomberg Billionaires Index ước tính giá trị Twitter hiện chỉ còn bằng 33% giá Elon Musk mua trước đây. Theo Bloomberg, cổ phần của Elon Musk trong mạng xã hội này hiện có giá khoảng 8,8 tỷ USD. Musk đã bỏ ra hơn 25 tỷ USD để mua 79% cổ phần Twitter năm ngoái.

elon-musk-twitter-1685500027.jpg
CEO Tesla đã hoàn tất thương vụ thâu tóm công ty truyền thông xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng 11/2022.

Theo CNBC, một thập kỷ trước, Twitter đứng trước tương lai tươi sáng. Công ty đã được hưởng lợi từ việc rót vốn vào mạng xã hội. Đến năm 2013, công ty IPO và thu về 1,8 tỷ USD.

Từ tháng 11 năm ngoái, Twitter đã về tay tỷ phú Elon Musk - người giàu nhất thế giới và là một trong những người có nhiều phát ngôn gây tranh cãi trên Twitter.

Twitter vốn là một nền tảng quen thuộc để mọi người tranh luận về nhiều vấn đề như: chính trị, thể thao, công nghệ, tài chính... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Twitter và các mạng xã hội khác như Facebook là trung tâm của cuộc tranh cãi về việc phát tán tin tức giả và thông tin sai lệch.

Về tay Elon Musk là một trong những bước ngoặt lớn đối với Twitter. Dưới đây là lịch sử ngắn gọn về sự phát triển của Twitter - một trong những công ty mang tính biểu tượng nhất bước ra từ Thung lũng Silicon trong 20 năm qua.

Năm 2006

Vào tháng 3, Jack Dorsey, Noah Glass, Biz Stone và Evan Williams đã tạo ra Twitter. Ban đầu, đây là một dự án phụ bắt nguồn từ công cụ podcasting là Odeo. Tại thời điểm đó, Jack Dorsey viết dòng Tweet đầu tiên có nội dung “just setting up my twttr” (hãy thiết lập twttr của tôi).

Năm 2007

Vào tháng 7, Twitter đã nhận được một vòng gọi vốn Series A trị giá 100.000 USD do Union Square Ventures dẫn đầu. Mức độ phổ biến của Twitter bắt đầu bùng nổ sau khi được giới công nghệ quảng bá rầm rộ trong hội nghị South by Southwest hàng năm.

hanh-trinh-hon-mot-thap-ky-phat-trien-cua-twitter-truoc-khi-ve-tay-ty-phu-elon-musk-1667194209.PNG

Ảnh: Sheldon Cooper | Lightrocket | Getty Images

Năm 2008

Jack Dorsey từ chức CEO vào tháng 10 và vị trí này do Williams đảm nhiệm. Theo cuốn sách “Hatching Twitter” của nhà báo Nick Bilton, hội đồng quản trị của Twitter đã sa thải Dorsey vì lo ngại về phong cách quản lý và những lời khoe khoang của ông trước công chúng.

Năm 2009

Sự nổi tiếng của Twitter tiếp tục bùng nổ, nhờ đó mà Williams xuất hiện trong buổi Talkshow của Oprah Winfrey cùng với Ashton Kutcher. Kutcher cũng đã viết về Williams và Stone trong số 100 của Tạp chí Time.

Năm 2010

Twitter đã vươn ra ngoài không gian với sự kiện phi hành gia Timothy Creamer của NASA gửi dòng tweet đầu tiên trực tiếp từ ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, đằng sau đó là những biến động về nhân sự cấp cao với việc Williams từ chức CEO và vị trí này được thay thế bởi Dick Costolo.

Năm 2011

Twitter đã trở thành một công cụ truyền thông xã hội thiết yếu được sử dụng trong chiến dịch Mùa xuân Ả Rập, làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Ai Cập, Libya và Tunisia.

Năm 2012

Số lượng người dùng của Twitter đã chạm mốc hơn 200 triệu người. Cựu Tổng thống Barack Obama đã sử dụng nền tảng này để tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. Theo hồ sơ của công ty, dòng tweet trên đã có khoảng 25 triệu lượt xem trên Twitter và được phân bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông báo chí và truyền hình.

Năm 2013

Twitter được IPO vào tháng 11. Tổng tài sản của Williams, Dorsey và Costolo đạt khoảng 4 tỷ USD.

