Đóng cửa lò cao, cho nhân viên nghỉ việc - Thời hoàng kim của 'ông trùm' thép một thời Pomina đã hết?

Bất chấp việc dừng lò cao sẽ khiến cho tuổi thọ lò cao ảnh hưởng, tốn kém chi phí để hạ liệu dừng lò, chi phí tốn kém để khởi động lại lò trong tương lai khi quay lại sản xuất nhưng Pomina vẫn đưa ra quyết định đầy khó khăn này.

Công ty cổ phần Pomina (POM) vừa có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số cán bộ công nhân viên do tạm dừng hoạt động sản xuất của lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022.

Nguyên nhân đưa ra là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh. Cùng với đó, hậu quả của dịch bệnh chưa được khắc phục, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp.

Trong tình cảnh suy thoái kinh tế đang diễn trên toàn cầu với mức độ trầm trọng, Nhà máy phải gồng mình chống chọi với khủng hoảng và suy thoái kinh tế nên phải tạm dừng hoạt động.

Việc dừng hoạt động của lò cao là quyết định rất hạn hữu đối với các nhà sản xuất thép. Nguyên nhân là do tốn kém chi phí để hạ liệu dừng lò, đồng thời gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị, cũng như chi phí tốn kém để khởi động lại lò trong tương lai khi quay lại sản xuất. Tuy nhiên, phía POM không thể hoạt động sản xuất trước tình hình khó khăn trên nên dù biết ảnh hưởng không tốt công ty vẫn cho quyết định dừng lò cao.

Được thành lập vào năm 1999, Pomina là một chuỗi ba nhà máy luyện phối và cán thép xây dựng với tổng công suất mỗi năm là 1,1 triệu tấn thép xây dựng và 1,5 triệu tấn phôi. Hiện nay, Pomina là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại khu vực phía Nam.

Pomina có 1 công ty con trực tiếp là Công ty cổ phần Thép Pomina 2 tại Khu công nghiệp Phú Mỹ sản xuất sắt, thép, gang và Công ty TNHH Tôn Pomina sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu và ống thép màu.

Dự án lò cao của Pomina đầu tư vào năm 2019 đến cuối 2020 đi vào hoạt động. Theo thông tin từ POM, hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao (BF) và lò điện công nghệ Consteel sản xuất từ quặng có công suất hệ thống lên đến 1 triệu tấn sản phẩm thép được luyện từ quặng, sạch tạp chất. Đến tháng 3/2021, lò cao đã chạy 80 - 90% công suất.

Công nghệ sản xuất của Pomina hoạt động khép kín và đồng bộ từ thượng nguồn sử dụng nguyên liệu thô tới hạ nguồn tạo ra thép thành phẩm. Gang lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng từ lò cao sẽ được chuyển sang lò điện EAF. POM nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu luyện phôi. Công suất lò cao của POM bằng một nửa công suất lò cao tại Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Theo báo cáo kinh doanh quý 2, POM ghi nhận doanh thu dạt 2.249,8 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty từ 49,7 tỷ đồng đã giảm mạnh xuống chỉ còn 16,6 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng tăng 8,4% lên 2.187,5 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của công ty cũng tăng 140% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý ghi nhận mức 18,5 tỷ đồng. Tổng chung, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý 2 là -63,6 tỷ đồng, giảm 162,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong Báo cáo tài chính cho hoạt động 6 tháng đầu năm, POM ghi nhận doanh thu lũy kế là 8.125,5 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận -23,1 tỷ đồng.

POM có hơn 3 tỷ tiền mặt và gần 412 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng và được hưởng lãi suất từ 3 - 3,25%/năm của công ty là 136 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng để đảm bảo cho các hợp đồng phát hành tư tín dụng theo hạn mức.

Chi phí xây dựng dở dạng của công ty ghi nhận trong 6 tháng đầu năm là hơn 3.472 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 3.136 tỷ đồng ghi nhận hồi cuối năm ngoái. Trong đó, chi phí xây dựng dự án lò cao là 3.467 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang chủ yếu bao gồm các các chi phí xây dựng trực tiếp, chi phí đi vay được văn hóa và các chi phí khác liên quan đến việc xây dựng Dự án Lô Cao, Đầu tư Xây dựng nhà máy Luyện Phôi Thép Công suất 1 triệu tấn năm' tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong kỳ, nhóm công ty đã vốn hóa chi phí đi vay với giá trị gần 34 tỷ đồng. Các khoản chi phí đi vay này liên quan đến các khoản vay trực tiếp cho mục đích đầu tư và xây dụng Dự án Lò Cao. Tại ngày 30/6/2022, giá trị hình thành từ các dự án xây dựng cơ bản dở dang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng thương mại.

Tính tới hết ngày 30/6/2022, ghi nhận tổng tài sản của Thép Pomia đạt 16.279,9 tỷ đồng, tăng 7,2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó vốn chủ sở hữu chiếm tỷ lệ rất nhỏ và không biến động nhiều trong kỳ kinh doanh, chỉ ở mức 3.669,8 tỷ đồng, tương ứng chỉ 22,5% tổng tài sản. Nợ phải trả chiếm tới 77,5% trong cơ cấu tài sản của Thép Pomia, ghi nhận ở mức 12.600 tỷ đồng, tăng 11,67% so với thời điểm đầu năm. Phần tăng chủ yếu nằm ở nợ ngắn hạn.

Pha Lê

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dong-cua-lo-cao-cho-nhan-vien-nghi-viec-thoi-hoang-kim-cua-ong-trum-thep-mot-thoi-pomina-da-het-a8983.html