Ngành Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu

Trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh công bằng thuế (VATJ), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức công bố kết quả nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam”.

Ngành dầu khí hiện đang đối mặt với những rủi ro trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đòi hỏi những chính sách và chiến lược có tầm nhìn lâu dài. Trong khi đó, các quy định pháp lý hiện tại chưa được điều chỉnh kịp thời để ứng phó với các vấn đề phát sinh, việc sửa đổi Luật Dầu khí được đánh giá là đúng đắn nhưng chưa đầy đủ, cần bổ sung các mục tiêu mang tính chiến lược và phát triển bền vững ngành dầu khí đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng. 

z3812371574185-0c1f2787b43c3b8f8aaf1329f369ea6c-1666174765.jpg

ThS. Phạm Văn Long – Phó Giám đốc đại diện VESS công bố kết quả nghiên cứu.

Nghiên cứu của VESS đã phân tích các động lực hiện nay dẫn tới xu hướng chuyển dịch trên thế giới, bao gồm các cơ hội và thách thức của chuyển dịch năng lượng đối với các ngành và thị trường lao động hiện hữu, trên cơ sở đó để phân tích xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Qua đó, VESS nhìn nhận, đánh giá những cơ hội và thách thức hiện nay đối với ngành dầu khí của Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.

Theo đánh giá của VESS, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới. Các động lực dẫn tới chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam xoay quanh hai vấn đề chính là môi trường và kinh tế xã hội. Tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa trong vòng 30 năm qua tại Việt Nam dựa nhiều vào nguồn năng lượng than và dầu đã tạo ra một lượng khí thải nhà kính, đây là một trong các tác nhân gây ra biến đổi khí hậu. Dẫn tới các ngành năng lượng như ngành điện và ngành giao thông vận tải có xu hướng thay đổi nhiều nhất để đáp việc giảm thải khí nhà kính. Và ngành dầu khí, với chức năng cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các ngành trên cũng đang đối mặt với các cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.

daukhi-1666174764.jpg

Ngành dầu khí Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức (Ảnh minh họa).

Nhìn vào tình hình thực tế, ngành dầu khí đang đứng trước nhiều khó khăn khi mà phần lớn các mỏ dầu khí đã phát hiện được đều là mỏ cận biên. Hơn nữa, với tốc độ khai thác như hiện nay thì chỉ trong vòng vài chục năm nữa, các mỏ dầu, khí đang khai thác sẽ cạn kiệt. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát hiện, thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí mới đã và đang được đẩy mạnh. Dự thảo Luật Dầu khí sắp tới được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy cho quá trình đầu tư, tìm kiếm, phát hiện, thăm dò và khai thác các mỏ dầu, khí mới diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của VESS cũng chỉ ra một số bất cập.

Thứ nhất, Luật Dầu khí mới chỉ quy định các hoạt động ở khâu thượng nguồn, mà không quy định các hoạt động trung và thượng nguồn. Việc này sẽ gây ra hiện tượng xung đột, chồng chéo trong quá trình quản lý chuỗi giá trị dầu khí.

bba77097d9c566f9bf3dd6c295093332-1666174764.jpg

Luật Dầu khí (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy cho quá trình thăm dò và khai thác các mỏ dầu, khí mới. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong dự thảo Luật (Ảnh minh họa).

Thứ hai, việc đẩy mạng ưu đãi thuế không chắc đã giúp cải thiện thu hút đầu tư vào các dự án dầu khí. Thứ ba, chưa có quy định pháp luật về các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với các nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ khiến cho việc giải quyết tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Thứ tư, chưa có các hướng dẫn cụ thể cho việc điều tra, thăm dò và khai thác các loại dầu khí phi truyền thống.

Kết luận bài báo cáo của mình, ThS. Phạm Văn Long nhấn mạnh: Đối với Việt Nam trong giai đoạn này, điện khí vẫn là nhân tố quan trọng giúp thay thế dần các nguồn nhiệt điện than và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Do đó, thay vì duy trì sản lượng hiện nay như Quy hoạch Điện VIII đề xuất thì Việt Nam cần phải tăng cường khai thác các mỏ khí đốt tiềm năng của mình.

Cho ý kiến về bản Nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi – Chuyên gia về Kinh tế năng lượng đánh giá: Ý tưởng nghiên cứu của VESS rất hay, lựa chọn chính sách cho ngành dầu khí là lựa chọn mang tính phạm vi cụ thể, là đề tài đang có sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế nhỏ như nhóm nghiên cứu chưa đưa ra được kịch bản định lượng nào là khả thi, xu hướng dịch chuyển nào khả quan nhất đối với tình hình hiện nay. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới bài toán về giá năng lượng, về xuất khẩu, nhập khẩu năng lượng của nước ta, từ đó đưa ra hàm ý chính sách cụ thể. Xét về mặt ý tưởng đã hay nhưng triển khai thì chưa được chặt chẽ.

z3812005817554-d944fd65e7c142a7e4bc590ee881e8b1-1666174765.jpg

PGS.TS Bùi Xuân Hồi – Chuyên gia về Kinh tế năng lượng cho ý kiến về đề tài nghiên cứu của VESS.

Nhận định của TS. Lê Minh Thống -  Phó Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội cho rằng: Nghiên cứu cần phân tích sâu hơn về tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành dầu khí vì đây là ngành siêu nhuận, siêu kỹ thuật đòi hỏi chất lượng lao động cao về trình độ và chuyên môn.

z3812005816698-5fc9ef55351184a510075cf25138fb9f-1666174765.jpg

TS. Lê Minh Thống - Phó Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội đánh giá nghiên cứu.

Nghiên cứu mới đề cập vấn đề thượng nguồn như thu hút vốn, thăm dò, đầu tư khai thác mà chưa nhắc tới vấn đề trung nguồn, hạ nguồn để đưa ra hàm ý chính sách sâu sắc hơn. Nghiên cứu mới là một tiếng chuông ban đầu, là cái nhìn sơ bộ nên cần thêm những nghiên cứu tập trung, đi vào cụ thể hơn để thêm tính chặt chẽ cho đề tài đưa ra.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nganh-dau-khi-viet-nam-trong-boi-canh-chuyen-dich-nang-luong-tren-toan-cau-a9045.html