Chia sẻ với CNBC vào thời điểm đó, Costolo cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một loạt các suy nghĩ và chiến lược để nâng cao tăng trưởng của Twitter. Tôi sẽ xem xét một số chiến thuật, trong số đó là các chiến lược với quy mô lớn để thực hiện thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức về Twitter và sự tương tác sâu sắc của nền tảng này”.

Năm 2014

Tăng trưởng người dùng chậm lại dẫn đến một số đợt giảm cổ phiếu. Twitter cũng coi năm 2014 là năm của “tự nhìn lại bản thân”.

Năm 2015

So với các đối thủ như Google, Facebook và thậm chí cả LinkedIn, Twitter bắt đầu giống như một mớ hỗn độn. Twitter vẫn không có lãi khi hoạt động kinh doanh quảng cáo phải cạnh tranh gay gắt trước các đối thủ lớn hơn. Tại thời điểm này, Dorsey đã trở lại với tư cách là CEO của công ty.

Năm 2016

Tin đồn bắt đầu lan truyền rằng Twitter đang được mua lại với Salesforce là một đối tác tiềm năng. Tiếp đó, Twitter và Facebook đã bị chỉ trích vì vai trò của họ trong việc để những người dùng nổi tiếng như Cựu Tổng thống Donald Trump phát tán thông tin sai lệch.

Năm 2017

Twitter dường như có những bước phát triển theo hướng tích cực. Cổ phiếu của công ty cuối cùng cũng có xu hướng tăng do tài chính của công ty đang được cải thiện. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục sử dụng Twitter như công cụ truyền thông của mình. Theo dữ liệu riêng của Twitter, Trump là nhà lãnh đạo toàn cầu được tweet nhiều nhất ở Mỹ và trên thế giới vào năm đó, CNBC đưa tin.

Năm 2018

Dorsey và CEO của Facebook khi đó là Sheryl Sandberg đã làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về cáo buộc can thiệp của những người có liên hệ với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Trump và các thành viên đảng Cộng hòa ngày càng chỉ trích về những cáo buộc thiên vị chính trị bởi Twitter và các trang mạng xã hội khác.

“Trên thực tế, từ một quan điểm kinh doanh đơn giản hay một cuộc trò chuyện công khai, Twitter luôn khuyến khích mọi người bày tỏ quan điểm trên nền tảng này,” Dorsey cho biết vào thời điểm đó.

Năm 2019

Các nhà phân tích nhận thấy mối tương quan giữa việc ông Trump sử dụng Twitter một cách “ngông cuồng”. Trump đã gặp Jack Dorsey - một người phát ngôn của Twitter cho biết: "Jack Dorsey đã có một cuộc gặp mang tính xây dựng với ông Trump. Họ đã thảo luận về cam kết của Twitter trong việc bảo vệ tính lành mạnh của cuộc trò chuyện công khai trước cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ và những nỗ lực đang được tiến hành để ứng phó với cuộc khủng hoảng liên quan tới thuốc giảm đau opioid”.

Năm 2020

Khi Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, sự lan truyền của thông tin sai lệch đã thống trị các cuộc trò chuyện online. Twitter tiếp tục đấu tranh để phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Twitter cũng bị hack vào năm đó và những kẻ gian đã có quyền truy cập vào hơn 10 tài khoản nổi tiếng, bao gồm cả những tài khoản do Joe Biden, Jeff Bezos và Musk kiểm soát.

Năm 2021

Twitter đã cấm ông Trump vĩnh viễn về những bình luận mang tính kích động mà ông đưa ra trong cuộc bạo động ở Điện Capitol Mỹ vào tháng 1. Ông Trump cáo buộc rằng các nhân viên Twitter đã xóa tài khoản của ông khỏi nền tảng của họ. Sau đó, Dorsey bất ngờ từ chức CEO và vị trí này được thay thế bởi Parag Agrawal, Giám đốc công nghệ của công ty.

Năm 2022

Elon Musk tiếp quản Twitter sau một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài. Vào tháng 4, Elon Musk đã đồng ý trả 44 tỷ USD cho thương vụ mua lại Twitter, nhưng sau đó lại từ bỏ thỏa thuận. Tuy nhiên, vị tỷ phú này tiếp tục đổi ý và chính thức mua lại Twitter. Ngay sau lên nắm quyền, Elon Musk lập tức bắt đầu sa thải nhân sự cấp cao là CEO Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal và người đứng đầu bộ phận pháp lý Vijaya Gadde.

Lam Lam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hanh-trinh-hon-mot-thap-ky-phat-trien-cua-twitter-truoc-khi-ve-tay-ty-phu-elon-musk-a9158.html