Tại hội nghị thường niên 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng đã ký thỏa thuận hợp tác với WEF về dự án nghiên cứu chính sách về các giải pháp tài chính mobile (mobile money).
Tài chính mobile, theo định nghĩa của Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA), là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động, bao gồm các hoạt động chi trả, chuyển tiền qua mạng, chuyển tiền giữa các thuê bao hay các khoản vay, tín dụng nhỏ... Hiện ở Việt Nam một trong những dịch vụ mobile money mạnh nhất là thanh toán di động, thường được gọi là ví điện tử với nhiều doanh nghiệp như MoMo, Moca, Zalopay, Timo,...
Thỏa thuận vừa ký kết là bước đi mới, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và tài chính toàn diện (financial inclusion) tại Việt Nam. Mục tiêu đề ra cho đến năm 2020, tỉ trọng thanh toán bằng tiền mặt sẽ xuống dưới 10%.
Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ, sau báo cáo trình bày của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông giữa tháng 1.2019.
Viettel và VNPT là hai tập đoàn viễn thông sở hữu cổng thanh toán điện tử (Viettel Pay và VNPT Pay). Năm ngoái, hai doanh nghiệp này cũng xin phép cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, lĩnh vực hiện chỉ có CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) là công ty duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thực hiện.
Thỏa thuận trên được ký kết cùng với một thỏa thuận khác về thành lập Trung tâm liên kết về Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, trong định hướng chung mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị WEF năm nay: "Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hướng ra của nền kinh tế Việt Nam".
"Đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế" là một trong 4 cơ sở chính mà theo Thủ tướng, sẽ giúp cho "Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững vào bao trùm".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi đối thoại với Chủ tịch WEF, Borge Brende: "Đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam chủ động đón bắt và phát huy, nâng cao năng suất lao động. Không chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ, mà chính khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hướng ra của nền kinh tế Việt Nam".
tamvu
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/viet-nam-thuc-day-phat-trien-tai-chinh-mobile-a91.html