Việt Nam đã trở thành nền kinh tế mở nhất trên thế giới, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Giá trị trao đổi thương mại quốc tế của Việt Nam đạt giá trị gấp đôi GDP từ năm 2017.
Thương mại quốc tế, động lực tăng trưởng nhiều năm qua của kinh tế Việt Nam, đứng trước thách thức khi xung đột thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc làm thay đổi giá thành và xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ Davos, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Những cuộc va chạm thương mại làm ảnh hưởng tất cả các nước chúng ta. Và đây là nguy cơ lâu dài".
Bất chấp thách thức trên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, với nhiều hiệp định thương mại tự do.
"Việt Nam ủng hộ thương mại tự do đa phương và biết nhìn nhận những va chạm thương mại ấy để làm sao tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển tốt nhất, hiệu quả nhất để không sụt giảm đà tăng trưởng mà mục tiêu chúng tôi đã đề ra".
Cho đến trước khi diễn đàn Davos 2019 diễn ra, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng vừa chính thức đi vào hiệu lực từ tháng 1.2019.
Bên lề diễn đàn của WEF năm nay, Thủ tướng tiếp tục đề nghị thúc đẩy để Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký, phê chuẩn trong quý I.2019, thông qua các buổi tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp của châu Âu.
Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững vào bao trùm", dựa trên 4 cơ sở bao gồm: ổn định kinh tế - xã hội, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng thể chế pháp luật tốt hơn và tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực.
Bên cạnh hội nghị chính, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với nhiều lãnh đạo cao cấp và đại diện các tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Google, Facebook, Prudential, Total, Siemens, AB Inbev, Procter & Gamble, Adidas, Facebook, Sanofi,...
Minh Tâm